Nhà văn Vũ Bão: Bây giờ hội viên thì nhiều, nhà văn thì ít...
10:09' 10/02/2004 (GMT+7)
Nhà văn Vũ Bão.
 

(VietNamNet) - Nhà văn Vũ Bão sinh ra ở đất Thái Bình. Cuộc đời ông phiêu bạt và gắn bó với nhiều vùng đất khác nhau. Ông có tác phẩm dịch ra tiếng nước ngoài. Với anh em viết trẻ, bao giờ nhà văn Vũ Bão cũng dành cho một tình cảm ấm áp, chân thành. Nhân dịp đầu xuân Giáp Thân,  VietNamNet có cuộc trò chuyện với ông.

- Thưa nhà văn! Là một trong những người đầu tiên tham gia Hội Nhà văn Việt Nam, ông nghĩ gì về cuộc đời của một người cầm bút?

- Thở bằng lá phổi của mình, đi bằng đôi chân của mình, nhìn đời bằng đôi mắt của mình, suy nghĩ về lẽ đời bằng cái đầu của mình và không bao giờ chịu viết bằng ngòi bút đã bị bẻ cong.

- Được biết đời văn Vũ Bão cũng lắm phong trần. Tiểu thuyết “Sắp cưới” vừa ra đời (1957) được đón nhận nồng nhiệt. Nhưng năm sau (1958) thì bị “đánh” tơi bời. Ông thực sự “lênh đênh” từ đó?

- Tại tôi thôi. Trước khi đặt bút viết cuốn tiểu thuyết đầu tay ấy tôi buộc phải lựa chọn: Mình sẽ thành một nhà văn hay cam chịu cuộc sống của kẻ viết thuê. Tôi chấp nhận cuộc sống đầy sóng gió của một nhà văn nên tôi không bao giờ kêu tôi bị đòn oan.

- Thế rồi “ Sắp cưới” được tái bản vào năm 1988. Ông có thể cho biết một chút về qúa trình “phục sinh” của đứa con đã đem lại cả vinh quang và cay đắng cho ông? Vì cũng phải nhìn nhận: Với “Sắp cưới” cái tên Vũ Bảo đã thực sự ghi dấu trong lòng bạn đọc và giới văn học?

- Đời tôi hay được phụ nữ cứu. Năm 1988, Nhà xuất bản Phụ nữ quyết định in lại “Sắp cưới” nhưng đến lúc sắp “bấm nút” thì bà giám đốc run tay. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng - “cô gái Thái Bình, cô gái Việt Nam” ấy đã về bàn với Hội Văn nghệ Thái Bình in lại tiểu thuyết “Sắp cưới”. Vốn thương một nhà văn đồng hương của mình gặp bước không may, Hội Văn nghệ Thái Bình đi mua giấy chịu, đi vay tiền trả công in, in “Sắp cưới” với số lượng lớn: 15.000 bản.

Đến năm 2000 BCH Hội nhà văn Hà Nội bàn kế hoạch tổ chức hội thảo Vũ Bảo văn và đời, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến đặt vấn đề tại sao không in tuyển tập cho Vũ Bảo (trong đó có tiểu thuyết Sắp cưới), anh chị em trong BCH trả lời vì không có tiền, chị Đoàn Thị Lam Luyến nói ngay: Em sẽ chi tiền in tuyển tập văn xuôi Vũ Bão. Chị Hoàng Ngọc Hà, Tổng Thư ký đồng ý chủ trương in xong tuyển tập văn xuôi Vũ Bão trước ngày khai mạc hội thảo.

Tại hội thảo nhà thơ Phạm Đức đã phát biểu ý kiến: ‘Sắp cưới’ chưa đạt tới trình độ tuyệt vời về nghệ thuật nhưng ‘Sắp cưới’ lại là bước đi tuyệt vời của một cây bút trẻ đến gõ cửa làng văn.

- Người ta nói nhà văn Vũ Bão có một bút pháp quí hiếm: Chất hài hước, trào lộng. Chỉ nghe tên một số truyện ngắn của ông đã thấy rõ điều đó, ví dụ: “Người vãi linh hồn”, “Bút bi hết mực”, “Ông khóc tôi cũng khóc”... Ông ý thức trong việc chọn lựa phong cách hay nó tự đến?

- Văn tức là người, tôi sống như thế nào, tôi viết văn như thế ấy, không có thì giờ uốn éo làm điệu, tính kế ăn theo, nói leo hòng kiếm lộc rơi, lộc vãi

- Có quan niệm cho rằng, tuổi thơ có một ảnh hưởng to lớn đến sự nghiệp của một nhà văn. Với nhà văn Vũ Bão điều này có đúng hay không?

- Đúng như thế, thời Pháp thuộc học sinh đến chậm cô giáo Lựu đã đọc (đúng ra là dịch đến đâu đọc ngay đến đó) Sans famille (Không gia đình) của Hector Malo cho chúng tôi nghe. Tuy chỉ là công việc lấp chỗ trống nhưng cô đã gieo mầm văn chương vào trái tim tôi: Biết thương xót những kiếp người chịu thiệt thòi. Lên ban Thành Chung, tôi được thày Trần Cư khuyến khích nghĩ thế nào thì viết như thế. Bước vào đời, tôi viết về kiếp người gánh chịu nhiều thiệt thòi: bị trù giập, bị cướp công, bị tranh phần quyền lợi.

- Ông là người đi nhiều, gắn bó với nhiều vùng quê khác nhau: Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hoá... rồi Hà Nội. Điều ấy giúp gì cho công việc sáng tạo văn học?

- Tôi đã gặp rất nhiều người tốt giúp tôi vượt qua những khó khăn tưởng chừng không tài nào vượt nổi. Có thế kẻ ác mới không thả sức hoành hành, người lành mới có đất mà sống dưới ánh sáng mặt trời.

- Nhà văn Vũ Bão viết báo cũng rất giỏi và đã từng nhiều năm làm báo chuyên nghiệp. Xin nhà văn cho biết ảnh hưởng qua lại của văn và báo thế nào?

- Làm báo tôi có điều kiện tiếp cận cuộc sống hàng ngày đang ngổn ngang như một công trường. Có người nói làm báo dễ hỏng văn, nhưng nhiều ông nhà văn không hề viết báo mà văn của ông ấy đã “hỏng” rồi, nhạt như nước ốc (tôi xin lỗi vì đã xúc phạm danh dự loài ốc)

- Và ông có một người bạn đời chung thuỷ, son sắt đã chia sẻ với ông rất nhiều trong những ngày gian khó?

- Bà ấy kiêm nhiệm bác sĩ bảo vệ sức khoẻ, thư ký riêng, sĩ quan bảo vệ nội bộ, thủ quỹ cho tôi. Chính bà ấy đã động viên tôi trước khi tôi lên đường đi tị nạn ở đồng chiêm Hà Nam.

- “Người vãi linh hồn” (Tập truyện ngắn) của ông  được in ở Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản... Chắc ông được trả nhuận bút cao lắm?

- Chỉ gấp 3, gấp 4 lần nhuận bút ở trong nước. Tôi được tiêu tiền Franc, tiền đô- la, tiền Ru-pi, tiền Yên, nhưng điều sung sứóng nhất là ngay khi còn sống, tôi đã được nhìn thấy tác phẩm của mình tung cánh đến những miền đất xa lạ.

- Đợt kết nạp hội viên mới của Hội nhà văn năm 2003 rất đông. Là một hội viên kỳ cựu, ông thấy thế nào, vì đã từng có hai loại ý kiến cho rằng phải thật chặt chẽ trong việc kết nạp, còn ý kiến kia: cứ “thoang thoáng” một chút cũng chả sao?...

- Ngày trước nhìn vào đội ngũ nhà văn, tôi chưa dám nộp đơn xin vào hội, không dám ngồi cùng chiếu với Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân còn bây giờ hội viên thì nhiều, nhà văn thì ít. Nhiều cửa vào Hội nhà văn Việt Nam lắm, chẳng hiểu Ban chấp hành có dám “ra tay” không? Hội nhà văn Hà Nội đã mạnh tay chọn lọc người vào Hội. Phản ứng khá mạnh nhưng việc cần làm vẫn cứ phải làm

- Ông có nhận xét gì về tình hình văn học hiện nay, nhất là về những người viết trẻ? Liệu đã đến lúc phải quyết liệt hơn nữa trong đổi mới, cách tân thi pháp?

- Ngày trước “Ngang lưng thì thắt chủ trương, đầu đội chính sách, lập trường trên vai” nhưng mỗi người viết vẫn cố tạo ra một mảnh trời riêng của mình. Nhiều người ao ước: Giá bên trên nới tay một tí, mình sẽ viết được cái gì để đời. Thế mà từ ngày được “cởi trói” đến nay, tác phẩm để đời đâu có nhiều. Thậm chí cả những sách được những giải thưởng sang trọng như Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam, Giải ASEAN cũng chưa gây được chấn động trong lòng người đọc.

Có nhiều nguyên nhân chúng ta chưa có những cuốn sách thật hay. Ai cũng biết nhưng chẳng ai nói hết lẽ. Trước mắt, như một cầu thủ chưa làm bàn, người viết phải chịu trách nhiệm trước bạn đọc.

Theo tôi biết một số nhà văn đang âm thầm dong đạo quân chữ của mình băng qua những trang giấy trắng. Cuốn sách hay nhất vẫn là cuốn sách đang viết, cuốn sách vẫn còn nằm trong góc tủ.

Tôi vẫn tin cuốn sách đáp ứng được lòng mong mỏi của bạn đọc sẽ ra đời như trước đây từng nhà văn đã vượt qua bao khó khăn mới tạo ra được mảnh trời riêng của mình, dù chỉ là một câu tâm huyết. Thời nào cũng vậy, lính xung kích vượt cửa mở vẫn phải chấp nhận hy sinh

- Xin cảm ơn nhà văn!

  • Đào Bá Đoàn

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ngày Tình yêu, cùng lắng trong ''Chốn xưa ta về''... (10/02/2004)
Bún đậu mắm tôm - quà trưa đắt khách (09/02/2004)
Triệu đóa hoa hồng cho Lễ tình nhân (09/02/2004)
Ngày hội cho những người đang yêu (09/02/2004)
Tập truyện thiếu nhi “Ngôi Sao xanh” của Viễn Phương (09/02/2004)
Ra mắt cửa hàng thứ ba của G.mode (07/02/2004)
''Ngày thơ Việt Nam'' - Chỉ có "Thơ Mới" vẫn... mới! (06/02/2004)
Ẩm thực: Canh chua bông điên điển (06/02/2004)
Album mới của ca sĩ Thái Tài: "Con tim anh luôn có em" (05/02/2004)
"Bách khoa toàn thư" của riêng bạn! (05/02/2004)
Đừng gạt các nhà thơ trẻ ra ngoài cuộc! (05/02/2004)
Mới mẻ, sáng tạo hay lại về... ''lối cũ''? (04/02/2004)
Độc đáo tiệc buffet... chay! (04/02/2004)
Bánh tẻ làng Chờ (03/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang