Tết Hàn thực - "nhớ" bánh trôi bánh chay!
08:24' 20/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đã từ lâu rồi, người ta không còn thói quen làm bánh trôi bánh chay vào Tết Hàn thực (mùng 3 tháng 3 Âm lịch). Hai thứ bánh gắn với nhau như đôi tình nhân này đã thành một loại quà vặt bốn mùa, có mặt khắp ngõ phố, góc chợ hay gánh quà rong ruổi!

Bánh trôi bánh chay.

Không còn mấy ai bỏ công hì hục nặn bánh, lấy chuyện xem bánh chìm nổi là cái thú nữa. Cuộc sống bộn bề lo toan, mấy ai còn tâm trí mà để ý đến bột gạo nếp, đường thẻ, đậu xanh, gừng tươi, lạc, dừa... Bởi, nó không còn là thứ đồ ăn quá hiếm hoi, mà có làm... cũng chẳng ăn được mấy. Tiện đường đi làm về, rẽ vào chợ hay dừng lại một quán nhỏ, gọi bà chủ quán gói vội mỗi loại vào một túi, vài nghìn bạc lẻ! Mang về nhà, để lên bàn thờ trước nén hương trong ngày này cũng đã là "chu đáo" lắm. Thời nay, nhiều bà mẹ muốn làm bánh cúng gia tiên và để phần con cháu, hì hục suốt buổi ra được mẻ bánh hấp dẫn, con cái về ăn vài miếng rồi bảo mẹ "vẽ chuyện"! Bà mẹ chạnh lòng nhớ không khí đầm ấm năm nào. Năm sau, bà không làm nữa, ra chợ mua, hết ngày vẫn thấy một bát một đĩa nằm hắt hiu trên bàn ăn...

Ngày mồng 3 Âm lịch hàng năm được Việt hóa thành ngày "Bánh trôi bánh chay" không biết tự bao giờ. Theo tục truyền, Tết Hàn thực có nguồn gốc ở Trung Quốc từ thời Xuân Thu cổ đại để ghi nhớ ngày chết của Giới Tử Thôi - một tôi trung của vua Văn Công nhà Tấn. Khi lên ngôi, vua đã quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Ông bèn đưa mẹ vào trong núi Ðiền Sơn cày cuốc. Khi Vua cho gọi, Giới Tử Thôi nhất định không ra. Vua cho đốt rừng, mẹ con Giới Tử Thôi đành chịu chết cháy. Vua ân hận và tỏ lòng thương xót, từ đó cấm dân gian không được đốt lửa và chỉ được ăn đồ nguội vào ngày ấy.

Theo lời mẹ kể, "Ngày xưa, trước Tết Hàn thực một ngày, nhà nào cũng lo ngâm đỗ, xay gạo, người nào không có thời gian cũng ra chợ mua sẵn bột khô về nhào nước, ủ vài tiếng cho mềm. Gạo làm bánh trôi, bánh chay dứt khoát phải kén được nếp cái hoa vàng, thứ gạo tròn hạt, đều tay, như các cụ khoe là "nếp đếm trăm được". Cứ chín phần nếp, cho một phần tẻ hoặc cùng lắm là cho đến non hai phần tẻ. Bởi nếu ít tẻ thì bánh dính và chảy, không thành hình tròn đẹp, mà nhiều quá thì lại bị cứng bánh, ăn dai mất ngon! Đỗ để làm nhân bánh cũng phải là loại giống đỗ tiêu, hạt nhỏ, thơm, đem hấp chín tơi, giã mịn, trộn với đường kính trắng làm nhân bánh chay. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là loại đường phên Dương Liễu, Cát Quế, chặt thành những viên nhỏ như hạt lựu, làm nhân bánh trôi.

 

Thời gian nặn và luộc bánh là lúc cả nhà quây quần đông vui nhất, chẳng kém gì không khí quây quần bên nồi bánh trưng ngày Tết. Nồi nước luộc bánh đã sôi, mỗi người lần lượt thả từng chiếc bánh một (không thể tiện tay đổ ào cả mẻ vì sẽ làm nước trong nồi lạnh đi đột ngột, dễ làm bở bột, vỡ bánh). Bánh chín vớt ra, được ngâm ngay trong nước lã đun sôi để nguội cho săn mình trở lại. Khi vớt bánh, bày bánh lên bát, lên đĩa, người nội trợ chấm thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm trên mặt bánh, chan vào bát bánh chay một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi. Tùy theo từng nhà, ai thích thì rắc thêm vài sợi dừa nạo nhỏ, hoặc dăm hạt đỗ xanh thổi chín còn nguyên hình hoa cau. Thế là bát bánh nom như một đóa hoa cánh trắng, nhụy vàng, được bao bọc trong một làn sương mơ màng...

Bánh trôi - Bánh chay

Bánh trôi

Bánh gồm có: Gạo nếp lẫn gạo tẻ vo sạch, ngâm mềm, vo lại cho sạch rồi đem xay kỹ, trút bột nước vào túi vải treo lên cho róc hết nước, nhào lại bột cho dẻo, mịn rồi viên bột thành những viên nhỏ đều nhau bằng viên bi. Ðường phên (đường mật mía) chặt thành những viên nhỏ, vuông hoặc đường phèn cũng chọn những viên nhỏ để làm nhân, cho nhân vào giữa viên bột và vê tròn cho kín. Bắc xoong nước lên bếp đun, thả bánh vào đun sôi nhỏ lửa, khi nào bánh nổi lên là chín, vớt ra, thả vào chậu nước sôi để nguội, vớt bánh ra cho vào đĩa, gạn khô nước. Cho vừng (rang vàng, xát bỏ vỏ) lên trên từng chiếc bánh, rắc nước hoa bưởi cho thơm, ăn nguội.

Bánh chay

Khâu làm bột giống như làm bột bánh trôi. Nhân bánh chay được làm bằng đậu xanh ngâm mềm, đãi sạch vỏ, nấu như nấu cơm, khi chín xúc ra đem giã nhuyễn. Bắc chảo mỡ lên bếp, phi hành, trút chảo mỡ vào trộn đều với đậu xanh, vê lại như quả táo nhỏ. Chia bột thành những phần bằng nhau khoảng bằng quả cau, nặn bột mỏng đều ra rồi cho nhân vào giữa, vê tròn lại cho kín nhân, rồi nặn bẹt ra. Bắc xoong nước lên đun sôi già, thả bánh vào luộc, khi bánh nổi lên là bánh đã chín thì lấy muôi vớt ra. Cho đường khuấy đều với nước, cho thêm bột sắn dây hoặc bột đao, cho một chút nước gừng, bắc lên bếp đun sôi, hớt hết bọt, khi nước hơi sánh là được. Cho bánh ra bát, múc nước đường vào, rắc vừng (rang vàng, xát bỏ vỏ) lên trên, có thể rắc thêm một ít sợi dừa nạo, rắc nước hoa bưởi cho thơm.

  • Thái An
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tháng ẩm thực châu Âu tại TP.HCM (16/04/2004)
Điện Biên Phủ - chương trình nghệ thuật hoành tráng (16/04/2004)
Khi đồ vật lên tiếng... (15/04/2004)
Bản thảo Hamlet của Shakespeare "ế khách" (15/04/2004)
Món Huế giữa Sài Gòn (15/04/2004)
"Tìm được" cá Nemo tại Việt Nam! (14/04/2004)
Giọt cà phê và tiếng chim ríu rít! (13/04/2004)
Quách Tấn và hồi ức về những người một thời vang bóng (12/04/2004)
"Chuyến bay sinh tử": Kẻ bắt bão! (12/04/2004)
Món ngon từ thủy hải sản! (10/04/2004)
Lần đầu tiên bản giao hưởng "Leningrad" ra mắt tại HN (09/04/2004)
Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phú Quang - "Ấn tượng 2004" (08/04/2004)
“Khám phá Xanh 2004” với Apollo (07/04/2004)
“Tuân thủ Công ước Berne nghĩa là thực hiện đúng luật“ (07/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang