Phóng viên ảnh Lâm Đức Hiền:
"Tôi không chọn chiến tranh mà chiến tranh chọn tôi"
14:08' 10/09/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Lâm Đức Hiền là một phóng viên ảnh có tiếng tại Pháp. Anh đã lăn lộn ở nhiều vùng đất chiến sự ác liệt trên thế giới từ Kosovo, Afghanistan đến Iraq và có trong tay một kho ảnh chiến tranh đồ sộ.

Tay máy có duyên với đất nước Iraq

Naim Ghanem, 41 tuổi, ảnh chụp tháng 12/2003.

Các tác phẩm trong triển lãm Người Iraq đang được giới thiệu tại Trung tâm Văn hoá Pháp Hà Nội (9-29/9) chỉ là một lượng rất nhỏ trong các bức ảnh anh đã chụp có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Chúng khẳng định được giá trị của mình từ chính sợi dây liên kết được tạo ra, vượt lên trên mục đích, thủ thuật chụp nghịch cảnh trong hình ảnh. "Đó là câu chuyện tình giữa tôi và Iraq. Cái tên Việt Nam đã giúp tôi tránh được những rắc rối và rủi ro tại mảnh đất này và khiến người Iraq trở nên thân thiện với tôi. Tôi không phải là một nghệ sĩ dấn thân cho một lý tưởng nào đó. Tôi chỉ cảm thấy mình mình có liên quan và có trách nhiệm phải nói ra những gì người dân Iraq đang phải trải qua bằng những tấm ảnh" - Lâm Đức Hiển nói. 

Những bức ảnh đen trắng chụp những gương mặt khác nhau được anh đặt tên là Người Iraq (Gens D'Iraq) mang đến cho người xem những sắc màu cảm xúc với những trạng thái tình cảm khác nhau, mang theo những thông điệp của tình yêu thương và khát khao hoà bình. Người Iraq là một loạt những bức ảnh đen trắng in cùng một khổ được chụp từ ngày này qua ngày khác, một sự thật có thể nhận thức tức thì. Mỗi hình ảnh kéo người ta vào sự sâu thẳm trong từng ánh mắt, từng số phận. Dưới mỗi bức ảnh, Lâm Đức Hiền cẩn thận chú thích những câu chuyện thú vị liên quan đến từng con người tạo nên một tác phẩm báo chí hoàn chỉnh và đầy sức thuyết phục.

12 năm nay, Lâm Đức Hiền đã xuôi ngược mọi miền Iraq. Anh đã chụp được những bức ảnh vô cùng đặc biệt về miền đất này với số phận của từng con người. Thách thức mà anh đưa ra cho mình rất khó khăn thậm chí là nguy hiểm bởi phải làm thế nào để thoát được sự kiểm soát của những nhân viên tình báo moukhabarat luôn được đặt trong tình trạng báo động. Lâm Đức Hiền muốn gần gũi với cuộc sống của người Iraq phải chịu đựng cuộc sống thống khổ do chính sách cấm vận và những cuộc chiến vô lý gây nên. Những bức chân dung ấn tượng anh chụp ở bệnh viện hay trường học, ngoài chợ hay trong những quán cafe, từ người già đến trẻ nhỏ, không chỉ thể hiện được sự chán chường, nỗi thống khổ của những người dân Iraq mà còn có cả niềm hy vọng.

Tháng 3 năm 2003, giữa cuộc chiến đầy chết chóc mà Mỹ nhằm vào Iraq, Lâm Đức Hiền tiếp tục theo đuổi công việc của mình nhằm một lần nữa vén lên bức màn ánh sáng của cuộc sống tiềm ẩn trong những ánh mắt, những thái độ và biểu hiện của những khuôn mặt điển hình. Bên cạnh lòng nhiệt tình của một người làm báo, anh đã dành thời gian để khẳng định rằng, ta có thể đọc được lịch sử qua những nếp nhăn trên trán, hay qua những khóe môi khô. Từ hình ảnh của một cậu bé cho đến một cụ già, nhờ những điều chỉnh nho nhỏ, Lâm Đức Hiền đã tạo nên được mối liên hệ giữa những con người ấy và đem đến sự sống cho họ. Phải nói thêm rằng đây không phải là là những bức ảnh dễ dàng đăng trên báo.

Duyên nợ với Việt Nam

"Clint Eastwood tại một quán café trên đường Pierre Rissient" trong chùm ảnh về LHP Cannes 2003 của Lâm Đức Hiền.

Đây là lần thứ 2 Lâm Đức Hiền trở lại VN để tiếp tục dự án Sông nước Mê-kông của anh. Sông nước Mê-kông là sự tái hiện sự đa dạng của con người và văn hoá của những quốc gia có con sông này chảy qua với những dấu tích sống động của lịch sử. Anh cũng đang hướng dẫn một lớp bồi dướng nhiếp ảnh (6-17/9) xung quanh chủ đề chân dung. Năm ngoái, Lâm Đức Hiền cũng đã gây chú ý với triển lãm Cannes 2003 tại Hà Nội với những bức ảnh độc đáo về các nghệ sĩ nổi tiếng tham gia LHP danh tiếng này  theo lời đề nghị của tờ Le Monde. Nổi tiếng với những bức ảnh chiến tranh đen trắng nhưng những sắc màu anh ghi lại được trong LHP Cannes cũng vô cùng quyến rũ. Những ngôi sao nổi tiếng thế giới từ James Cameron, Clint Eastwood, Gus Van Sant đến Nicole Kidman, Samira Makhmalbaf... lần lượt xuất hiện một cách ấn tượng. 

Tuổi đời không nhiều nhưng Lâm Đức Hiền đã có trong tay những bộ ảnh quý giá và rất nhiều thành tích. Có thể kể ra đây những giải thưởng đáng chú ý trong đó có Giải nhất World Press Photo 2001 cho hạng mục Chân dung về người Iraq dưới thời cấm vận. World Press Photo là giải thưởng ảnh báo chí hàng năm danh giá nhất. Lâm Đức Hiền cũng đã giành được nhiều học bổng quốc tế của Fondation Hachette,Villa Medicis (2001), học bổng Fondation pour la Vocation của Marcel Bleustein Blanchet (1994). Cũng trong năm 1994, anh nhận giải thưởng Moins Trente của Trung tâm nhiếp ảnh quốc gia Pháp. Lâm Đức Hiền đã tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật Trường ĐH Mỹ thuật Lyon (Bằng quốc gia về thể hiện nghệ thuật tạo hình). Bên cạnh nhiều cuộc triển lãm tại Cambodia, Paris, Gentilly, Suisse... Lâm Đức Hiền đã xuất bản khá nhiều cuốn sách đáng chú ý như: Những gương mặt - NXB Anako, Một tuổi thơ, nhiều tuổi thơ (NXB Liana Lévi (2001); Bộ sưu tập Sách ảnh bỏ túi Carnet de visites - NXB Nathan, Iraq: khu vườn những lời thì thầm - NXB Anako (1999); Nước Rumani của những cậu bé đường phố - NXB Anako (1993)...

VietNamNet có cuộc phỏng vấn với Lâm Đức Hiền

- Tại sao anh lại chọn làm phóng viên ảnh chiến trường? Đó là chỗ cho anh thử thách tài năng hay còn để nổi tiếng nữa?

Lâm Đức Hiền (phải).

- Trước đây tôi cũng không bao giờ nghĩ mình sẽ chụp ảnh chiến tranh. Thực ra tôi cũng là người từng sống trong chiến tranh và tôi biết nỗi khổ đau là thế nào. Tôi sống ở trong nó và tôi nghĩ mình phải nói về nó qua những nét mặt. Không phải tôi chọn chiến tranh mà chiến tranh chọn tôi. Thực ra, chụp ảnh chiến tranh cũng không phải là cái gì mang lại vinh quang và tiền bạc cho bạn.

- Tác chiến ở những điểm nóng chiến sự, có khi nào anh cảm thấy lo sợ vì nó rất có thể ảnh hưởng đến tính mạng của anh lắm chứ?

- Khi nào cảm thấy nghi ngờ và sức khoẻ không tốt thì tôi không đi. Chụp ảnh chiến tranh yêu cầu mình phải rất khoẻ mạnh cả về thể chất và tinh thần.

- Khi chụp chân dung người Iraq, ngoài ánh mắt, anh còn chú ý thể hiện điểm gì nữa trên gương mặt họ?

- Tuỳ vào từng mục đích chụp mà tôi chú ý đến các chi tiết khác nhau.

- Có những chi tiết gì đáng chú ý anh thu lượm được từ đất nước này mà báo chí một số phương Tây không bao giờ đề cập đến?

- Khi làm việc với người Iraq tôi thấy họ có rất nhiều điểm chung với người VN. Đó là một dân tộc không chịu khuất phục và có một nền văn hoá lâu đời. Khi tiếp xúc với họ, tôi được truyền nét văn hoá, tính nhân văn và niềm tự hào về lịch sử dân tộc. Thế nhưng trên báo chí họ nói quá nhiều về bạo lực, những phần tử quá khích. Thật đáng tiếc vì những phần đẹp đẽ trong con người Iraq lại không được đề cập đến. Con số thương vong thực tế của đất nước này thực tế lớn hơn nhiều những gì được đưa trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

- Vậy anh đặt hy vọng gì vào cuộc triển lãm lần này?

- Điều tôi muốn không phải để người ta nhìn thấy cái gì đẹp đẽ qua các bức ảnh này mà tôi muốn sau khi xem những bức chân dung này, họ cảm thấy mình có liên quan và phải nhìn về đất nước và con người Iraq theo cách khác, không chỉ thấy những gì các phương tiện truyền thông đăng tải.

- Xin cảm ơn anh!

  • Bích Hạnh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Lịch Hy Chi tìm kiếm sự độc đáo (09/09/2004)
Trương Mạn Ngọc: Bày giải thưởng trong toilet (09/09/2004)
''Lãng du'' - Kết nối không gian (08/09/2004)
Nguyễn Khoa Đăng - Từ nhà văn đến "thầy cãi" (07/09/2004)
Bosnia dựng tượng Lý Tiểu Long (07/09/2004)
Cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa âm thanh và màu sắc (05/09/2004)
''Muốn hạnh phúc, hãy cười thật nhiều!'' (03/09/2004)
Load nhạc trên mạng, "chiến tranh giữa các vì sao" (03/09/2004)
CS Việt kiều Quang Toàn phát hành album tại VN (03/09/2004)
Laura Branigan - ngôi sao yểu mệnh (03/09/2004)
"Món ngon" mùa chay (31/08/2004)
Paris Hilton xuất bản hồi ký (29/08/2004)
Săn lùng tiền cổ (28/08/2004)
Bob Dylan phát hành hồi ký (26/08/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang