Những "cơn sốt" chưa được "hạ nhiệt"...
10:32' 07/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hết "cơn sốt" về "Đàn hương hình", "Báu vật của đời" là "Điên cuồng như Vệ Tuệ". Công chúng dường như đang "quay cuồng" bởi những "cơn sốt" văn học dịch Trung Quốc. Đâu là giá trị văn học đích thực? Văn học cần thị trường hay nghệ thuật? Đây không chỉ là câu hỏi dành cho các NXB, mà còn cho lương tâm của các nhà văn xứ ta hiện nay.

Tiểu thuyết "Linh Sơn" (Giải Noben VH năm 2000) của Cao Hành Kiện.

Trong những năm qua, nhiều tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc được dịch sang tiếng Việt, và được đông đảo bạn đọc đón nhận nồng nhiệt: "Gót sen ba tấc" của Phùng Ký Tài; "Linh Sơn" của Cao Hành Kiện; "Hoài niệm sói", "Phế đô" của Giả Bình Ao... với những quan niệm thẩm mỹ xoay quanh vấn đề về văn hoá, đời sống vật chất như: cái đói, cái khổ, nỗi đau thể xác, những dằn vặt về tình cảm, tinh thần...

Thế nhưng, thời gian gần đây, một số tác phẩm của Mạc Ngôn như: "Đàn hương hình", "Báu vật của đời", "Rừng xanh lá đỏ", "Cây tỏi nổi giận"; và các tác phẩm của nữ nhà văn trẻ Vệ Tuệ: "Thượng Hải bảo bối", "Tiếng gọi hồ điệp", "Điên cuồng như Vệ Tuệ"... đến hàng loạt tiểu thuyết tâm lý tình cảm và tiểu thuyết kiếm hiệp của Quỳnh Dao, Kim Dung đã gây nên không ít xôn xao trong dư luận.

Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Phải chăng do các nhà văn này ý thức văn học chỉ là sản phẩm của kinh tế thị trường, hay đơn giản các tác phẩm của họ có quan niệm thẩm mỹ không giống quan niệm thẩm mỹ của chúng ta? Nhưng dù sao ở một khía cạnh nào đấy họ cũng đã thành công vì các tác phẩm của họ không những bán chạy ở Trung Quốc, mà còn rất ăn khách ở Việt Nam. Đơn cử cuốn Báu vật của đời (Mạc Ngôn) trong ngày cao điểm ở nhà sách Tiền Phong (75 - Nguyễn Thái Học) bán được 300 cuốn, thu 25,5 triệu đồng, một con số khổng lồ. Tiếp theo là Điên cuồng như Vệ Tuệ, Anh hùng xạ điêu, Thiên long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ... bán được khoảng 60 bộ/tháng với giá thành không hề rẻ (gần 350 nghìn đồng một bộ). Đã thế, ngoài mấy miếng võ đấm đá, mấy lời thề non hẹn biển của các đôi tình nhân, sướt mướt, ỷ eo, lê thê, trống rỗng hay những đoạn miêu tả đầy tính dục (của Vệ Tuệ) ra... thử hỏi chúng ta còn có thể cảm nhận được gì ở chính thể loại "văn học đánh môi son" này?

"Đàn hương hình" một trong số tiểu thuyết của Mạc Ngôn.

Vẫn biết, có nhiều con đường để cảm thụ tác phẩm văn chương, nó thuộc "gu" thẩm mỹ của từng người. Vì vậy đứng trước một "hiện tượng văn học" xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau, âu cũng là chuyện hết sức bình thường. Thích hay không thích, hợp hay không hợp, thậm chí cảm nhận ra sao là quyền của mỗi một độc giả, song không thể lấy lý do đó làm lý lẽ biện minh cho mình, cũng không thể lấy số lượng để kết luận cho một tác phẩm có "tư tưởng mờ nhạt, học thuật nổi bật" được, một khi văn học đại chúng và văn học tinh anh không cùng đi chung một con đường.

Vậy đâu là nghệ thuật đích thực?

Là sự cân đối, hài hoà giữa hai chiều kích: chiều kích ngang và chiều kích thẳng. Chiều kích ngang là đời sống nhân sinh (mà văn học mọi thời đại đều phản ánh) còn chiều kích thẳng chính là sự hướng thượng, là đời sống tinh thần, sự thăng hoa của người nghệ sĩ. Tiếc rằng, một số tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc mới chỉ đạt đến chiều kích ngang, nhưng tại chiều kích này, họ cũng không vượt qua được những kiệt tác như: Liêu trai chí dị; Hồng lâu mộng; Kim Bình Mai...
 

Tiểu thuyết kiếm hiệp đang rất ăn khách của Kim Dung.

Điều đó được thể hiện rất rõ trong "Đàn hương hình" của Mạc Ngôn. Trong tác phẩm này, Mạc Ngôn đã biến công việc giết đồng loại thành một nghi lễ tàn khốc nhất. Ông vẽ ra trước mẳt người đọc sự hèn mạt, ghê tởm của con người. Lối sống văn hoá, cách ứng xử của con người trong thế giới của ông không xứng đáng với phẩm chất của con người (được phản ánh rất rõ trong tiếng kêu gào của bầy linh miêu - tiếng kêu gào của bầy dã thú).  Đối với người đọc chúng ta, đây là điểm độc đáo, khác lạ và gây sốc, nhưng trong lịch sử văn học Trung Hoa và thế giới, đã từng có rất nhiều tác phẩm đặc sắc và ở cấp độ cao hơn nhiều.

Riêng các tác phẩm của Vệ Tuệ thì thấm đẫm hơi thở thời đại, nhưng cũng thấm đẫm tính dục. Với lối viết thuần miêu tả, các tác phẩm của chị phản ánh nhu cầu của tầng lớp phụ nữ có tiền trong thời kỳ mở cửa. Hãy nghe tên một số tác phẩm của chị: "Tiếng sét của con bướm đêm"; "Gái trinh giữa dòng nước lũ"... cũng đủ thấy văn Vệ Tuệ như thế nào.

Văn chương là cả một sự khổ nạn để đạt tới sự thăng hoa, có sự thăng hoa dẫn nhà văn đến thành công, nhưng cũng có sự ''thăng hoa'' đưa thẳng người ta đến chỗ hư vô. Đừng đánh lừa người đọc, và đánh tráo những khái niệm mỹ học. 

  • Trần Mạnh Hào

     
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đi nghe Jazz - dân ca Việt Nam (06/05/2004)
Những ngày châu Âu tại Việt Nam (06/05/2004)
Đoàn cải lương Hương Tràm đến với Côn Đảo (05/05/2004)
Cơm gà Hải Nam, đặc sản của Chợ Lớn (05/05/2004)
Gặp tác giả "Thoát khỏi ngục tù SG, chúng tôi tố cáo" (03/05/2004)
Phạm Ngọc Dương và ranh giới giữa hạnh phúc,khổ đau (03/05/2004)
Thơm ngon chè bưởi, chè sen mùa hè! (02/05/2004)
Những "gia đình" thống trị Hollywood (30/04/2004)
Trọng Tấn ra album ''Việt Nam Tổ quốc tôi 2'' (29/04/2004)
Thoại Mỹ và show cải lương “đồng hành với tuổi trẻ” (28/04/2004)
Quán giải khát... tại gia (28/04/2004)
"Chợ quê ngày hội" - nét hấp dẫn của Festival Huế (28/04/2004)
"Sêkhốp - một nụ cười độ lượng" (28/04/2004)
30/4 - ra rạp xiếc để... cười (28/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang