Cùng Lê Giang "Bộ hành với ca dao"
06:26' 25/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Từ thuở nằm nôi ai ai trong chúng ta cũng đều được nghe những lời ru từ những câu ca dao ngọt ngào, sâu lắng, thắm đượm tình yêu thương từ bà, mẹ hay cô, dì… Những câu ca, lời ru ấy dù chỉ một lần nghe qua cũng đủ ghi vào trong tâm trí mỗi chúng ta. Cho đến khi lớn lên thì nó trở thành một dòng hồi tưởng không thể nào quên cho dù cuộc sống hiện tại đã có nhiều thay đổi…

Nhà thơ Lê Giang.

 

Xã hội càng hiện đại, khoa học càng phát triển thì con người càng trở nên bận rộn hơn, tất bật hơn… và xa rời với những gì gọi là truyền thống, cội nguồn dân tộc hơn… Mọi thứ đều có thể bị phai mờ, mai một theo bụi thời gian nếu như không có những “người đi tìm ngọc trong đất” như bà. Đó chính là nhà thơ, nhà sưu tầm dân gian Lê Giang - mà mọi người thường gọi bà bằng cái tên thân thuộc: chị Năm dân ca. Bà là người có những cuộc hành trình dài để tìm về với cội nguồn dân tộc, người nối quá khứ và hiện tại, người đã thổi hồn và mang lại sức sống mới cho các làn điệu dân ca.

 

Cho đến bây giờ không biết bà đã từng đi và đến biết bao miền quê, kinh qua bao vạn dặm đường. Thật khó có thể tin được một người ở độ tuổi như bà (sinh năm Ngọ - 1930) lại có sức đi, sức viết đến lạ kỳ như thế nếu không có một lòng say mê đầy nhiệt huyết và một tình yêu sâu đậm đối với di sản văn hóa dân gian đến thế. Cứ đi và chép “cái công đi nhiều không quản chồn chân, cái sức đi đâu cũng chép cũng ghi không biết mỏi tay là gì”. Vâng đến mức mà nhà thơ Nguyễn Duy phải thốt lên rằng “xin lạy chị cả nón, chị Năm ơi”. Và nếu bạn thật sự muốn biết hành trình tìm đến với ca dao, dân ca của bà gian khó đến nhường nào hãy tìm đọc “Lang thang gió cát” để thấy được rằng việc tìm đến với cái đã có thật không dễ dàng như bạn nghĩ.

 

Có lẽ chính cái tình yêu sâu nặng đối với di sản văn hóa dân gian đã tiếp thêm sức mạnh giúp bà vượt qua được những khó khăn và đạt được những thành quả rất đáng kể trong ngày hôm nay. Vâng, sự thành công ở đây không chỉ được tính bằng các tác phẩm hay những  trang in mà là sự đón nhận nồng nhiệt các thành quả ấy của công chúng, độc giả. Bằng chứng là việc hình thành một lớp học “Tìm hiểu và học hát dân ca” của một nhóm nhạc sĩ tâm huyết với văn hóa dân tộc chủ nhiệm trong đó có nhà thơ Lê Giang ở ngay trung tâm luôn diễn ra các hoạt động sôi nổi của thanh niên - Nhà Văn hóa Thanh Niên.

 

Bìa sách "Bộ hành với ca dao".

Sau hàng loạt các tác phẩm về dân ca, mới đây nhất tác giả vừa mới cho ấn hành cuốn “Bộ hành với ca dao” do NXB Trẻ xuất bản vào tháng 4/2004. Tập sách tập hợp và chọn lọc hàng ngàn câu ca dao được bà sưu tầm trên mọi miền đất nước (chủ yếu ở Nam bộ) và chia thành các tiểu mục khác nhau theo chuyên đề thật dễ thương và giàu ý tình: Địa danh sứ xở, Uống nước nhớ nguồn, Buồn vui, Khóc cười, Nhân nghĩa, Xử thế… Phần sau của cuốn sách tập hợp các bài viết đánh giá của các nhà báo hay đúng hơn là những lời động viên khích lệ cùng bà trong suốt cuộc hành trình hơn 20 năm qua.

 

Ca dao và dân ca chính là thứ tài sản vô giá mà cha ông đã để lại và bà là người bắc chiếc cầu nối để mọi người đều có thể tiếp cận được với cái tài sản vô giá ấy. Đọc ca dao để thấy được cái tinh và xảo của ông cha trong từng câu, từng chữ. Giản dị, mộc mạc như những lời nói bình thường ấy vậy mà ẩn chứa biết bao điều để chúng ta phải ngẫm và học tập. Nhà thơ Nguyễn Duy có nói rằng: “Tôi hình dung đi vào ca dao là đi vào miền tâm linh không chỉ để học khôn mà còn học ngây thơ; học đạo lý đã đành, thêm học tình học nghĩa, học sống; học cảm xúc, học rưng rưng, học thờ phụng; học làm người và học làm thần thánh”. Có lẽ nhà thơ Lê Giang đã dồn hết tâm lực của mình vào “Bộ hành với ca dao” để mang đến cho độc giả yêu mến một tác phẩm giá trị như một lời nhắn nhủ với thế hệ trẻ rằng, phải biết nâng niu và trân trọng cái vốn quý mà cha ông đã bao công gầy dựng, đó cũng chính là bản sắc văn hóa của dân tộc ta. Yêu mến ca dao, dân ca chính là góp phần gìn giữ và phát huy tinh thần văn hóa dân tộc.

 

Bộ hành với ca dao – Lê Giang Sưu tầm – Sưu tập – Biên soạn dày 606 trang với giá 52.000 đồng do NXB Trẻ ấn hành rất xứng đáng nằm trong tủ sách của mỗi gia đình.

 

  • Đinh Thúy Hồng
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bếp trưởng Didier Corlou và nỗi đam mê... nước mắm! (25/04/2004)
Hương Hà Nội giữa Sài Gòn (23/04/2004)
Khoái khẩu… chuột đồng (23/04/2004)
Cùng hưởng ứng "Ngày đọc sách thế giới" (23/04/2004)
Hội Âm nhạc TP.HCM kỷ niệm 30/4 bằng hai album mới (23/04/2004)
Hoa loa kèn - Tháng 4 Hà Nội! (21/04/2004)
"X-Men 2" khởi chiếu từ 23/4 tại TP.HCM (20/04/2004)
Tết Hàn thực - "nhớ" bánh trôi bánh chay! (20/04/2004)
Tháng ẩm thực châu Âu tại TP.HCM (16/04/2004)
Điện Biên Phủ - chương trình nghệ thuật hoành tráng (16/04/2004)
Khi đồ vật lên tiếng... (15/04/2004)
Bản thảo Hamlet của Shakespeare "ế khách" (15/04/2004)
Món Huế giữa Sài Gòn (15/04/2004)
"Tìm được" cá Nemo tại Việt Nam! (14/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang