(VietNamNet) - Đến với 24 "khung trời" nho nhỏ trong tập truyện ngắn "Khoảng trời mưa bụi" tuyển chọn từ cuộc thi Truyện ngắn Áo Trắng do NXB Trẻ tổ chức vừa qua, bạn sẽ phải đọc và ngẫm nghĩ từng chút, từng chút một. Bạn có thể có những tiêu chí riêng trong cảm nhận để chọn cho mình một mẩu chuyện hay nhất...
|
Bìa sách "Khoảng trời mưa bụi" |
Những buồn vui, suy tư, bức bối bắt nguồn từ cuộc sống muôn màu được những cây bút trẻ thể hiện theo nhiều phong cách khác nhau. Mỗi câu chuyện ẩn chứa một vẻ đẹp riêng, dù hiền hòa hay gay gắt đều gặp nhau ở chỗ: đã phản ánh chân thực, sinh động về một lớp người trẻ tuổi hôm nay. Vâng, họ đều còn rất trẻ, là những cái tên vừa nghe đến đã thấy rất quen thuộc với học sinh, sinh viên như: Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Huyền Trang, Nguyễn Vũ Anh Khoa, Dương Bình Nguyên, Nguyễn Tấn Phong, Trầm Nguyên Ý Anh...
Cánh diều mồ côi của Ngự An mở ra khoảng trời cô đơn, lạc lõng đến tội nghiệp của hai anh em Nhí, Tâm. Từ cái cảnh hai anh em Nhí ngồi dưới cột đèn mắt trông dài theo quãng đường vắng chờ mẹ về đến câu nói ngây thơ của Tâm "Ai con nhà giàu sướng quá há anh Hai" khiến người ta khi đọc đến đó có cảm giác nghèn nghẹn... Hình ảnh đóa cúc vàng mới nở bừng lên cuối truyện là khoảng sáng duy nhất từ đầu đến cuối, báo hiệu "rồi mùa xuân sẽ đến" với cuộc đời bất hạnh của hai đứa trẻ mồ côi.
Tác giả Trầm Nguyên Ý Anh có vẻ như trầm tư hơn trong Những chiếc áo của mẹ. Những chiếc áo cũ của mẹ nhắc cô bé Vân Anh (nhân vật trong truyện) nhớ về thời kỳ khó khăn của ba mẹ ngày trước,về những lần bà ngoại bán bánh ế, cả nhà phải ăn bánh thay cơm, về một lần cậu Trí thèm ăn hủ tíu đến nỗi phải giả bệnh để được ăn, về bộ quần áo mới cứ bị khất lần nữa mãi vì mẹ phải dành tiền chữa bệnh cho ông... Những chiếc áo cũ của mẹ "hai mươi năm nay vẫn nằm trang trọng trong tủ quần áo của tôi như hình ảnh người mẹ hiền lúc nào cũng ngự trị trong tim...", ấy là những chiếc áo của ân tình.
Dương Bình Nguyên thì vẫn hoài khắc khoải với những ký ức tuổi thơ như thường gặp trong hầu hết các sáng tác của anh. Tiếng gọi phía hoàng hôn với âm hưởng buồn buồn dè dặt từng bước dẫn người đọc vào một mối tình tay ba hơi có vẻ... con nít. Cũng chuyện choảng nhau giữa hai anh chàng vì một cô gái; cũng chuyện bố chàng trai thời trẻ yêu mẹ cô gái nhưng không được đáp lại nên đâm ra cấm cản con trai yêu con gái của người yêu cũ; cũng chuyện đặt vè trêu nhau, những câu đại loại như: "Ve vẻ vè ve - nghe vè Tư ngố - Nhí nha nhí nhố - Chỉ biết rong chơi - Suốt ngày tán gái - Nửa khôn nửa dại...". Song, Tiếng gọi phía hoàng hôn đã được thể hiện rất đời, rất giản dị bằng một ngòi bút chạm đến hơi thở cuộc sống chứ không đi vào mô tuýp sáo mòn. Đoạn kết như một triết lý buồn buồn, và... đúng làm sao: "Tôi biết mình chẳng thể làm gì trong lần trở về sau khi đã nhiễm thứ thuốc nhiệm màu của cuộc sống. Về để lại ra đi trong yên ổn. Cũng giống như anh Dũng, sau những lo toan cơm áo của anh thợ vẽ quảng cáo, đêm đêm tôi vẫn bắt gặp anh đang trở về cùng những gam màu. Chiếc toilet ký ức đang căng trước mặt. Và anh đang tìm hai vì sao lạc năm nào".
Nguyễn Thị Thanh Bình lần này trình làng một Lũ vịt giời đầy gai góc, bức bối khác hẳn vẻ thường dịu dàng, nhu mì của văn cô khi viết cho trẻ em. Mới đọc đoạn đầu thôi đã thấy có vẻ gì đó không được... bình yên: "Nhà có bốn cô con gái, cô nọ cách cô kia hai ba tuổi mà trông cứ sàn sàn bằng nhau như sinh năm một, con gà con vịt. Được cái cô nào trông cũng sáng sủa, dễ coi, lại ngoan ngoãn, với thiên hạ không thấy có điều tiếng gì".
Nhân vật chính là một trong bốn người con gái của một ông bố lúc nào cũng sợ phải trả lời câu hỏi "Nhà bác được mấy cháu?". Cô không ồn ào, nóng nảy như chị Cả Ngân, cũng không thuộc loại "mồm miệng đỡ chân tay, khéo ăn khéo nói, câu nào câu nấy cứ ngọt lừ và dẻo như kẹo" như chị Hai Ngọc. Cô "im ỉm suốt ngày như không có mồm, chỉ vật vờ chỗ này chỗ khác" chứng kiến mối bất đồng âm ĩ giữa chị Cả và chị Hai: "Chị Ngọc đối lập hoàn toàn với chị Ngân nên hai chị luôn xung khắc, cãi cọ. Chị Ngọc thuộc kiểu người sống lựa gió bẻ măng, nhìn gió xoay chiều che. Tôi nghe chị Ngân bảo thế và khinh bỉ lối sống thực dụng của chị. Lượn lẹo, thế mà lại được lòng cha mẹ". Nhưng tất cả đã đảo lộn khi biến cố đau thương xảy đến: chị Ngân ra đi mãi mãi vì một tai nạn giao thông. Cái tình máu mủ ruột rà lúc này mới được đánh thức, người ta mới biết "bận lòng" vì nhau. Giọt nước mắt hàng đêm chảy dài trên má chị Ngọc trước bàn thờ chị Ngân âu đã thành quá muộn màng? Lũ vịt giời đã đặt ra một câu hỏi xé lòng cho lớp người trẻ tuổi giữa bầu không khí "hư danh, vật chất" thời hiện đại.
Còn Sóng ở cù lao thì lại cứ chập chờn trong những huyền thoại. Cây bút trẻ Nguyễn Vũ Anh Khoa có lần đã thổ lộ: "Truyện là một lời... tỏ tình của chính tôi với mối tình thời sinh viên của mình". Bối cảnh truyện là bến nước vườn quê, là dòng sông đầy vơi hai mùa nước, là Cù Lao ngày xưa khi còn bót giặc, là những mối tình da diết đi qua nhiều thế hệ... Và nổi bật hơn hết là hình ảnh miền đất cù lao đẹp đến nao lòng: "Ông bảo đại dương bao la nằm ở phía mút tầm mắt; đó là thiên đường là nơi sóng thực hiện những giấc mơ. Rằng cù lao mình sinh ra những con sóng ôm đầy khát vọng đến được đại dương... Lòng đất cù lao ấm áp nghĩa tình, con nước ngọt ở với cù lao cũng bao dung lắm nhường hẳn cho con nước mặn một mùa ở lại". Sóng ở cù lao ngọt ngào, nên thơ mà cứ lại day dứt một niềm u hoài, hay chính là tâm sự của cây bút nữ Nguyễn Vũ Anh Khoa muốn chia sẻ với mảnh đất quê mình, bởi "lòng của sóng chỉ cù lao mới hiểu"...
Dẫu còn là những nét phác họa đơn sơ nhưng toàn bộ 24 truyện ngắn trong "Khoảng trời mưa bụi" cũng đã toát lên chân dung thế hệ trẻ hôm nay: sống có trách nhiệm, biết yêu ghét những gì xứng đáng.
|