“Dân dã''… ba khía
10:24' 13/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Mộc mạc, bình dân như món ba khía, có lẽ bây giờ hiếm hoi mới tìm thấy nó xuất hiện trong những bữa cơm gia đình khá giả. Nhưng, cái món dân dã này đôi khi bắt nhiều người phải thấy nhớ, thấy thèm. Chính cái mùi vị là lạ, mang hơi hướm đồng quê, bỗng giúp người ta thấy ngon miệng, bớt đi cảm giác đơn điệu và buồn tẻ ngày thường…

 

Ba khía
 
 

Ba khía sống quanh các vùng rừng ngập mặn, có vẻ như khá gần gũi với họ hàng anh em nhà còng – bởi hình thù khá giống nhau. Tuy nhiên, giống ba khía thường to hơn còng, chiếc mai trên lưng sần sùi, đen đúa, và cả cặp càng trông cũng gồ ghề hơn so với còng.

 

Từ miệt Sóc Trăng đổ về Bạc Liêu, cho đến tận mũi Cà Mau, men theo những cánh rừng mắm đen mọc giáp biển, thường có lắm ba khía. Từ tháng 8 trở đi, lúc mùa màng đã xong, người miền quê lại rủ nhau chèo ghe đi bắt ba khía. Người bắt ba khía phải canh theo con nước, lúc nước lớn, ba khía đeo đầy thân cây mắm. Nhất là mùa “ba khía hội”, áng chừng khoảng tháng 10, lúc đó ba khía nhiều vô số kể.

 

Người có điều kiện thì đi cả ghe lườn lớn, trên ghe chở rất nhiều lu khạp. Người khó khăn hơn, đi bắt ba khía bằng xuồng nhỏ hơn, xuôi ngược theo những cánh rừng mắm, hết chuyến cũng có thể kiếm được kha khá. Bắt đầu mỗi chuyến đi, ai nấy lại cơm đùm cơm bọc, chuẩn bị chu đáo, bởi phải lênh đênh trên mặt nước có khi cả chục ngày trời. Lu khạp trên ghe đều đã chứa nước muối quậy sẵn, nước muối mặn đến nổi thử bỏ cơm vào, những hột cơm đều bị nổi lều bều trên mặt. Ba khía bắt được đều bỏ hết vào lu, gặp phải nước muối mặn chịu không nổi, lăn ra chết…

 

Đi bắt ba khía “vui” nhưng cũng “cực” không xiết! Chỉ soi đèn bắt chúng vào ban đêm, vào giờ này ba khía chậm chạp, chỉ cần thò tay ra là chộp dính ba khía ngay. Cứ thế, ngày ngồi chơi, đêm làm, ghe chèo hết chỗ này lại đến chỗ nọ cho đến khi xếp chật hết cả lu khạp, các ghe mới chịu quay trở về.

 

Ba khía với cơm trắng, ăn "quên" no!
 
 

Ba khía bán ngoài chợ, độ tháng 5 là lúc mua về ăn ngon nhất. Ba khía thật mập, càng to và chắc thịt. Ngon nhất là mua được ba khía cái, thời điểm này có thể gặp được trứng đeo đầy sau yếm của nó. Ba khía mang về, trước hết đem ngâm nước, rửa thật sạch để trôi đi hết cát sạn lẫn vào. Sau đó mới gỡ bỏ mai, bẻ đôi thân ba khía, cả càng và gọng cũng bẻ rời, đem trộn tất cả vào tỏi, ớt, đường, chanh hoặc giấm đã làm sẵn. Thường thì trộn xong cũng chưa đem ra mà để lại hơn cả buổi cho ba khía thật ngấm, chừng ấy thời gian để vị của ba khía, độ mặn – chua – ngọt đều đã đủ thanh, đủ dịu.

 

Ăn cơm với ba khía quả thực khá đạm bạc, nhưng nhiều người vẫn khoái. Hơn nữa, nếu ăn với cơm nguội lại càng… ngon hơn! Cơm chan nước ba khía, ăn vào có cảm giác mằn mặn, cay cay; còn thịt ba khía chẳng bõ công ăn, bởi chỉ có tí tẹo còn dính lại, chỉ nhấm nháp đỡ buồn.

 

Thế nhưng, khi đã ăn qua rồi, lâu lâu lại cảm thấy… ghiền.

  • Bài và ảnh: Uy Linh
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Symphony of Style'' - thời trang Anh - Việt (12/05/2004)
Cựu TT Bill Clinton xuất bản hồi ký (12/05/2004)
Lễ hội Ẩm thực Israel tại Hà Nội (12/05/2004)
Lễ hội ngàn hoa (11/05/2004)
Triển lãm bản in cổ nhất thế giới (10/05/2004)
Nguyễn Thi - tháng Năm còn nhớ mãi (10/05/2004)
Chuyện những danh trà Trung Quốc (10/05/2004)
Madonna - ngôi sao nhiều phong cách nhất (10/05/2004)
Xuất bản "Trận chiến Điện Biên Phủ" của Jules Roy (07/05/2004)
''ĐBP - 50 mùa hoa đỏ'': Hoành tráng và xúc động! (07/05/2004)
Những "cơn sốt" chưa được "hạ nhiệt"... (07/05/2004)
Đi nghe Jazz - dân ca Việt Nam (06/05/2004)
Những ngày châu Âu tại Việt Nam (06/05/2004)
Đoàn cải lương Hương Tràm đến với Côn Đảo (05/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang