|
DV Mỹ Duyên |
Có một Mỹ Duyên nhẹ dạ?
"Trong mỗi người đều có hai mặt, bản thân tôi cũng vậy, cũng có sự ích kỷ và tham lam. Chơi với bạn, tôi thường tìm ở họ những ưu điểm, và khi ưu điểm ấy lớn hơn, nó sẽ thắng mọi nhược điểm. Nếu không may có điều ngược lại, tôi ráng xóa điều đó ra khỏi đầu và bằng lòng với cái đã có", Mỹ Duyên tâm sự.
- Là diễn viên múa được đào tạo cơ bản, nhưng về đến Việt Nam lại không có đất dụng võ, chị cảm thấy sao?
- Thực sự tôi rất buồn, học 8 năm ballet đâu phải chuyện dễ. Nhưng cũng có cái lợi, những gì được đào tạo tại trường múa, tôi đều áp dụng vào điện ảnh, và con đường mới này dần trở thành niềm đam mê. Điều đó giúp tôi thỏa được ước mơ sống, làm việc vì nghệ thuật. Mọi sự trong cuộc sống đâu phải lúc nào cũng như mình muốn.
- Đảm nhiệm nhiều vai diễn có số phận khác nhau, nhân vật nào khiến chị thấy gần với con người thực của mình nhất?
- Mỗi nhân vật có một ấn tượng khác nhau, nhưng vai diễn thú vị với tôi phải kể đến Nguyệt trong Lưỡi dao của đạo diễn Lê Hoàng, cô bé "mát" trong Tình nhỏ làm sao quên và gần đây nhất là Gái nhảy với vai Hoa. Trong từng nhân vật, tôi tìm thấy một phần đời của mình, chính điều này thôi thúc tôi khám phá.
- Cùng lúc hoạt động trong nhiều lĩnh vực, điện ảnh và kịch nói, chị gặp những khó khăn gì?
- Từ diễn viên múa bước sang điện ảnh không đơn giản chút nào. Tôi phải học hỏi thêm rất nhiều. Mỗi loại hình nghệ thuật có những thông điệp riêng. Khi có lời mời tham gia diễn kịch, thực sự tôi không tự tin lắm dù trong vở đầu tiên tôi chỉ xuất hiện một lần và nói một câu thoại ngắn. Sau này xem các bậc đàn anh đàn chị làm việc, tôi bị cuốn hút vào lúc nào không hay. Người làm cho tôi mê kịch là NSƯT Thành Lộc. Và sân khấu kịch cũng giúp tôi trưởng thành hơn trong điện ảnh. Khó khăn với tôi không phải cùng lúc hoạt động nhiều lĩnh vực mà là làm sao mình phải luôn mới trong mắt công chúng.
- Giây phút nào khiến chị thấy thất vọng về mình?
- Chưa đến nỗi thất vọng nhưng chưa hài lòng thì nhiều. Nếu một diễn viên tự hài lòng quá sớm tức là họ không còn bước tiếp được nữa.
- Say sưa với công việc, đến lúc nào thì chị dừng chân lo cho tổ ấm riêng?
- Tôi đang chờ đợi điều đó nhưng mãi mà chưa tìm được đối tượng.
- Đạo diễn Lê Hoàng từng nhận xét chị là cô gái: "nhẹ dạ, ngốc nghếch và tham ăn". Bây giờ lời nhận xét ấy thế nào?
- Chắc vẫn vậy. Nhưng nói nhỏ, sáu từ này tôi xài rất đúng chỗ đó nghen.
(Theo Thế Giới Phụ Nữ)
Về đầu trang
|
Màn ảo thuật "Cô gái không đầu" (Minh Tuấn - Quảng Trị). |
LH Xiếc quốc tế tại VN lần thứ 2: Sinh khí mới cho xiếc VN
Sự góp mặt của các đoàn xiếc quốc tế và trong nước trong Liên hoan xiếc quốc tế lần thứ hai tại Việt Nam hy vọng đem lại một sinh khí mới cho ngày hội chín năm mới có một lần của ngành xiếc.
Lỡ hẹn mất một năm vì dịch SARS, Liên hoan xiếc quốc tế lần thứ hai (sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 18 đến 25-11 tới) vậy là cách Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ nhất chín năm. Chín năm là độ dãn cách quá dài để có thể làm một điểm hẹn hấp dẫn được các bạn nghề quốc tế nhưng hình như lại là quá ngắn - so với "tính bảo thủ của xiếc Việt Nam".
Khó hấp dẫn khách mời
Khách mời tham dự Liên hoan Xiếc quốc tế tại Việt Nam lần này, lúc đầu dự kiến có 10 đoàn đến từ 9 nước: Nga, Mỹ, Đức, Luxemburg, Mông Cổ, Lào, Campuchia, Trung Quốc (hai đoàn) và Pháp. Nhưng sau Pháp xin rút với lý do bận biểu diễn ở Australia không về kịp.
Danh sách khách mời quốc tế cho đến ngày 14/11 dự kiến có khoảng gần 20 nghệ sĩ đến từ 7 nước. Một con số có thể nói là vô cùng khiêm tốn cho một Liên hoan Xiếc quốc tế nhưng âu cũng là tất yếu cho một Liên hoan xiếc được tổ chức không phải bởi một cường quốc về xiếc, lại có độ dãn cách quá lâu, giải thưởng ít sức nặng (giải nhất dự kiến 2.000 USD). Tuy nhiên, dẫu sao, trên tinh thần "có nụ mừng nụ" thì sự góp mặt này quả cũng đưa lại chút sinh khí mới cho ngày hội 9 năm mới có một lần của ngành xiếc Việt Nam.
Xiếc Việt Nam: Quá cũ!
Cũng như nhiều khán giả "người lớn" khác, kể từ Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ nhất (1995), nhiều năm nay, tôi đã đánh mất thói quen vốn rất yêu thích từ bé là đi xem xiếc, rằng: Ra Hà Nội chơi mà chưa vào được rạp xiếc T.Ư là... coi như chưa đến Hà Nội (!). Tuy nhiên, cảm giác của chúng tôi sau hôm xem chương trình tổng duyệt của đơn vị chủ nhà là: Không sao cả, sự "hổng kiến thức thực tế" ấy, vì xiếc Việt Nam - hoá ra - bao năm nay, vẫn hầu như không thay đổi bao nhiêu. Tham dự chương trình tổng duyệt bao gồm 15 tiết mục của hơn 30 nghệ sĩ đến từ các đơn vị: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Liên đoàn Xiếc TP.HCM, Trường Xiếc Việt Nam và hai đại diện ảo thuật từ Quảng Trị và TP.HCM. Vắng mặt một cách đáng tiếc Liên đoàn Xiếc Hà Nội cho một Liên hoan Xiếc quốc tế diễn ra ngay tại thủ đô.
Được biết, phần lớn các tiết mục tham gia Liên hoan xiếc lần này từng đoạt giải cao tại các kỳ Liên hoan Xiếc toàn quốc. Một số biên đạo múa và nhạc sĩ cũng được mời hợp tác để giúp làm mới lại tiết mục ở phần phụ hoạ, trang phục biểu diễn. Và rồi - sau những cố gắng trên - cái mới có được là: Trang phục biểu diễn bắt mắt hơn, âm nhạc lạ tai hơn một chút và đặc biệt, là nỗ lực làm mới theo phương thức "thổi hồn Việt vào trong tiết mục". Chẳng hạn: Tiết mục quen thuộc "đứng tay nghệ thuật" được "phăng" lên thành tiết mục "âm vang trống đồng" với hình ảnh các chiến binh thời Âu Lạc; uốn dẻo trên đu có tên gọi "Cánh chim bầu trời" với phần tô điểm là cánh chim lạc... - một cố gắng làm mới cần thiết của nước chủ nhà...
Song buồn là: Tất cả những nỗ lực thêm thắt, làm mới ấy vẫn không thay thế được cái lõi chính của nó: Rằng các tiết mục đã quá cũ. Một số tiết mục "đinh" có tiếng khác lại bộc lộ rõ sự mất phong độ như: "Thang lắc" của Thanh Hải - Lan Hương, hề con lăn của "Chàng đầu bếp vui tính" Tuấn Linh - thậm chí đã phải thực hiện tới "quá tam ba bận". Có được một tiết mục thuyết phục tuyệt vời như "bật xà" (với kỹ thuật xoắn người ba vòng trên không) của Tạ Thuý Phương tại Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ nhất xem ra không dễ!
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có thể có được những hy vọng và ấn tượng tốt với các tiết mục: Thăng bằng trên dây, hải quân vui chơi, lắc vòng (với kỷ lục mới: Lắc cùng lúc 50 vòng) và ngay cả thang lắc (nếu hai nghệ sĩ tài năng Thanh Hải - Lan Hương may mắn sớm phục hồi được tâm lý và phong độ). Đã đành - nói như NSƯT Vũ Hợp - Phó BTC, trong xiếc có tính bảo thủ: Nghĩa là, cũng như thể thao, kịch mục xiếc có thể luôn chỉ có bấy nhiêu nhưng sự đổi mới, ăn thua là ở chỗ: Hôm nay anh quay thêm được mấy vòng, tung hứng thêm được bao nhiêu quả bóng... - những điều mà có thể chỉ có những người trong nghề mới nhận thấy được hơn là khán giả.
Đã đành, trong sự cạnh tranh khó khăn với nhiều loại hình "hợp thời" khác, các nghệ sĩ xiếc của chúng ta phải vất vả bao nhiêu để có được cơ hội làm nghề. Đã đành, lòng yêu nghề ở các nghệ sĩ xiếc thật đáng cảm động - khi có lẽ, chẳng có nghệ thuật nào lại nghiệt ngã đến mức như vậy: năm năm khổ luyện nhiều khi chỉ được một tiết mục mà chưa chắc đã giữ được phong độ nếu không được diễn và khổ luyện thường xuyên... Vâng, nhưng cũng chính vì mấy chữ "đã đành" ấy mà nên chăng, cần có ở xiếc Việt Nam một sự thay đổi tư duy mạnh mẽ hơn để khả dĩ đánh thức ở khán giả trẻ con lẫn người lớn cái sở thích được "nín thở" trước "người thật, việc thật" mà không phải là "ảo" như phim kinh dị! Nói đâu xa, đâu phải ngẫu nhiên: "Của độc", "muôn năm cũ" như rối nước mà người ta vẫn phải không ngừng nghĩ cách làm mới để rối nước không chỉ có 16 tích trò...
(Theo Lao động)
Về đầu trang
|
Nghệ sĩ Quốc Thảo từng diễn vở Dạ cổ hoài lang, nay là đạo diễn vở này trên đất Mỹ |
Vở "Dạ cổ hoài lang" bị xâm phạm bản quyền ở Mỹ
Vừa qua, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM (5B Võ Văn Tần) đã tiếp nhận một văn bản của một số nghệ sĩ đang sinh sống tại Mỹ gửi về xin phép được diễn vở Dạ cổ hoài lang của tác giả Thanh Hoàng, do đạo diễn Nguyễn Công Ninh dàn dựng cách đây 10 năm.
Trong đó, phía đối tác đề nghị được trả bản quyền cho suất diễn ngày 24/10 tại California của một nhóm nghệ sĩ thuộc một đài phát thanh cộng đồng. Qua cuộc trao đổi điện thoại với tác giả Thanh Hoàng, nhóm nghệ sĩ này cho biết cách đây mấy năm đạo diễn Hồng Phúc đã từng dàn dựng vở Dạ cổ hoài lang trên đất Mỹ và việc họ xin phép được tái dựng kịch bản này là một cách tôn trọng quyền tác giả.
Tác giả Thanh Hoàng đã từ chối và đề nghị không được dàn dựng kịch bản Dạ cổ hoài lang của anh. Thế nhưng suất diễn đó vẫn được tổ chức, và ngày 21/11 tới, một suất diễn Dạ cổ hoài lang sẽ được tổ chức tại California do nghệ sĩ Quốc Thảo dàn dựng với sự tham gia của: Minh Nhí, Kim Tử Long và một nữ nghệ sĩ Việt kiều tại Mỹ. Sự việc này đã khiến một số nghệ sĩ, từng tham gia diễn vở Dạ cổ hoài lang bất bình.
Vở Dạ cổ hoài lang được xem là tác phẩm thành công nhất của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM, là niềm tự hào của thể loại kịch thể nghiệm sân khấu nhỏ. Trong tác phẩm này nghệ sĩ Quốc Thảo đã đảm nhiệm vai chàng Việt kiều yêu quê hương và dĩ nhiên anh là người thuộc kịch bản một cách nhuần nhuyễn để có thể “tự tin” sao chép từ kịch bản cho đến bản dựng của đồng nghiệp.
Tác giả Thanh Hoàng bức xúc: “Tôi cho rằng đây là việc làm sai nguyên tắc và phạm luật. Là tác giả, tôi luôn mong muốn tác phẩm của mình được phổ biến rộng rãi, nhưng việc đơn phương và ngang nhiên tiến hành dàn dựng, biểu diễn Dạ cổ hoài lang khi chưa có sự đồng ý của tác giả là không thể chấp nhận được".
(Theo Người Lao Động)
Về đầu trang
Điều ít biết về nữ đạo diễn duy nhất của VTV - Bài hát tôi yêu
Đã hai năm nay, Việt Hương là nữ đạo diễn duy nhất của sân chơi nghệ thuật "VTV - Bài hát tôi yêu". Chị cứ lặng lẽ một mình bên cạnh hơn 20 đấng mày râu và trình làng những sản phẩm khá ấn tượng về sự công phu và ý tưởng độc đáo.
VTV - Bài hát tôi yêu năm 2004, tuần thứ ba phát sóng, người xem có cảm giác MC Châu Anh dường như thiên vị khi giới thiệu video clip Ngày còn dài tình còn đầy - một sáng tác mac âm hưởng dân ca do ca sĩ Tấn Minh thể hiện và bàn tay dần dựng của đạo diễn Việt Hương. Sau những hình ảnh về hiện trường buổi ghi hình, Châu Anh bật mí dã rất bất ngờ khi xem video clip này và khẳng định nhóm làm chương trình đã không uổng phí khi bỏ rất nhiều mồ hôi công sức thực hiện. Đúng là MC không quá lời chút nào, bởi khán giả đã được thưởng thức một video clip rất ngọt ngào. Việt Hương đã rất biết chọn bối cảnh, diễn viên minh hoạ và hơn nữa là xây dựng được cái tứ rất ăn với lời bài hát. Nó làm người ta nhớ đến lời đâu tiên mà đạo diễn này tâm niệm: "người ta chỉ công nhận 'nữ tính' trong phim chứ không thông cảm với bộ phim của tác giả nữ". Ấy là cái thời Việt Hương mới vào nghề đã giành giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 12 với bộ phim tài liệu nghệ thuật Người viết cảm tử quân - cuốn phim về cuộc đời và tác phẩm của cố nhạc sĩ Hoàng Quý.
Nữ đạo diễn Việt Hương là con gái của nhạc sĩ Lê Việt Hoà. Chuyên ngành mà chị được đào tạo là nhạc cụ cổ truyền tại Nhạc viện Hà Nội, nhưng ra trường Việt Hương lại trở thành ca sĩ của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Ôm đàn ghi ta hát Hoa sim biên giới (tác giả Minh Quang), Mùa xuân biên cương (Thế Hiển), Áo mùa đông (Đỗ Nhuận)... khắp các đồn biên phòng, chốt tiền tiêu của tổ quốc, nhưng rồi Việt Hương lại bắt đầu một ngả rẽ - theo học đạo diễn tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Tốt nghiệp, chị đầu quân về Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam làm đạo diễn ca nhạc. Đây quả thực là mảnh đất màu mỡ chon Việt Hương phát triển. Chị say mê với dòng phim tài liệu nghệ thuật, liên tục cho ra đời những tác phẩm để lại dấu ấn như Tiếng đàn xưa - bộ phim về hình ảnh người phụ nữ trong thơ Tố Hữu - HCB Liên hoan Truyền hình toàn quốc 1999; Bước khởi đầu của nền tân nhạc, Xanh mãi với thời gian (chân dung tài tử Ngọc Bảo), Lê Việt Hoà - vòm trời nón bài thơ... hay phim ca nhạc Tìm về những bài ca của Hoàng Quý - HCB Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2001... Với bất kỳ đứa con tinh thần nào của Việt Hương, cảm nhận đầu tiên đến với khán giả là sự kỹ càng, công phu, tỷ mỷ từ nội dung đến hình ảnh.
Hiện tại, Việt Hương đang rất bận rộn với việc giới thiệu Tác phẩm mới và làm các chương trình ca nhạc chọn lọc. Chị cũng vừa hoàn thành những cảnh quay về mùa thu Hà Nội cho video clip thứ hai của mình trong VTV - Bài hát tôi yêu 2004: Mùa thu giấu em (ca sĩ Ngọc Anh, nhạc sĩ Phú Quang).
(Theo TCTH)
Về đầu trang