(VietNamNet) - Món canh chua nghe quen lắm, “quen” đến mức đoán chắc rằng không có ai chưa từng ăn qua. Người ta nấu món canh chua bằng nhiều thứ, phổ biến là canh chua bạc hà, canh chua thơm nấu với cá lóc hay nấu với tôm bạc.
Sang hơn, người ta ăn canh chua măng nấu với cá bông lau, hoặc lạ nữa như canh chua thịt gà nấu với lá giang, canh chua tôm nấu với bông so đũa – một món canh mà nhiều người còn chưa biết… Ấy nhưng, dẫu sao mấy món ấy cũng còn gọi là quen thuộc hơn món canh chua bông điên điển. Nhắc đến món này, ở Sài Gòn khó mà “bói” đâu ra được.
Bông điên điển hầu như không tìm thấy ở Sài Gòn, nó mọc nhiều ở các vùng quê sông nước miền Tây Nam bộ. Người miệt quê thật ra cũng không hay ăn bông điên điển. Cây điên điển mọc men theo các con rạch, bờ kênh, người ta đem về cắm thành hàng rào quanh nhà. Dọc theo những tuyến kênh, cây điên điển mọc thành hàng, bông nở rộ thành chùm, ửng vàng chen lẫn sắc xanh của lá, rồi rụng, chẳng ai buồn nhìn. Không hiểu ai bày, sau này nó bỗng trở thành món ăn, và hơn thế, lại như một kiểu đặc sản “cây nhà lá vườn”.
Mùa lũ cách đây vài năm, theo chân đoàn cứu trợ về Đồng Tháp, tôi gặp lại bông điên điển, không phải ở ven kênh mà trong những bữa cơm hàng quán nơi thị xã trung tâm (và cả trong nhà hàng): món canh chua bông điên điển – cá rô kho tiêu. Nhà quán bày biện thật rộn. Cái rổ đựng đầy bông điên điển vừa mới hái xuống còn tươi rói, vàng rực, được để ngoài, cạnh bên chiếc lẩu than đựng canh nóng hực. Món canh chua đã nấu sẵn từ bếp, bên trong chứa đủ các thức cần thiết – nào bạc hà, cà chua, giá chín, và quan trọng nhất là những con cá rô mập mạp lặn sâu bên dưới. Bên trên, nào rau om, rau thơm được rắc kín mặt, điểm thêm những lát ớt đỏ, trông thật hấp dẫn. Những chú cá rô để nguyên con, được gắp ra để vào đĩa nước mắm tỏi ớt, thứ nước mắm thơm ngon của vùng Phú Quốc, ngấm vào thịt của cá, làm cho miếng cá càng ngon hơn bao giờ hết. Với bông điên điển, người ta không bỏ sẵn trong canh, chỉ khi nào ăn thì mới gắp và nhúng vào nước canh đang sôi.
Bông điên điển có vị nhân nhẩn, chỉ ăn lúc hãy còn tươi, để lâu, bông trở nên đắng khó ăn. Không biết có phải tại người Sài Gòn xuống quê miền Tây lạ miệng nên khen ngon, chứ còn người tại chỗ thì lại bảo rằng: bông điên điển nhân nhẩn chẳng ai thèm! Nhưng, giống như cọng rau đắng, rau má, hay như tiêu, ớt… thứ nào càng đắng, càng cay, hễ không ăn thì thôi, bén mùi rồi thì lại bắt ghiền.
|