1.''Những cô gái chân dài'': Dấu hỏi về giải Bông sen bạc
2.Trò chuyện cùng người đoạt giải thưởng phê bình văn học Hội Nhà văn Hà Nội 2004
3.Kasim Hoàng Vũ: Có thể bạn chưa biết?
4.Phim cổ trang - tại sao không?
5.TP.HCM: Cải táng và di dời mộ danh nhân Ngô Nhân Tịnh
|
Một cảnh quay trong bộ phim Những cô gái chân dài | ''Những cô gái chân dài'': Dấu hỏi về giải Bông sen bạc
Ban giám khảo phim truyện nhựa đã gây một cú sốc cho giới điện ảnh và cả khán giả khi quyết định trao giải Bông sen bạc cho phim “Những cô gái chân dài”. Vẫn biết việc chấm giải ở bất cứ lãnh vực nào, đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối và làm vừa lòng tất cả mọi người là điều không tưởng. Nhưng chí ít cũng không nên là một thách thức đối với những người làm phim nghiêm túc và đầy trách nhiệm đối với tác phẩm của mình.
Trao giải bạc cho một loại phim giải trí và thiếu sự chăm chút về hình ảnh và nghệ thuật như “Những cô gái chân dài”, điều đó đã cho thấy sự lúng túng đến mức đáng thương của điện ảnh Việt Nam trước luồng sóng phân hóa rõ rệt của phim nghệ thuật và phim thị trường. Có lẽ lời giải hay nhất cho liên hoan phim lần này là phải có một giải thưởng dành cho phim có khán giả yêu thích nhất, đó mới là chỗ dành cho những phim có doanh thu tiền tỷ hiện nay.
Và nếu như có một giải như thế thì cũng phải thấy rõ “Gái nhảy” vượt qua “Những cô gái chân dài” rất xa bởi tính đột phá, sự chăm chút về nghệ thuật và ý nghĩa xã hội của nó. Vì sao chúng ta không học tập điện ảnh Trung Quốc với sự phân chia rạch ròi giữa hai giải Kim kê và Bách hoa của họ: một giải dành cho phim nghệ thuật và một giải do khán giả bình chọn.
Và vì sao một phim hay như “Mê Thảo - thời vang bóng” lại không có chút ấn tượng gì trong Ban giám khảo, để cuối cùng lại có sự xếp cùng hàng hết sức lỏi chõi giữa “Lưới trời”, “Hà Nội 12 ngày đêm” và các cô gái chân dài...!!
Ban giám khảo phim truyện liên hoan phim lần này không phải chỉ gây cú sốc bất ngờ cho giới làm phim nói chung mà chính người nhận giải cũng cảm thấy bất ngờ: Hãng phim Thiên Ngân đã không có người lên nhận giải...
(Theo SGGP)
Về đầu trang
Trò chuyện cùng người đoạt giải thưởng phê bình văn học Hội Nhà văn Hà Nội 2004
Thân thiện, nhiệt tình, cởi mở là những gì người ta rất dễ nhận thấy khi trò chuyện cùng Nguyễn Đăng Điệp - Phó trưởng Ban Lý luận văn học - Viện văn học - tác giả của Vọng từ con chữ vừa đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2004. Dưới đây là câu chuyện của anh về tác phẩm và chính bản thân mình.
- Ý tưởng nào đã khiến anh xuất bản tập tiểu luận của mình?
- Vọng từ con chữ là tập tiểu luận tập hợp một số bài viết của tôi trong khoảng thời gian hơn mười năm qua. Mối quan tâm lớn nhất của tôi là tìm hiểu vấn đề chủ thể sáng tạo trên tinh thần của thi pháp học hiện đại. Nói gọn hơn, qua các tác phẩm cụ thể, tôi tập trung tìm hiểu chân dung tinh thần của nghệ sĩ ẩn giấu sau tấm thảm ngôn từ. Muốn thế, người viết phải bám vào các lớp văn bản, nhìn văn bản như một sinh thể luôn luôn vận động. Người viết phê bình không nên dựa quá nhiều vào những lời phát biểu của nhà văn về công việc bếp núc hay các dự định của họ. Theo tôi, căn cứ lớn nhất để xác định tầm vóc của nhà văn nằm chính trong tác phẩm của anh ta. Cách nghiên cứu này khiến cho người đọc không rơi vào suy diễn, quy chụp mà trái lại, nhìn thấy được nỗ lực của người cầm bút. Bởi thế, khi định viết về một ai đó, tôi có thói quen không quá gần để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ. Tôi cố viết sao cho khách quan trên cơ sở tiếp xúc với con chữ của họ.
- Anh có thể nói rõ hơn về hướng nghiên cứu văn học của riêng anh?
- Hướng nghiên cứu đi sâu vào vấn đề chủ thể nghệ sĩ thực ra tôi đã từng đề cập đến trong chuyện luận Giọng điệu trong thơ trữ tình (Giải thưởng chính thức của ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam 2002). Theo ý tôi, những cây bút thực tài là những cây bút có khả năng tạo nên được giọng điệu riêng. Gắn với giọng điệu là tư tưởng nghệ thuật, là cái nhìn độc đáo về đời sống của nhà văn. Nếu như trong chuyên luận trước đây, tôi tập trung nghiên cứu lý thuyết giọng điệu và kiểm chứng nó trên cơ thể Thơ mới thì trong tập tiểu luận này tôi chú ý nhiều hơn đến các hiện tượng văn học đương đại. Cụ thể, bạn có thể nhìn thấy chân dung tinh thần của các nhà văn như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái…hay các nhà thơ như Hữu Thỉnh, Bùi Giáng, Nguyễn Quang Thiều… Sự thành công của các cây bút này trước hết nằm ở ý thức tạo nên cái mới của họ. Họ không dừng lại ở việc phản ánh hiện thực theo kiểu cơ giới giản đơn mà biết nhìn sâu vào bên trong đối tượng để nhìn thấy cái tưởng như không thể thấy. Dựa vào ý của L. Tolstoi, tôi đã mạnh dạn nêu lên ý tưởng: hiện thực trong tác phẩm văn học phải là hiện thực tự cảm thấy của nhà văn. Đó không phải là cái nhìn duy tâm mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh hơn nữa vai trò tích cực của chủ thể sáng tạo. Nó cũng phù hợp với quan điểm mới của chúng ta khi nói về chiến lược phát triển con người.
- Anh có suy nghĩ gì về các nhà văn trẻ hiện nay?
Vì quan tâm đến những vấn đề văn học đương đại nên trong một số bài viết, tôi có đề cập ít nhiều đến các nhà văn trẻ nhưng chưa có bài viết riêng về họ. Ngay cả Nguyễn Quang Thiều thì nay cũng đã sung vào đội U50. Lớp trẻ ngày nay có nhiều người rất thông minh. So với thế hệ cha anh, họ có điều kiện học tập nhiều hơn, giao lưu với thế giới nhiều hơn. Nhưng để tạo nên những thành tựu nghệ thuật như cha anh họ đã từng có trước đây thì lại còn quá ít. Nhiều người quá chú ý đến cái tôi trong khi đó những tác phẩm văn học xuất sắc bao giờ cũng phải mang được tinh thần của thời đại. Cũng không nên quá sốt ruột về điều này. Khen lớp trẻ quá mức theo tôi là vội vàng nhưng dè dặt quá thì lại là thủ cựu. Cần nhìn về họ bằng quan điểm lịch sử thì sẽ hợp lý hơn. Cần phải trân trọng mọi tìm tòi trong đó có sự tìm tòi của lớp trẻ.
- Ngoài những điều đã nói ở trên, anh còn quan tâm đến vấn đề nào khác?
Trong Vọng từ con chữ, tôi cũng đề cập đến một số vấn đề lý luận, phê bình văn học nước nhà và cố gắng tìm ra những đóng góp khoa học của nhũng cây bút tiêu biểu như Hải Triều, Hoài Thanh, Trần Đình Sử… Bên cạnh đó, tôi cũng cố gắng nhìn văn học như một bộ phận cấu thành của văn hóa, tìm hiểu những giá trị văn hóa được sáng tạo trong văn học. Đây là một hướng đi đang được nhiều học giả trên thế giới và trong nước đặc biệt quan tâm.
- Có lúc nào anh thấy khó khăn trong viết lách?
Có nhiều là đằng khác. Thứ nhất, trong thời đại thông tin, việc nắm bắt được những thành tựu mới của khoa học nhân văn đòi hỏi phải “đầu tư” trong khi đó ở ta, người viết lại phải thường xuuyên đối diện với cảnh “Cơm gạo không đùa với khách thơ”. Thứ hai, khi viết về văn học đương đại, rất dễ xảy ra va chạm. Tính tôi vốn ngại cãi nhau. Đã có lúc tôi định quay hẳn về nghiên cứu văn học quá khứ, chẳng hạn như nghiên cứu văn học nửa đầu thế kỷ XX chẳng hạn. Chưa biết như thế có tạo ra được cái gì mới hay không nhưng chắc chắn, nó sẽ “an toàn” hơn, bớt thị phi hơn.
- Nhưng anh vẫn cứ viết?
Tất nhiên, vì trót mê văn chương mất rôi. Tôi hoàn toàn ý thức được rằng những nỗ lực trên đây của cá nhân tôi là hết sức nhỏ bé. Có nhiều điều bản thân tôi cũng thấy chưa thật sâu và chưa thật chín. Vả lại cách làm của tôi cũng chỉ là một kiểu tiếp cận trong rất nhiều kiểu tiếp cận các giá văn học khác. Nhưng tôi nghĩ, một nền văn học luôn luôn cần đến những hướng tìm tòi khác nhau. Đó mới là sự phát triển lành mạnh, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang trên đường hội nhập với nhân loại.
Vài nét về tác giả:
- Tên thật: Nguyễn Đăng Điệp. Bút danh khác: Mai Nguyễn. Sinh năm 1962 ở Nghệ An. Tiến sĩ văn học. Hiện là Phó trưởng Ban Lý luận văn học- Viện văn học.
Tác phẩm chính:
- Giọng điệu trong thơ trữ tình( Qua một số nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới), NXB Văn học. 2002
- Vọng từ con chữ, NXB Văn học 2003
Giải thưởng:
- Giải thưởng chính thức của ủy ban toàn quốc Hội Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt nam 2002
- Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2004.
(Theo VDC)
Về đầu trang
Kasim Hoàng Vũ: Có thể bạn chưa biết?
Biệt danh mới của Kasim là "Chuyện nhỏ"- tên bài hát anh thể hiện rất thành công trong chương trình Sao Mai điểm hẹn vừa qua. Trên đường ra Bắc Ninh để giao lưu với trại thương binh, anh có nghe mọi người gọi mình như vậy. Ban đầu không quen tai lắm, nhưng bây giờ Kasim lại "ghiền" biệt hiệu dễ thương này.
* Kasim Hoàng Vũ suýt nữa thì trở thành... khán giả, ngồi ở nhà xem Sao Mai điểm hẹn rồi. Anh tưởng rằng chương trình năm nay cũng giống như cuộc thi Sao Mai hàng năm, nên không mặn mà lắm (Kasim đã tham gia và đoạt giải 3 cuộc thi Sao Mai năm 1999). Cũng may là có mẹ Kasim - ca sĩ Bích Phương (nổi tiếng một thời cùng với những tên tuổi Quang Lý, Lê Dung, Trần Hiếu...) khuyến khích và "ép buộc" anh đi thi. Anh là một trong những người cuối cùng đăng ký, hú hồn...! Còn bây giờ, mẹ đã trở thành người quản lý "vô hình" của Kasim, nhưng anh rất vui vì điều này, và còn khoe: "Mẹ chính là người quan trọng nhất và ảnh hưởng nhiều nhất đến tôi!".
* Ấn tượng nhất đối với Kasim trong suốt chương trình Sao Mai điểm hẹn là hình ảnh của một cô thương binh nặng tại trại thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh)... Buổi chiều, khi ăn cơm chung với các Sao Mai, cô rất vui vẻ, nhiệt tình, còn trêu chọc Kasim, Ngọc Khuê, Hồng Nhung…Vậy mà đến tối, khi Kasim hát bài "Huyền thoại mẹ", mắt cô long lanh, chực khóc! còn Kasim thì không cầm được, bật khóc luôn…Hết chương trình, cô gặp Kasim và cảm ơn anh vì bài hát.
* Kasim rất hay bị mọi người nhầm là người dân tộc Chăm. Anh còn đùa "Có lẽ gương mặt tôi không giống người… nước ngoài mấy, đã vậy hồi thi giải Sao Mai năm 1999, tôi còn chọn một bài hát về Tây Nguyên nữa chứ, nên càng dễ lầm". Thật ra gốc của anh là Ai Cập.
* Qua cuộc thi năm nay, điều Kasim cảm nhận được nhiều nhất là tình cảm của những người thầy. Bấy lâu, anh luôn nghĩ các thầy ở trường Cao Đẳng Nghệ thuật Quân đội rất nghiêm túc với sinh viên (vì kỷ luật của trường rất nghiêm y như kỷ luật của quân đội vậy), đến khi anh biết là các thầy đã vào TP.HCM để ủng hộ tinh thần cho anh trong đêm chung kết, anh đã rất xúc động. Các thầy người Thái Lan cũng rất tận tình. Một lần anh đã phá cách khi lên sân khấu, thầy dạy anh rất rất giận dữ: " Tại sao anh lại tự ý đổi cách nhảy như vậy?". Anh lúng túng giải thích vì lúc đó quá nhập tâm vào bài hát nên …quên, rồi phăng đại…Thế là thầy mỉm cười: "Anh tự ý nhưng …tôi lại thích!". Thật là Kasim hú hồn!
* Trong số các thí sinh, Kasim được coi là "anh cả" về tuổi tác, nhưng dầu lớn hơn vẫn bị các cô gái bắt nạt như thường. Anh đùa: "Tôi có hai "cô vợ", một cô thì nhõng nhẽo đến phát sợ luôn, đã đòi chiều là phải chiều cho bằng đựơc (Ngọc Khuê); còn một cô thì mạnh mẽ, kiên cường như con trai, nếu không chiều thì sẽ nói chuyện tiếp bằng… vũ lực (Thái Thuỳ Linh). Nói sợ sợ vậy thôi, chứ hôm nào không được hai "vợ" bắt nạt lại buồn không chịu được, lại chạy ra chọc cho hai nàng nổi điên lên mới thôi…"
(Theo Điện ảnh Kịch trường)
Về đầu trang
|
Một cảnh trong phim ''Lục Vân Tiên'' | Phim cổ trang - tại sao không?
Trong mấy tháng gần đây và sắp tới, khán giả Việt Nam tha hồ "bội thực" với phim cổ trang từ Đông đến Tây, từ trong nước đến ngoài nước, từ màn ảnh nhỏ đến màn ảnh lớn. Sau thời kỳ tung hoành của phim tâm lý xã hội hiện đại, cơn sốt võ hiệp - cổ trang đang trở lại.
Cổ trang châu Á: không đánh nhau thì... đánh vua!
Sau một thời gian dài bị bão hoà quà nhiều phim lịch sử Trung Quốc với Khang Hy và Càn Long đi long nhong, các đài truyền hình đang chuyển sang chiếu phim tình cảm Hàn Quốc và gây cơn sốt. Thế nhưng, chính loạt phim làm theo các tác phẩm của Kim Dung do Trương Kỳ Trung thực hiện đã tạo nên luồng sinh khí mới, khiến khán giả truyền hinhd dán mắt lên màn ảnh nhỏ theo dõi Anh hùng xạ điêu, Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ, Ỷ thiên đồ long kí. Loạt phim này được đầu tư kỹ lưỡng về trang phục, bối cảnh, kỹ xảo, võ thuật và dàn diễn viên khá ấn tượng, mặc dù không phải bộ nào cũng hay. Sự thành công tính trên lượng khán giả xem phim đã khiến các đài truyền hình khắp nơi tung ra những bộ phim cổ trang Trung Quốc chủ yếu là đấm đá, tung chưởng như Phương Thế Ngọc, Xứng danh anh hùng, Long hổ phá thiên môn, Thị vệ độc hành, Quan công cô thánh, Long tại giang hồ, Phú hộ Thẩm Vạn Tam, Như Lai thần chưởng, Truyền thuyết Hằng Nga, Tuý quyền vô địch, Liên thành quyết, San bằng Thiếu Lâm tự... Nếu không đánh nhau, giết chóc thì hài hước kiểu cho một cô nàng ngổ ngáo đập đầu vua cho khán giả cười - loại phim vốn thành công vang dội theo mẫu Hoàn Châu Cách Cách - như phim Trộm long tráo phụng với nàng Hoàng hậu Thiên Thiên thích đánh chồng - là đương kim hoàng thượng, trước mặt bá quan văn võ, bàn dân thiên hạ! Điều khó chịu nhất trong các bộ phim này là những tình huống để gây ra cảnh đổ máu quá đơn giản, những tình huốn hài thì khiên cưỡng và vô lý, lúc nào cũng ồn ào la hét, khóc lóc...
Bộ phim Nàng Jang Geum (còn tên khác là Báu vật hoàng cung) đang trình chiếu trên VTV1 đem đến cho khán giả Việt Nam một hương vị khác. Khác với những bộ phim cổ trang trước đây của Hàn Quốc từng trình chiếu ở Việt Nam như Chuyện tình vượt thời gian (những tập đầu có bối cảnh thời xưa), Phi thiên Vũ (phim điện ảnh) vẫn khai thác những pha võ thuật nhưng không thành công. Nàng Jang Geum lại khiến nhười xem không thể bỏ qua bất kỳ tập phim nào dù giờ chiếu khá khuya nhờ vào những tình tiết mang nét đặc trưng văn hoá ẩm thực Hàn Quốc và những mẩu chuyện nhỏ trong cung cấm. Mặc dù cũng có những nhân vật phản diện luôn rắp tâm hãm hại nữ nhân vật chính với các mưu đồ toan tính đáng sợ, bộ phim này không như các phim Hông Kông thường có xu hướng đẩy các nhân vật chính vào thế kẹt đến tận cùng bởi sự tốt bụng đến ngu ngơ khó hiểu, trong khi các nhân vật phản diện lại lộng hành ngang ngược, cuộc đối đầu giữa hai bên thiện ác trong phim Nàng Jang Geum là sự đối đầu trí tuệ, giải quyết rốt ráo từng vấn đề mỗi tập, nhưng không quên ngưng lại ngay cao trào để buộc khán giả chờ xem tập tiếp. Khán giả không phàn nàn liệu chuyện nấu ăn cho vua có thực sự kỳ công đến thế không, họ bị mê hoặc bởi câu chuyện từng cung nữ, từng mama trong phim, hồi hộp lo lắng số phận của các nhân vật dù chẳng có cảnh đánh nhau hay chết chóc!
Ngay cả màn ảnh rộng cũng không thiếu phim cổ trang: Thập diện mai phục của đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã tạo nên một cú sốc ở các rạp chiếu bóng khi khán giả ùn ùn kéo đến rạp. Rõ ràng, khán giả Việt Nam rất ưa chuộng xem phim cổ trang, đặc biệt là thể loại phim kiếm hiệp.
Cổ trang phương Tây: liệu sẽ lôi cuốn?
Sức hấp dẫn của bộ phim truyền hình Ý Elisa nói về giới quý tộc Ý thế kỷ 17 đã thực sự được lòng khán giả màn ảnh nhỏ với 26 tập phim về cuộc đời nàng Elisa, xuất thân từ giai cấp bần cùng, làm hầu gái cho một gia đình quý tộc, đã đem lòng yêu con trai bà chủ. Chuyện tình không môn đăng hộ đối của họ gặp nhiều trắc trở bởi các thế lực đen tối của xã hội phong kiến lúc bấy giờ, nhất là khi Elisa có tư tưởng tiến bộ và không đoái hoài đến những định kiến cổ hủ của xã hội đương thời. Elisa là một trong những phim cổ trang hiếm hoi của phương Tây có mặt trên truyền hình Việt Nam.
Thế nhưng, khán giả mê phim cổ trang "kiếm và giày " (swords and sandal) phương Tây sẽ được thoả chí vào tháng 11 với hai bộ phim sử thi hoàng tránh cùng đua nhau chiếu tại rạp: Anh hùng thành Troy và Vua Arthur. Cách đây vài năm , bộ phim Võ sĩ giác đấu đã từng hốt bạc tại thị trường Việt Nam sau khi đoạt giải Oscar, bộ phim lại được tung ra chiếu và hấp dẫn người xem. Chính vì lý do đó, các hãng nhập phim đã mạnh dạn mua bản quyền của phim Anh hùng thành Troy và Vua Arthur, những phim được đầu tư kinh phí lớn và thành công về doanh thu trong hè 2004 vừa qua. Điểm thu hút của thể loại phim này là tính bi tráng và chất sử thi trong những cảnh đại chiến mà phim ảnh cổ trang châu Á thường không thể hiện được. Nếu phim võ hiệp của châu Á nhấn mạnh vào chữ "hiệp" để cao khí khái của người hành hiệp, dựa vào cá mâu thuẫn của chính phái và tả phái, xoay quanh các âm mưu bán nước cầu vinh của những tên phản đồ xu nịnh và hãm hại người hiền để khai thác triệt để những biến cố trong phim thì trong phim phương Tây thường dựa vào "cái tôi" của nhân vật chính - chẳng hạn như một người lãnh đạo nắm quyền lực tối cao, bị tước đi quyền lực và tìm mọi cách giành lại. Nhân vật bị giằng co giữa tập thể và cá nhân, giữa mâu thuẫn của giai cấp thượng lưu và bên dưới, xoay quanh những cuôc giao tranh giành lãnh thổ...
Phim cổ trang Việt Nam lẫm chẫm bước đi
Hãy tạm quên đi Hoàng Lê Nhất Thống Chí - bộ phim lịch sử trên truyền hình được làm cách đây khá lâu khiến người xem phẫn nộ vì sự cẩu thả về mọi mặt. Mấy tháng gần đây, TFS đã trình chiếu hai bộ phim cổ trang: Lục Vân Tiên và Ngọn nến hoàng cung được đánh giá khá cao bởi cách làm phim cẩn thận, trau chuốt từng chi tiết, bối cảnh, trang phục, cung cách ứng xử. Bộ phim còn cuốn hút người xem bởi câu chuyện về vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, không khai thác theo hướng đi sâu vào lịch sử mà nhắm vào những câu chuyện tình ái.
Trong khi đó, Lục Vân Tiên lại có nhiều ý kiến trái ngược. Nhiều người không ngớt lời chê bai bộ phim, cho rằng Lục Vân Tiên đã không thể hiện được tinh thần của cụ Đồ Chiểu, làm sai so với nguyên tác, các pha đánh võ thua xa phim nước ngoài... Một số vẫn ủng hộ, cho rằng Lục Vân Tiên càng về sau càng lôi cuốn hơn. Nhưng dù thế nào, bộ phim vẫn thu hút được sự quan tâm từ phía người xem.
Nếu như quay ngược lại cách đây khoảng mười năm, sẽ thấy phim cổ trang Việt Nam từng có đất sống và cũng đã tạo ra những cơn sốt. Những bộ phim như Đêm hội Long Trì(1989), Thăng Long đệ nhất kiếm(1990), Tây Sơn hiệp khách(1990), Ngọc Trản thần công(1991) và cả Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga(1990) tạo nên những ngôi sao như Lý Hùng, Diễm hương, Mộng Vân, Công Hậu... được đông đảo khán giả đón nhận bởi phim cũng đánh đấm ra trò (đây là thời kì hưng thịnh nhất của các cascadeur Việt Nam), có nhiều đại cảnh ấn tượng mà có lẽ phim ảnh Việt Nam hôm nay chưa chắc làm được và còn gây tiếng vang với các giải thưởng. Chỉ tiếc rằng sau một thời gian "làm nhanh dễ ăn", các phim cổ trang trở nên nhàm chán, na ná phim Tàu, sau đó, sự đổ bộ của phim video chưởng Hông Kông đã giết chết dòng phim cổ trang Việt Nam.
Phim cổ trang Việt Nam ăn khách: tại sao không?
Một số khâu yếu kém trong các phim cổ trang ViệtNam là những pha đánh võ, trang phục và bối cảnh. Nhưng phải chăng chúng ta không thể làm được những pha vó thuật "xem tàm tạm cũng được"? Theo anh Lữ Đắc Long, phó chủ nhiệm CLB Cascadeur Việt Nam, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được những pha đánh võ ly kỳ không thua kém phim Hồng Kông. Tuyên bố này không phải khơi khơi, bởi anh Long dẫn chứng những pha đánh kiếm bay trên ngọn tre trong các video clip của các ca sĩ như Đan Trường, Lam Trường, Cẩm Ly hoàn toàn hấp dẫn. Không xa lạ gì, nhiều khán giả nhí mê tít màn múa kiếm của Chi Bảo và Quế Trân trong một số mẩu quảng cáo mí ăn liền trên truyền hình. Anh Lữ Đắc Long còn cho biết "Trần Hoà Bình, chỉ đạo võ thuật của Hồng Kông từng đến Việt Nam để làm bộ phim Hồng Hải Tặc, cũng rất mong muốn được hợp tác với các hãng phim Việt Nam để làm những phim võ thuật hấp dẫn, vì Trần Hoà Bình rất thích sống ở Việt Nam".
Trang phục trong phim cổ trang không còn là vẫn đề nhức nhối khi khán giả tạm chấp nhận hai phim Ngọn nến Hoàng cung và Lục Vân Tiên, mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa thực sự thoả đáng. Thế nhưng, chính sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng về mặt trang phục đã khiến hai bộ phim này được lòng người xem. Các bối cảnh trong phim thực hiện không quá hoành tráng như phim Trung Quốc, nhưng mang đậm dấu ấn Việt Nam.
Điều trăn trở nhất của các nhà làm phim cổ trang Việt Nam chính là cách suy nghĩ của các nhà quản lý và của công chúng. Nếu như Trung Quốc xem Tần Thuỷ Hoàng lúc là hôn quân, lúc là đấng anh minh, cho Càn Long, Khang Hy vi hành khắp nơi khắp chốn cũng chẳng ảnh hưởng đến lịch sử, vì họ quan niệm phim ảnh đơn giản chỉ là phim ảnh, ai muốn nghiên cứu lịch sử thì đến thư viện xem sách sử. Còn ở Việt Nam, những chuyện như thế là không tưởng. Đơn cử, khán giả chẳng ai than phiền Hoàng hậu Thiên Thiên mắng chửi nhà vua trong Trộm long tráo phụng, nhưng lại khó chịu khi Kiều Nguyệt Nga không e lệ như họ mong muốn! Chẳng hạn một vở kịch dựa theo một tác phẩm văn học được đoạt giải, đi dự liên hoan sân khấu đoạt huy chương, nhưng cuối cùng, sau khá nhiều xuất diễn được khán giả đánh giá cao, được chuẩn bị đem lên phát trên sóng truyền hình thì bị cấm diễn vì bị cho rằng không đúng với lịch sử! Người nghệ sĩ không được phép nhìn nhận vấn đề xưa bằng cái nhìn của thời nay, bằng cái nhìn của riêng họ. Chính sự hạn chế này khiến các nhà làm phim Việt Nam còn rất e dè khi chạm đến đề tài cổ trang, một trong những dạng phim mà khán giả Việt Nam xem chừng rất thích!
(Theo TCTH)
Về đầu trang
TP.HCM: Cải táng và di dời mộ danh nhân Ngô Nhân Tịnh
Chiều 9/11, UBND quận Tân Phú họp báo triển khai chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh về cải táng và di dời mộ danh nhân Ngô Nhân Tịnh từ phần đất thường bị mưa ngập, thuộc xưởng sản xuất bún khô ở số 177/11 Lũy Bán Bích, phường Hiệp Tân (Tân Phú) về khu vực khô ráo, tôn nghiêm của một di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia là chùa Giác Lâm.
Ông Ngô Nhân Tịnh cùng Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định nổi danh là “Gia Định tam gia” lập nên nhóm Bình Dương thi xã - một diễn đàn thơ đầu tiên của Nam Bộ. Ông từng làm Khâm sai Công bộ Thượng thư, tước Tịnh Viễn hầu, mất thời Gia Long, năm Quý Dậu 1813, lúc đầu an táng tại Chí Hòa và cải táng lần thứ nhất năm 1936 về mộ địa hiện nay. Lần cải táng thứ hai này, tuy gặp phải một số ý kiến trì hoãn, song Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Xây dựng, Hội đình Minh Hương cùng cổ tự Giác Lâm đã đồng thuận và thiết kế xong phần mộ mới. Việc di dời sẽ hoàn tất trong vòng tháng 11 này.
(Theo Thanh Niên)
Về đầu trang |