(VietNamNet) - Đồng dao là thơ hát dân gian truyền miệng của trẻ em, thường kèm theo trò chơi. Trừ một ít đồng dao có phần âm nhạc và ca từ, phần lớn còn lại chỉ có lời thơ mà không có giai điệu. Khi tham gia trò chơi, các bạn nhỏ thường không hát mà chỉ đọc lời thơ theo tiết tấu, như Nu na nu nống, Rồng Rắn lên mây… Đó là một trong những nguyên nhân làm cho thể loại đồng dao nguyên gốc ngày càng ít được các bạn nhỏ hưởng ứng.
|
50 ca khúc "Hồn nhiên tiếng hát đồng dao". |
Nhận thấy đây là thể loại cần được bảo tồn, phát triển và nâng cao, nhiều nhạc sĩ đã để công sưu tầm các bài đồng dao cũ (chưa có giai điệu) và phổ nhạc thành bài hát. Một số nhạc sĩ khác đã phỏng ý thơ của đồng dao, hoặc dựa theo phong cách diễn đạt của đồng dao để sáng tác nên bài hay nhất trong số hàng trăm sáng tác trong cả nước.
Dù cách sáng tác có khác nhau, nhưng 50 ca khúc đồng dao mới do nhạc sĩ Trương Quang Lục tuyển chọn đều mang đậm tính cách vui tươi, hồn nhiên, mộc mạc – đặc điểm nổi bật của thể loại đồng dao. Đây là một việc làm góp phần bảo tồn, phát triển và nâng cao một thể loại âm nhạc dân gian quý báu dành riêng cho tuổi thơ.
|
40 ca khúc thiếu nhi "Vườn xuân chim hót". |
Nhạc sĩ Trương Quang Lục – người có nhiều sáng tác dành cho thiếu nhi, đã tuyển chọn các ca khúc: Bà Còng đi chợ, Bầu và bí; Con chim chích chòe; Mau mau tỉnh dậy; Nhớ ơn của Phạm Tuyên; Vuốt nổ, Tiếng con chim ri; Dô dậy! Dô dậy!, Đập chuồn chuồn; Cỡi ngựa loong coong; Con nít của Phan Huỳnh Điểu. Ngoài ra còn có một số bài hát của các nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh, Thập Nhất, Hùng Lân; Phan Thanh Nam; Trần Hữu Bích – Nguyễn Linh; Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương… Trong đó, nhạc sĩ Trương Quang Lục đã góp vào 7 bài: Con kiến leo cành đa, Cọp xám bắt dê; Gánh gánh gồng gồng, Kéo cưa lừa xẻ; Lứa ngô là cô đậu nành; ông Ninh, ông Nang; Xỉa cá mè. Và chỉ riêng bài Nu na nu nống đã có hai nhạc sĩ Võ Thắng (theo đồng dao) và Xuân Giao sáng tạo.
Hè 2004 đã đến, với tập sách nhạc trên, các em thiếu nhi sẽ có thêm một món quà cho hành trang “ca sĩ” của mình. Vì hiện nay các em nhỏ hay hát nhạc người lớn, và có những hành động người lớn làm mất đi vẻ trong sáng, hồn nhiên vốn có của tuổi thơ.
|