Xôi Phú Thượng ở một góc nhỏ Hà thành
07:55' 18/01/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Mỗi sớm ở Hà Nội, biết bao thứ quà sáng được bày ra, từ phở, bún, miến các loại đến bánh trái, thức uống. Nhưng có một thứ  mà ai cũng nhớ, và chỉ ở Hà Nội mới ngon, đó là xôi.

Tiếng rao của chị hàng xôi bán dạo hay ngồi một góc vỉa hè đều đi vào tâm khảm nhiều thế hệ người Hà Nội. Và hương vị thơm ngon từ xôi sáng lại quyến rũ người ta từ những nét bình dị nhất. Ngẫu nhiên tôi được theo chân một người bạn qua phố Phương Mai, và ngẫu nhiên tôi biết đến một hàng xôi, lại là xôi gốc của làng xôi Phú Thượng...

Chuyện gánh xôi vỉa hè

Bà Đoan bận rộn với gánh xôi sáng

Hơn 10 năm nay, bà Đoan gắn với gánh xôi sớm trên vỉa hè cuối phố Tương Mai (Hà Nội). "Người ta xóa bỏ bao cấp, còn bà lại bắt xếp hàng như thời bao cấp...", bà con thường nói vui như vậy mỗi khi gánh xôi của bà đông quá, bán không xuể, ai đến cũng phải xếp hàng mới tới lượt mua...

Đi làm sớm, nghỉ hưu sớm, bà trăn trở trước khó khăn chung của gia đình, muốn làm thêm cái gì mà chưa nghĩ ra. Bản chất nhu mì của người phụ nữ  làng Phú Thượng khiến bà e ngại trước thương trường. Nhưng lương giáo viên của ông không đủ sống, còn phải nuôi con ăn học, thế là bất chấp bệnh tim rình rập, bà quyết làm một việc gì đó. Thấy người ta mở quán, bà về thỏ thẻ với chồng mở quán thịt chó. Ông chiều bà, cùng phụ một tay. Quán mở ra đông bất ngờ, bà vui lắm. Làm ăn bận rộn quên cả mệt nhọc. Nhưng một hôm bà lại thỏ thẻ với chồng...xin thôi bán quán. "Sao thế?". "Tôi thấy nó làm sao ấy ông ạ. Khách ăn món này nhiều người khiếm nhã. Ăn thì phải uống. Uống vào nói to như cãi nhau. Nóng lên cởi trần ra mà nhậu...Tôi ngại quá...!". Ông đồng ý dẹp quán. Bàn nhau: chỉ có bán trái cây là thanh sạch nhất. Thế là hàng ngày ông chở bà ra nơi bán sỉ trái cây để mua về bán lẻ gần nhà. Nhưng rồi trái hỏng trái hư, hàng ngon hàng dở, rồi cảnh cãi vã xô đẩy giành hàng nơi mua sỉ khiến bà ngao ngán. Lại thôi.

Một hôm, bà dè dặt bàn với ông việc bán xôi. Ông bật nhớ: "Đúng rồi, Phú Thượng là làng xôi truyền thống, tại sao không nhỉ...". Bà là người làng Phú Thượng (tên gọi xưa là Kẻ Gạ, nay thuộc quận Tây Hồ) – một làng nổi tiếng về nghề đồ xôi: “Làng Gạ có gốc cây đề - Có sông tắm mát có nghề bán xôi”. Làng Phú Thượng có hẳn một chợ chuyên bán các nguyên phụ liệu phục vụ nấu xôi như nếp, đỗ, lạc, vừng, lá sen… Bà cũng nghiệm ra rằng không nghề gì mình thạo tay bằng nghề “cha truyền con nối” của làng mình. Và gánh xôi vỉa hè của bà ra đời từ đó.

Lúc đầu, bà chỉ nấu 2-3kg gạo, chia thành mấy loại xôi vừng, xôi đỗ, xôi lạc, xôi ruốc...bưng ra hè phố vào sáng sớm. Trẻ con đi học sớm, người lớn đi tập thể dục, đánh cầu lông về ghé vào mua. Khi tấm lá sen tròn trịa mở ra, mùi xôi thơm phức hòa trong hương sen bốc lên ngào ngạt, quyến rũ, hạt nào hạt nấy no tròn, bóng láng, dẻo thơm lạ kỳ khiến người ta lại tìm đến nó vào hôm sau. Cứ thế, như có lực hút vô hình, ngày càng nhiều người tìm đến gánh xôi của bà. Lâu dần thành chuyện tất nhiên, khó ai thay thế được.

Công phu của những gói xôi

Lúa nếp non

Bây giờ thì không phải là 2-3 kg gạo mỗi sáng, mà là 25-35kg, thế mới đủ bán. 3 giờ sáng, ông bà trở dậy, nổi lửa với 3 chiếc chõ đồ xôi chế tác từ 3 chiếc nồi quân dụng lớn. 6 giờ, hai bố con phụ bà khiêng từ lầu 4 của chung cư xuống phố, bắt đầu "vũ điệu của hai bàn tay". Mỗi sáng ông phải gói cho bà đến gần 300 gói xôi. 1000đ, 2000đ, thậm chí 500đ và 5000đ, loại nào ông bà cũng phục vụ. Xôi được đặt vào một miếng lá sen, kế đến là một lớp giấy, gói lại bằng dây thun, rồi cho vào bịch ni-lông cẩn thận đưa cho khách. Ăn ngay cũng được, mà để quên tới chiều ăn vẫn dẻo thơm.

Hỏi bà bí quyết, bà chỉ cười. Không phải giấu nghề nhưng tính bà ngại nói. Giống như hồi đầu đi bán xôi, cả hai ông bà cứ thấy nó làm sao... Ông bưng xuống giúp bà rồi bỏ sang bên kia đường ngồi uống nước vì...ngại. Bà giận. Nhưng rồi chính khách hàng xóa đi cảm giác ấy ở ông bà. Vui chuyện, bà mới nói, xôi Phú Thượng có những yêu cầu khắt khe phải tuân thủ mới có miếng xôi ngon. Gạo nếp cái hoa vàng, vừng, đậu, lạc, lá...tất cả đều mua ở chợ Phú Thượng, nơi cung cấp nguyên liệu cho nghề xôi, tất cả đều đắt hơn nơi khác một hai giá. Gạo phải ngâm từ 15 đến 20 giờ tùy theo loại. Ngâm chừng vài tiếng phải mang ra đãi sạch, lại ngâm tiếp. Trước khi nấu lại rửa gạo cho sạch một lần nữa. Lửa phải to, hơi phải nhiều. Nấu chín hạt gạo phải bóng và no tròn như bôi dầu mỡ. Xôi nấu xong dỡ ra thúng, dưới lót bọc mút, trên đậy vỉ cói, cứ nóng, cứ thơm mà không bị hấp hơi nước bao giờ.

Gánh xôi vỉa hè của bà vô tình làm sống lại một đặc sản làng nghề mà người Hà Nội không dễ gì được thưởng thức. Bà trung thành đến từng chi thiết nhỏ nhất của nghề nấu xôi làng mình, và trân trọng gửi nó đến người ăn. Khách hàng không hình dung nếu bà không bán nữa, họ sẽ ăn gì, vì hương vị của món ăn sáng này khó quên được. Nhiều hôm đông quá, khách giận bỏ về, mấy ngày không ăn, nhưng chịu không nổi lại đến. Nhiều đứa trẻ nhất định không ăn gói xôi mà mẹ nó mua ở chỗ khác, bởi đông người bà mẹ ngại chờ, phải mua hàng khác. Ông bà mười năm nay cũng quen mặt khách, hôm nay mua nhiều hơn hay ít hơn, ai hay ăn xôi gì...Mối quan hệ mật thiết giữa gánh xôi của ông bà với bà con như thành một nét thân quen, đầy thương mến. Nhiều người đã qua xứ người sinh sống, có ai về cũng vẫn dặn nhớ mua xôi Phú Thượng nhà ông bà mang qua...

"Bật mí" vui

Xôi gấc ngày Tết cho khách cúng gia tiên

Nghề xôi của bà, nhưng khách quen gọi là "xôi ông Ti-vi". Bà cũng bảo: "Không có ông ấy nhà tôi thì tôi chả làm được". Ông thì bảo: "Tôi có kinh nghiệm, chứ có nấu bao giờ. Nhiều hôm khách đông, bà ấy bảo tôi nấu thêm, tôi phải hỏi nhỏ rằng nấu làm sao... Xôi là nghề của bà ấy!". Chả là ông nay đã nổi danh. Nhà giáo, chuyên gia nấu ăn, "vua bếp" Lê Đình Cộng là ông đấy. Ông dạy nấu ăn trên truyền hình, bà con quen mặt gọi là "ông Ti-vi". Ông cứ mê mải với nghề nấu nướng, với nghề dạy học, gánh xôi của bà cũng thơm lây, càng đông hơn. Đang gói xôi cho bà, điện thoại cầm tay réo, mấy anh truyền hình hẹn giờ lên lớp trên Ti-vi, ông vội bắt máy nghe. Nhiều người không biết, bấng quơ: "Gớm, bán xôi mà cũng sắm điện thoại di động...", ông làm như không nghe thấy, cũng hơi ngại!

Gần Tết, đi công tác đâu xa, ông cũng cố về, vì mấy ngày này bà  đông khách. Mỗi ngày nấu đến 70-80kg gạo, cũng như ngày rằm ngày lễ. Xôi được đóng khuôn, làm oản cho cúng tế. Bà hoàn toàn hài lòng với nghề này, chẳng còn ngại ngùng áy náy. Ngày cũng gom góp được ngót trăm ngàn, lo cho con ăn học, thế là vui rồi. Cuộc sống gia đình bà thanh thản hơn.

Chú ý một chút, dẻo thơm trong từng gói xôi nhà bà Đoan là sự kết hợp tinh tế giữa chuẩn làng nghề và chuẩn trong yêu cầu nấu nướng của ông. Bởi thế, dù chỉ là từng gói xôi bán trên vỉa hè, ông bà vẫn giữ được quan điểm: ngon, sạch, trân trọng người ăn, như ông vẫn dạy cho các thế hệ học trò đứng bếp.

  • Túc Hạnh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Có một Tết lạ ở Đầm Sen (18/01/2004)
Đón Tết tại khách sạn: vui như ở nhà (17/01/2004)
TP.HCM: Đi đâu nghe nhạc ngày Tết? (16/01/2004)
Bánh đúc miền quê (16/01/2004)
Bạn muốn khám phá nền văn hóa Pháp? (16/01/2004)
Lê Hiếu và album mới: Bình yên (16/01/2004)
Chè sen xứ Huế (16/01/2004)
Đặc sản vịt xứ Lạng (16/01/2004)
Ẩm thực Chợ Lớn (16/01/2004)
Tóc đuôi gà - sách mới của NXB Kim Đồng (16/01/2004)
Cẩm Ly Vol 5: Có những chiều em đến (16/01/2004)
P.N Thường Đoan - người miệt mài "Đếm cát" (13/01/2004)
"Điêu tàn" và nét nhân bản của người lưu giữ văn hóa Chàm (12/01/2004)
Nhà văn Sơn Nam với công trình khảo cứu về con người Nam Bộ (09/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang