Những biệt danh của "làng hề"
16:56' 06/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Có thể nói rằng, hầu hết nghệ sĩ đều có “máu”… hài. Họ có thể “biến” những thất bại, nỗi buồn, tật xấu của mình và đồng nghiệp thành những câu chuyện tiếu lâm “vô thưởng vô phạt” để... trêu chọc và tự mua vui trong những lúc trà dư tửu hậu. Đặt biệt danh cho nhau là một cái thú như vậy.

 

 "Hề ngôn ngữ" Thúy Nga.

 

Cách đây không lâu, tại Trường CĐ Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, các sinh viên đang hớn hở bước ra sân trường nghỉ giải lao sau tiết học bỗng giật mình bởi một “Hòn vọng… thê” sừng sững ngự trên… nóc nhà!. Định thần nhìn lại, thì ra là Văn Long. Anh đã ngồi cả tiếng đồng hồ dưới trưa nắng “tạo dáng” như thế,  gây bất ngờ cho các bạn. Luôn tạo bất ngờ và chọc cười cho bạn bè bằng những trò đùa “hồi hộp và giật gân” như thế nên cái tên… “Hề căng” (căng thẳng) cũng đã theo diễn viên Văn Long suốt từ đó đến giờ.

 

Không dùng hành động như Văn Long, nhưng qua lối nói chuyện và pha trò rất hóm hỉnh có duyên, diễn viên Văn Ruy cũng làm cho các bạn học của mình phải… cười nghiêng ngửa. Thế nhưng, khi lên sân khấu thì… ngược lại, Văn Ruy không “náo” được như thế. Chàng ta đành tự… an ủi với biệt danh “Hề ngoài giờ” mà bạn bè và đồng nghiệp đã tặng cho.

 

"Hề chèo" Phùng Nguyên.

Riêng Trung “lùn” thì đòi hỏi phải diễn thật, thậm chí thật đến mức trở thành… quá đà, nên anh mới có biệt danh: “Hề dằn vặt”. Chẳng hạn như khi cùng với các bạn trong lớp tập vở “Othelo”, để diễn lại cảnh Othelo lên cơn ghen giết vợ, Trung “lùn” đã thêm vào chi tiết Othelo bóp nát trái cam và diễn “thật” đến độ nghiến răng, chau mày giống y như… Trần Quốc Toản (trong vở “Trần Quốc Toản ra quân”)! Hoặc khi vào vai một người hút thuốc lá trầm tư suy nghĩ, Trung “lùn” không thèm hút tượng trưng mà “chơi” luôn gần cả gói thuốc, đến nỗi… say thuốc, nằm luôn tại chỗ!

 

Tại sân khấu tấu hài, sự “bất thường” cũng là một… lợi thế. Diễn viên Hoàng Mập và Minh Béo có một “lợi thế” mà ít diễn viên nào dám… so bì: “mình dây, phoọc… ông Địa”. Rất “bắt mắt” bởi có thân hình trên dưới một tạ ngay khi vừa bước ra sân khấu diễn, cả hai đã đủ làm cho khán giả phải cười rần. Và, biệt danh “Hề đầu ra” đã được đặt cho hai chàng, với ngụ ý có thể làm cho khán giả cười ngay khi vừa xuất hiện trên sân khấu.

 

Trời sinh ra Hoàng Sơn hơi… móm, và Nhật Cường có gương mặt “hơi bị nhiều”… mụn. Nếu như thỉnh thoảng, Hoàng Sơn đưa cái “Trời sinh” này vào câu thoại khi diễn; thì Nhật Cường “can đảm” hơn: hầu như trong tiết mục hài nào, Nhật Cường cũng “khai thác” tối đa cái… mặt mụn của mình. Do đó, “Hề móm” là biệt danh dành cho Hoàng Sơn và Nhật Cường được gọi là “Hề mụn”.

 

Nghệ sĩ hài Hoài Linh có đến 2 biệt danh: "Hề ròm" và "Hề ốm".

Nghệ sĩ hài Hoài Linh cũng có mảng miếng tương tự như Nhật Cường. Trong lúc diễn, Hoài Linh thường hay gồng tay để khoe cái “con chuột”… bé tí nơi bắp tay; cũng như thường được bạn diễn ví là “đầu lân trên cột điện” hay “cục xí quách biết đi” hoặc “cá khô”, v.v… Ở ngoài đời cũng vậy, Hoài Linh rất tự hào và “đầu tư” cho vóc dáng “mình hạc xương mai” của mình. Chính vì vậy, không ai bảo ai, mọi người đều gọi anh là “Hề ròm” hoặc… “Hề ốm”.

 

Nghệ sĩ hài Duy Phương, với vóc dáng vạm vỡ trông giống lực sĩ và thường mặc quần áo body để lộ những bắp thịt cuồn cuộn; thế là bạn bè đồng nghiệp đặt ngay cho Duy Phương biệt danh: “Hề cơ bắp”. Riêng diễn viên Hữu Lộc, có đến những… hai biệt danh: “Xì Trum”, và một cái tên khác rất ư “ấn tượng” là “Hề ngắn lưỡi” (do anh có tật nói “đớt”). Nhiều người nói Hữu Lộc diễn xuất rất khá, nhưng chỉ vì cái “tật bẩm sinh” này đã cản trở con đường đi lên của anh.

 

Cũng có cái miệng móm (thậm chí còn móm nhiều hơn nghệ sĩ Hoàng Sơn) nhưng “cây cười trẻ” Anh Vũ lại có biệt danh là… “Hề lời”. Không phải Anh Vũ có “số đỏ” mua bán gì đều có lời, mà chẳng qua là vì chàng ta hơi bị… lắm lời, nói nhiều trên sàn diễn lẫn ở ngoài đời.

 

Ngoài tài năng diễn xuất, khả năng phát âm được nhiều phương ngữ Nam – Trung – Bắc cũng là một yếu tố lớn giúp “nữ hề” trẻ Thúy Nga thành công trong nghề nghiệp. Với “biệt tài đặc biệt” đó, Thúy Nga đã được đặt biệt danh là… “Hề ngôn ngữ”.

 

Nghệ sĩ hài Trung Dân quả thật rất xứng đáng với biệt danh: “Hề ruộng”. Không chỉ vì vở kịch “Tiếng vạc sành” (dựng trên Sân khấu kịch Idecaf) và chương trình “Trên vườn dưới ruộng” (của Đài Truyền hình Bình Dương) do anh viết kịch bản rất thành công mà còn vì cái lối diễn hài rất “mộc mạc” và “chân quê” ở Trung Dân.

 

"Hề cơ bắp" Duy Phương.

Diễn viên kiêm đạo diễn Phùng Nguyên thì có biệt danh là “Hề chèo”, vì anh hay pha mảng miếng chèo vào tiết mục. Chuyên diễn những vai “õng ẹo”, diễn viên Bắc Hải cũng đã bị “chết” với biệt danh: “Hề bóng”. Còn Việt Hương, thường được giao những vai lẳng độc nên cô mới có biệt danh là… “Hề dữ”. 

 

Bên cạnh đó, cũng có nhiều diễn viên được “phong” hề chỉ vì một thói quen, như: Mai Sơn với biệt danh “Hề pha micro” (do khi diễn, tiếng nói của anh hay vang và kéo dài, nhất là ở những chữ x, s); Mai Dũng được kêu là “Hề cười” (vì anh có thói quen hay cười). Cao ráo và khá đẹp trai, cũng có thói quen hay cười, nhưng lại thích cười với các cô gái trẻ mỗi khi bước ra sân khấu, vì vậy mà bạn diễn đã đặt ngay cho diễn viên hài trẻ Tiết Cương một biệt danh rất ư “ấn tượng” (bảo đảm nghe kêu là các cô… “sợ” liền): “Hề nham nhở”!

 

Còn nhiều, nhiều lắm những biệt danh nghe đến nỗi “giật mình”, nhưng thôi… hẹn một dịp khác vậy.

  • P.V
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thêm một đại sứ thiện chí "OMO - Áo trắng..." (06/08/2004)
"Nữ hề" Thúy Nga và… niềm vui tháng 8 (05/08/2004)
Pamela Anderson phát hành tiểu thuyết đầu tay (04/08/2004)
Brad Pitt, người đàn ông quyến rũ nhất thế giới (03/08/2004)
Tuyển 50 ca khúc về Hà Nội (02/08/2004)
Cuộc săn lùng "ông bình vôi" của dân chơi (31/07/2004)
"Việt Nam sắp không có sách dịch hay để đọc" (30/07/2004)
Nhà văn Sơn Nam với “20 năm giữa lòng đô thị” (29/07/2004)
NSND Đinh Bằng Phi: Truyền nghề qua sách (28/07/2004)
John Stubbings - Người giống Hemingway nhất (27/07/2004)
Thế giới kỳ lạ của dân chơi máy lửa (25/07/2004)
"Giấc mộng đêm hè" được tái hiện trên sân khấu Mỹ (22/07/2004)
Ra mắt cuốn sách ảnh đầu tiên về khảo cổ học (21/07/2004)
"Cảm xúc bốn mùa" Hà Nội (21/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang