(VietNamNet) - Cả cuộc đời và văn nghiệp của mình, Sara Lidman đã dành tâm huyết cho những thân phận cơ nhỡ, những mảnh đời khó khăn. Bà đứng về phía người nghèo, giai cấp cần lao, ủng hộ phong trào phản đế. Sara cũng là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam khi bà đã từng đến đây đi thực tế và cho ra đời tập bút ký nổi tiếng “Trò chuyện ở Hà Nội” (1966). Nhưng với tuổi già sức yếu, tối ngày 17/6 vừa qua, Sara Lidman đã qua đời ở tuổi 80, để lại nhiều tiếc nuối cho những người yêu nghệ thuật.
|
Sara Lidman |
Sinh ngày 30/12/1923 tại một vùng quê êm đềm Västerbotten phía Tây Bắc Thụy Điển, bà là một trong những văn sĩ được yêu mến nhất tại đây. Tuổi thơ đã cùng sống với những mảnh đời nghèo hèn, cơ cực nên văn phong lẫn hồn văn của bà vẫn thấm đượm tinh thần nông thôn, hướng về giai cấp bình dân, những tầng lớp hèn kém trong xã hội. Thuộc lớp văn sĩ đầu đàn, tiêu biểu của dòng văn học Thụy Điển đầu thập niên 50, bà cùng những Lars Forssell, Tomas Tranströmer, Willy Kyrklund, Majken Johansson… tiếp nối có bổ sung dòng văn học thập niên 40, dòng văn học mà tinh thần của nó đầy ắp những băn khoăn, hoài nghi về cuộc sống sau thế chiến thứ II. Hình thái xã hội của thập niên 50 ảnh hưởng không ít đến cái nhìn của những văn sĩ thế hệ Sara, cuộc chiến ở Triều Tiên, Việt Nam; những cuộc chạy đua vũ trang, chiến tranh lạnh chia rẽ thế giới… là đề tài xuyên suốt trong các tác phẩm của lớp nhà văn trưởng thành trong thời kỳ này. 1953, Sara cho ra đời tác phẩm đầu tay Tjärdalen (Chảo hắc ín), và lập tức được đón nhận nồng nhiệt. Với sắc thái ngôn ngữ địa phương, bà viết về cuộc sống của những người nông dân vùng Västerbotten (quê hương bà), nơi tập trung của những người nghèo hèn, khó khăn. Ở đó, bà nghiên cứu sự ảnh hưởng của việc hiện đại hoá và công nghiệp hoá vào lối sống cổ truyền của người dân nơi đây.
|
Bà là nữ văn sĩ được yêu mến nhất tại Thuỵ Điển |
Đi nhiều và viết nhiều, những năm tiếp theo bà lần lượt cho ra đời những tác phẩm được bạn đọc đón chào nhiệt liệt, như: Hjortronlandet (1955), Regnspiran (1958), Bära Mistel (1960)…, vẫn là chủ đề về con người, về những miền quê thôn dã, về vị trí của người phụ nữ trong xã hội tư sản và quan điểm phản đế sâu sắc. Cuộc chiến ở Việt Nam là thời kỳ không thể nào quên với cá nhân bà. 1965, Sara đến Hà Nội để thực sát cụôc sống chiến đấu của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bà đã dành tất cả tình cảm của mình để ủng hộ Việt Nam và mạnh mẽ kêu gọi sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân Thụy Điển đòi Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, “Ước gì sau một đêm ngủ dậy, tôi sẽ trở thành người Việt Nam”, câu nói nổi tiếng của bà đã thúc giục bao người Thụy Điển xuống đường mít tinh ủng hộ cuộc chiến của nhân dân Việt Nam. Tập bút ký “Trò chuyện ở Hà Nội” (Conversations in Hanoi - 1966) và bài thơ “Lời chào muộn màng gửi bạn Việt Nam” là những bằng chứng cảm động về tình yêu chân thành của Sara với nhân dân Việt Nam. Đến Việt Nam 2 lần và lần nào bà cũng đi đến khu vực “lửa đạn” nhất để tận mắt chứng kiến cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân nơi đây. Năm 1974, cũng chính bà là người dịch và đọc phần tiếng Thụy Điển trong bài diễn văn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước cuộc mít tinh ủng hộ của nhân dân Thụy Điển tại Hội trường Nhân dân Folket Hus mà theo lời kể của Lưu Quý Tân, tùy viên báo chí của ĐSQ VN tại Thụy Điển năm 1974 thì “Văn phong… rất hay và sắc sảo, nhưng lại rất bình dị, trong sáng, được đọc lên bằng một giọng điệu rất dịu dàng, tình cảm”…
|
Bà luôn luôn là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam |
Đã từng bị chế độ Arpatheid giam giữ tại Nam Phi vì lí do “thoải mái” trò chuyện cùng những người da đen nhưng cuối cùng Sara đã được thả vì sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Trở về nước bà viết tác phẩm “Tôi và con tôi” (1961) với lời tố cáo đanh thép chính sách thực dân và phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và nhận được sự đồng tình mạnh mẽ của những người yêu chuộng hoà bình. 80 tuổi với lưng vốn nhiều giải thưởng văn học có giá trị, là một nhà văn, nhà xã hội hoạt động không mệt mỏi, Sara vẫn luôn đấu tranh cho những con người thấp cổ bé họng, luôn đứng về phía những dân tộc bị áp bức, bóc lột. Tác phẩm cuối cùng của bà viết năm 1996 khi bà đã 74 tuổi (The Root of life), theo lời kể của nhà văn Hồ Anh Thái cũng là một sự kiện gây chấn động văn đàn Thuỵ Điển khi bà đề cập về “số phận người phụ nữ, về tính dục và tình yêu cuồng nhiệt”.
“Ước gì sau một đêm ngủ dậy, tôi sẽ trở thành người Việt Nam”, người Việt Nam không bao giờ quên bà với những gì bà đã làm ở nơi đây và cho dù đã ra đi thì bà vẫn luôn là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam.
|