(VietNamNet) - Trong ba loại đồ uống phổ biến nhất thế giới: trà, cà phê và ca cao, trà được nhiều người ưa chuộng nhất. Trung Quốc là xứ sở của trà. Trà, cùng với tơ lụa, gốm sứ Trung Quốc, nổi tiếng thế giới cách đây hơn nghìn năm. Hầu hết cây trà ở những quốc gia khác đều có nguồn gốc trực tiếp hoặc gián tiếp từ xứ sở này.
Cách gọi trà (lá trà) ở nhiều nước bắt nguồn từ phát âm ''cha'' Trung Quốc. Người Nga gọi là "cha'i", (phát âm giống "chaye" - lá trà của cư dân phía bắc Trung Quốc). Người Anh có từ "tea", phát âm bản sao của người vùng Hạ Môn. Cách viết chữ ''trà'' Nhật Bản cũng tương tự chữ ''trà'' Trung Quốc, phát âm chỉ khác đôi chút.
Trà trở thành thứ thiết yếu trong đời sống thường nhật của người Trung Quốc từ xa xưa. Mùa hè, hương trà như xua tan không khí nóng nực và mang lại cảm giác mát mẻ, sảng khoái. Mùa đông, tách trà ấm áp giúp con người gần nhau hơn. Người Trung Quốc có câu nói thế này: "Thà ba ngày thiếu muối còn hơn một ngày vắng trà''. Trà Trung Quốc có rất nhiều loại, gắn liền với các truyền thuyết, câu chuyện kể.
Dũng Khê Hỏa Thanh
Đó là loại trà đặc sản của huyện Kinh tỉnh An Huy. Khởi nguyên của nó bắt đầu từ thời Minh. Lai lịch Dũng Khê Hỏa Thanh là truyền thuyết: bấy giờ ở vùng Dũng Khê có một tú tài tên gọi Lưu Kim, hiệu là La Hán tiên sinh. Nhân tiết trời xuân đi tới dãy núi Dũng Khê phát hiện ra một loại cây ''Kim Ngân trà''. Loại cây này lớn lên hình dáng rất kỳ lạ, nửa phiến lá màu trắng, nửa còn lại màu vàng. Người dân quen gọi là ''Bạch trà''. La Hán tiên sinh nghe kể cảm thấy rất hứng thú, bèn lấy về mầm cây ''Kim Ngân trà'' đem về nhà, vò rồi sao trên lửa, chế thành một loại lá trà, bề ngoài ưu tú thanh nhã, sắc xanh như châu ngọc, phủ lớp lông tơ trắng mịn, lại có mùi thơm như hoa, vị ngọt tựa cam đường, và đặt tên là Hỏa Thanh. Dũng Khê Hỏa Thanh sau này trở thành trà tiến vua, nổi tiếng toàn quốc, phát triển thịnh trị nhất vào thời nhà Thanh (1851-1861).
Tây Sơn trà
Tây Sơn trà xuất phát từ vùng Tây Sơn huyện Quế Bình (Quảng Tây). Xa xưa trên núi Tây Sơn có phiến đá bàn cờ, xung quanh mọc rất nhiều cây trà. Ngày kia, hai vị thần tiên ở trời cao bay xuống núi, chơi cờ trên đá. Họ ngắt vài lá trà bên cạnh, nấu với nước suối Khổng Tuyền rồi uống. Về sau, nước suối có vị ngọt như sữa, pha với cây trà vùng núi Tây Sơn thì hương vị không thể nào quên.
Thiết Quan Âm
Loại trà này là sản phẩm riêng của vùng An Khê (Phúc Kiến). Thời vua Càn Long nhà Thanh, ở thôn Tùng Lâm có người tên Ngụy Ẩm rất tin theo Phật. Mỗi buổi sáng sớm, thường pha một cốc trà thanh tịnh và cúng trước tượng Phật Quan Âm Đại Sĩ. Một hôm, anh lên núi kiếm củi, tìm ra một cây trà, trong ánh bình minh lóe rạng, lá trà như phát tỏa hào quang. Ngụy Ẩm đào cây mang về nhà, chăm sóc chu đáo. Lá trà sau này chế thành Ô Long trà, hương vị đặc biệt. Lá trà này sắc xanh như sắt, vị thanh, hương giống cây cỏ thơm nên gọi là ''Thiết Quan Âm''.
Hàng Châu Bích La Xuân
Xuất xứ danh trà ở vùng Thái Hồ Động Đình sơn huyện Ngô, Giang Tô. Cái tên Bích La Xuân có từ rất lâu đời. Theo ghi chép ''Thanh Gia lục'', có truyền thuyết rằng: ''Núi đông Động Đình có đỉnh Bích La, trên vách đá dựng đứng có vài cây trà mọc hoang dã. Mỗi năm, người dân trong vùng lại tới hái lá trà về uống. Bấy giờ, khi tiết hái trà đến gần, mọi người lên núi, thấy cây trà cành lá mọc xum xuê, ai cũng thi nhau lấy, giỏ tre đựng không đủ, bèn giắt cả vào ngực áo. Lá trà ấp vào ngực, gặp hơi nóng tỏa ra từ cơ thể, phát ra mùi hương kỳ lạ. Mọi người nhất loạt thốt lên: Nhân hương''. Từ đó về sau, mỗi lần hái trà, mọi người không dùng giỏ tre mà đều ôm vào ngực. Loại trà mang tên ''Nhân hương'' - ý là chỉ mùi thơm lá trà phát ra từ cơ thể con người. Vùng núi có người tên là Chu Chính Nguyên rất thông thạo cách chế trà ''Nhân hương''. Nhân Hoàng đế Khang Hy du ngoạn Thái Hồ, người dân dâng trà ''Nhân hương'', vua mê mẩn với tách trà, cảm thấy tên gọi không ưu nhã, liền đổi thành ''Bích La xuân''.
Huệ Minh Trà
Vùng núi Cảnh Ninh, Âu Giang tỉnh Chiết Giang là quê hương trà Huệ Minh, gắn liền với tên gọi một ngôi chùa sát chân núi. Tương truyền thời nhà Đường, có người tên là Lôi Thái Tổ đem bốn người con từ Quảng Đông lánh nạn đến vùng Giang Tây, rồi lại từ Giang Tây lưu lạc tới Chiết Giang. Trên đường đi gặp một vị hòa thượng, trò chuyện rất tâm đồng ý hợp. Cha con họ Lôi đến Cảnh Ninh, khai phá đất hoang, tìm cơ kiếm sống. Quan huyện sinh lòng tham, tìm cách chiếm đất đai của năm cha con, đẩy họ khỏi vùng. Cơ may họ Lôi đến trấn Nga Khê (Cảnh Ninh) lại gặp hòa thượng cũ. Đó chính là vị sư tổ chùa Huệ Minh. Xung quanh chùa đất đai rộng lớn, cây cối um tùm, vắng bóng người ở. Hòa thượng gọi cha con Lôi Thái Tổ đến chùa Huệ Minh, khai hoang trồng trà. Tên Huệ Minh trà có từ ấy.
Cửu khúc hồng mai
Cửu khúc hồng mai gọi tắt là Cửu khúc hồng còn có tên là Cửu khúc Ô long, xuất xứ ở bờ sông Tiền Đường (Hàng Châu). Tên gọi rất thi vị này bắt nguồn từ một truyền thuyết cũng là phản ánh sự đặc sắc của loại trà. Ở vùng Cửu khúc hồng mai có đôi vợ chồng già vẫn chưa sinh con, cuộc sống vô cùng nghèo khổ. May sao một năm thành tâm nguyện ý sinh được cậu con trai, vợ chồng mừng hơn bắt được châu ngọc và gọi con là A Long. A Long lớn lên thông minh đẹp đẽ, lại rất thích chơi bên bờ sông. Một hôm, A Long đang nghịch nước, thấy hai con tôm tranh nhau viên ngọc nhỏ, cậu cảm thấy rất hiếu kỳ, bèn lấy viên ngọc sung sướng chạy về nhà. Trên đường đi không cẩn thận, nuốt ngọc vào bụng. Về đến nơi, toàn thân ngứa ngáy, gọi mẹ cho đi tắm. A Long vừa vào chậu nước, hình dáng biến thành rồng nhỏ Ô Long. Hôm đó trời mưa gió, sấm chớp bão bùng, Ô Long nhe nanh múa vuốt, bay ra khỏi nhà, hướng về phía núi. Vợ chồng già thấy con biến hình, vừa thất vọng, vừa đau đớn, khóc lóc xót xa. Ô Long lưu luyến song thân, nửa muốn đi, nửa muốn ở, chốc chốc ngoái đầu lại. Nơi Ô Long dừng chân, biến thành suối Cửu khúc. Ô Long đi rồi, hai vợ chồng già càng thêm thương nhớ. Về sau mỗi tiết Thanh minh, Ô Long lại về thăm cha mẹ một lần. Truyền thuyết về suối Cửu khúc cũng vừa phù hợp với cây trà trên núi Hàng Châu. Hình thù lá trà giống như rồng nhỏ, nên mọi người gọi là ''Cửu khúc Ô long''. Lá trà sắc vàng lấp lánh, khi pha nước, màu sắc tươi hồng nên còn gọi là ''Cửu khúc hồng mai''.
Ô Long trà
Từ rất lâu rồi, ở vùng núi sâu An Khê Phúc Kiến, có người thợ săn gọi là Hồ Lương. Một ngày trở về nhà sau khi săn thú, mặt trời lên cao, thời tiết nóng nực, Hồ Lương sợ thịt ôi hỏng, bèn tiện tay ngắt vài lá cây ven đường che đậy. Sau lại thấy nhà mình có mùi hương thơm ngát. Tìm quanh quẩn trong ngoài, mới biết hương thơm tỏa ra từ lá cây đã ngắt. Anh dùng lá cây ngâm vào nước, uống thấy tinh thần muôn phần sảng khoái. Hồ Lương không quản đường xa, tìm tới nơi, đào cây mang về trồng. Nhưng mùi vị pha không giống như trước. Anh suy nghĩ mông lung, rồi hiểu rằng, lá trà phải phơi nắng, gia công rồi mới có hương thơm. ''Hồ Lương'' phát âm ngôn ngữ địa phương gần giống ''Ô Long''. Người dân trong vùng ghi nhớ công lao Hồ Lương liền gọi loại trà này là ''Ô Long trà''.
Quân Sơn Ngân Châm
Có vị vua Minh Tông sau thời Ngũ Đại, một hôm thiết triều, thái giám dâng chén trà. Khi đổ nước pha trà, thấy bóng hạc trắng soi đáy cốc, ngước nhìn lên không trung, thấy một con hạc trắng quay đầu về phía vua, gật ba cái rồi bay đi. Chén trà đột nhiên dâng lên làn hương cùng bọt nhỏ từ dưới đáy, lăn tăn bóng nước, và chầm chầm lan tỏa không dứt, nhác trông giống bông hoa tuyết. Lại hợp với lời tâu thái giám, loại trà này pha bằng chiếc lông hạc. Vua cảm động và sung sướng, hạc trắng cúi đầu chào ba lần, ý như cung chúc vua vạn tuổi. Vua Minh Tông sau đặt tên là trà Quân Sơn Ngân Châm. Loại trà này xưa chỉ để tiến vua...
Ở Trung Quốc thời Tây Chu, trà bắt đầu được xem như một vật phẩm tiến vua. Cuối thời Tây Hán, trà là thứ hàng hóa chủ yếu. Đến thời nhà Đường, trà trở nên phổ biến với mọi người dân. Vào thế kỷ thứ 6, một vị hòa thượng đã mang trà đến Nhật Bản, thế kỷ thứ 16, một người truyền giáo Bồ Đào Nha đã giới thiệu trà Trung Quốc ở Âu châu. Trà - uống trà là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày của người dân Trung Quốc.
|