|
Chỉ có hàng bán sách là rôm rả nhất! |
(VietNamNet)
- Năm thứ hai" Ngày thơ Việt Nam" do Hội nhà văn tổ chức tại Văn Miếu vào rằm tháng Giêng, diễn ra có vẻ tốt hơn năm đầu tiên. Từ đầu buổi sáng đã có nhiều độc giả xinh xắn, mặc áo dài bên trong, choàng áo rét bên ngoài đứng chụp ảnh với "cờ thơ". Nếu sức lôi cuốn của thơ ca mạnh mẽ đến thế, thì quả là cảm động!
Năm ngoái, do lơ là trong khâu quảng cáo nên ngoài các nhà thơ ra thì chỉ có một hai tốp học sinh ở tỉnh xa đi thăm quan Văn Miếu, tình cờ trở thành khán giả yêu thơ. Chính vậy sự xuất hiện của những tốp sinh viên yêu thơ đã tạo nên sự khác biệt "hoàn toàn" so với năm ngoái. Tuy nhiên, hôm qua là ngày thứ năm, ngày phải lên giảng đường. Sự có mặt của họ càng có giá hơn vì điều đó.
Tuy nhiên, cái gì cũng phải hỏi ra thì mới biết rõ ngọn ngành: Họ không tự nguyện đến. Họ là những sinh viên khoa văn trường Sư phạm Hà Nội được mời đến để "kéo bong bóng thơ" và, tất nhiên là có thể các nhà tổ chức còn muốn càng đông càng mừng nữa chứ.
Nói về "bong bóng thơ". Thật lạ lùng và..."nóng" mắt vì những quả bóng bay toàn một mầu đỏ rực to đùng. Mỗi quả bóng bay lơ lửng kéo theo một cái "đuôi nheo", trên cái đuôi nheo đó in một câu thơ nổi tiếng của các nhà thơ vĩ đại như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Chỉ tiếc rằng gió xuân không làm "rụng hoa đào" (là vì năm nay đào nở muộn), mà gió xuân cứ thổi "đuôi thơ" bay như muốn lộn lèo. Ai muốn thưởng thức các câu thơ đó thì cần phải dẫm chân lên thảm cỏ mượt (bị cấm dẫm lên) rồi kéo bóng xuống thấp để đọc thơ. Thơ khó đọc như vậy nhưng dòng chữ chúc mừng năm mới cùng dòng chữ chúc phát tài lộc thì lại in rõ trên từng quả bóng. Âu cũng cầu mong cho thơ ca, cho các nhà thơ cũng phát tài, phát lộc như vậy.
Sau khi báo chí đặt vấn đề nhiều về tính pháp lý của lá "cờ thơ", hai lá cờ thơ rộng hơn chục mét vuông vẫn được kéo lên. Trong tham luận của mình, nhà thơ Vũ Quần Phương giải thích rằng cờ đó là cờ hội làng, và các nhà tổ chức chỉ thêu thêm chữ "Thơ" vào giữa thôi. Nhà thơ này khẳng định rằng bất cứ ngành nào nếu mở hội cũng có thể thêu tên ngành lên lá cờ hội làng. Mấy năm gần đây, hội làng bùng phát quá nhiều, và do đó lá cờ hội làng đã quá quen với chúng ta khiến nhiều người không hiểu ý nghĩa thiêng liêng của lá cờ này. Ngày hội làng là ngày trời đất giao hoà, tổ tiên linh ứng, con cháu thành tâm... ý nghĩa cuộc sống hiển lộ tuyệt đích. Như vậy cờ hội làng tượng trưng cho sự hoà hợp tột cùng ấy.
Nếu giống như thơ, ngày nào có hội cũng trưng lá cờ hội làng lên thì hoá ra chúng ta đang lạm dụng và làm tổn thương đến ý nghĩa cùng đích của văn hoá truyền thống. Nhưng thôi, "thanh minh" về ý nghĩa của cờ thơ thế cũng được, chỉ có điều là trước đây hai tháng, trên tờ THƠ, các nhà tổ chức còn đưa ra một mẫu vẽ cờ thơ với chỉ dẫn các mầu rất chi tiết để "cả nước" cùng làm. Ô hay, cờ hội làng truyền thống lâu nay thì ai cũng biết rõ từ nhỏ, không hiểu các nhà tổ chức định nhắc đến lá cờ hội của "làng nào"? Ngay cả những người may cờ thơ năm nay cũng không hiểu cờ thơ kiểu gì nên may một lá cờ với chữ "THƠ" ở giữa. Chẳng sao cả, thơ "tự do" bây giờ "cắt dán" lại được hết. Người ta dùng kim băng cho một dấu vào là thành THƠ ngay.
Các bài tham luận về thơ hiện đại và thơ truyền thống lại bắt đầu. Không hiểu vấn đề bàn đi bàn lại trong bao nhiêu năm trời mà vẫn lại được mang ra bàn. Nếu các vấn đề đó bàn ở đâu cũng được, bàn "ngày nào" cũng được thì cớ gì phải có một Ngày thơ vất vả như vậy. Còn sự tôn vinh thơ ca thì đâu phải cứ tổ chức một ngày hội thật ầm ĩ, thật nhiều tham luận, thật nhiều truyền hình báo chí là xong. Bởi vì tôn vinh thơ ca làm sao được khi mà thơ ca ngày một tẻ nhạt. Có điều hội hè thường rất hấp dẫn các chàng trai, cô gái. Nhưng năm nay, sau sự thất vọng của năm ngoái, nhiều nhà thơ trẻ đã không xuất hiện. Mấy cô phóng viên muốn phỏng vấn các nhà thơ trẻ, tìm mãi cũng không đủ người cho một bài phỏng vấn con con. Cuối cùng, "sự thật" về thơ ca vẫn được tìm thấy ở các quầy bán sách. Ở đây, người ta thực sự bỏ tiền ra vì lòng yêu thơ. Năm ngoái, nhà xuất bản Kim Đồng nhanh tay bán hết veo hơn một ngàn bản thơ của các nhà thơ thuộc thời kỳ "Thơ Mới". Năm nay nhà xuất bản này cũng gần đạt tới con số đó. Có khoảng chục nhà xuất bản cũng mang thơ vào để bán. Nhưng ngay cả trên thị trường, thơ ca cũng không đánh mất giá trị của mình. Nhiều quyển thơ của các nhà thơ hiện nay in đẹp, giá rẻ, có kèm phần phổ nhạc nhưng vẫn không ai mua. Họ chỉ sẵn sàng dốc tiền mua các tuyển tập Thơ Mới (1930- 1945).
Cuộc đời có rất nhiều công việc cần đến sự "ồn ào, vui vẻ" để kích thích làm việc. Nhưng sáng tạo thi ca là một trong số ít các công việc phải tránh xa sự ồn ào, lui vào sự yên tĩnh của tâm hồn để làm việc. Nếu các tham luận cứ đọc dài dài, các bài thơ cứ đọc dài dài... thì chúng ta nên tổ chức các hội nghị phê bình, các đêm thơ như chúng ta đã từng tổ chức, chứ cần gì phải làm ầm ĩ để tạo nên một "Ngày thơ" cho vui?