Tin văn hoá trên các báo ra ngày 23/11
08:47' 23/11/2004 (GMT+7)

1.90% kết quả Làn Sóng Xanh 2004 được đoán trước
2.ĐD Phi Tiến Sơn: Điện ảnh phải biết phúc đáp trước những ''điểm nóng xã hội''

3.101 chuyện nghề hoá trang 

4.Cầu nối nghệ thuật đương đại cho hoạ sĩ trẻ

5.Phan Anh Dũng - cung bậc tình 'mềm'' với jazz 

Soạn: AM 202227 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Mỹ Tâm và Hồng Ngọc
90% kết quả Làn Sóng Xanh 2004 được đoán trước

Hôm nay 23/11, kết quả chính thức 10 ca sĩ đoạt giải Làn Sóng Xanh 2004 mới được công bố trong buổi họp báo tại Đài tiếng nói nhân dân TPHCM, tuy nhiên đông đảo khán thính giả lại có thể đoán trước tới 90% kết quả...

Tốp đầu tiên chắc chắn sẽ đoạt giải Làn Sóng Xanh (LSX) 2004 là Lam Trường, Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng ở phía nam ca sĩ và Mỹ Tâm, Thanh Thảo, Cẩm Ly ở phía nữ ca sĩ.

Lam Trường có hai ca khúc thường xuyên nằm trong top 10 năm qua nhất là Đôi chân thiên thần (Lương Bằng Quang), ánh mắt của cha (Minh Châu) và Đêm nay anh mơ về em (Bảo Chấn). Đặc biệt Đôi chân thiên thần liên tục có mặt trên top từ giữa năm 2004 đến nay không những đảm bảo vị trí cho Lam Trường mà còn hoàn toàn có thể mang lại giải LSX lần đầu tiên cho nhạc sĩ Lương Bằng Quang.

Đan Trường cũng chắc chắn có tên với việc "làm mưa làm gió" ở vị trí No.1 trên topten LSX thời điểm đầu năm 2004 với ca khúc Tình khúc vàng (Hoài An) và gần cuối năm 2004 lại lên hạng với ca khúc Mãi mãi một tình yêu cũng của nhạc sĩ trẻ Hoài An.

Đàm Vĩnh Hưng không kém với các bài hát lọt vào top thường kỳ như Em vẫn chờ (Thái Hùng), Tình yêu còn đâu (Duy Mạnh) hoặc Nếu có yêu tôi (Đức Duy).

Quang Dũng sẽ tiếp tục nhận giải LSX như năm ngoái bởi ca khúc Vị ngọt đôi môi (Lê Hựu Hà) mà anh song ca với Thanh Thảo nằm ở vị trí rất cao trên top (nhất là trong ba tháng 9, 10 và 11/2004, nghĩa là thời điểm nhạy cảm cho việc công chúng bỏ phiếu LSX).

Vị ngọt đôi môi dĩ nhiên cũng góp phần cho Thanh Thảo đoạt giải LSX lần nữa, tuy nhiên Thanh Thảo vẫn có bài hát của riêng mình thành công đáng kể là Búp bê biết yêu (Phương Uyên) - ca khúc pop-dance nằm rất thường xuyên trong top 10.

Sự hiện diện của Cẩm Ly có vẻ thầm lặng song rất hiệu quả với việc đều đặn chiếm chỗ trên topten (mặc dù vị trí không No.1). Cũng dễ hiểu bởi dòng nhạc Cẩm Ly theo đuổi năm nay lại là các ca khúc mang âm hưởng dân ca (Hoài Công - Vũ Quốc Việt) nhẹ nhàng, chân chất, tuy không "bùng nổ" nhưng một khi đã đi vào lòng người nghe thì sẽ đọng lại rất lâu.

Mỹ Tâm đang ở đỉnh cao đương nhiên là nhân vật không thể thiếu của LSX 2004. Nếu như ca khúc Ước gì (một bài hit kiểu Hát với dòng sông 2) có thể bị xem xét nghi vấn giống nhạc nước ngoài thì Mỹ Tâm vẫn có một vũ khí mạnh khác là Nụ hôn bất ngờ - ca khúc do chính cô sáng tác.

Vị trí thứ tám trong top 10 ca sĩ được yêu thích nhất của LSX cũng chắc chắn thuộc về Tuấn Hưng khi anh thành công lớn với ca khúc Đốt chút lá khô (Lê Quang). Tuấn Hưng và ca khúc này thậm chí đứng No.1 top 10(tuần lễ từ 7 đến 14/11). Đây sẽ là lần thứ hai Tuấn Hhưng đoạt giải LSX (sau lần đầu năm 2003).

Vị trí thứ chín là Quang Vinh. Chàng "hoàng tử sơn ca" từng đoạt giải ca sĩ trẻ triển vọng năm 2003 nay sẽ lọt vô hàng ngũ 10 ca sĩ LSX 2004 với những ca khúc có gia vị R&B, hiphop như Tình yêu tìm thấy (Vĩnh Tâm), Bóng dáng tình yêu (Võ Thiện Thanh) hay được khán thính giả nghe đài bình chọn năm qua.

MTV sẽ là nhóm ca đầu tiên đoạt giải LSX qua các kỳ tổ chức từ năm 1996 đến nay? Đặt dấu hỏi, nghĩa là vẫn chưa chắc chắn được vị trí thứ 10 sẽ thuộc về nghệ sĩ nào. Cuộc tranh đua phút chót giữa Hồng Ngọc và nhóm MTV sẽ là nét thú vị cho kết quả LSX 2004.

Hồng Ngọc (giải ca sĩ trẻ triển vọng 2003) gần đây có tên trong top với ca khúc Tin nhắn của anh do chính ông xã sáng tác (nhạc sĩ Minh Nhiên). Lợi thế của Ngọc năm nay còn có thể kể là cô đã xuất hiện trên khắp các sàn diễn từ Nam chí Bắc với mật độ rất dầy, mà sự tiếp cận khán giả nhiều bao nhiêu thì cũng tỷ lệ thuận với sự hâm mộ dành cho "mắt nai".

Thế nhưng nếu MTV chiếm vị trí cuối cùng thì sẽ tạo nên một cú đột phá chưa hề có tiền lệ trong giải LSX hằng năm: lần đầu tiên một nhóm ca được vinh danh! MTV lâu nay được giới chuyên môn làng nhạc thừa nhận là nhóm hát có trình độ khá, là nhóm đầu tiên hát ca khúc hiphop Chuyện nhỏ của Tuấn Khanh và nhờ bài này, MTV lọt vào top 10 LSX nhiều tuần qua.

(Theo TT) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 202213 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
ĐD Phi Tiến Sơn
ĐD Phi Tiến Sơn: Điện ảnh phải biết phúc đáp trước những "điểm nóng xã hội"

Cuộc trò chuyện xoay quanh vấn đề đi tìm một nền điện ảnh biết từ khước sự bạc nhược (dám đối mặt với thời sự nóng), đồng thời cũng biết từ khước sự vui vẻ hời hợt, dễ dãi (không câu khách rẻ tiền) với đạo diễn Phi Tiến Sơn, người dựng nên một Lưới trời .

Đây là bộ phim VN hiếm hoi đi vào đề tài chống tham nhũng có được sự ủng hộ rộng rãi từ phía công chúng (doanh thu bán vé trên 600 triệu đồng).

* Bộ phim Lưới trời nhận giải thưởng Cánh diều vàng (Hội Điện ảnh VN năm 2003), mới đây lại nhận giải Bông sen bạc (Liên hoan phim VN 2004), anh nghĩ sao?

- Đạo diễn Phi Tiến Sơn: Cánh diều vàng 2003 là giải của Hội Điện ảnh thiên về hướng nghề nghiệp, Bông sen bạc 2004 là giải của ngành nên có giá trị rộng hơn, chính trị và phong trào hơn. Tôi vui vì ở đâu Lưới trời cũng được để ý tới.

* Điều lớn nhất mà anh tâm đắc khi bắt tay vào làm phim Lưới trời?

- Sự dũng cảm, trách nhiệm công dân của tác giả kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn. Lần đầu đọc kịch bản tôi đã muốn chia sẻ ngay với anh. Tôi sợ mất cơ hội. Nhiều vụ tham nhũng lớn cũng bị lãng quên, bị chìm xuồng, thì số phận một kịch bản chống tham nhũng mong manh lắm.

* Gia đình anh có thích anh làm phim đề tài chống tham nhũng không? Có lo lắng không?

- Trước hết, phải nói là ban giám đốc Hãng Phim truyện 1 ủng hộ tôi hết lòng, mặc dù đã có hãng phim từ chối kịch bản này. Gia đình luôn ở phía sau tôi, sẵn sàng chịu đựng những thất bại cùng tôi.

* Giữa hai nhân vật Tư Lê (một quan chức ngân hàng có thế lực, dính vào tham nhũng) và ông Phán (một nhân vật bí hiểm, được hiểu là "ô dù" từ trên hàng chóp bu quyền lực đỡ đầu cho Tư Lê) trong phim, nếu gặp ngoài đời thì anh... ngại gặp ai trong họ, vì sao? Nếu trong bạn bè hoặc người quen của anh có những ai đó giống Tư Lê, giống ông Phán thì anh sẽ cư xử với họ thế nào?

- Đã từ lâu lắm rồi những văn nghệ sĩ đích thực đã không ngán những Tư Lê, Hai Phán mà họ chỉ ngại lẫn nhau, nể tài năng của nhau, và sợ chính bản thân. Còn vì sao ư? Có lẽ văn nghệ sĩ không có nhiều để mất. Riêng cá nhân, tôi không có người quen nào làm đến cỡ bự như vậy. Bạn bè cũng không, vì mấy người đó thường chỉ có bè chứ không có bạn!

* Theo dõi thời sự hằng ngày, chống tham nhũng, tiêu cực là một quốc sách. Từ góc độ một công dân, theo anh, cần phải như thế nào để quốc sách đạt hiệu quả cao?

- Dân chủ là vũ khí mạnh mẽ nhất, toàn diện nhất để chống tham nhũng, tiêu cực tận gốc. Mấy năm gần đây việc thực thi dân chủ ở nước ta có rõ nét hơn. Một số vụ lớn bị phanh phui. Trong tương lai, tôi tin các vị “hạ cánh an toàn” rồi vẫn bị pháp luật hỏi tới.

* Cũng câu hỏi trên, từ góc độ một đạo diễn, sẽ phải làm gì?

- Làm mọi người nghĩ tới tương lai để hành động hôm nay.

* Điện ảnh phải gần gũi với công chúng, theo anh, là như thế nào?

- Lại nói tới quan hệ cá - nước. Cá không có nước hiển nhiên cá chết. Còn nước không có cá thì nước... buồn. Vấn đề là cá phải bơi kiểu gì để nước lao xao, nổi sóng thì càng tốt.

* Có ý kiến cho rằng thời gian qua điện ảnh VN không đến được với công chúng là vì lảng tránh những vấn đề nóng của xã hội. Còn quá ít những phim như Lưới trời, trong khi lại quá thừa những phim trở ngược với những đề tài quá khứ mà không phúc đáp được đòi hỏi của người dân hiện tại. Anh suy nghĩ ra sao trước nhận xét vừa nêu?

- Tôi nghĩ điện ảnh VN không lảng tránh những vấn đề đương đại. Nhưng... chúng ta xông vào mà chưa được. Chúng ta vẫn thiếu bản lĩnh và tài năng. Ngược lại, phim đề tài quá khứ làm nhiều nhưng hay ít. Điện ảnh chúng ta cũng nợ lịch sử nặng lắm.

* Giả sử cùng lúc anh đứng trước lời đề nghị làm một bộ phim giải trí với một bộ phim đi vào “điểm nóng xã hội” thì anh thích chọn làm phim nào?

- Tôi sẽ chọn con cá nào có khả năng làm nước lao xao.

* Làm cách nào để không chỉ mình anh mà có hẳn một nhóm đạo diễn đi vào làm phim những đề tài nóng của xã hội (tiêu cực, suy thoái đạo đức tràn lan...)? Anh có hiến kế gì để nhiều đồng nghiệp của anh cùng vào cuộc?

- Nghệ sĩ thường háo danh. Nếu loại phim nào được tôn vinh, họ sẽ lao vào làm loại phim đó. Các nhà quản lý nên tận dụng... nhược điểm này.

(Theo Tuổi Trẻ) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 202219 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Xuân Hương xinh đẹp thành thằng Bờm (trong phim cùng tên)...
101 chuyện nghề hóa trang

Trong sinh hoạt của một đoàn phim, thông thường khi mọi người còn đang yên giấc thì người hóa trang phải thức dậy từ 4g. Phụ cấp dành cho hóa trang nhiều không bằng số tiền bỏ ra làm hiệu quả đặc biệt... Thế nhưng, với nhiều chuyên viên, hóa trang như là cái nghiệp, nhất là khi nhìn thành quả của công việc, họ không thể dứt bỏ.

Những hiệu quả bất ngờ Trong phim "Hồn ma", diễn viên Hồng Ánh phải hóa trang đóng vai ma. Do phim trường được quay thật ở nghĩa địa nên NSƯT Xuân Chính phải hóa trang cho Hồng Ánh ở nhà, sau đó mới gọi taxi chở cô đi. Khi tài xế quay lại mở cửa xe đúng lúc Hồng Ánh bước vô, anh ta hét lên vang trời. Khi bình tĩnh lại nghe giải thích, bác tài vẫn kiên quyết không chịu đi vì sợ chở "ma" sẽ... xui!

Phim "Mục Liên Thanh Đề", cảnh quay ở động Phong Nha, Xuân Chính hóa trang cho bảy diễn viên đóng vai quỷ: đắp mặt nạ mềm, diễn viên có thể cười nói, ăn uống. Trong khi chờ quay cảnh đêm, bảy diễn viên nằm ngủ ở khu nhà nghỉ, mỗi người một góc. Khuya, một người khách đi ngang qua chợt nhìn thấy và... vừa hét vừa chạy. Bảy diễn viên nghe tiếng la ngồi dậy, mọi người trong khu nhà nghỉ nghe la chạy ra, và... bắt đầu một cuộc ẩu đả với "quỷ".

Lần khác quay phim cảnh ông già râu tóc bạc phơ đang vào quán xin tiền những tên bợm nhậu và bị chúng hè nhau đánh cho một trận. Đang quay ngon trớn, bỗng một người đạp xích lô ngang qua chạy vào cản ngăn, lớn tiếng: "Tại sao mọi người lại đánh một ông già?". Thì ra do diễn viên được hóa trang cảnh máu chảy giống quá nên người xích lô lầm tưởng nhiều người hè nhau đánh một ông già đến chảy máu.

Đôi khi máu được làm từ bột màu và xirô, để lâu sẽ lên men, diễn viên ngậm vào dễ bị đau bụng. Có hôm do phải quay ngoại cảnh lâu, xung quanh chỗ diễn viên nằm đổ đầy "máu" khiến những đàn kiến hăm hở kéo đến...

Chuyện vui, bất ngờ về hóa trang thì hàng nghìn chuyện: đang diễn rớt râu, đang nói rụng răng là chuyện thường!

Sinh nghề phải nuôi nghề Trong sinh hoạt của một đoàn phim, thông thường khi mọi người còn đang yên giấc thì người hóa trang phải thức dậy từ 4g, làm sao để đúng 8g bắt đầu bấm máy phải "giao hàng" đầy đủ 5-7 gương mặt diễn viên đã được hóa trang chỉn chu.

Để thể hiện tốt, chuyên viên hóa trang phải đọc kỹ kịch bản, nắm vững nội dung, thời gian diễn ra câu chuyện cũng như chi tiết liên quan đến nhân vật. Ví dụ, để hóa trang nhân vật Nam Phương hoàng hậu trong phim "Ngọn nến hoàng cung", chuyên viên hóa trang Xuân Hồng (Hãng TFS) phải đọc và nghiên cứu những xấp tài liệu về vua chúa thời xưa, cất công đi tìm hỏi các cụ bà xưa để hiểu cách quấn khăn trên đầu cho đúng kiểu Huế.

Với nhiều chuyên viên, hóa trang như là cái nghiệp, không thể dứt bỏ. Theo chị Thanh Bình, có những phim phụ cấp dành cho hóa trang không bằng số tiền chị bỏ ra làm hiệu quả đặc biệt, nhưng "yêu nghề lắm" nên đi làm trang điểm cô dâu để thêm tiền bù đắp cho nghề.

Điện ảnh VN đang từng bước phát triển và hội nhập. Một vấn đề nên sớm được đặt ra: cần có trường lớp đào tạo chuyên nghiệp các chuyên viên hóa trang hoặc đưa đi học ở nước ngoài. Bởi đa số chuyên viên hóa trang có tiếng hiện nay của VN chưa qua một trường lớp đào tạo nào.

Ngoài bậc anh cả Nhữ Đình Nguyên (đã mất) cũng tự nghiên cứu, tự học thì chỉ có Xuân Chính đã được học tập ở khoa Hóa trang thuộc Học viện Sân khấu Ba Lan từ năm 1984. Còn phần lớn do nghề dạy nghề. Hầu hết họ đều xuất thân từ học nghề trang điểm, theo đoàn làm phim riết và thành chuyên viên hóa trang như Thanh Bình, Xuân Hồng, Kim Phượng, Hằng Nga, Phương Trâm, Thế Vinh...

Do đó, nếu không được đào tạo thì như lời của Xuân Chính: "Không thể trách hóa trang VN trì trệ. Trong khi các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan đều đã có những xưởng hóa trang lớn và các trường đào tạo chuyên viên hóa trang cũng như chế tạo các vật liệu hóa trang thì ở VN hầu như chưa có gì!".

(Theo TT) 

Về đầu trang 

Cầu nối nghệ thuật đương đại cho họa sĩ trẻ

Mỹ thuật Việt Nam được thế giới biết nhiều hay ít còn tùy thuộc vào sự quảng bá, giao lưu với các nước. Giới họa sĩ Việt Nam tìm cách nào để thâm nhập thực tế sáng tác ở nước ngoài?

Thiết thực với những nỗ lực vì nghề nghiệp, một số gallery đã đi tìm cơ hội giúp giới mỹ thuật có điều kiện tiếp xúc, triển lãm qua các chương trình hỗ trợ nghệ thuật từ kinh phí cá nhân hoặc các quỹ tài trợ quốc tế như gallery Hiền Minh, gallery Lotus, gallery Không Gian Xanh… Đáng chú ý, gallery Mai với mối quan hệ “kết nối” cùng xưởng nghệ thuật thử nghiệm của gallery Cave, 58 Grand Street Brooklyn New York 11211, đã tạo cầu nối mới cho giới sáng tác trẻ Việt Nam.

Lần lượt từ tháng 7-2004 đến tháng 6-2005, bốn nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được chọn làm việc theo chương trình lưu trú sáng tác ngắn hạn (ba tháng) tại Cave là nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, họa sĩ Phạm Ngọc Dương, Nguyễn Thị Châu Giang và Ly Hoàng Ly.

Để giúp cho giới họa sĩ trẻ Việt Nam hiểu thêm chương trình Cave do Quỹ Ford tài trợ, họa sĩ Rodney Dickson, người được Cave ủy nhiệm phụ trách chương trình này ở Việt Nam đã có buổi trò chuyện thân mật với 30 họa sĩ trẻ vào chiều 17-11-2004 tại tầng lầu 18, Saigon Tower số 29 Lê Duẩn. Ông Rodney cho biết trong chương trình này, Cave đã tạo điều kiện ăn, ở, làm việc, sáng tác, triển lãm, cung cấp thông tin và tặng học bổng cho các họa sĩ được chọn.

Ngoài ra, họ có thể giao tiếp, trao đổi kinh nghiệm, tham quan, tìm hiểu các quan niệm, các trường phái nghệ thuật khác nhau; có thể gặp gỡ trò chuyện cùng những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới v.v… Ở New York những người hoạt động mỹ thuật có đến 20.000 người. Đây là con số đáng kể, “ăn đứt” các thành phố khác trên thế giới. Phần lớn nghệ sĩ tập trung ở khu Williamsburg, Brooklyn.

Tuy nhiên, dù ở New York có nhiều studio rộng để hoạt động, dù người làm nghệ thuật đông đến nỗi “ra ngõ gặp nghệ sĩ” và có khá nhiều bảo tàng nổi tiếng để các họa sĩ tham quan, tìm hiểu, nhưng theo lời khuyên của ông Rodney: Các họa sĩ đến New York hoạt động, đừng quá ấp ủ giấc mơ trở thành người nổi tiếng hay bán được tranh. Nếu không, anh ta sẽ dễ bị vỡ mộng!

Thật hiếm hoi mới có họa sĩ sống được bằng chính nghề sáng tác hội họa. Phần lớn họ kiếm sống và nuôi dưỡng sáng tác bằng một nghề “tay trái” như làm bồi bàn, làm bếp, làm vườn, làm thuê theo thời gian ở một số gallery… Ở Williamsburg, New York, phải nói rằng “của cải thu hoạch” tốt nhất là tri thức và kinh nghiệm quý báu cho nghề nghiệp.

Thông tin thêm về dự án chương trình mỹ thuật Omi (Art Omi) ở ngoại ô phía Bắc thành phố New York, họa sĩ Rodney hào hứng san sẻ với các họa sĩ trẻ chương trình mỹ thuật mới sắp triển khai vào năm 2005. Nội dung hoạt động của Omi phong phú không kém gì Cave. Chương trình này cũng dành cho các họa sĩ chuyên nghiệp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhân dịp này, bà Đỗ Thị Tuyết Mai, chủ gallery Mai, tiếp tục giới thiệu việc mời đăng ký tham gia “Giải thưởng nghệ thuật Sovereign 2005 và học bổng của Tổ chức Hội đồng Văn hóa Á châu”. Các họa sĩ muốn tham gia có thể liên hệ với Mai gallery, 16 Nguyễn Huệ, quận 1 TPHCM; hoặc tìm hiểu thêm chi tiết từ Website của Tổ chức Nghệ thuật Sovereig (www.sovereignartfoundation.com). Hạn cuối nộp đơn đăng ký: 31-12-2004.

Lưu trú làm việc và sáng tác ở nước ngoài là những cơ hội dành cho giới mỹ thuật trẻ. Nó đáp ứng phần nào sự khao khát hiểu biết, tìm cơ hội tiếp xúc, trao đổi, học tập nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, chính đây là dịp để các tác giả trẻ thể hiện được bản lĩnh nghệ thuật Việt Nam trong quá trình hội nhập với các nền văn hóa, nghệ thuật thế giới.

(Theo SGGP) 

Về đầu trang 

Phan Anh Dũng - cung bậc tình 'mềm' với jazz

Chẳng phải tự nhiên, giới yêu nhạc lâu nay đều nói: Có một sợi tơ hồng vô hình trói nghệ sĩ saxophone Phan Anh Dũng với nhạc jazz như một định mệnh. Mấy chục năm trôi qua với biết bao thăng trầm, hệ lụy, khối tình ba trong một "Dũng - Sax - Jazz" vẫn đượm lửa, bỏng cháy.

- Sau cuộc chơi hết mình, say đến tận cùng với jazz tại liveshow "Giai điệu xanh", anh lặn mất tăm không lời giải thích với người yêu jazz. Vì sao vậy?

- Tôi đâu phải là kẻ tội đồ với jazz. Yêu jazz... chín bỏ làm mười một. Tôi không làm liveshow, không mời mọi người đến ngồi nghe tại nhà hát mà làm ngược lại, đưa nhạc jazz đến từng nhà, đến tận tai người yêu nhạc, để nhiều người được tự thưởng thức theo cách riêng của mình.

- Anh làm điều đó bằng cách nào?

- Đơn giản thôi, làm CD, album phát hành rộng rãi. Tôi mới phát hành album Suối mơ, tuyển chọn những tình khúc nhạc tiền chiến chơi theo phong cách blues & jazz như Suối mơ (Văn Cao), Tình nghệ sĩ (Đoàn Chuẩn, Từ Linh), Ai về sông Tương (Thông Đạt), Đêm đông (Nguyễn Văn Thương)... giai điệu nhẹ nhàng, đằm sâu nhưng cũng nhiều âm hưởng ngẫu hứng rất jazz. Người nặng lòng với ký ức một thời xa vắng, với hoài niệm xưa, với nhạc tiền chiến đậm chất lãng mạn, nghe sẽ thấy quen mà lạ, xa mà gần. Không chỉ có vậy, giới trẻ ngày nay cũng cảm nhận được tiếng lòng của mình trong đó để yêu thương hơn, cảm thông thông hơn và con tim bớt đi sự chai cứng, lạnh lùng. Đây là một cung bậc tình mềm của tôi với jazz, với saxophone đó thôi.

- Thiên hạ đang hăm hở tung ra các loại nhạc trẻ, nhạc sến ăn khách. Còn rất trẻ, vì sao anh lại chọn cho mình dòng nhạc tiền chiến?

- Có những giai phẩm, ca khúc vượt qua mọi thời gian trở thành bất tử trong lòng người. Ai cũng có một thời để nhớ, ở đó có mối tình đầu thơ mộng, một bóng hình, một làn tóc mây, một tà áo dài để thương để yêu, dù đơn phương, ảo vọng, ở đó có những chiều, những đêm cô đơn, nỗi vất vả nhọc nhằn, khốn khó, có tình bạn thủy chung, có tri âm tri kỷ. Những tình khúc tiền chiến là những thông điệp tình yêu không bao giờ nhạt phai.

- Nhưng thông điệp tình yêu cũng không thể thay thế cơm áo gạo tiền. Anh làm cách nào để CD của mình có khách?

- Khi tôi đã có nhã ý mang thông điệp tình yêu đến cho mọi người, thì chắc hẳn người yêu nhạc tiền chiến không nỡ để tôi trắng tay.

- Thị trường băng đĩa nhạc đang trong tình trạng hỗn mang, anh nghĩ sao nếu "Suối mơ" lâm vào cảnh bị chép lậu?

- Sợ cũng đành chịu, chỉ dám thắp ba nén hương vái những kẻ xấu chơi thương "tình nghệ sĩ" mà thôi.

(Theo Tiền Phong) 

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xiếc Việt Nam "rong ruổi" trên đất Pháp. (22/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 22/11 (22/11/2004)
Gala cười 2004 đang đến đoạn kết (20/11/2004)
Triển lãm tranh - tượng chào mừng ngày 20/11 (19/11/2004)
Cuộc thi Hát Thính phòng - Nhạc kịch lần thứ ba (19/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 19/11 (19/11/2004)
Lily Tuck đoạt giải thưởng văn học Mỹ 2004 (18/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 18/11 (18/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 17/11 (17/11/2004)
Triển lãm ảnh báo chí: Hà Nội trên đường đổi mới (16/11/2004)
Rối Thăng Long tham dự Festival quốc tế Athen 2004 (16/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 16/11 (16/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 15/11 (15/11/2004)
Chuyện của một ông vua chó mèo (13/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang