Tin văn hoá trên các báo ra ngày 12/11
08:34' 12/11/2004 (GMT+7)

1.Truyện Kiều: 5 kỷ lục thế giới và 7 kỷ lục VN?

2.Thái Hoà - Cát Phượng: Hạnh phúc khi có đôi 

3.Hồ Quỳnh Hương: ''Tôi rất ngưỡng mộ Hà Dũng'' 

4.MC Ngọc Linh - Trái tim luôn có những bất ngờ tuyệt vời 

5.''Khám phá âm nhạc'' sắp triển khai tại miền Nam, Trung 

Soạn: AM 193081 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Truyện Kiều, NXB Phổ Thông - 1957
Truyện Kiều: 5 kỷ lục thế giới và 7 kỷ lục Việt Nam?

Ông Phạm Đan Quế năm nay 68 tuổi, tác giả của hơn 35 sách văn học; trong đó có 10 cuốn viết về Truyện Kiều được xuất bản (và tái bản) liên tục từ năm 1991 tới nay. Ông vừa ký Bản ghi nhớ ngày 10/11/2004 với Trung tâm Sách Những kỷ lục Việt Nam (VIETBOOKS) về hợp tác và công bố những kỷ lục của Truyện Kiều do ông phát hiện trong quá trình biên soạn nói trên. Để tìm hiểu, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông.

* Duyên do nào đã đưa đẩy ông đến với các kỷ lục của Truyện Kiều?

- Do một thúc đẩy duy nhất là tôn vinh đại thi hào Nguyễn Du của chúng ta và muốn Truyện Kiều tức kiệt tác Đoạn trường tân thanh của ông ngày càng được thế giới biết đến nhiều hơn. Chính vì thế, khi đi sâu nghiên cứu để biên soạn, chúng tôi nhận thấy tác phẩm bất hủ ấy chứa đựng những yếu tố có thể đề xuất thành 5 kỷ lục thế giới. Mà kỷ lục hàng đầu cần nêu ngay, là hàng trăm năm qua, Truyện Kiều là quyển sách duy nhất trên thế giới có được hiện tượng chắp nhặt những câu thơ ở các chỗ khác nhau để thành nhiều bài thơ mới, gọi là hiện tượng TẬP KIỀU, đã thu hút thi sĩ văn nhân nhiều thế hệ tham gia, với hàng trăm thi phẩm đủ loại từ lục bát, ngũ ngôn, tứ tự, thất ngôn, đến văn tế, hoặc Tập Kiều để dịch Hán thi... Như thế, trên thực tế, Truyện Kiều đã chuyển vào đời sống văn hóa một hình thái hoạt động văn chương mới (chưa có trước đó) và tồn tại (sau đó) qua hàng thế kỷ. Đó là hiện tượng cần ghi nhận đậm nét không chỉ trong lịch sử văn học nước ta, mà cả trên văn đàn thế giới.

* Nếu phải đưa ra những minh chứng để thuyết phục chấp thuận và xác lập kỷ lục trên thì ông có đủ tài liệu đáp ứng?

- Có. Tôi đã viết hẳn một cuốn sách lấy tựa: Tập Kiều - một thú chơi tao nhã do NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành lần thứ nhất cách đây 10 năm (vào năm 1994). Hồi đó tôi cũng đã nghĩ rằng Truyện Kiều còn chứa đựng cái "nhất thế giới" khác nữa, như kỷ lục thứ hai sau đây: là thi phẩm dài có nhiều bản dịch nhất ra cùng một ngoại ngữ. Có tới 10 bản dịch khác nhau ra tiếng Pháp, từ Abel des Michels (2 tập) in tại Paris 1884 - 1885 đến bản Thu Giang (Paris 1915), René Crayssac và Léon Masse (Hà Nội 1926), hoặc bản của Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện trong 28 năm (Hà Nội 1942) và của Nguyễn Khắc Viện, Xuân Phúc - Xuân Việt, Lê Cao Phan, Lưu Hoài...

* Về nội dung kỷ lục này, ông đã kiểm tra xem chắc trong văn học các nước châu Âu, không có bản dịch thi phẩm nước này sang ngôn ngữ nước khác với số lượng tương tự, hoặc lớn hơn?

- Có kiểm tra một số danh mục. Song vẫn phải chờ đợi sự giúp sức của các nhà nghiên cứu và quý bạn gần xa. Tiếp đây, kỷ lục thứ ba này chắc các bạn không thắc mắc: Truyện Kiều là thi phẩm có nhiều người viết về phần tiếp theo nhất trên thế giới mà đặc điểm là tất cả đều viết bằng thơ. Cụ thể tôi biết đến 7 quyển, trong đó xưa nhất có Đào Hoa Mộng ký của Mộng Liên Đình với khoảng 3.000 câu lục bát mới phát hiện, Đào Hoa Mộng ký diễn ca của Hà Đạm Hiên với 1.910 câu lục bát (Hà Nội 1917), Đoạn trường vô thanh của Phạm Thiên Thư với 3.296 câu (Sài Gòn 1972 và TP.HCM 2003), Đoạn trường nhất thanh của Trần Thanh Vân với 1.028 câu (Kiên Giang 1990).

Kỷ lục thứ tư: là cuốn sách duy nhất trên thế giới mà người ta có thể đọc ngược từ cuối lên đến đầu để câu chuyện về nàng Kiều (đúng như nội dung trong tác phẩm của Nguyễn Du) diễn ra theo chiều của thời gian ngược lại như ta được xem một cuốn phim với tour ngược chiều. Để chứng minh, tôi đã in cuốn Truyện Kiều đọc ngược cách đây chừng 2 năm bởi NXB Thanh Niên.

Kỷ lục thứ năm: là cuốn sách duy nhất trên thế giới tạo ra quanh nó cả một loạt những loại hình văn hóa - gọi là Văn hóa Kiều - với các hình thức thật phong phú như: bình Kiều vịnh Kiều, bói Kiều, tập Kiều, đố Kiều, câu đối Kiều, hát nói tập Kiều, phú - văn tế Kiều, án Kim Vân Kiều, giai thoại quanh Truyện Kiều...

* Theo ông, Truyện Kiều chiếm những đỉnh điểm nào trong văn học và đời sống văn hóa nước ta?

Hình bìa quyển Kim Vân Kiều xuất bản tại Pháp, do họa sĩ người Nhật Sekiyuchi vẽ

- Những đỉnh điểm ấy thể hiện ở 7 kỷ lục. 1/ Là tác phẩm đã đưa một nhà thơ lên hàng danh nhân văn hóa thế giới. 2/ Là cuốn sách duy nhất không phải viết ra để bói mà người dân vẫn dùng bói, được chúng tôi trình bày riêng thành quyển: Bói Kiều như một nét văn hóa. 3/ Là quyển sách có được hiện tượng vịnh Kiều với hàng ngàn bài thơ vịnh. 4/ Bộ phim đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1924 tại Hà Nội mang tên Kim Vân Kiều. 5/ Thi phẩm có sách đề cập đến nhiều nhất với hàng trăm cuốn. 6/ Là quyển sách gây nhiều giai thoại nhất. 7/ Là cuốn sách được viết và đóng thành Truyện Kiều độc bản bằng chữ quốc ngữ nặng nhất ở Việt Nam do nhà thư pháp Nguyệt Đình thực hiện, nặng 50kg, trên khổ giấy 1m x 1,6m, hiện trưng bày tại Khu di tích Nguyễn Du huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Chúng tôi mạnh dạn nêu các kỷ lục trên ở mức là những nhận xét bước đầu nên chắc chắn vẫn còn nhiều bất cập mong quý vị độc giả thông cảm và xem xét.

(Theo Thanh Niên) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 193083 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Vợ chồng Thái Hoà - Cát Phượng
Thái Hòa – Cát Phượng: Hạnh phúc khi có đôi

Tiệc cưới của hai nghệ sĩ Thái Hòa – Cát Phượng sẽ được tổ chức tại nhà hàng Quốc Thanh. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cô dâu - chú rễ trước ngày diễn ra đám cưới của họ.

• Nhiều người cho rằng Thái Hòa – Cát Phượng sống theo phương Tây, sanh con rồi mới làm đám cưới?

- Cát Phượng: Thật ra lễ cưới đã được tổ chức năm ngoái, tại Bạc Liêu- quê của Phượng- trước sự chứng kiến của cha mẹ hai bên và anh Phước Sang.

- Thái Hòa: Tiệc cưới hôm nay được xem là ngày ra mắt người thân, bạn bè về mái ấm gia đình của Hòa và Phượng. Đúng ra chúng tôi dự định tổ chức tiệc cưới này vào dịp thôi nôi của bé Bom, nhưng bà xã tôi nôn quá đã quyết định chọn ngày 12-11.

• Để có được hạnh phúc như ngày hôm nay, Thái Hòa và Cát Phượng đã vượt qua nhiều trở ngại. Khó khăn đó còn mang ý nghĩa nào đối với hai bạn?

- Thái Hòa: Tôi thấy mình có được nền tảng để hướng tới một sự nghiệp ổn định. Như ba mẹ tôi vẫn thường dạy: “Mái ấm gia đình là nơi góp phần quyết định thành công của một đời người”. Tôi hạnh phúc khi nghĩ về vợ con.

- Cát Phượng: Khi yêu Thái Hòa, có nhiều bạn bè trong giới đã khuyên tôi nên bình tâm suy nghĩ lại. Tuổi trẻ, Hòa dễ mềm lòng, bồng bột, không khéo tôi sẽ khổ về sau. Nhưng từ khi có con, thấy Hòa biết lo lắng cho gia đình, tôi yêu Hòa nhiều hơn. Khó khăn với tôi là một chuỗi thời gian vun đắp cho mình sự kiên trì. Tôi biết vượt lên chính mình để tìm lấy hạnh phúc. Trước ngày tổ chức lễ cưới hôm nay mà còn bị giựt giỏ, té xe, tưởng đã hoãn lại nhưng rồi tổ nghiệp thương, khó khăn cũng qua. Giờ thì chúng tôi đã có đôi, như ông bà xưa nói: “Cùng gánh trên vai niềm vui, nỗi buồn để đi về phía trước”.

 Trước ngày tổ chức tiệc cưới Cát Phượng đã chọn áo cưới cho mình? Trong sự nghiệp diễn viên đã nhiều lần bạn mặc áo cưới trên sàn diễn, nay chiếc áo đó thực sự của mình, bạn có cảm giác gì khác lạ?

- Cát Phượng: Lạ lắm chứ. Nó gắn chặt với tôi như một kỷ niệm không quên được. Hồi đó đi chụp ảnh thời trang áo cưới, tôi đã nghĩ đến chuyện “không biết khi chiếc áo này thật sự của mình, thật sự ghi chữ “made in Cát Phượng” thì sao nhỉ ?” Tôi vui và sung sướng lắm. Tin rằng nó sẽ bền bỉ theo tôi đến ngày con tôi khôn lớn.

• Nhiều người vẫn cho rằng Thái Hòa ăn hiếp Cát Phượng?

- Thái Hòa (cười): Trời ơi, oan cho tôi. Trên thực tế tôi cưng vợ và con lắm. Nếu khán giả có đến xem chương trình trao giải “Diễn viên hài và nhóm hài được yêu thích 2004” tại nhà hàng này cách đây một tháng, sẽ thấy vidéo clip về mái ấm gia đình tôi. Ở đó tôi cưng vợ và con nhất trên đời. Từ việc đút sữa, lo tả giấy đến việc bế con, chơi đùa với con, đều do tôi đảm trách. Vợ chỉ việc sai biểu là chồng làm ngay.

• Nhưng tiệc cưới này thì...

- Thái Hòa: Vợ tôi chu đáo lắm, lo tất cả, từ việc viết thiệp cưới cho tới cách tổ chức. Tôi hạnh phúc vì sự giỏi giang của vợ.

- Cát Phượng: Tuy vậy vẫn phải có sự góp ý của ông xã. Mỗi lần Hòa sáng tác kịch bản, viết một tiểu phẩm mới, tôi là người được đọc kịch bản đó đầu tiên. Đọc để góp ý, để sửa đổi. Chúng tôi bắt gặp sự đồng cảm qua những đề tài xã hội.

• Nghe nói nhờ sự động viên của vợ, Thái Hòa đã theo học lớp đại học đạo diễn?

- Cát Phượng: Đó là hướng đi mới của Hòa và tôi luôn ủng hộ quyết định của anh ấy.

• Nếu sau này bé Bom theo nghề bố mẹ?

- Thái Hòa: Nói trước sợ bước không qua, nhưng hiện nay con trai tôi đã rất lém lĩnh, quậy hết cỡ. Đã hai lần chúng tôi bế cháu lên sân khấu và màn ảnh: một lần tại Gala cười tổ chức ở sân khấu Kịch Phú Nhuận; một lần cũng tại nhà hàng này trong chương trình trao giải diễn viên hài và nhóm hài được yêu thích nhất. Tôi sẽ rất mừng nếu con trai mình là đồng nghiệp trẻ của ba mẹ.

- Cát Phượng: Ông bà ngoại và nội rất cưng cháu. Chúng tôi có được ngày hôm nay là nhờ vào công đức sanh thành, dưỡng dục và chăm sóc của cha mẹ hai bên. Nguyện sao cho hạnh phúc gia đình không gặp sóng gió, vì những bể dâu có đến với chúng tôi sẽ là nỗi lo lắng, buồn phiền cho cha mẹ ở tuổi về chiều.

(Theo NLĐ) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 193087 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Hồ Quỳnh Hương
Hồ Quỳnh Hương: "Tôi rất ngưỡng mộ Hà Dũng"

"Khi còn đi học, tôi là con bé gầy gò, đen nhẻm, toàn nghịch những trò oái oăm. Mẹ tôi thường nói tôi: "Trông mày như đàn ông". Rồi đến một ngày, tôi gặp người ấy, và "cái thằng đàn ông" trong tôi biến mất. Tôi đã yêu khi bước vào tuổi 18, lứa tuổi đẹp nhất đời người..." Quỳnh Hương tâm sự.

Người ấy đẹp trai, cao to, được rất nhiều bạn gái thích. Người ấy ít nói, nhìn thấy tôi chỉ nhoẻn miệng cười. Không biết tôi thích người ấy từ bao giờ, chỉ biết rằng nhớ nhung vu vơ, thấy người ta thì mặt đỏ bừng, ngượng nghịu, không thấy thì lại nhớ. Người ấy biết tình cảm của tôi và đáp lại. Vậy là lần đầu tiên - 18 tuổi, tôi biết yêu.

Chúng tôi yêu nhau, một tình yêu đẹp, mãnh liệt nhưng trong sáng và lãng mạn. Nhà hai đứa gần biển, cứ chiều đến lại ra biển ngồi đàn hát, rồi hồn nhiên dắt tay nhau đi trong mưa. Ngày đó tôi chìm nghỉm trong hạnh phúc ngọt ngào và lãng mạn của mối tình đầu. Nhưng thời gian, lại thời gian đã giúp tôi nhận ra một điều: tất cả sự lãng mạn đều do tôi tự tạo ra. Người bạn trai của tôi rất đàn ông, rất quyến rũ, nhưng không lãng mạn như tôi nghĩ. Có lần hai đứa giận nhau, anh ấy bỏ tôi một mình đi dưới mưa. Vô tình, sự rạn nứt trong tâm hồn tôi cứ lớn dần lên. Tôi đã choáng khi người ấy không còn nhớ ngày sinh nhật, tôi đùa mà không hiểu tôi đùa. Tình đầu mãnh liệt trong tôi hình như đang chết dần, nhưng tôi vẫn tự lừa dối mình, vì đó là tình cảm đầu đời, rất thiêng liêng.

Khi còn yêu, tôi ghen kinh khủng. Tôi yêu cầu người ấy "không được nhìn người phụ nữ nào ngoài em". Đang đi đường, người ấy chỉ cần liếc một cô gái khác là tôi véo một cái, người ấy đọc báo thấy phụ nữ đẹp là phải lật sang trang khác, vào quán cà phê không dám nhìn ai, muốn nhìn phải quay sang nhìn tôi trước. Tôi hành hạ, dằn vặt như vậy, nhưng lúc cáu lên người ấy cũng chỉ nói: "Nếu em muốn anh không nhìn ai, chỉ có cách làm mù mắt đi thôi". Tôi ghen là vậy, mà người ấy còn rót cho tôi sự hiểu lầm, để tôi hoàn toàn suy sụp, đau khổ. Ảo tưởng của tôi về sự lãng mạn của người ấy cùng với sự hiểu lầm đã giết chết tình cảm của tôi.

Sau khi chia tay, tôi theo học trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Quân đội. Sự đổ vỡ đã cho tôi cảm giác e dè, thận trọng hơn với tình yêu. Tôi chỉ biết học điên cuồng... Sau này, vô tình tôi biết mình đã hiểu nhầm người ấy. Nhưng tôi không nuối tiếc, cái gì đã qua hãy để cho nó qua, có như vậy tôi mới sống thanh thản được. Lạ kỳ là tình đầu với tôi thiêng liêng như vậy, nhưng khi mất đi tôi đã không khóc. Bây giờ tình đầu cũng trở thành kỷ niệm đẹp. Những ngày mùa thu se lạnh như thế này, tôi chỉ thấy buồn một chút, man mác, thoáng qua thôi. Có lẽ do bây giờ, phải bon chen với nghề, tôi không có thời gian để nghĩ ngợi nhiều.

Cách đây cũng khá lâu, tôi gặp người ấy, người ấy chỉ nói: "Sẽ yêu người phụ nữ khác, có thể người ta rất hiền dịu, nhưng sẽ thiếu cá tính của em. Cá tính của em mạnh mẽ quá, những lúc em ghen như thế, anh rất khó chịu, nhiều khi tưởng như không chịu đựng được, nhưng lúc xa rồi lại làm cho người ta nhớ".

Ra trường, tôi ngố lắm. Tôi nhớ, khi cùng ban nhạc Đồng đội vào TP HCM tham dự liên hoan ca nhạc, nhạc sĩ Hà Dũng đã tặng mỗi anh em trong ban nhạc một tập nhạc. Lúc đó tôi chẳng có ấn tượng gì, chỉ thấy đó là một nhạc sĩ khác biệt. Không để tóc dài, không lãng đãng, không điên điên. Hà Dũng điềm đạm, lịch lãm. Thú thật là chẳng ai đọc tập nhạc Hà Dũng đưa, mà rủ nhau đi shopping. Còn tôi nằm biếng ở nhà, không biết làm việc gì, thấy tập nhạc, tò mò lấy ra đọc. Đọc xong, tôi hơi shock. Nó cho tôi thấy Hà Dũng là một lãng tử.

Sau đó, Hà Dũng đã ủng hộ tôi rất nhiều trên con đường ca hát. Anh không cần tiền bạc ở tôi, mà tôi cũng không có nhiều tiền. Anh giúp tôi chỉ vì tôi là người hiểu được những tác phẩm của anh. Mà với người nhạc sĩ, bài hát giống như đứa con tinh thần, gặp được người hát đúng nội tâm, cảm xúc, họ còn thích hơn gấp nhiều lần tiền bạc. Sự san sẻ của chúng tôi chưa dừng lại ở mức độ công việc. Nhiều khi buồn, suy sụp, người tôi có thể nói chuyện là Hà Dũng, và nhận lại những lời khuyên chân tình từ anh. Ngoài những bài hát, tôi cảm thấy Hà Dũng là người lãng mạn, hiểu đời, hiểu nghề và hiểu mình. Tôi rất ngưỡng mộ Hà Dũng và cảm ơn vì anh chia sẻ với tôi nhiều điều. Nhưng giờ đây, tôi nên dừng như thế này thì tốt hơn. Mọi chuyện phải để cho thời gian quyết định.

Có một điều tôi dám khẳng định: Tôi đã yêu thì chắc chắn sẽ yêu mãnh liệt, quyết liệt, dám bất chấp tất cả. Tôi không quan tâm đến tuổi tác, hình thức. Có thể tôi yêu quý Hà Dũng hơn những người đàn ông bình thường khác, nhưng tôi là người ích kỷ, tôi muốn người tôi yêu phải coi tôi là người duy nhất.

Có thể trước đây hay sau này người ta có quá nhiều phụ nữ, tôi không biết và không quan tâm, nhưng khi yêu tôi rồi thì tôi phải là số một. Hà Dũng là người đào hoa, phụ nữ bên anh ấy quá nhiều. Còn tôi rất cần người đàn ông mạnh mẽ, bên anh ta tôi nhỏ bé, một người hiểu những gì tôi đang có, tôi đang làm và tôi đang khát. Nếu có một người lãng mạn, đàn ông, giỏi giang và hiểu tôi như Hà Dũng mà không phải là người có quá nhiều phụ nữ thì chắc chắn tôi sẽ yêu.

(Theo Đẹp)  

Về đầu trang 

Soạn: AM 193089 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
MC Ngọc Linh
MC Ngọc Linh - Trái tim luôn có những bất ngờ tuyệt vời

"Trái tim luôn luôn có những bất ngờ tuyệt vời và sẽ thật ngốc nghếch nếu cứ chăm chăm tìm cách biết trước diễn biến của nó", Ngọc Linh tâm sự.

Thích nghe nhạc và cũng muốn làm những gì liên quan đến âm nhạc

- Ai cũng có những ước mơ, vậy ước mơ từ nhỏ của Linh là gì?

- Tôi luôn muốn trở thành một người phụ nữ thành đạt, được mọi người ngưỡng mộ và yêu mến.

- Linh có nghĩ rằng ước mơ của mình đã trở thành hiện thực?

- Có lẽ mới chỉ là bước đầu, Linh nghĩ mình sẽ còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để ngày càng được mọi người yêu mến và ủng hộ.

- Ngọc Linh bắt đầu xuất hiện trên truyền hình từ khi nào?

- Khi đó tôi đang là sinh viên năm thứ 2 Khoa Tiếng Anh. Tôi đang tìm một công việc làm thêm phù hợp. Thật tình cờ, tôi được giới thiệu dịch phụ đề cho phim chiếu ở rạp Fansland. Qua đó tôi quen một số người làm ngành Điện ảnh và được giới thiệu để thi tuyển MC cho chuyên mục Góc nhìn điện ảnh.

- Trước đây Linh phụ trách chuyên mục Nhịp sống sôi động của Đài tiếng nói Việt Nam, sau lại chuyển sang Tiểu ban ca nhạc của Đài THVN, đó là vì phấn đấu làm nghề hay yêu thích?

- Lý do đơn giản vì tôi thích nghe nhạc và cũng muốn làm gì đó liên quan đến âm nhạc, nhất là ca nhạc quốc tế.

- Lần đầu tiên làm MC Linh có cảm giác thế nào?

- Lần đầu tiên lên hình trong chương trình Điện ảnh chiều thứ 7, tôi rất háo hức và vui mừng nhưng cũng lo lắng và hồi hộp. Chỉ sợ mình làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung.

- Và Linh đã thành công?

- Đầu tiên còn bỡ ngỡ tôi cũng mắc phải một số lỗi nhưng sau khi làm xong và dần rút kinh nghiệm, tôi cảm thấy khá vui vẻ và tự tin hẳn lên. Đây chỉ là bước đầu và con đường ở phái trước còn dài.

Phong cách mà tôi tự cảm thấy mình có thể học hỏi là của các MC MTV châu Á

- Khi lên hình bị nhận xét là... hơi già, Linh có buồn không?

- Có chứ, mới 19 tuổi mà bị chê là già, ai mà không buồn. Nhưng khi đó ê-kíp làm chương trình đã thuyết phục được tôi bằng nhiều lý do hợp lý. Vì hiệu quả của chương trình, tôi không ngại chuyện đó.

- Nhiều người cho rằng cách dẫn của Linh có đôi chút ảnh hưởng của đàn chị Diễm Quỳnh?

- Có lẽ vì khi đó tôi xem nhiều và quan tâm nhất là chị Diễm Quỳnh nên bị "nhiễm" một cách vô thức. Ngoài ra, cách dẫn của chị Diễm Quỳnh cũng được mọi người rất yêu thích nên phần nào đã tạo thành một "chuẩn mực" tương đối, khiến những người đi sau như chúng tôi thấy khó vượt qua và dễ bị "lôi kéo".

- Có rất nhiều người dẫn chương trình nổi tiếng trên thế giới, ai là người Linh cảm thấy thán phục và Linh học tập được gì ở họ?

- Tôi thường xuyên xem các chương trình truyền hình nước ngoài. Tôi thích MC nam hơn là nữ vì họ có cái vẻ thoải mái, quyến rũ và bản lĩnh. Nhưng người mà tôi phục nhất là Oprah Winfrey. Tôi có cảm tưởng dù có bom nổ bên cạnh, bà cũng có thể nói một câu đùa tếu gì đó thông minh và hóm hỉnh. Mỗi lần ngồi xem những chương trình truyền hình yêu thích và các MC nổi tiếng, tôi rất phấn khích. Tuy nhiên tôi chưa đủ tâm để "bị ảnh hưởng" bởi họ. Phong cách mà tôi tự cảm thấy mình có thể học hỏi là của các MC MTV châu Á. Phong cách thật năng động và tinh nghịch, nhưng tôi cũng chưa có dịp thích hợp để thể hiện.

- Dẫn chương trình là một công việc không phải dễ, Linh làm gì để tạo được một phong cách Ngọc Linh được mọi người yêu quý?

- Tôi nghĩ mình cũng chưa làm được gì nhiều để tạo một dấu ấn riêng khó phaii mờ trong lòng khán giả, dù tôi thực sự có ý thức về điều đó. Có lẽ tôi đang tích hợp nội lực để thực hiện nội dung khó khăn này. Từ khi vào nghề, tôi chỉ nhận thấy mình đã cố gắng hết mình và may mắn nhận được nhiều sự ưu ái đáng quý của bộ phận khán giả.

- Ngoài bản lĩnh sân khấu, một MC thành danh thường được khẳng đinh qua tài ứng biến trên sân khấu. Khả năng hoạt ngôn không dễ gì có được, nhiều người cho rằng đấy là bản năng trời cho, còn nhiều người lại nghĩ khả năng, bản lĩnh ấy là cả một quá trình khổ luyện... Linh nghĩ sao?

- Theo Linh tố chất cần thiết nhất của một MC là kiến thức và cách truyền đạt. Họ phải dẫn sao cho vừa gần gũi, thuyết phục vừa dí dỏm để dễ đi vào long người.

Mỗi lần làm việc không tốt tôi buồn kinh khủng

- Cảm xúc của Ngọc Linh lần đầu tiên làm chương trình truyền hình trực tiếp?

- Đó là đêm chung kết khu vưc phía Bắc - giải Sao Mai 2003 ở trường quay S9. Trước khi ra sân khấu, tôi hơi run một chút nhưng khi khoác tay anh Tuấn ra chào khán giả, tôi cảm thấy bình thường vì ít nhất tôi không phải đứng một mình. Sau khi nói những câu đầu tiên trôi chảy, tôi hoàn toàn thoải mái để làm đến những phút cuối và cảm thấy rất vui khi nghĩ rằng tất cả những động thái của mình đều được khán giả theo dõi.

- Linh đã gặp tai nạn nghề nghiệp bao giờ chưa và lần nào làm Linh nhớ nhất?

- Tôi vấp phải khá nhiều nhưng lần đáng nhớ nhất là trong chương trình Sao Mai - Điểm hẹn khi tôi đọc nhầm số báo danh của thí sinh.

- Và sau những như vậy Linh thường làm gì?

- Mỗi lần làm việc không tốt tôi buồn kinh khủng. Và tôi tự nhắc nhở lần sau sẽ tập trung hơn, chuẩn bị tốt hơn để không phạm lỗi. Thường là những chương trình ngay sau đó tôi làm rất suôn sẻ.

- Linh nghĩ sao khi chính bản thân mình gặp phải sự đố kỵ từ phía đồng nghiệp hay bạn bè?

- Đến bây giờ tôi không thấy ai đố kị với mình cả, nhưng nếu có thì tôi phải cố gắng phấn đấu hơn nữa.

- Điều hài lòng nhất cảu Linh với nghề MC là gì?

- Tôi được làm một công việc khá phù hợp với năng lực bản thân và tôi thực sự yêu thích. Ngoài ra một công việc năng động, sáng tạo và tinh tế như thế này cũng rất thích hợp với cá tính và phong cách của tôi.

- Linh tự thấy mình còn thiếu sót gì?

- Linh tự thấy mình còn thiếu sót, đó là kiến thức và kinh nghiệm, cả kinh nghiệm nghề nghiệp lẫn kinh nghiện sống. Tôi đang cố gắng để hoàn thiện dần.

Không quá tự tin và bản lĩnh đến mức đàn ông phải sợ

- Xin được hỏi riêng một chút, mẫu bạn trai của Ngọc Linh phải là người như thế nào?

- Tôi không có chuẩn mực gì cho người bạn trai của mình cả. Trái tim luôn có những bất ngờ tuyệt vời và sẽ thật ngốc nghếch nếu cứ chăn chăm tìm cách biết trước diễn biến của nó.

- Linh nghĩ sao khi có người đàn ông cho rằng rất sợ lấy vợ có bản lĩnh và tự tin như những người dẫn chương trình?

- Tôi không biết các MC khác thế nào chứ tôi không quá tự tin và bản lĩnh đến mức đàn ông phải sợ. Nhưng nếu có anh chàng nào nghĩ như vậy thì họ có thể yên tâm không bao giờ lấy được một người vợ bản lĩnh để mà ngại điều đó xảy ra.

- Lúc buồn Linh thường làm gì?

- Tôi làm tất cả những gì khiến tôi thấy dễ chịu hơn.

- Trang phục mà Linh thường chọn cho mình những lúc không lên hình?

- Tính tôi rất phóng khoáng và khó đoán biết. Nó ảnh hưởng đến tất cả những vấn đề từ nhỏ đến lớn trong cuộc sống của tôi. Vì vậy tôi không có gu ăn mặc riêng. Trang phục mỗi ngày sẽ phụ thuộc vào tâm trạng và công việc của ngày đó.

- Linh vừa tốt nghiệp Khoa Tiếng Anh Trường Đại Học Ngoại Thương. Công việc mà Linh đang đảm nhiệm lại không đúng chuyên ngành mà Linh đã chọn. Vậy Ngọc Linh sẽ tiếp tục phấn đấu nếu theo đuổi công việc của một MC hay Linh đang có những dự định khác?

- Công việc của một MC thật hấp dẫn, tôi sẽ cố gắng hết khả năng để ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía khán giả. Nhưng sắp tới tôi dự định sẽ tiếp tục học Cao học chuyên ngành mình đã chọn và đó sẽ là nghề chính của tôi.

(Theo Điện ảnh kịch trường)

 

Về đầu trang 

"Khám phá âm nhạc" sắp triển khai tại miền Trung, Nam

Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã lên kế hoạch triển khai dự án "Khám phá âm nhạc", dự án giới thiệu và đào tạo về âm nhạc truyền thống tại các trường tiểu học do Quỹ Ford tài trợ, tại một số tỉnh miền Trung và miền Nam, sau khi kết thúc giai đoạn một ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Dự kiến, cuối tháng 11, dự án sẽ được triển khai tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và thành phố Huế.

Dự án, được triển khai từ tháng 9/2003, giúp các học sinh tiểu học tìm hiểu về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhạc và múa cổ điển. Đối tượng chủ yếu của dự án là các học sinh ở lứa tuổi 9-10, lứa tuổi đã khá ổn định và có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt.

(Theo TTXVN)

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 11/11 (11/11/2004)
Công chiếu phim kinh điển của Tây Ban Nha tại VN (10/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 10/11 (10/11/2004)
"Phố phường thứ 37": lễ hội văn hóa độc đáo tại HN (10/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 9/11 (09/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 8/11 (08/11/2004)
Say phiêu cùng ''9+'' (06/11/2004)
Hơn 20 triệu USD cho bức tranh của Monet (05/11/2004)
"Người Nhện 2" đến Việt Nam (05/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 5/11 (05/11/2004)
Alexandra Kerry: Con gái chính trị gia đẹp nhất! (04/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 4/11 (04/11/2004)
Vũ Luân - Đồng hành với niềm tin (03/11/2004)
Cuốn sách văn học dịch đầu tiên có bản quyền (02/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang