(VietNamNet) - Sinh năm 1975, Ly Hoàng Ly đã từng tham gia rất nhiều triển lãm trong và ngoài nước về nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật trình diễn. Chị cũng là hoạ sĩ ở Việt Nam đầu tiên tham gia hai hình thức nghệ thuật đương đại này. Tại triển lãm "Bản sắc đấu với toàn cầu hoá" đang được trưng bày ở Bảo tàng dân tộc học Berlin-Dahlem (Đức), tác phẩm "Núi mâm" của chị đã gây ấn tượng mạnh cho giới nghệ thuật và khán giả. Ngay sau khi trở về nước, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với chị.
|
Hoạ sĩ Ly Hoàng Ly |
- Đây không phải là lần đầu tiên chị tham gia triển lãm sắp đặt về chủ đề gia đình và người phụ nữ Châu Á thông qua nhưng chiếc mâm. Chị có thể cho biết ý tưởng từ đâu chị dùng những chiếc mâm làm biểu tượng cho cuộc sống gia đình, nhất là những xung đột trong tính cách người phụ nữ Á Đông (đặc biệt đối với tác phẩm "Núi mâm")?
- Tác phẩm “Núi mâm” (hoặc “Tháp mâm” tùy người xem đặt tên) được dựng bằng hơn 400 cái mâm nhôm. Trên những cái mâm này tôi vẽ biểu tượng những người phụ nữ, họ cứ đi thành một vòng tròn, tôi muốn diễn tả một cuộc sống đều dặn, không thay đổi, hàng ngày cứ như vậy, cuộc sống cứ đi nhưng không thể vượt ra khỏi cái khung của nó. Tác phẩm này nguyên được đặt ngoài trời, nhìn xa như một trái núi. Trời mưa hay nắng gió, cái khối đó phản chiếu ánh sáng đủ màu và kêu lên rổn rảng, nhưng vẫn vững chãi không thể đổ. Qua đó có thể nói lên vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, họ tự đặt mình trong khuôn khổ, chịu đựng, hy sinh cho chồng con, cho gia đình. Nhưng nếu bên ngoài là một màu trắng bất động, thì khi ta đi vào bên trong lòng trái núi (tháp), sẽ thấy một sự xáo trộn, rực nóng. Những bức hình khoả thân của phụ nữ phương Tây đang bay tán loạn. Điều ấy diễn tả những khát vọng thầm kín của người phụ nữ Việt Nam, hay nói chung là phụ nữ Châu Á trong thời đại ngày nay. Đó là cái mâu thuẫn nội tại của người phụ nữ trong thời đại hội nhập Đông -Tây.
|
"Tháp mâm" nhìn từ bên ngoài |
- Theo chị, nghệ thuật sắp đặt chủ yếu xuất phát từ ý tưởng? Vậy, nếu ta có được những ý tưởng và chất liệu, ta sẽ xây dựng được những tác phẩm sắp đặt một cách dễ dàng? Song trong hội hoạ truyền thống như sơn dầu, sơn mài, bột màu...có ý tưởng chưa chắc đã thể hiện tốt được vì nó còn mang yếu tố thẩm mỹ. Còn đối với nghệ thuật sắp đặt thì khác, nó đơn giản hơn nhiều, ý chị như thế nào về vấn đề này?
- Một tác phẩm thuộc bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng phải có sự hoà hợp không thể tách bạch giữa ý tưởng và hình tượng thẩm mỹ. “ý” là những tình cảm, nhận thức khởi nguồn cảm hứng cho tác giả, hình thành hướng đi của tác phẩm, nhưng năng lực thẩm mỹ mới cho phép thể hiện cái “ý” đó thành hình tượng, qua hình dáng, cấu trúc, các phương tiện như chất liệu, màu sắc, kỹ thuật, ánh sáng, không gian… Các phương tiện của tác phẩm sắp đặt rất đa dạng, có khi là những hình ảnh âm thanh từ video, có khi là những vật liệu trong đời sống hàng ngày, có khi kết hợp đủ thứ như ảnh chụp, màu vẽ, âm thanh, ánh sáng… Không thể nhìn “Cái đẹp” như một khuôn mẫu có sẵn, mà nó là sản phẩm thể hiện tư duy và sức sáng tạo của người nghệ sĩ hấp thụ đời sống của chính thời đại mà anh (chị) ta đang sống.
- Học chuyên ngành sơn dầu nhưng chị lại chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới: Nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật trình diễn, ở hai hình thức nghệ thụât đương đại này chị tìm thấy "mối giao cảm" nào hay chỉ vì xu thế hiện giờ?
|
Bên trong "Tháp mâm" | - Với tôi, làm nghệ thuật là công việc đường dài, càng làm càng mê, càng làm càng thấy đuối sức. Như người bắt đầu từ con đường mòn và đi mãi, đi mãi, thấy mình lạc vào mê lộ. Rồi sau những lúc đuối, mệt, kiệt lực, lại là những phút giây sung sướng khi phát hiện ra một điều mới, dù là nhỏ nhoi. Tôi làm nghệ thuật là để khám phá thế giới quanh mình và khám phá chính mình. Tôi sử dụng mọi phương tiện nghệ thuật, phương pháp thể hiện, những kỹ thuật mà mình học được, tìm được để có thể thể hiện ý tưởng của mình trong tác phẩm. Từ ngày lạc vào thế giới của installation và performance art, tôi mong mỏi có điều kiện và thời gian để học thêm nhiều kỹ thuật hỗ trợ. Chẳng hạn bây giờ tôi rất muốn học cách làm phim và các kỹ thuật của video art…
Nghệ thuật đương đại là phản ánh đời sống đương đại, cuộc sống thì nhiều góc cạnh, nhiều mặt. Có họa sĩ vẫn gắn bó với những phương pháp và tư tưởng truyền thống, có hoạ sĩ dùng những phương pháp rất mới để thể hiện nội dung cổ điển, có người dùng vật liệu truyền thống để nói lên những vấn đề của cuộc sống đương đại, và có hoạ sĩ dùng các kỹ thuật tân tiến nhất để nói về cuộc sống hôm nay. Đa dạng và vô cùng. Nhưng tôi thấy cái quan trọng nhất của mọi người sáng tác trong mọi thời đại, là sự đắm đuối thực sự với nghề, và trung thực với cảm xúc, tư tưởng của mình.
- Đã từng tham dự nhiều triển lãm trong và ngoài nước, chị có suy nghĩ gì về nghệ thuật hội hoạ nói chung và nghệ thuật đương đại nói riêng của Việt Nam so với các nước?
|
Một tác phẩm trình diễn của Ly Hoàng Ly |
- Dù có cơ hội đi làm triển lãm và trình diễn ở một số nước, nhưng những gì tôi biết hay học được cũng là quá nhỏ bé ít ỏi so với cái mênh mông của mỹ thuật thế giới. Tôi chỉ có nhận xét là ở các nước đã đến, tôi thấy các hoạ sĩ làm việc theo sở trường và ý thích của họ, theo đủ loại hình. ở nước mình cũng vậy thôi, chỉ có điều số hoạ sĩ làm installation, performance art, video art còn ít. Một điều nữa là ở các nước khác, ngay như ở Thái Lan là nước láng giềng của mình, người ta không quan tâm đến việc hoạ sĩ dùng hình thức nào, mà quan trọng là tác phẩm của người đó người ta thích hay không thích, có nói lên đựoc điều gì không, có gây ấn tượng hay cảm xúc gì cho người xem không. Còn ở nước mình thì các hoạ sĩ sử dụng những hình thức mới hay phải đối diện với những câu hỏi như: Có phải anh (chị) ta đang chạy theo “mốt” không, hay vì anh (chị) ta vẽ quá tệ nên “đành” phải làm installation, performance art?
- Tại triển lãm "Bản sắc đấu với toàn cầu hoá" vừa được diễn ra tại Berlin (Đức), chị cảm nhận được gì ở các tác phẩm sắp đặt của hoạ sĩ các nước trong khu vực ĐNA?
|
Một tác phẩm trình diễn của Ly Hoàng Ly và Esguerra |
- Tôi thấy mình rất may mắn khi được tiếp xúc, làm việc với các hoạ sĩ hàng đầu của các nước Đông Nam Á và xem các tác phẩm của họ. Tác phẩm đủ loại hình, tính triết lý, tư tưởng sâu sắc, thẩm mỹ cao. Nói về tranh vẽ, thì tôi thích một bức của một họa sĩ Campuchia, vẽ một mảnh vải có dây kéo (fermeture) kéo ra nửa chừng, để lộ phía sau hình tượng Đức Phật có đầu bằng đá như ta thường thấy ở Angkor Watt, nhưng từ cổ xuống thì chất đá cũ kỹ sần sùi chuyển sang chất da thịt hồng hào mịn màng của người phụ nữ để ngực trần, đang cho một đứa bé bú. Phía xa xa thấp thoáng một đền thờ.
- Từ đó, chị suy nghĩ gì về vấn đề "Bản sắc dân tộc" và với tư cách là một hoạ sĩ, chị sẽ làm gì để tôn vinh cũng như gìn giữ?
- Tôi chỉ mong muốn làm nên những tác phẩm với những đề tài mà mình nung nấu, với những điều gây cho mình hứng khởi. Tôi không thấy mình có nhiệm vụ phải giữ gìn bất cứ điều gì nếu như điều đó không thực sự đang chảy trong mình. Tôi luôn luôn tôn trọng những giá trị truyền thống, nhưng dòng máu chảy trong tôi là dòng máu của người phụ nữ Việt Nam sống trong xã hội ngày hôm nay, vì vậy, chắc chắn những tác phẩm tôi làm sẽ phản ánh tinh thần đó.
Để bạn đọc một phần "hình dung" về nghệ thuật trình diễn, VietNamNet xin giới thiệu một số hình ảnh về các tác phẩm của Ly Hoàng Ly đã được trình diễn tại Nhật Bản và New York
|
Cái chết và sự sống
Tác giả trình bày: "Sự sống đến từ cái chết, cái chết đến từ cuộc sống, không có cái chết thực sự nào. Chúng ta chỉ chết nếu chúng ta ngừng đấu tranh". | |
|
Nước
"Tôi là 1 phụ nữ vì thế tôi là nước, thế giới được sinh ra từ nước. Hãy nhìn qua dòng nước tinh khiết và nước sẽ rửa sạch tất cả những bụi bẩn trong tâm hồn chúng ta".
| |
|
Mâm
"Những chiếc mâm giống nhau tạo ra những hình ảnh buồn tẻ, giống như c/s của người phụ nữ truyền thống. Nhưng hãy nhìn vào những khát vọng bên trong của người phụ nữ..." | |
- Trần Mạnh Hào (thực hiện)
|