1.Hoa hậu VN trả lời phỏng vấn của Missworld 2004
2.Áo dài VN đậm nét tâm hồn người Việt
3.Tiếp tục khai quật mộ cổ đường Nguyễn Tri Phương (TP.HCM): Đã lộ ra quan tài dưới nền mộ
4.NS An Thuyên: ''Tôi muốn âm nhạc của mình bình dị như đời thường''
5.Hoàng thành Thăng Long: Phát hiện rùa đá lớn trên 500 tuổi
|
HH Nguyễn Thị Huyền | Hoa hậu Việt Nam trả lời phỏng vấn của Missworld 2004
Dù đến với cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2004 khi cuộc thi đã đi được hơn một nửa chặng đường, nhưng những hình ảnh và thông tin đầu tiên của hoa hậu Việt Nam đã được đăng trên trang web chính thức của cuộc thi. Dưới đây là cuộc phỏng vấn của Nguyễn Thị Huyền với trang web Missword2004.
* Missworld2004: Nơi chị sinh ra và lớn lên? Hãy cho chúng tôi biết đôi nét về quê hương và gia đình chị?
- Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thị Huyền: Tôi sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, thành phố lớn thứ 3 ở Việt Nam. Thành phố này được biết đến với tên gọi thành phố Hoa Phượng Đỏ và cũng là thành phổ cảng quan trọng tại VN. Hải phòng có nhiều toà nhà được xây dựng theo kiến trúc Pháp. Khách du lịch đến thành phố có thể đi mua sắm ở những điểm nổi tiếng ngay trên phố. Cát Bà là hòn đảo có phong cảnh đẹp nằm giữa Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, cách thành phố Hải Phòng 40 km về phía biển đông. Ở đây có trên 10 ngàn héc ta rừng và có nhiều nhóm động thực vật quý hiếm của rừng và biển….Quê hương tôi còn có những ngọn núi cao, những ngôi chùa cổ. Điển hình la ngọn núi Cao Vọng cao 322m so với mặt nước biển và ngôi chùa Du Hang được xây dựng cách đây 3 thế kỷ…
Mặc dù bố tôi phải đi công tác ở Nga từ khi chúng tôi còn rất nhỏ nhưng ông thường xuyên giữ liên lạc với gia đình và chúng tôi chia sẽ với nhau mọi điều trong cuộc sống. Mẹ tôi luôn ủng hộ bố cho dù ông thường xuyên ở xa. Mẹ đã dạy cho chúng tôi biết đối mặt với những khó khăn để không ngỡ ngàng khi những điều như thế đến với chúng tôi. Mẹ cũng dạy rằng, cuộc sống như là món quà tặng, chúng ta sẽ không có gì nếu không biết yêu quí nó và không có cản ngại nào của cuộc sống chúng ta không vượt qua được.
* Nghề nghiệp của chị là gì? Điều gì trong nghề nghiệp làm chị thấy thú vị ?
- Khi còn đang học ở trường Trung học, tôi đã thích viết bài cho một tờ báo và tạp chí. Và sở thích này của tôi được gia đình ủng hộ. Nghề báo sẽ giúp tôi gặp gỡ nhiều người, phát triển khả năng giao tiếp và có thể góp phần tạo nên sự công bằng trong xã hội.
* Tham vọng của chị đối với sự nghiệp?
- Hiện tôi đang học ngành báo chí tại Phân viện Báo chí tuyên truyền. Tôi yêu nghề báo. Làm báo sẽ không bao giờ nhàm chán và đó là một trong những điều thú vị để tôi chọn nghề này. Tham vọng của tôi là sẽ trở thành nhà báo và viết về những điều trong cuộc sống mà chúng ta chỉ biết mà chưa hiểu nhiều về nó. Theo tôi địa lý không chỉ nằm ở trên bản đồ.
* Điều gì trong cuộc sống của chị khiến chị tự hào (Trừ sự kiện chị đoạt giải hoa Hậu Việt Nam)?
- Đó là việc tôi đã thi đỗ đại học. Báo chí là một trường rất khó.
* Kể cho chúng tôi biết một việc vui nhưng làm chị khó xử và lúng túng?
- Một tháng trước khi thi bắt đầu cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, anh trai tôi có gọi điện cho tôi vào lúc sáng sớm khi tôi đang ngủ. Anh tôi bảo rằng cậu ấy đã gửi hồ sơ dự thi của tôi đến cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và tôi đã đủ điều kiện để tham dự cuộc thi này. Tôi nghĩ rằng cậu ấy đùa vì tôi không bao giờ có ý định tham dự. Nhưng sau đó tôi thấy hình của tôi trên một tạp chí và tôi nhận ra rằng tất cả là sự thật và đến lúc đó tôi mới bắt đầu chuẩn bị mọi thứ cho cuộc thi.
* Những thay đổi của chị từ khi đoạt vương miện Hoa hậu?
- Cuộc thi người đẹp Việt Nam lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp tên toàn quốc và khi đoạt giải tôi đã trở thành Hoa hậu của đất nước. Điều đó khiến tôi phải có bổn phận phải đáp lại sự mong chờ của quê hương tôi. Một số cơ hội đã mở ra với tôi song tôi chưa có nhiều thời gian để thực hiện. Những áp lực và công việc bận rộn đang chờ đợi tôi ở phía trước.
* Hãy cho chúng tôi biết một sự kiện hoặc một vài người nào đó thú vị mà chị đã gặp?
- Điều đọng lại nhất với tôi đó là sau khi đoạt giải Hoa hậu toàn quốc, tôi được đến thăm những đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi rất ngạc nhiên vì có rất nhiều người đón tôi từ đầu bản, trong đó có rất nhiều người phụ nữ có con nhỏ, họ chạm lên quần áo tôi mặc vì họ tin rằng như thế sẽ mang đến cho họ và con cái những điều may mắn.
* Chị sẽ làm gì nếu đoạt vương miện Hoa hậu Thế giới năm 2004?
- Tôi sẽ viết một vài bài báo với chủ đề “Việt Nam hành trình qua thời gian” để tặng đất nước Việt Nam xinh đẹp quê hương tôi. Tôi muốn cả Thế giới biết về lịch sử, con người và nền văn hoá giàu bản sắc của đất nước tôi. Tôi muốn làm những điều tốt nhất trong khả năng của tôi để phát huy những nét đẹp về tài năng và lòng nhân hậu của một Hoa hậu Thế giới.
* Nếu có một câu ngắn gọn, chị sẽ nói câu gì?
Vẻ đẹp con người không phải chỉ hình dáng, số đo mà đó còn là vẻ đẹp của trí tuệ và tâm hồn.
(Theo NLĐ)
Về đầu trang
|
Áo dài ngày xưa | Áo dài Việt Nam - đậm nét tâm hồn người Việt
"Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó...". Nhắc đến người phụ nữ Việt Nam là nhắc đến chiếc áo dài. Nó không chỉ là niềm tự hào của riêng người phụ nữ mà của cả dân tộc Việt Nam. Từ cô nữ sinh đến nữ công chức hay các bà, các mẹ, chiếc áo dài luôn là vật gắn bó, luôn làm cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trở nên nhẹ nhàng, duyên dáng hơn và đầy sức cuốn hút. Đây quả là một trang phục hoàn thiện của dân tộc Việt.
Người bỏ công nghiên cứu chiếc áo dài Việt Nam. Là một người con xa xứ nhưng với tấm lòng luôn hướng về quê hương, ông Trịnh Bách, một người gốc Huế đã bỏ công sức nghiên cứu về chiếc áo dài của người Việt Nam. Có mẹ là người trong hoàng tộc Huế, ông có điều kiện tiếp xúc và biết được rõ hơn về chiếc áo dài xưa. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Bách cho biết:
- Tôi bắt đầu nghiên cứu về chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam cách đây vài năm và phát hiện ra rất nhiều điều thú vị.
Ví dụ như việc mặc áo dài, trông tưởng như đơn giản nhưng thực tế lại không như thế. Cô bạn Stephanie người Úc của tôi khi nhìn thấy một nữ hoạ sĩ Việt Nam mặc áo dài trong một cuộc triển lãm hội hoạ đương đại tại Melbourne đã tìm mua bằng được một chiếc. Với dáng người cao, thon, đôi chân dài, tưởng rằng cô mặc áo dài sẽ đẹp lắm, nhưng chiếc áo dài may sẵn đó đã làm cho bụng của Stephanie to ra vì eo áo bị nâng cao quá. Quả thực mặc áo dài không đơn giản như người ta nghĩ.
* Có nhiều ý kiến cho rằng áo dài Việt Nam là sự kết hợp của chiếc áo tứ thân và áo sường xám, ông nghĩ thế nào về ý kiến này? - Theo tôi hoàn toàn không phải thế. Với những tư liệu tôi tìm được, thì áo dài Việt Nam đã có từ rất lâu, khoảng thế kỷ 17, 18 và là sự tìm tòi, sáng tạo của người dân Việt.
Chiếc áo tứ thân có xuất xứ từ Trung Hoa nhưng ống tay được thu nhỏ hơn còn áo sường xám chỉ mới xuất hiện ở Trung Quốc từ khoảng năm 1920 - 1930 và nổi tiếng nhờ bà Tống Mỹ Linh, vợ Tưởng Giới Thạch. Bởi vậy không thể "cưỡng ép" rằng áo dài bắt nguồn từ áo tứ thân và sường xám.
* Áo dài Việt Nam đã trải qua rất nhiều giai đoạn và đã có nhiều thay đổi, vậy có thể đưa ra một chuẩn mực nào cho áo dài không, thưa ông?
- Tôi nghĩ sẽ không thể đưa ra một chuẩn mực nào thật cụ thể cho chiếc áo dài. Các cụ ta ngày xưa chắc đã phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm cách phối hợp những nguyên tắc thẩm mỹ với quy luật kín đáo cố hữu của dân tộc vào việc may mặc. Ví dụ như khi thấy cổ người Việt không được cao lắm, người xưa đã biết may cổ áo thấp xuống và ôm sát, trong khi tóc được vấn cao lên để cho dù cổ phải che, tóc phải giấu, chiếc cổ của người phụ nữ Việt Nam trông vẫn thanh tú và cao, sang hơn.
Chiếc áo dài dù biến động qua nhiều giai đoạn lịch sử, có những cách tân này khác nhưng phần nhiều chỉ thay đổi về chất vải, hoa văn. Còn về kiểu dáng thì hoặc là quay về chiếc áo dài của những thập kỷ trước, tức là áo có cổ, tay, thân trên ôm sát người, tà áo may rộng từ sườn đến gấu, không chít eo, hoặc giữ nguyên kiểu dáng hiện tại: Ôm sát thân người, chít eo, tôn vóc dáng của người phụ nữ, hoặc sẽ không còn là chiếc áo dài nữa. Chiếc áo dài trông đơn giản thế nhưng muốn biến đổi thêm về hình thức sẽ là rất khó, vì nó đã được hoàn thiện từ lâu lắm rồi.
(Theo LĐ)
Về đầu trang
Mộ cổ đường Nguyễn Tri Phương đã lộ ra quan tài dưới nền mộ
Cuối buổi khai quật chiều 22 và sáng 23/11, đã lộ ra một góc quan tài với gỗ màu nâu thẫm dưới phần mộ. Chỗ xuất lộ trên nằm chệch về hướng lề đường Nguyễn Tri Phương.
Cách đó hơn 1,5m, có dấu hiệu cho thấy sự hiện diện dường như của một góc quan tài khác, có màu tương tự, sẫm hơn; vị trí phát hiện thứ hai này nằm gần bức tường của mộ về hướng Trường Nhật ngữ.
Ban khai quật lấp ngay hai lỗ huyệt nói trên để hội ý và báo cáo trước khi đào tiếp phần còn lại. Với bề rộng của huyệt mộ lên tới gần 12m2 (3,6 x 3,2m) và với 2 dấu vết vừa xuất lộ, đã cho phép đoán định khả năng song táng là rất lớn. Theo nguồn tin từ Sở Văn hóa - Thông tin hôm nay 24/11, công việc tạm ngừng để chờ đại diện Bộ Văn hóa - Thông tin, cùng các nhà chuyên môn từ Hà Nội vào, chứng kiến những giờ phút quan trọng nhất: mở huyệt và đưa quan tài lên mặt đất nội trong tuần này.
(Theo Thanh Niên)
Về đầu trang
Nhạc sĩ An Thuyên: "Tôi muốn âm nhạc của mình bình dị như đời thường"
"Với tôi, nghệ thuật đích thực là phải hướng đến nhân dân, có ý nghĩa với nhân dân, thiết thực như su hào, bắp cải trong đời sống của người dân lao động. Đó là quan niệm nghệ thuật thực dụng nhất, nhưng lại cũng thật lớn lao; bình dị nhỏ nhoi nhưng cũng tâm huyết nhất" - nhạc sĩ An Thuyên bộc bạch như vậy với VTV Web khi nói về âm nhạc của mình.
- Ông tự nhận nhiều sáng tác của mình đã mượn cách nói dân gian, nhưng chính cách nói ấy lại thực sự đi vào lòng công chúng yêu nhạc. Ông có thể giải thích gì về điều này?
- Là người nhạc sĩ Việt Nam thì ai cũng muốn ngôn ngữ âm nhạc của mình đến được với đông đảo công chúng yêu âm nhạc Việt Nam. Người cầm bút nào cũng có mong muốn như vậy, nhưng có người thì thành đạt, có người lại kém may mắn hơn. Riêng cá nhân tôi, sinh ra từ một làng quê rất là nghèo ở Nghệ An, tôi đã sớm được thấm đẫm trong đời sống văn hoá của người dân lao động ở quê mình. Lớn lên, con đường của tôi là từ làng quê trở về với làng quê, và ngôn ngữ âm nhạc của tôi cũng đậm đà màu sắc đó, dù có mới hơn, khác hơn ở giọng nói, cách nói.
- Ông nghĩ sao nếu có người cho rằng "Em chọn lối này" chính là tuyên ngôn nghệ thuật của An Thuyên?
- Nếu gọi ca khúc "Em chọn lối này" là tuyên ngôn nghệ thuật, thì đó là tuyên ngôn nghệ thuật một cách rất bản năng, tuyên ngôn thật thà nhất. Nó xuất phát từ tâm huyết của một chàng trai mặc áo lính hồn nhiên, yêu văn hoá dân tộc, yêu cuộc sống đời thường của nhân dân. Đó là giọng điệu, cốt cách thấm đượm tình yêu quê hương đất nước, yêu xóm làng nơi sinh ra mình, yêu những con người cùng cảnh ngộ như mình. "Em chọn lối này" là bài hát đầu tiên, nhưng cũng chính là hình ảnh đẹp nhất trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của tôi. Sau này, những bài hát của tôi cũng được nhiều người biết đến, thậm chí còn có thể nổi tiếng hơn "Em chọn lối này", nhưng những tác phẩm ấy khó có được ý nghĩa đặc biệt như vậy đối với tôi.
- "Trên rừng nhiều đường lắm lối - Em chọn con đường tình yêu để đi suốt đời”, và nhạc sĩ cũng đã chọn tình yêu để đi suốt đời?
- Đã là con người thì ai cũng có khát vọng trong tình yêu. Đó là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình, tình yêu đồng đội, bạn bè... Tình yêu là khởi đầu của quá trình hun đúc, là tiếng nói đầu tiên trong âm nhạc của tôi, và tôi đã tôn trọng, đã đi theo tiếng nói đó cho đến tận giờ phút này.
- Ông đang khai thác các giai điệu dân gian như thế nào?
- Gần đây, tôi đã bắt đầu khai thác âm nhạc dân gian đồng bằng Bắc Bộ, âm nhạc Tây Nguyên, và bắt đầu có hướng khai thác âm nhạc đồng bằng Nam Bộ. Tôi nghĩ, trước hết phải hiểu biết một cách sâu sắc nền văn hoá của từng vùng miền mới có thể đưa đến một cách khám phá mới. Tôi tin mình sẽ theo đuổi con đường đó đến suốt đời.
- Nếu tự nhận xét về sự nghiệp của mình, ông sẽ nói thế nào?
Tôi sáng tác khá nhiều, cả kịch hát, kịch múa, ca khúc... nhưng thực ra vẫn còn phải cố gắng rất nhiều, bởi những thành quả mình đã đạt được cũng chỉ rất là nhỏ thôi. Hy vọng trong tương lai, với những tác phẩm mới của mình, tôi còn có thể làm thêm một điều gì đó có ý nghĩa hơn nữa.
- Trong tương lai, ông sẽ phát triển các giai điệu dân gian như thế nào?
Tôi sẽ viết tiếp những tác phẩm mang cốt cách Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, đặc biệt là tâm hồn Việt Nam đương đại. Tôi muốn làm cho người Việt Nam khi nghe nhạc của tôi sẽ cảm thấy quen thuộc mà cũng rất mới lạ, giống như lâu ngày mới gặp lại người bạn thân. Nhạc của tôi không hoàn toàn lệ thuộc vào chất liệu nào nhưng đồng thời cũng gắn bó máu thịt với giai điệu, với truyền thống âm nhạc, với văn hoá Việt Nam. Tôi nghĩ rằng nếu có thể tiếp cận được theo cách đó, thì chắc chắn sẽ thành công.
- Cảm nhận của ông về các nhạc sĩ trẻ hiện nay như thế nào?
- Hiện nay, có tương đối nhiều gương mặt nhạc sĩ trẻ đáng chú ý. Phải nói rằng các bạn ấy được học hành rất cơ bản, tiếp thu được nhiều kiến thức mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, vì vậy họ có thể nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật âm nhạc hiện đại trên thế giới. Bản thân tôi cũng học tập được nhiều điều từ các nhạc sĩ trẻ. Các bạn ấy cũng đã có được công chúng của mình, điều đó thật đáng khích lệ. Nếu có một nhắn gửi tới các bạn thì đó là các em hãy học tập nền tảng văn hoá Việt Nam và đến với thực tế đời sống của nhân dân lao động, đồng cảm với họ. Và chỉ khi đó, tôi nghĩ rằng, với kiến thức, năng lực âm nhạc của mình, các bạn ấy sẽ làm được thật nhiều điều có ý nghĩa.
(Theo VTV)
Về đầu trang
Hoàng thành Thăng Long: Phát hiện Rùa đá lớn trên 500 tuổi
Có lẽ Hà Nội giữ vị trí số 1 về rùa đá vóc dáng lớn, được chế tác đẹp, có tuổi cách đây nhiều trăm năm, nổi tiếng là 82 rùa đá đội bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Việc phát hiện ra một rùa đá trên 500 tuổi mới đây thêm một lần góp phần chứng minh Hà Nội đúng là đất ngàn năm văn vật, mở ra những liên hệ lý thú về di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Dư luận Hà Nội đang xôn xao về một cụ rùa khổng lồ mới được đưa lên từ lòng đất. Cụ bị chặt mất đầu và một chân. Nhiều câu chuyện truyền khẩu được thêu dệt quanh sự kiện này......
Phát hiện ngẫu nhiên
Vừa qua trong quá trình thi công xây dựng doanh trại, các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 60D thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an đã phát hiện một tượng rùa đá rất to nằm ở độ sâu 1,3 - 1,4m cách mặt đất hiện tại. Với ý thức bảo vệ di sản dân tộc, ngày 15/11, các anh đã thận trọng nâng tượng đặt ở vị trí trang trọng cạnh đấy để chờ các nhà khoa học đến xem xét.
Cùng với PGS-TS Hà Đình Đức - chuyên gia nghiên cứ về rùa hồ Gươm - và nhà sử học Nguyễn Quang Trung, chúng tôi đã đến tận nơi nghiên cứu.
Đây là một tượng rùa khá lớn, là phần bệ để đỡ một tấm bia đá ở phía trên. Đáng tiếc là tấm bia đã bị mất từ thuở nào chưa rõ. Dưới tượng còn có một phần chân đế phẳng có độ dày khoảng 27cm. Phần thân rùa còn nguyên vẹn, mai có hình gần bầu dục, hơi cong vồng. Gờ mép của mai rùa là những đường cong mềm mại. Phần đầu rùa bị gẫy, vết gẫy rất gọn do một cú đập cố ý và khá mạnh gây ra. Trên lưng rùa còn có vết lõm hình chữ nhật sâu, vốn là chỗ để tấm bia đá dựng ngang thân rùa. Hai bên thân còn có mấu bằng đá để giữ bia và trong lòng vết lõm còn có nhiều mảnh vôi vữa chứng tỏ đã từng có một tấm bia được đặt nơi đây và được ghép và trát vữa để gắn vào lưng rùa. Nghe nói lúc mới phát hiện, trên lưng rùa còn có mấy đồng tiền xu bằng đồng có chữ nhưng nay đã thất lạc.
Phần đuôi rùa có một cái đuôi tròn uốn lượn nằm vắt lên trên mai rùa. Đáng lưu ý là phần chân rùa. Rùa có 4 chân, phần cổ chân hơi cong và mỗi chân có 5 móng nhọn sắc, quặp xuống. Một chân trái phía sau bị chặt mất. Vết đập cũng gọn gàng và cố ý như vết đập ở phần đầu tượng.
Tượng được làm bằng đá vôi đã bị phong hoá có nhiều vết sần sùi. Toàn thân không trang trí hoa văn, ngoài một vài vết cong lõm song song bao quanh cổ chân và đuôi rùa. Kích thước của tượng khá lớn. Chiều dài mai rùa đã là 2,01m. Chiều rộng mai là 1,58m, chiều cao thân rùa là 43cm. Với kích thước như vậy, tượng rùa thuộc loại lớn trong số các tượng rùa đã phát hiện ở Hà Nội. Lúc mới phát hiện có thể thấy rùa được đặt ngay ngắn trên mặt đất và hướng đầu về phía tây.
Tượng rùa phát hiện ở một địa điểm khá gần Hoàng thành Thăng Long, đường chim bay cách điện Kính Thiên thời Lê khoảng hơn 700m, cách khu vực khai quật hoàng thành ở 18 Hoàng Diệu khoảng 500m. Vì thế việc "phát lộ" cụ rùa đã được dân tình truyền miệng khá nhanh và tha hồ... phán đoán. Có người cho rằng đây là nơi chế tác rùa đá và vì trong quá trình đẽo đã vô tình làm gẫy đầu và chân nên bỏ lại. Thế nhưng sao lại vẫn còn vết vữa chứng tỏ một tấm bia đã từng được dựng lên trên mai rùa, nghĩa là phải là một tấm bia có tượng rùa hoàn chỉnh? Vả lại xung quanh khu vực đào được không có một mảnh đá vỡ nào chứng tỏ có sự chế tác. Có người cho rằng rùa được yểm xuống đất, bằng cứ là có mấy đồng tiền được chôn trên lưng rùa...
Đi tìm lai lịch cụ rùa
Tấm bia gắn trên lưng cụ rùa đã biến mất tự thuở nào. Giá mà còn thì có thể biết chính xác nội dung ngày tháng và lý do dựng bia, cũng là thời gian cụ ra đời. Một vài đồng tiền có chữ có thể cho biết niên đại cũng vừa bị thất lạc. Đã thế, phần đầu rùa thường được các nhà khảo cổ lấy làm căn cứ để định niên đại dựa vào đường nét trên mặt nhất là đôi lông mày rùa có sự khác nhau rõ rệt qua từng thời đại, cũng chẳng còn. Vì thế, đành định tuổi cụ rùa bằng cách xem... chân.
Trong 82 tấm bia ở Văn Miếu khắc tên 130 vị tiến sĩ, đều có tượng rùa, nhưng không có tượng rùa nào giống tuyệt đối với cụ rùa vừa được phát hiện. Không cụ rùa nào có chân thò hẳn ra ngoài mai và có 5 cái móng nhọn sắc. Chỉ có hai tấm bia khắc danh năm Bính Tuất 1466 và năm 1478 là có nét tương tự. Hai tấm bia này có tượng rùa với phần chân hơi thò ra ngoài mai, 5 móng gần giống. Thêm nữa phần mai cũng thuộc loại hơi cong, hình bầu dục, phần đuôi cũng tròn uốn lượn tuy không vắt lên mai mà cụp xuống. Vì thế, theo chúng tôi có thể so sánh với 2 tấm bia này để đoán định niên đại bia và rùa vừa phát hiện vào khoảng thời Lê sơ. ẹt nhất cụ rùa này khoảng 500 tuổi.
Vị trí của cụ rùa ở khu vực vườn Bách Thảo, chỉ cách tường rào phía đông của vườn có vài chục mét. Tra trong bản đồ Hà Nội năm 1873 thì đây là một làng cổ nằm ở phía tây bắc, ngoài khu vực thành Hà Nội thời Nguyễn và thuộc đất của thôn Khán Sơn. Năm 1896, thực dân Pháp phá thành và đến năm 1901, xây dinh toàn quyền và thành lập khu Bách Thảo lấn vào đất của thôn này.
Thôn Khán Sơn có thể có từ cách đây hơn 500 năm. Bằng chứng là ngay trên bản đồ thời Lê Hồng Đức năm 1490 cũng có ghi vị trị Khán Sơn tự (chùa Khán Sơn) ở tây bắc Hoàng thành nhà Lê. Khi đó, như Đại Việt sử ký toàn thư còn chép: Ơ phía tây bắc Hoàng thành có nơi Vua Lê Thánh Tông và các đại quan ngự xem quân sĩ tập trận. Vì thế nơi này có tên là Khán (nghĩa là xem) Sơn.
Với vị trí và tên gọi Khán Sơn nổi tiếng, may mắn được vẽ lại từ cách đây khoảng 500 năm trùng hợp với niên đại của bia đá có cụ rùa vừa được phát hiện, có thể đoán định: Phải chăng đây là bia đá của chính chùa này?
Tuy nhiên còn một câu hỏi là bí ẩn của lịch sử: Can cớ gì mà cụ bị chặt đầu và chặt một bên chân? Và hiện nay đầu và chân đang ở nơi nào? Khi xem xét địa tầng hố đào làm móng xây nhà có diện tích khá rộng, không tìm được các mảnh đá nào kể cả mảnh vụn. Chứng tỏ đầu và chân đã bị mang đi ra chỗ khác.
Năm thế kỷ trôi qua là một quãng thời gian khá dài với bao thăng trầm của lịch sử. Một ai đó, một triều đại nào đó có thể làm một công việc trả thù ghê gớm đến như vậy, xâm phạm vào biểu tượng của một trong "tứ linh": Cụ rùa, cũng là biểu tượng của sự trường tồn.
Dẫu sao, với phát hiện mới này cũng đã "giải phóng" cho cụ rùa khỏi đắm chìm trong tầng đất sâu với nỗi oan khuất do sự "giận cá chém thớt" của người đời.
Khu vực đào được cụ rùa này cũng là một khu vực rất quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử các triều đại từ thời Lý. Cũng có khả năng nằm sâu hơn lớp đất phát hiện ra cụ, còn có di tích thời Lý Trần nữa, khi ta biết rằng khu vực Bách Thảo đã từng đào được lan can đá và cột đá chạm rồng thời Lý từ những năm đầu thế kỷ 20.
(Theo LĐ, TP)
Về đầu trang |