(VietNamNet) - NXB Văn học vừa cho ra mắt Thiếu Sơn toàn tập (2 tập - 1.600 trang). Bản thảo do người em ruột tác giả - NSƯT Lê Quang Hưng sưu tầm biên soạn. Chúng tôi xin giới thiệu sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Thiếu Sơn.
Tác phẩm chính
Phê bình và Cảo luận - NXB Nam Ký, 1933; Người bạn gái, NXB Cộng Lực, 1941; Câu chuyện Văn học, NXB Cộng Lực, 1943; Đời sống tinh thần, NXB Đời Mới, 1945; Giữa hai cuộc cách mạng - Tác giả tự xuất bản, 1947; Những văn nhân chính khách một thời, NXB Lao động, 1993; Nhân vật Xuân Thu - Con người Chiến Quốc - Bình sử; Nợ bút nghiên hay nghĩa đồng bào - Hồi ký, và nhiều tiểu luận, chính luận, bình luận... đăng trên các báo.
|
Bìa sách "Thiếu Sơn toàn tập". |
Ở Phần mở đầu (thay cho lời giới thiệu), nhà thơ Huy Cận nhận định: "Văn của Thiếu Sơn trong "Phê bình và Cảo luận" còn chịu ảnh hưởng của lối văn biền ngẫu, nhưng cũng nhiều chỗ đạt, làm cho người đọc được thỏa mãn cả về ý tứ và nhạc điệu của câu văn... Phê bình tác phẩm hay phê bình nhân vật đều khó, nhưng phê bình nhân vật còn khó hơn một bậc, vì nó đòi hỏi nhà phê bình phải nắm khá sâu cả cuộc đời hoạt động của nhân vật, ít nhất là những hoạt động chính, và nêu ra được ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội và ảnh hưởng xã hội của những hoạt động đó. Có thể nói Thiếu Sơn đã sáng tạo ra loại phê bình này trong văn học hiện đại của nước ta... Ấy là cũng nhờ anh nắm được dư luận xã hội đương thời đối với những đối tượng nghiên cứu của anh''.
|
Nhà thơ Huy Cận cùng em trai nhà văn Thiếu Sơn là NSƯT Lê Quang Hưng - người sưu tầm biên soạn "Thiếu Sơn toàn tập". |
Thử nhìn lại những tác phẩm của Thiếu Sơn
Về Phê bình và Cảo luận (1933):
Cuốn sách phê bình, có thể nói, là đầu tiên của nền phê bình văn học hiện đại. Thiếu Sơn đã chia cuốn sách làm ba phần. Phê bình nhân vật về: Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Đà), Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Hồ Biểu Chánh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Tuấn Khải, Tương Phố; Phê bình sách về: Tố Tâm, Người vợ hiền, Quả dưa đỏ, và ba bài Cảo luận: Nói chuyện quốc học, Nói chuyện tiểu thuyết, Báo giới và văn học quốc ngữ.
|
Luật sư Ngô Bá Thanh, nhà văn Thiếu Sơn và người thứ tư là Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (từ trái sang). |
Sở dĩ Phê bình và Cảo luận được đánh giá cao vì thời điểm lúc bấy giờ những tác phẩm bàn về phê bình con non nớt chưa có hệ thống. Thiếu Sơn đứng trên quan điểm người cùng thời mà đánh giá thẩm định, chứ chỉ chín nhân vật được ông "phê" thì chưa đủ hình thành một nhà phê bình nhân vật. Cái cộng hưởng làm nổi bật đó là lối văn chính luận sắc bén với ba bài cảo luận nêu lên quan điểm yêu nước và ý thức tinh thần về quốc ngữ nước nhà.
Về tiểu thuyết:
Người bạn gái vẫn chịu ảnh hưởng lối viết của những nhà tiểu thuyết đi trước, những tiểu thuyết viết như lối tự sự về mình để bộc bạch tâm sự, để trải lòng...
|
Nhà văn Thiếu Sơn (ngồi bên phải) với một số thành viên Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến (Ảnh chụp trong buổi trao trả tù binh tại Lộc Ninh năm 1974). |
Đáng chú ý là hai mươi Câu chuyện văn học, ông đã nêu những khái niệm có tính chất khái quát về: Nghề văn sĩ, Nhà thi sĩ, Nhà viết tiểu thuyết... cũng như mười chín khái niệm về Đời sống tinh thần... và phần cuối tập một bàn về mười một Nhân vật Xuân Thu - Con người Chiến Quốc như một biên khảo.
Về bút danh Thiếu Sơn
Trong bài viết: "Thiếu Sơn qua một tập Di cảo" Bằng Giang đã cho biết: "Bút danh Thiếu Sơn bắt nguồn từ tên một anh kép hát Quảng Đông mà tác giả mến mộ tài diễn xuất từ lúc còn ở tuổi học trò tại Móng Cái. Lầy Xỉu Sán đọc theo ta là Lê Thiếu Sơn''.
Riêng tác giả cho biết: "Theo tôi thì tên thật của mình không nên dùng vào sự nghiệp văn chương... Dùng bút hiệu có cái lợi là nhiều khi ngay trước mặt mình mà nguời ta không biết là của mình. Có vậy lời phê bình mới khách quan và trung thực! ... Một hôm, đi coi hát Quảng Đông tôi thấy một anh kép võ ra biểu diễn rất đẹp và rất hùng, trên sân khấu có treo cái màn đề tên anh: Lê Thiếu Sơn âm theo tiếng Quảng Đông là Lầy Xỉu Sán. Tôi liền chép lấy làm bút hiệu của tôi. Tôi muốn sau này tôi sẽ múa bút trong làng văn, cũng như Lầy Xỉu Sán đã múa võ trên sân khấu".
|
Nhà văn Thiếu Sơn (ngồi giữa) cùng hai em Lê Hữu Chí và Lê Quang Hưng (trái). |
Kỷ niệm về nhà văn Thiếu Sơn
Nhà thơ Huy Cận viết: "Sau Hiệp định Paris, vào năm 1974, anh Thiếu Sơn có ra thăm Hà Nội, và có đến thăm anh Xuân Diệu và tôi. Ba anh em ôn lại những chuyện cũ, chuyện văn chương, chuyện kháng chiến với tình cảm quý nhau, tình cảm của những người trí thức cùng có một hoài bão thiết tha về vận mệnh của dân tộc, về văn hóa nước nhà. Nay anh Thiếu Sơn đã mất, anh Xuân Diệu cũng đã mất. Cầm bút hôm nay, tôi như thắp một nén hương tưởng nhớ hai anh. Chuyện văn chương quả thật là chuyện đời, chuyện vận mệnh của cá nhân nằm trong vận mệnh của dân tộc, nằm trong vận mệnh của nhân loại" (Hà Nội, đầu xuân 2003).
Nhắc nhớ nhiều kỷ niệm cùng nhà văn Thiếu Sơn, nhà thơ Viễn Phương, nhà văn Anh Đức, Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Quang Sáng… đều có nhiều vui buồn và cùng nhận xét: “Thiếu Sơn là nhà văn tham gia từ những ngày đầu cách mạng, ông là nhà văn to, khỏe, sống rất nghệ sĩ tính ăn, uống và chơi rất vô tư… nhưng nhiều người chỉ biết đến ông trên phương diện nhà phê bình”.
Vài nét về cuộc đời nhà văn Thiếu Sơn |
|
Nhà phê bình văn học Thiếu Sơn. |
Nhà văn, nhà báo Thiếu Sơn tên thật Lê Sỹ Quý, sinh năm 1908 tại Hải Dương trong một gia đình tiểu công chức. Ông rời ghế nhà trường năm 1929. Năm 1930, vì sinh kế gia đình, ông làm Thư ký ở Nhà Dây thép Gia Định. Ông vừa làm công chức vừa tham gia viết báo, viết văn.
Từ 1932 - 1945 ông vừa viết văn vừa viết báo ở Nam Phong, Phụ nữ Tân văn, Đuốc Nhà Nam.... Tác phẩm phê bình văn học nhan đề "Phê bình và Cảo luận" xuất bản năm 1933 gây được tiếng vang lớn. Cũng từ đó, ông được xếp vào hàng những nhà phê bình văn học đầu tiên của nước ta.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Thiếu Sơn chuyển hẳn sang viết các đề tài chính trị. Bản thân ông cũng trực tiếp tham gia vào các hoạt động chính trị. Ông đã tham gia Đảng Xã hội Pháp SFIO (Section Francaise de I’Internationale Ou-vrière) với cương vị Tổng Thư ký Chi bộ Việt Nam của Đảng SFIO. Với tư cách này, ông là chủ bút báo Công lý (Justice) - một trong những tờ báo ở Sài Gòn đã có những đóng góp tích cực cho phong trào ''Báo chí thống nhất'' trong các năm từ 1947 đến 1949. Cuốn sách chính trị đầu tiên của ông nhan đề "Giữa hai cuộc cách mạng 1789 và 1945", được xuất bản năm 1947.
Từ 1949, ông cùng nhiều trí thức yêu nước đã ra chiến khu trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông tham gia trong Chi bộ Văn nghệ Nam bộ đóng ở Khu 9, và công tác tại Đài Phát thanh Nam bộ, rồi làm Thư ký tòa soạn báo Cứu quốc Nam bộ.
Năm 1954, sau Hiệp định Genève ông được tổ chức phân công về nội thành Sài Gòn tiếp tục hoạt động cách mạng. Thời gian này cho đến gần hết năm 1972 ông cùng các đồng chí của mình đã khôn khéo, tích cực đấu tranh trực diện với chế độ Ngô Đình Diệm, cho đến Nguyễn Văn Thiệu. Chính vì những bài viết đăng trên các báo công khai thời đó ở Sài Gòn như Thần Chung, Đuốc Nhà Nam, Công Lý, Điện Báo... mà ông cùng các đồng chí của mình bị chính quyền cũ nhiều lần giam cầm. Nhưng ra tù, ông lại tiếp tục dùng ngòi bút đấu tranh cho sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc.
Đầu năm 1974, chính quyền Sài Gòn buộc phải trao trả ông cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Rồi ông được cử đi công tác ở nước ngoài. Tại Pháp, ông đã có nhiều hoạt động tích cực trong giới trí thức và Việt kiều.
Sau khi đất nước thống nhất, Thiếu Sơn trở về sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Bài viết cuối cùng của ông: "Trí thức với cách mạng, cách mạng với trí thức" đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 27/12/1977.
Cuộc đời của nhà văn, nhà báo Thiếu Sơn - Lê Sỹ Quý là cuộc đời chiến đấu của một trí thức yêu nước và cách mạng. Ông đã kiên trì dùng ngòi bút của mình làm vũ khí đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho hòa bình thống nhất nước nhà.
Thiếu Sơn mất tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/1/1978, thọ 70 tuổi. |
|