Gặp ''người buồn đếm lối gió trời''...
11:38' 29/01/2004 (GMT+7)

Nhà thơ Vũ Duy Thông và tập thơ mới
 

(VietNamNet) - Thật không gì đáng ưu tư như đứng trước cuộc sống hiện đại này. Bên trong mỗi con người cuộc xung đột giằng co vị kỷ vị tha... bên ngoài tai ương bệnh tật... Vậy mà thi sĩ lại nói ''và cuộc đời sẽ cứu rỗi...'' (Đầu đề tập thơ của Vũ Duy Thông - NXB Hội Nhà Văn 2003).

Cũng là hiếm khi thi sỹ lấy một câu thơ đến như thế làm tên sách. Nhưng rồi mở sách ra đọc, đọc và ngẫm nghĩ, chợt thấy rằng với thời đại ngày nay, trước những vấn nạn như thế, quả không còn hành động nào thiết thực hơn ngoài ''cứu rỗi''. Cứu rỗi và tha nhân tuy hai mà một, cái một ấy chính là cuộc đời. Bằng nhận thức trực tiếp, thi sỹ chỉ tự ngầm ví mình như ''người buồn đếm lối gió trời''. Ta hãy nghe:

Trời buồn nhớ cánh chim xa
Lối buồn nghe gió lùa qua cỏ gầy
Trăng buồn mắc võng thân cây
Sông buồn con nước chưa đầy đã vơi...''
                                                   
(Đếm)

Có lẽ ngầm ý đằng sau chữ ''buồn'' là chữ ''đẹp", bởi cứ quan sát mà xem, cái gì trong hoàn vũ đẹp mà không có một dáng vẻ buồn? Nếu thay những chữ ''buồn'' trong câu thơ trên bằng chữ ''đẹp'', lập tức người đọc sẽ nhận ra ngay một khổ hoan ca ngợi ca đời sống. Và như thế cái đẹp mà tâm hồn thi sỹ kín đáo bộc lộ đã mang một sức sống mới, đó chính là sự ''rỗi''.

Đúng thế, cái buồn của Vũ Duy Thông không bao giờ là buồn bã. Trong ''Những cánh diều'', anh viết một khổ thơ như ẩn chứa một chiều kích khác thế này:

Trên ấy có mây trắng
Trăng liềm chiều phớt vệt môi
Trên ấy một thế giới ca hát
Không có nhà giàu và nhà nghèo
Không đói ăn, không thất học
Chỉ còn những con diều đẹp...''

 

Nói ''trên ấy'' là cách nói ẩn dụ. Đời sống còn ùa vào anh một cách cụ thể và tinh tế:

'Nhớ nắng phương nam lên thành lạnh
Vương triều đổ nát ta còn nhau
Thấy chùm quả dại ngờ bồ kết
Định hái dành em để gội đầu...''
                          (Lên Trường Thành).

Và như thế, cái tình muốn hái chút quả dại dành người thương mến của nhà thơ đã không còn là tình riêng tư nữa. Cái tình ấy là dòng sống bất tận ngầm chảy qua bao hưng phế, thịnh suy.

Dòng sống cõi người hàm chứa cả khổ đau, hạnh phúc. Và thi sỹ đích thực sẽ luôn là người nói về khổ đau, lam lũ nhưng không giống những kẻ yếu đuối rỉ rên, cứu cánh của thi sỹ là tụng ca cuộc đời.

'Mẹ tôi giờ đã nằm dưới mộ
Bà mẹ Tàu còn lẫm cẫm ở đây
Đêm về khuya bến xe vắng khách
Mẹ tính sao với cả gánh ngô đầy...''
                              (Gánh ngô đêm).

Dân tộc, quốc gia thì luôn có biên giới, dù hữu hình hay vô hình, nhưng nỗi vất vả, lam lũ thì làm gì có đường biên kia(?) Bởi thế nên khổ đau lam lũ lớn hơn hết thảy những suy nghĩ của con người, nó là động lực sống mà thi sỹ đã phát hiện ra.

Câu thơ này cũng là một phát hiện khác của anh:

Trên đống gạch vỡ dĩ vãng tơi bở
Con bướm xập xè bay
Trong nhập nhoạng ánh ngày...''
                        
(Mỹ Sơn).

Phải, cánh bướm ấy luôn là đủ cho sự ''rỗi'' những tâm hồn mang ký ức rã rời như gạch vỡ... Cánh bướm ấy luôn xập xè như một nghi lễ bất tận ngày ngày...

Không thể nói hết những gì vô hình như gió. Một hiền nhân đã nói: Bạn có thể nắm được gió trời chăng, nếu nắm được, nó không còn là gió nữa...''. Tuy vậy câu chuyện của thi sỹ không phải gió thoảng đùa chơi đâu, mà nó:

Sẽ hoá thân thành đất ải đợi mùa
Trên luống mạ xanh tơ tròn tháng tuổi
Khi cành già nhú mùa lộc mới
Tôi lại về, bạn có nhận ra nhau...''
                          
(Lời của lá mùa đông).

Và mời bạn thử một lần gặp gỡ với ''người buồn đếm lối gió trời...'' qua những vần thơ dung dị kia...

  • Nguyễn Phúc
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Bóng cây Kơ nia"- Album chào Xuân của ca sĩ "Sao Mai" Phương Nga (28/01/2004)
Vũ Bằng và "Miếng lạ", "Món ngon" (28/01/2004)
Món ngon Việt Nam ở nước ngoài (27/01/2004)
Sách quý về lịch sử Đồng bằng Bắc bộ (27/01/2004)
Ca khúc cho "Ngày hạnh phúc" (26/01/2004)
Trang trí món ăn Việt nam: Nghệ thuật ở quanh ta (25/01/2004)
Hạnh phúc là gì? (24/01/2004)
Bánh tổ - hương vị quê nhà (23/01/2004)
Sách mới về Marco và "con đường tơ lụa" (22/01/2004)
Khỉ và những phiêu lưu kỳ thú trong văn học và điện ảnh (21/01/2004)
Nhớ nhà thơ "chân quê" (21/01/2004)
VCD thơ đầu tiên ''Tết của mẹ tôi'' (20/01/2004)
Tháng Giêng du xuân cùng lễ hội (20/01/2004)
VCD Làn sóng xanh 2003 (20/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang