"Tuyển tập văn xuôi Việt Nam" vừa phát hành ở Mỹ
Nhà xuất bản Curbstone Press ở Mỹ vừa phát hành tuyển tập truyện ngắn Việt Nam mang tên Tình yêu sau chiến tranh – Văn xuôi Việt Nam đương đại (Love after War: Contemporary Fiction from Vietnam). Nhà văn Hồ Anh Thái, đồng chủ biên cho biết vài nét về cuốn sách.
Đây có lẽ là tuyển tập dày dặn đầu tiên xuất bản ở Âu - Mỹ cho tới nay, dày 650 trang khổ lớn, tập hợp truyện ngắn của 45 tác giả Việt Nam.
Độc giả Mỹ sẽ thấy hiện diện ở đây các thế hệ nhà văn Việt Nam, từ Tô Hoài sang Chu Văn, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Trang Thế Hy, Ma Văn Kháng, đến Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Thân, Lê Văn Thảo tới Đoàn Lê, Trần Thùy Mai, Ngô Thi Kim Cúc, Dạ Ngân, rồi Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, mới nhất là Nguyễn Ngọc Tư. Có nhà văn đã khuất và người đang sung sức, có nhà văn của các vùng miền, có cả đội ngũ nhà văn nữ hùng hậu.
Là đồng chủ biên của tuyển tập này, nhà văn Mỹ Wayne Karlin và nhà văn Hồ Anh Thái đã chọn lựa khoảng 100 truyện ngắn Việt Nam để cuối cùng nhà xuất bản chọn lấy một nửa trong số đó. Cũng đành phải bằng lòng với sự phán quyết của Nxb, người bắt mạch được gu của người đọc Mỹ. Chúng tôi tổ chức toàn bộ các truyện ngắn vào năm phần sao cho cấu trúc liên hoàn này khi đến độc giả có thể đọc từ đầu đến cuối, tuần tự như một cuốn tiểu thuyết, hình dung là một phần đời sống xã hội Việt Nam, phần nào tâm lý con người và tâm trạng thời ta đang sống. Có thể là ít nhiều diện mạo văn học Việt Nam từ sau chiến tranh nữa.
Bộ sách văn học Việt Nam và một nhà văn Mỹ
Người đứng tên chủ biên bộ sách Những tiếng nói từ Việt Nam của Nxb Curbstone Press là nhà văn Wayne Karlin. Ông tham gia dịch, hiệu đính và trau chuốt tất cả các bản dịch sách Việt Nam: hợp tuyển truyện ngắn hậu chiến của các nhà văn Việt Nam và Mỹ mang tên Phía bên kia góc trời (The Other Side of Heaven) .
Nhân tiện xin nói, chữ Heaven ở đây không phải là thiên đường như có người dịch sai mà có nghĩa là bầu trời. Việt Nam và Mỹ ở tận hai góc trời, giờ đây cần bắc một nhịp cầu hòa giải bằng văn học nối liền hai góc trời xa xôi ấy. Đó là ý tưởng của Wayne Karlin khi làm cuốn sách được Hội Các nhà phê bình Văn học Mỹ bầu chọn là cuốn hợp tuyển hay nhất của năm 1995.
Ông đã cộng tác với nhiều dịch giả người Việt và người Mỹ để cho ra những bản dịch Ngược dòng nước lũ của Ma Văn Kháng, Những ngôi sao, trái đất, dòng sông của Lê Minh Khuê, Thời gian của người của Nguyễn Khải, Trong sương hồng hiện ra và Người đàn bà trên đảo của Hồ Anh Thái, sắp tới là tập truyện của Đoàn Lê và những tập của một số tác giả xuất sắc khác...
Năm 1998, sau khi xuất bản sách của nhà văn Lê Minh Khuê và của tôi, Nxb Curbstone Press mời chúng tôi làm cố vấn biên tập cho bộ sách Những tiếng nói từ Việt Nam (Voices from Vietnam), bộ sách đang được tiếp tục với những cuốn sách nêu ở trên.
Tuy nhiên thời gian chủ yếu dành cho việc sáng tác, chúng tôi lượng sức khó theo cho hết được bộ sách còn kéo dài nhiều năm. Chính vì vậy, hai năm qua, tôi và Wayne Karlin có "sáng kiến" làm một tuyển tập, cố gắng giới thiệu càng nhiều càng tốt tác giả Việt Nam, trong đó, coi như một sự hoàn tất, trước khi rút về viết sách của mình.
Còn nhiều tác phẩm chúng tôi đề xuất nhưng không được Nxb chấp nhận, kể cũng đáng tiếc. Tuy vậy mọi thiếu hụt, khiếm khuyết chắc vẫn được thể tất, vì nói cho cùng đây chỉ là cố gắng của cá nhân những người làm sách, chúng tôi đã làm hết sức để có được tuyển tập này.
Wayne Karlin là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết gây dư luận như Đường cắt, Cho chúng ta, Vai phụ, Những người tù, Tiếng đồn và bia mộ, Xứ sở ao ước..., Wayne Karlin đã đoạt một số giải thưởng văn học lớn của Mỹ. Ông là nhà văn có văn phong đẹp, ngôn ngữ chắt lọc và giàu nhạc điệu một người dịch và hiệu đính có nghề.
Thời báo New York đã khen những cuốn sách Việt Nam kể trên "được dịch bằng một thứ ngôn ngữ tiếng Anh hạng nhất" (first-rate English language). Công này chủ yếu là của Wayne Karlin.
Công việc của những đồng chủ biên
Tôi trực tiếp dịch một nửa trong số 50 truyện ngắn của tuyển tập, nhưng với tư cách chủ biên, cả Wayne Karlin và tôi đều phải vất vả nhiều với toàn bộ tập sách. Trong quá trình cùng nhau dịch, không thể nhớ hết những lần tranh luận gay gắt. Chúng tôi đều cầu toàn, và tất nhiên tranh luận phát sinh cũng vì độ chênh giữa hai ngôn ngữ vốn sẵn có nhiều điểm khác biệt, giữa lối tư duy của hai dân tộc cũng rất nhiều khác biệt.
Chẳng hạn ở đầu truyện Cô gái đầm sen, nhà văn Nguyễn Phan Hách viết: "Một lần về quê, tránh nắng, anh khởi hành đi bộ từ sáng tinh mơ... Sương sớm mù mịt. Gió nhẹ hây hây đem theo mùi sen thơm ngát. Đang đi trong ánh trăng mờ, Tuệ thấy một cô gái từ đầm sen bên đường bước lên...".
Người đọc Việt Nam dễ dàng xác định được thời gian của câu chuyện này: đó là một sáng sớm, trời còn mờ tối, còn sương và còn trăng. Nhưng Wayne Karlin đã thêm vào đây hai chữ xác định thời gian: That night (đêm ấy). Tôi không chịu, trong nguyên bản là sáng sớm, làm sao có thể đổi thành đêm được? Wayne Karlin cũng không chịu, độc giả Mỹ sẽ không sao hình dung nổi là early in the morning (sáng sớm) lại có thể xảy ra câu chuyện trong sương mù, trong ánh trăng và trên trời còn sao.
Tranh luận mãi, cuối cùng tôi phải nhượng bộ. Lý do: bản tiếng Anh là dành cho độc giả Mỹ, những người vốn duy lý, đòi hỏi sự chính xác về không gian, thời gian, sở hữu... chứ không chấp nhận sự mập mờ thấp thoáng. Tất nhiên đây là do hai cách tư duy và tiếp nhận khác nhau, còn trên thực tế khoảng 3-4 giờ sáng như thế, bên này có thể gọi là sớm hôm ấy, bên kia lại gọi là đêm ấy.
Sang đến truyện Lúa hát của Võ Thị Xuân Hà, đúng là tư duy chính xác của người Mỹ phải gây giật mình. Tác giả viết rằng ở làng ấy có tục làm lễ rước muối quanh cánh đồng, rồi người ta rắc muối vào bếp, lấy tro bón ruộng cho lúa xanh.
Wayne Karlin giật mình: người Mỹ tin rằng đất mặn là đất xấu không trồng trọt được, đọc thế ai mà tin nổi? Tôi điện thoại hỏi tác giả, chị bảo đó chẳng qua là tín ngưỡng của làng, như là làm phép, người ta đâu có đổ muối xuống ruộng làm cho đất mặn. Đoạn này cũng không thể lược đi, người dịch phải trung thành. Rốt cục hai người dịch chúng tôi chấp nhận đặt thêm cái chú thích về lễ rước muối như một tín ngưỡng, bằng cách ấy hạn chế được phản ứng của người đọc bản tiếng Anh.
Cũng vẫn ở truyện này, Wayne Karlin bàn cái tít Lúa hát có thể gây hiệu quả trong tiếng Việt, nhưng trong tiếng Anh nó véo von văn vẻ và quá nhẹ. Ông đề nghị đổi tên truyện gây ấn tượng hơn cho người đọc Mỹ: Lúa và muối (Rice and Salt).
Một nhà xuất bản yêu văn học Việt Nam
Hệ thống giáo dục Mỹ vẫn thường để ngỏ một phần giáo trình cho các trường tự tìm thêm sách giảng dạy. Nhà văn Wayne Karlin là giáo sư Đại học St. Mary ở Maryland, ông cùng với Nxb Curbstone quảng bá bộ sách Việt Nam tới các trường đại học và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt.
Người Mỹ ít đọc sách dịch. Hàng ngàn Nxb chỉ quan tâm đến việc sách in ra có bán được hay không.
Wayne Karlin đã tìm ra Nxb Curbstone nhận in sách Việt Nam và đưa sách hiện diện chính thức trên thị trường sách toàn quốc có mặt trong hệ thống hiệu sách, và bán cả trên mạng (hãng Amazon.com).
Số lượng phát hành lần đầu, như mọi Nxb khác ở Mỹ, thường là 5.000 bản, nhưng khác một điều là sách của Nxb Curbstone hàng năm vẫn đều đều được in nối bản. Nhân tiện xin nói con số 1.000 bản mà người phiên dịch chuyển ngữ nhầm cho một đoàn nhà văn Việt Nam thăm Mỹ gần đây thực ra là số lượng phát hành của Nxb ở các trường đại học. Sách do các trường xuất bản thông thường chỉ bán trong hệ thống trường đại học toàn quốc với số lượng hạn chế như vậy, hầu như không có nối bản hàng năm. Số lượng sách phát hành là một bí mật kinh doanh, chỉ có Nxb và cơ quan thuế biết với nhau, chứ không ghi đằng sau mỗi cuốn sách như ở ta.
Curbstone Press là một nhà xuất bản không lợi nhuận. Tính chất không lợi nhuận khiến thu nhập của người làm xuất bản và nhuận bút cho tác giả, dịch giả là rất hạn chế. Không lợi nhuận còn có nghĩa là nhà xuất bản không phải nộp thuế thu nhập. Để đáp lại việc không phải đóng thuế, họ phải làm nghĩa vụ phát triển văn hóa xã hội bằng cách tặng sách cho các thư viện trên toàn quốc, cho các trường học... Sách của Nxb vì thế được in với số lượng lớn, ít nhất 5.000 cuốn bán trên toàn quốc để trang trải nhuận bút (tượng trưng) và nuôi sống người làm sách, ngoài ra còn có một số lượng đáng kể được đem tặng đến tận tay sinh viên và trí thức.
Những luồng dư luận ban đầu
Giờ đây tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đã phát hành và dư luận ban đầu trên báo chí là khả quan. Nhà văn Robert Olen Butler, tác giả cuốn Hương thơm từ núi lạ đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia viết: "Nhiều nhà văn Việt Nam là những nghệ sĩ tầm quốc tế và tuyển tập này là biểu hiện đầy đủ nhất có thể tìm thấy bằng tiếng Anh. Wayne Karlin và Hồ Anh Thái đã chủ biên và dịch một cuốn sách bậc thầy sẽ còn lại mãi".
Báo Biên niên sử San Francisco ngày 2-11-2003 nhận định: "Tình yêu sau chiến tranh là tuyển tập văn xuôi đương đại Việt Nam lớn nhất bằng tiếng Anh và không còn lời nào khác ngoài chữ hoành tráng để nói về cuốn sách này. Tuyển tập cụ thể dễ dàng sánh với những bậc thầy truyện ngắn đươc khuếch trương nhiều của chúng ta như Raymond Carver, John Cheever và Grace Paley hoặc những nhà văn có tính thưởng thức của tạp chí New Yorker và Playboy. Chủ ý so sánh với Playboy bởi vì trái ngược với huyền thoại về các nước cộng sản, không có hạn chế nào đối với những nhà văn ở đây, ít ra là trong mọi sự bày tỏ đa dạng và phức tạp về năng lượng sắc dục của con người".
Còn Thời báo St.Petersburg ra ngày 14-9-2003 bình luận: "Tình yêu sau chiến tranh" là một tuyển tập văn xuôi sinh động của những tác giả mà tác phẩm sánh với những gì hay nhất của văn chương thế giới. Văn phong đẹp, Tình yêu sau chiến tranh cho thấy rằng văn học Việt Nam, và cả đời sống ở đó, đang phát triển mạnh".
(Theo Văn nghệ)
Về đầu trang
Vấn đề vi phạm bản quyền trong âm nhạc: Có một "cơ chế" khuyến khích?
Lâu nay, mặc dù văn bản luật có đầy đủ những quy định bảo vệ tác quyền, song gần như vẫn còn nhiều điểm chung chung chưa quy trách nhiệm cho một đối tượng cụ thể nào. Thành ra, khoảng trống giữa việc thực thi Bộ luật Dân sự, các nghị định, thông tư về quyền tác giả và hiệu quả đúng nghĩa còn quá lớn. Dường như có một "cơ chế" khuyến khích vi phạm bản quyền trong âm nhạc mà ít ai nhận ra do nhận thức lờ mờ về pháp luật và do những văn bản dưới luật còn nhiều kẽ hở.
Ngày càng có nhiều vụ việc vi phạm về bản quyền trong âm nhạc: Nạn sao chép tác phẩm của người khác gia tăng chóng mặt, chưa kể danh sách "đen" dài dằng dặc được liệt kê trong 10 đĩa CD nhạc nhái. Các nhạc sĩ trẻ chôm nhạc ngoại gần như là chuyện thường đã đành, các nhạc sĩ có tên tuổi, thuộc diện đứng đắn cũng "lây bệnh" đạo nhạc, có nhiều trường hợp là "đồng tác giả" nhưng chỉ sửa vài nốt nhạc hoặc nghiễm nhiên sử dụng cả ca từ của người khác mà không đề tên của người đó. Có tác giả chỉ ăn cắp một ca khúc, nhưng có tác giả là "chủ sở hữu" của một loạt ca khúc vay mượn nước ngoài.
Họ từng bị báo chí lên án, nhưng kết cục đâu vẫn hoàn đó. Xâu chuỗi các sự kiện này, mới thấy rằng sự lờn thuốc trong làng nhạc cũng có nguyên nhân của nó: Chỉ toà án lương tâm thì chưa đủ, mà những biện pháp xử phạt hành chính lại quá sơ sài và quá nhẹ.
Đơn cử, điều 43 Nghị định 31-CP chỉ nêu mức phạt "cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi trích dẫn tác phẩm của người khác đưa vào tác phẩm của mình mà không đề tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm". Nếu không nêu rõ là trích dẫn bao nhiêu phần trăm, thì người ta dễ dàng "bê nguyên xi" tác phẩm của ai đó mà cũng chỉ bị phạt ngần ấy thôi - đó quả là một cám dỗ khó tránh khỏi.
Trong âm nhạc, chỉ cần mượn một khúc thức, một vài nốt cơ bản cũng đủ để làm bài hát mô phỏng gần giống nguyên bản. (Một ca khúc hàng chợ tại TPHCM giá từ 3-5 triệu đồng, thử hỏi, với mức phạt đó, các tác giả trẻ dại gì không lao vào sản xuất hàng chợ ào ạt? Và cụ thể các vụ vi phạm mấy ai bị phạt tiền đâu? Ai phạt?).
Lại nữa, cũng ở điều 43, dịch, biên soạn, phóng tác, cải biên, chuyển thể tác phẩm mà không được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc, thêm bớt nội dung tác phẩm mà không được tác giả đồng ý phạt tiền từ 3 đến 10 triệu đồng. Như vậy, ở đây đã có sự bất hợp lý là tác phẩm dịch lại được coi trọng hơn tác phẩm của tác giả trong nước, hoặc cụ thể hơn, nhạc ngoại lời Việt được coi trọng hơn nhạc nội.
Nghị định cũng nhấn mạnh ở điều 44 là "phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi biểu diễn tác phẩm âm nhạc mà không trả tiền nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả". Mức phạt này vẫn quá nhẹ, và không thấy ghi rõ ai là người kiểm tra và thu phạt.
Tại Bộ luật Dân sự, Chương 6, Quyền sở hữu trí tuệ, có ghi rõ về quyền tác giả. Tuy nhiên, lâu nay trong lĩnh vực biểu diễn, hầu như tác giả đồng thời chủ sở hữu tác phẩm ít khi được nhận tiền thù lao. Nghị định 76 của Chính phủ đã cụ thể hoá một bước quyền sở hữu trí tuệ, ban kèm theo một số thông tư như 47,63 nói về quyền sử dụng tác phẩm, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm chung chung. Được biết, mỗi năm, trung bình Sở VHTT TPHCM cấp khoảng 500 - 600 giấy phép biểu diễn, nhưng hiện nay nhạc sĩ chỉ nhận được tiền nhuận bút xuất bản tập nhạc, mà chưa nhận thoả đáng tiền thù lao trong lĩnh vực biểu diễn.
Hiện nay, bộ luật đã hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, nhưng cụ thể chưa chỉ rõ ai sẽ trả tiền cho tác giả? Điều 7 của Nghị định 76 chỉ ghi chung chung tác giả có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo hộ khi các quyền của mình bị xâm phạm. Sao không chỉ ra cơ quan nào? Thế cho nên mới phổ biến hiện tượng "quên" trả tác quyền triền miên, dù tác giả được pháp luật bảo vệ.
Vấn đề đặt ra, ai sẽ là người bảo hộ quyền tác giả? Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng Cục Bản quyền - cơ quan quản lý nhà nước về bản quyền nên tiếp tục mô hình cấp giấy chứng nhận cho tác phẩm đầu tiên để làm bằng chứng về vai trò chủ sở hữu tác phẩm. Nhưng còn một điều bất cập là người ở Cục Bản quyền bắt buộc phải có trình độ chuyên môn để đủ sức thẩm định đâu là nhạc nhái, nhạc "đạo". Với đà này, những điều quy định chung chung rất có thể là kẽ hở để tạo một "cơ chế" khuyến khích vi phạm quyền tác giả.
(Theo LĐ)
Về đầu trang
Ngôi mộ cổ trên đường Nguyễn Tri Phương được xây vào khoảng thế kỷ 18
|
Những mảnh vỡ được tìm thấy sau 3 ngày khai quật |
Tiến sĩ khảo cổ Phạm Đức Mạnh đã nhận định như trên. Cũng theo ông, người nằm dưới mộ là người có quyền cao, chức trọng l Đã tìm thấy cửa vào của ngôi mộ
Đến hết ngày 18-11, ngày thứ 3 khai quật, tổ khai quật bất ngờ phát hiện dấu tích một trụ cổng của ngôi mộ cổ. Phát hiện này đã thu hút sự tò mò của nhiều người dân hiếu kỳ, bởi phần trụ này nằm vượt ra ngoài khu vực đang được bảo vệ. Trụ có hình vuông, kích thước khoảng 50 cm, kết cấu bằng hợp chất rắn chắc y hệt hợp chất ở khu trung tâm mộ. Sau khi khoan đục, đào bới, dần dần một phần của cổng vào ngôi mộ đã lộ ra, phần nào hé lộ khuôn viên, hình dáng ban đầu của ngôi mộ cổ. Theo đó, mộ được xây xéo, chếch theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, chứ không thẳng hàng với mặt đường Nguyễn Tri Phương hiện tại. Toàn bộ chiều ngang khuôn viên ngôi mộ nằm gọn trong khu vực đang được bảo vệ, không lấn thêm ra giữa lòng đường Nguyễn Tri Phương như dự đoán ban đầu. Mộ có 3 lớp nền sân (không phải 3 lớp cửa như một tờ báo đã đưa tin), xây kiểu giật cấp: Thấp ở phần cửa mộ và dần lên cao ở phần trung tâm mộ, trong đó độ sâu từ đáy móng lên đến mặt sân chính giữa là 1,15 m. Lưng tấm bình phong quay về hướng đường 3 Tháng 2. Mộ được bao bọc bởi lớp vách tường dày, làm bằng hợp chất kiên cố. Phần hợp chất ở mặt tiền mộ mềm hơn và có màu vàng, riêng phần hợp chất nằm ở thân mộ, khi vừa đục ra, có màu trắng ánh hồng rất lạ nhưng một lúc sau, khi tiếp xúc với không khí, chúng lại chuyển sang màu trắng như cũ. Tổ khai quật đã gửi 3 mẫu hợp chất sang Sở Khoa học Công nghệ để xác định và thử độ bền vật liệu nhưng chưa có kết quả.
Những mảnh vỡ được tìm thấy sau 3 ngày khai quật Trong quá trình dọn dẹp mặt bằng và đào 2 hố sâu thăm dò đáy tường bao của ngôi mộ, tổ khai quật tìm thấy những mảnh vỡ còn sót (có khả năng là tô, chén) ghi các chữ: Ngoạn, Hòa Thực, Xương. Có chén men in hình đầu cá màu xanh dương, màu sắc còn tươi nguyên, nét vẽ rất sắc sảo cho thấy trình độ thủ công mỹ nghệ thời đó đã đạt đến mức cao. Một vị cao niên sống gần đấy cho biết dựa vào các chữ Ngoạn, Hòa Thực, Xương có thể đoán những mảnh vỡ này xuất xứ từ bên Trung Quốc, nên người nằm dưới mộ là người Hoa. Tuy nhiên tiến sĩ khảo cổ Phạm Đức Mạnh (Khoa Khảo cổ học ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM) đã bác bỏ lập luận này. Ông khẳng định: “Đây là ngôi mộ hoàn toàn thuần Việt, dạng mộ này phổ biến khắp 15 tỉnh, thành nước ta mà xưa nhất là có từ thế kỷ thứ 15. Ngôi mộ này có bề mặt lớn nhất so với các ngôi mộ mà tôi từng thấy, lớn hơn cả ngôi mộ ở Xóm Cải (Q.5 - TPHCM) và mộ song táng ở Phú Thọ Hòa (TPHCM) trước đây. Mộ xây bằng hợp chất ô dước cực kỳ rắn chắc, quy mô, nên ắt hẳn thời gian xây rất lâu, nhiều khả năng ngôi mộ đã được xây trước khi người trong mộ qua đời. Từ đó, có thể suy ra người nằm dưới ngôi mộ chắc chắn phải là người quyền cao chức trọng, nếu không thì cũng là thủ lĩnh, người có công của một vùng miền nào đó. Niên đại ngôi mộ vào khoảng thế kỷ thứ 18”.
Hôm nay, 19-11, tổ khai quật tiếp tục khoan xác định chiều dài tường mộ, đồng thời cho san bằng, làm sạch phần nền mộ để tiến hành kiểm tra độ dày từng nền sân mộ. Sau đó sẽ bắt đầu đào biên dọc và biên ngang thân mộ để xác định độ sâu bên ngoài của đáy huyệt mộ.
(Theo NLĐ)
Về đầu trang
Diễn viên Diễm My: "Tôi vẫn đang chờ kịch bản"
Đã qua thời xuân sắc rất lâu nhưng diễn viên điện ảnh, người đẹp nổi tiếng một thời với các vai diễn trong phim Dòng sông hoa trắng, Phía sau cuộc chiến, Tình yêu vực thẳm... Diễm My vẫn giữ được vẻ đẹp mặn mà, duyên dáng.
Từ bỏ sự nghiệp đang rất thành công là sự tự nguyện của chị hay là chị muốn đẹp lòng ông xã?
Tôi quen ông xã khi đang là diễn viên nên không có sự cấm cản. Lập gia đình sinh con xong, biết tôi vẫn nhớ nghề nên anh động viên tôi trở lại đóng phim. Chỉ là bản thân mình không yên tâm. Đi đóng phim sẽ không có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình. Cuộc sống luôn có những lựa chọn dứt khoát, không thể cái gì mình cũng muốn được.
Thỉnh thoảng xem phim, tôi cũng thấy nhớ trường quay và bạn bè khủng khiếp. Bây giờ phim ra ồ ạt đôi lúc cũng thấy chạnh lòng vì chưa có một vai để đời. Nhưng cuộc sống gia đình với những lo toan bề bộn và hạnh phúc ấm êm cũng đã bù đắp, xoa dịu những đam mê.
Mọi thứ bây giờ với chị đã ổn, vậy chị còn chờ điều gì?
Tôi chờ... kịch bản. Cũng có nhiều đạo diễn mời tôi tham gia phim nhưng thú thật chẳng có kịch bản thuyết phục nên tôi từ chối. Tôi cần những vai chính hay, quan trọng, vai diễn có nội tâm. Tuổi của tôi không còn trẻ, tôi muốn làm những gì có chiều sâu và được đầu tư nghiêm túc hơn. Chất lượng chứ không phải số lượng. Chẳng thà không làm nhưng đã làm phải thực hiện đến nơi đến chốn, tôi có nhiều bài học về sự nửa vời.
Chị ý thức về nhan sắc của mình như thế nào?
Tôi nghĩ mình may mắn sở hữu một gương mặt có nhiều góc cạnh, ăn ảnh hơn so với những người khác. Bây giờ, tôi sống thanh thản với mọi thứ, sống vui với từng phút giây và làm tốt bổn phận của một phụ nữ.
Ngoài sự thành đạt, ông xã cuốn hút chị ở điểm nào?
Khi tôi và anh ấy cưới nhau mọi người đều bất ngờ. Lúc quen tôi, anh không thành công như bây giờ. Anh về nước với hai bàn tay trắng nhưng tràn đầy nhiệt huyết và nghị lực. Không phải là người mồm mép, lại chẳng đẹp trai hào nhoáng nhưng được cái chân tình.
Chị có cuộc sống hạnh phúc hơn so với những gì người ta biết về các người đẹp, chị nghĩ sao?
Ở nhà lầu, đi xe hơi, tiền nhiều chưa chắc là hạnh phúc. Quan trọng là mình phải biết hài lòng với những cái mình có. Nhu cầu của con người là vô tận. Mọi thứ đều có giá của nó, không có gì từ trên trời rơi xuống. Một người đẹp hạnh phúc không chỉ vì đẹp mà phải do nỗ lực.
Lập gia đình đã lâu có lúc nào chị sợ ông xã "lạc đường"?
Tôi không chủ quan và ngủ quên trong chiến thắng. Tuy nhiên trong cuộc sống gia đình quan trọng là phải tin nhau. Không có người đàn ông hoàn hảo, quan trọng là cách xử sự của phụ nữ. Tôi là người khá cộc tính, trong cuộc sống có những lúc lỡ lời nhưng tôi biết sửa sai và học hỏi lẫn nhau.
(Theo Đẹp)
Về đầu trang
|
Nhạc sĩ Trần Tiến |
NS Trần Tiến viết tiểu thuyết
Trời Hà Nội gió heo may. Một người đàn ông cao 1m80, sơ mi đen, quần bò gai, giày to tổ bố. Bặm trợn, phong trần. Mặt như một ông lão xấp xỉ lục tuần, nhưng cổ lại lủng liểng mảnh tam giác xanh đỏ gốm trong gốm - thời trang của các cô cậu choai choai đang vỡ giọng. Nụ cười thân thiện, cởi mở - đó là Trần Tiến - nhạc sĩ du ca.
- Lữ khách sông Hồng đi đâu vậy?
- Làm sao? Tôi y chang một lữ khách sông Hồng đang đi tìm mùa thu trên phố hè Hà Nội ư? Đúng là đang lang thang vãn cảnh mùa thu Hà Nội. Ôi! Mùa thu Hà Nội. Đẹp và yêu, xao xuyến và thương. "Lữ khách sông Hồng về đâu đó/ Chiều tím hoa bay chiều tím bay".
- Người ta đồn nhau ông thoát ra khỏi vụ đạo nhạc thần tình lắm. Ông làm thế nào mà tài vậy?
- Trời ơi! Tôi đã bảo mấy ông nhà báo đừng có đụng vào tôi. Coi chừng. Tôi còn đanh đá gấp mười nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Đánh tụi trẻ làm gì, tội lắm. Thương chúng nó đi. Đang tuổi lập danh, suốt ngày ù tai nghe nhạc ngoại, ảnh hưởng là dĩ nhiên rồi. Copy một chút, ăn cắp một chút... Cũng như cánh nhà báo vẫn copy, ăn cắp phần mềm gì gì đó của bọn Tây đấy thôi. Bỏ qua cho nhau đi. Đừng có rùm beng lên nữa.
- Nhạc sĩ Nguyễn Cường bảo ông có sẵn máu pop. Nhạc của ông pop nhất Việt Nam. Ông thấy sao?
- Tôi không có sẵn một tí máu pop nào. Người Việt không có máu pop. Tôi pop được là vì tôi phải học pop, nghe pop đến thủng cả màng nhĩ ra. Nghệ thuật là học hỏi, ảnh hưởng lẫn nhau. Đừng hiểu đó là copy, là ăn cắp. Thôi nhé, không nói nhạc nữa kẻo không lại cãi nhau.
- Nghe nói Trần Tiến giờ lại thích đổi nghề sang viết tiểu thuyết. Ông viết gì vậy?
- Một tiểu thuyết hiện đại kiểu auto fiction (tự sự, hư cấu) không chương hồi, không cốt truyện. Nhân vật chính là cái thằng tôi - nghệ sĩ du ca Trần Tiến.
- Nhiều bí mật sẽ được hé mở?
- Tôi không viết Trần Tiến làm gì, gặp ai, thù ai, ghét ai. Tôi chỉ viết Trần Tiến yêu, Trần Tiến mơ và Trần Tiến hoang tưởng những gì. Tiểu thuyết đó tên là... bí mật, chưa thể tiết lộ.
(Theo TTVH)
Về đầu trang