(VietNamNet) - ''Thương chồng nấu cháo le le/Nấu canh hoa lý, nấu chè hạt sen'' - câu ca của người xưa đã - đang và sẽ mãi mãi đi vào tâm thức của từng người dân Việt Nam. Quả thật như vậy, những trưa hè nóng bức, một bát chè thơm mát dâng lên mời người thân thì còn gì thú vị hơn.
Chè có từ khi nào?
Xưa kia, trong những ngày hội hè, đình đám, ở đình làng, xôi chè lên mâm trước xôi thịt. Hai mâm thước, đồng chạm, chân quỳ: một mâm xôi nếp cái hoa vàng, một mâm chè con ong nấu thành mật ngọt, sau khi cúng tế được đem ra cắt lát chia phần cho từng giáp. Còn ở chùa, những ngày lễ Tết, đàn chay, ngoài hương hoa, oản, chuối thường có một mâm chè kho mầu vàng đậm, khum khum như một quả đồi nhỏ. Lễ xong, mâm chè được cắt ra phát lộc cùng oản, chuối.
Từ mật mía đến đường bánh, đường phèn đến đường kính, chè - món ăn chay truyền thống, ngọt ngào hương vị quê hương đã phát triển thành nhiều loại, nhiều cách chế biến với nhiều nguyên liệu khác nhau mà tên gọi thường ghép với nguyên liệu. Chè đậu xanh, chè đậu đen, chè đậu ván Huế, chè bắp, chè mầm, chè ngô non, chè khoai môn, chè môn sáp vàng, chè khoai lang, chè sắn lắt, chè sắn bột, chè chân trâu, chè củ từ, chè củ súng, chè mã thầy, chè vừng, chè kê, chè lạc, chè chuối, chè thạch lựu, chè long nhãn, chè bưởi, chè sen dừa... Ngoài ra còn có tên tượng hình cho chè hoa cau, chè con ong, chè bà cốt..., hoặc chế biến hỗn hợp đủ thứ thành phần mặn ngọt như chè lạp xường, chè thịt quay, chè trứng đỏ, chè trứng trắng và đủ thứ hoa trái bốn mùa như chè thập cẩm.
Cho đến nay ở Hà Nội, người ta đã lên danh sách được 51 loại chè. Ngoài phố phường có chè gánh rong, ngồi rong khắp nẻo Hàng Buồm, Hàng Bạc, Quảng Lạc - Sầm Công, Cửa Nam, Sinh Từ... Người bán chè toàn là các bà, các cô, chưa thấy đàn ông bán chè (trừ mấy chú bán "lục tào xá", "chí mà phù"). "Ai chè đậu xanh, chè đậu đen, ra ... mua...!". Tiếng rao lảnh lót, kéo dài lướt qua như luồng gió và ngọt như chè đường! Chè cứ đi rong, chẳng cần biển hàng, tên hiệu nhưng ai cũng biết, cũng đợi chờ tìm đến đúng giờ, đúng chỗ. Những năm 60, 70 ở phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến vẫn còn một số hiệu bán chè vừng đen. Ðến những năm 80, 90 lại xuất hiện những hiệu chè vàng, chè đậu ở ngã tư Lương Văn Can, Hàng Bồ, hàng xôi vò - chè đường ở Lò Ðúc, ở Khâm Thiên, ở phố Huế, v.v... Chỉ có chè thập cẩm ở phố Hàng Bạc là có biển: chè Sài Gòn. Còn chè thập cẩm ở 74 Trần Hưng Ðạo thì có biển hiệu liên danh "Chè thập cẩm - cà phê" bán suốt 4 mùa.
Chế biến chè bưởi, chè sen ra sao?
Bạn là người yêu thích công việc nội trợ? Hãy cùng chúng tôi trổ tài chế biến 2 món chè (chè bưởi, chè sen dừa) đặc biệt này nhé!
Chè bưởi, nguyên liệu:
- Cùi bưởi khô, bạn có thể mua sẵn ở các chợ hoặc tự làm lấy bằng cách bỏ vỏ xanh lấy phần cùi trắng, cắt nhỏ phơi khô để dùng dần.
|
Một bát chè bưởi sẽ làm dịu nóng bức của mùa hè. | |
|
- Đậu xanh 100g
- Đường kính 400-500g
- Bột đao 10g
- Vani
- Dừa nạo hoặc dừa băm 200g
Cách làm: Cùi bưởi luộc chín vớt ra để ráo nước. Ðỗ xanh đãi sạch đồ chín, dừa nạo vắt lấy nước cho lên bếp đun nhỏ lửa làm nước cốt dừa. Bột đao lọc sạch hòa với 0,5 lít nước cho lên bếp khuấy đều tay, lửa để vừa phải đến khi bột sánh, cho đường vào nêm vừa đủ (không nên cho quá nhiều đường). Cho đỗ đã đồ chín, cùi bưởi vào khuấy đều lên. Sau khi thực hiện các thao tác trên xong, bắc nồi chè ra để nguội, rồi cho vani vào. Khi ăn, múc chè ra bát, chan nước cốt dừa lên trên.
|
Bát chè sen mát, bổ! | |
|
Chè sen dừa, thành phần :
- Hạt sen khô: 0,5g
- Dừa nạo: 0,1g
- Đường trắng: 0,1
- Đường phèn: 0,3g
Cách làm: Đun hạt sen đến khi sôi vặn nhỏ lửa khoảng 10 phút, lấy ra chà rửa sạch hạt sen. Sau đó cho vào nước đun tiếp nhỏ lửa trong vòng 1 giờ đến khi mềm. Lấy hạt sen ra cho đường phèn vào nước sen đun đến khi đường tan hết, lọc lại nước rồi cho hạt sen vào đun tiếp khoảng 20 phút. Cứ 1 lạng dừa thì 1 lạng đường trộn đều cho vào chảo đặt lên bếp đun nhỏ lửa, vừa đun vừa quấy đều tay khoảng 20 phút thì nước đường khô lại chuyển sang màu trắng tinh bám đều vào dừa là được.
- Khi ăn múc chè vào bát, rắc dừa đã được xào lên trên cho đều.
|