(VietNamNet) - Trong hồi ức của nhiều người, ngày 10/10/1954, Hà Nội không có tiếng súng, không có những trận đánh ác liệt mà chỉ có tiếng nói trao đổi và tiếng ngòi bút ký sột soạt trên giấy của quân đội ta về tiếp nhận thủ đô từ phía đối phương. Mọi việc diễn ra dưới sự chứng kiến của hàng triệu người dân Hà Nội, trong số đó có nhà nhiếp ảnh trẻ Phan Xuân Thuý, chủ hiệu ảnh "Quốc tế" ở 11 Hàng Khay nổi tiếng một thời.
Từ lần đầu gặp Bác
|
Bức ảnh Bác Hồ chụp trong bữa cơm đầu tiên tại Bắc Bộ Phủ |
Tết năm 1946, cái Tết đầu tiên mà nhân dân được hưởng độc lập. Tuy bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn quan tâm đến việc đón Tết của anh chị em đang làm việc tại Bắc Bộ Phủ. Khi Bác Hồ cho mời gia đình một số chiến sĩ đang làm việc ở Bắc Bộ Phủ vào ăn Tết với Bác, em ruột ông là Phan Đức Sử lúc đó là bộ đội đóng quân trong Bắc Bộ Phủ vội vàng chạy về báo gia đình. Một dịp may hiếm có, cả gia đình ông mừng quá nên kéo nhau đi mà suýt... quên không mang máy ảnh. Ông nhớ lại: "Bác thật giản dị trong bộ quần áo kaki đến bắt tay chào hỏi từng người một. Thấy bố tôi (cụ Phan Xuân Trang) là người cao tuổi nhất (trong ảnh đội khăn xếp màu đen) nên Bác mời ngồi bên cạnh cùng trò chuyện và gắp thức ăn. Không để lỡ cơ hội, tôi đưa máy ảnh chụp lia lịa, kể cả khi Bác bảo ngồi xuống ăn, tôi vẫn chụp. Thành thử, cho đến hôm nay, tôi cũng không nhớ trong bữa cơm hôm đó có những món gì, chỉ nhớ nhất cơm được đựng trong những chiếc rổ tre bình dị vô cùng". Bù lại, những bức ảnh ông chụp hôm đó đã trở thành kỷ vật vô giá trong đời mà gia đình ông nâng niu, cất giữ cẩn thận hơn 60 năm qua. Sau này, bức ảnh đã được ông tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh trong dịp kỷ niệm 114 năm ngày sinh nhật Người.
... Đến những bức ảnh quý hiếm
|
Hai vợ chồng ông Phan Xuân Thuý năm 1954 (chụp trước gương) |
Ông chỉ cho chúng tôi xem những bức ảnh đen trắng ghi lại những hình ảnh Hà Nội trước và trong ngày tiếp quản thủ đô, từ hình ảnh quân đội Pháp rút lui, bộ đội ta vào tiếp quản, nhân dân Hà Nội làm cổng chào, treo cờ, biểu ngữ đón chào chiến thắng, diễu hành của quân đội ta... đến hình ảnh về các vị trong Uỷ ban Quốc tế sang Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp Thủ tướng Ấn Độ Nêru, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ vào tiếp quản... Những bức ảnh ấy là tư liệu sống động và đầy hào hùng về một thời kỳ lịch sử của dân tộc ta mà ông may mắn ghi được. Ông xúc động nhớ lại: "Những ngày trước đấy, bà con các khu phố đã hăng hái cùng nhau tự làm những cổng chào, trang trí, treo cờ, khẩu hiệu để đón bộ đội về giải phóng thủ đô. Phố nào làm cổng chào theo đặc trưng phố đấy, ví dụ như phố Hàng Bông làm cổng chào toàn bằng bông, phố Hàng Thiếc toàn bằng thiếc, phố Hàng Giấy toàn bằng giấy... Họ làm ngày làm đêm cứ như một cuộc thi vậy, khu phố nào cũng muốn cổng chào của mình thật đẹp, thật lộng lẫy".
Ngày đó, ông còn là anh thanh niên 34 tuổi háo hức "cưỡi" chiếc xe Terrot đời Pháp của mình khắp các nẻo đường, ngõ ngách, khu phố để chụp nhân dân trong không khí, quang cảnh tưng bừng, nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày tiếp quản sắp diễn ra này. Rồi cũng với chính chiếc xe Terrot này đã đưa ông ra bờ sông chụp những đoàn xe nhà binh Pháp rút qua cầu Long Biên. Khi nghe tiếng rao hò vọng từ Bờ Hồ, ông vội chạy xe ra trước đền Ngọc Sơn chụp đoàn quân vào tiếp quản. Ngang qua vườn hoa Cửa Nam, ông dừng xe chụp cảnh ta và tây đang bàn giao địa bàn... Song với ông đáng nhớ nhất vẫn là bức ảnh Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng trên xe ô tô vào tiếp quản thủ đô trên phố Hàng Ngang - Hàng Đào. "Lúc ấy, tôi đang đứng trên một cái thang để có được một tầm nhìn rộng và bao quát được bốn xung quanh. Đưa máy ảnh lên ngắm, bỗng tôi giật mình xúc động đến rơi nước mắt khi nhận ra thiếu tướng Vương Thừa Vũ. Cũng vì thế mà bức ảnh này hơi bị nhoè...", ông phấn chấn kể lại.
|
Trên chiếc xe Terrot (năm 1954) |
Không những thế, ông còn cho chúng tôi xem thêm một tập ảnh đen trắng ghi lại hình ảnh trước, trong và sau ngày 10/10/1954. Đó là những bức ảnh chụp bộ đội ta hạ cờ Pháp xuống treo cờ đỏ sao vàng trên cổng Ty cảnh sát Pháp (bây giờ là trụ sở công an Quận Hoàn Kiếm), lễ mít tinh chào mừng giải phóng thủ đô cùng các đoàn xe diễu hành hùng dũng... Một số tấm ảnh này sẽ được trưng bày tại Hồ Gươm vào đúng ngày 10/10 sắp tới cho nhân dân cùng chiêm ngưỡng, cùng nhớ về Hà Nội hào hùng 50 năm về trước.
Bốn đời làm nghề ảnh
|
Ông Phan Xuân Thuý ở tuổi 86 |
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình làm nghề chụp ảnh, anh thanh niên Phan Xuân Thuý đã sớm tiếp thu những ngón nghề và kinh nghiệm từ người thợ cả và cha mình, cụ Phan Xuân Trang (mở hiệu ảnh Metro Foto ở 18 - Đồng Khánh năm 1936, nay là phố Hàng Bài). Một lần tình cờ người thợ cả đi vắng, sợ khách phải chờ lâu anh đã đánh liều chụp thử cho một quan Ba người Pháp. Không ngờ phút giây liều lĩnh ấy lại đem lại cho anh một tương lai sáng rạng. Cả ba bức ảnh không những được ông quan Ba hài lòng mà còn thưởng rất hậu hĩnh cho anh. Sau lần đó, Phan Xuân Thuý trở thành tay máy chính của cửa hàng, riêng cha anh rất yên tâm khi giao phó mọi công việc về nghề ảnh cho người con trai nhanh nhẹn và thông minh này.
Vừa làm vừa tự mày mò học thêm qua giáo trình người Pháp, tay nghề thợ ảnh Phan Xuân Thuý ngày càng được khẳng định rồi nổi tiếng đến nỗi quan chức các vùng lân cận mỗi khi có dịp đến Hà Nội đều cố đưa gia đình ghé vào hiệu ảnh để chụp vài kiểu làm kỷ niệm. Từ đó, cửa hàng ngày càng một đông khách. Có những ngày, mới 5h sáng đã có những tiếng đập cửa của những bà đầm, nữ binh Pháp, sĩ quan, phi công... đòi vào chụp ảnh và cứ thế tấp nập cho đến 12h đêm.
Kháng chiến bùng nổ, hiệu ảnh Phan Xuân Thuý phải di chuyển nhiều nơi và cũng thay đổi nhiều tên gọi. Nhưng dù ở đâu, nhà nhiếp ảnh trẻ Phan Xuân Thuý cũng say sưa chụp và mày mò học hỏi thêm. Một mình vừa chụp ảnh, vừa tự pha thuốc tráng phim, rửa ảnh, Phan Xuân Thuý dần dần tích luỹ cho mình những kinh nghiệm vô giá. Cuốn nhật ký được ông cất giữ cẩn thận vẫn còn những đoạn viết nghiêng nghiêng, nắn nót: "Hàng ngày, vào các buổi tối, tôi cho người nhà ngồi, chiếu đèn dọi sáng, nghiên cứu kiểu cách sao cho có tính nghệ thuật, phù hợp với từng khuôn mặt, nước da, mầu áo của từng người. Từ đó, tôi đem áp dụng cho khách hàng trên cơ sở thực tế của từng đối tượng, bản chất của từng giai cấp, từng lớp nhân dân. Cụ thể, khi chụp cho người nông dân, tôi chiếu đèn sáng dịu, không cho bên sáng bên tối nhiều, chiếu sáng tóc, sáng ven như chụp cho văn nghệ sĩ...".
Cho đến nay, khi đã 86 tuổi, không còn chụp ảnh nữa nhưng ông vẫn luôn nhớ nghề... Trong cuộc đời hoạt động nhiếp ảnh, ông từng đoạt giải ảnh ở Ba Lan, Đức với nhiều bức chân dung văn nghệ sĩ đẹp. Song đáng kể hơn cả là những kinh nghiệm mà ông tích lũy suốt một đời đã được truyền lại cho con, cháu, những lớp người nối nghiệp cha ông. 3 trong số 7 người con của ông hiện đang mở hiệu ảnh ở Hà Nội. Họ luôn lấy ông làm tấm gương và quyết không để mai danh thương hiệu ảnh Quốc tế mà cha ông đã dày công xây dựng.
Một số bức ảnh trước, trong và sau ngày tiếp quản do ông Phan Xuân Thuý chụp
|
Trước ngày tiếp quản, nhân dân phố Gia Long (nay phố Bà Triệu) đang hăng hái trang trí, treo cờ, khẩu hiệu và ảnh Hồ Chủ Tịch để đón chào bộ đội về giải phóng thủ đô. | |
|
Nhân dân các khu phố tự dựng cổng chào để đón Đảng và Quân đội nhân dân về tiếp quản. | |
|
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng vào tiếp quản thủ đô. | |
|
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng đang làm lễ chào cờ tại sân cột cờ trong thành Hoàng Diệu. | |
|
Trước cổng Ty cảnh sát Pháp (bây giờ là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm), bộ đội ta đang treo cờ đỏ sao vàng. | |
|
Duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình sau ngày tiếp quản. | |
|