(VietNamNet) - Mùa nóng thường làm cho mọi người dễ biếng ăn. Để bồi bổ, tại sao bạn không chế biến món lẩu tươi sống?...
|
Ngoài rau và các loại thịt, cá thì phần ăn kèm theo lẩu tươi có thể dùng miến, mì trứng, bún tươi hoặc bún gạo. |
Lẩu sống phải ăn với nhiều rau tươi mới ngon và đúng vị. Các loại rau gồm có: cải bẹ xanh, tần ô (cải cúc), cải thảo, bông hẹ, củ hành lá… Tất cả rau cải đều được rửa sạch, cắt thành đoạn khoảng 6 – 8cm.
Nước lèo được nấu bằng xương heo, đầu, chân gà; khi nấu nhớ mở nắp và vớt bọt thường xuyên để cho nước lèo được trong. Nêm nước lèo vừa hơi mằn mặn để khi ăn nhúng các món thịt tươi, rau cải vào thì nước sẽ sắt lại vừa ăn.
Các thứ như thịt bò, tim, cật, gan heo, mực tươi, v.v… thái miếng mỏng cỡ 3 ngón tay. Tôm lột vỏ, da heo khô ngâm nước cho nở rồi xả sạch cắt miếng. Tất cả xếp ra dĩa để tươi.
|
“Vừa ăn vừa thổi” mới thấy hết cái vị tươi nguyên của thịt cá, cái mát ngọt của rau cải xanh hòa lẫn... |
Ăn lẩu tươi, nước chấm thường là nước tương, và quan trọng là… sa tế. Bạn có thể mua sa tế chế biến sẵn có bán ở các chợ. Hoặc nếu thích thì tự chế biến cho vừa ý. Chế biến sa tế cũng khá công phu: tỏi, củ hành tím, sả bằm nhuyễn, cho vào chảo xào chung với dầu vừa bốc mùi thơm. Cho ớt khô xay nhuyễn cùng với một ít tôm khô xay vào để lấy thêm vị ngọt. Sau đó cho ớt tươi bằm nhuyễn vào, nêm lại bằng muối, đường và cho thêm một ít bột quế, đinh hương để tăng mùi thơm của sa tế (có thể gia giảm ớt khô để tăng độ cay của sa tế).
Ngoài rau và các loại thịt, cá thì phần ăn kèm theo lẩu tươi có thể dùng miến, mì trứng, bún tươi, bún gạo… Tuy nhiên, bún gạo có lẽ là “món” thích hợp hơn cả. Bún gạo được trụng sơ, trộn chung với hành phi cho thơm, đơm sẵn ra dĩa. Khi ăn, chan nước lèo vào chén để không làm đục nước nồi lẩu.
|
Ca sĩ Mỹ Lệ với món lẩu tự nấu. |
Nước lẩu vừa sôi bùng lên, cho ít bún gạo vào chén, nhúng thịt cá tươi cho vừa chín tới, thêm rau nhúng sơ qua nước lèo…
“Vừa ăn vừa thổi” mới thấy hết cái vị tươi nguyên của thịt cá, cái mát ngọt của rau cải xanh hòa lẫn và được khử tanh với vị cay nồng của sa tế. Lẩu tươi ăn không ngán do việc hạn chế dầu mỡ trong món ăn. Sau khi làm vài chén hơi lưng bụng, có thể vớt xí-quách trong nồi ra để có thêm một “món lai rai” cũng như thêm phần rôm rả cho buổi ăn.
Để nấu được một nồi lẩu tươi cùng các phụ liệu cho 4 – 6 người ăn, chi phí chỉ hết khoảng 60.000 – 70.000 đồng.
|