Gia tài 30 triệu USD và phong độ tay chơi thứ thiệt
17:15' 12/12/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Có một gã 40 năm trời giữ bên mình một gia sản kếch sù 30 triệu đô-la. Lắm lúc túi không tiền nhưng những món đồ cổ mà cả đời gã sưu tầm được thì nhất định không bán dù trả gã giá ngất ngưởng...

Triệu phú đô-la và cái... túi rỗng!

 
Soạn: AM 218263 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Chiếc ấm đầu gà thời Lý được Bảo tàng Guimet (Pháp) trả giá 150.000 USD.

Căn nhà của gã nằm trên đường Đông Du ở ngay trung tâm TP.HCM. Sáng sáng, người ta có thể thấy gã ngồi nhâm nhi cà phê dưới tán hoa nguyệt quế trước cửa nhà mình. Chẳng ai biết đó là chủ nhân của những món đồ cổ thuộc hàng độc nhất Sài Gòn và có thể của cả nước. Bởi tầng trệt của ngôi nhà đã cho người ta thuê bán hàng lưu niệm cho Tây. Bao nhiêu của cải - đối với cái nhìn của người đời và là những món đồ chơi - đối với bản thân gã, được xếp hết trên căn gác chênh vênh đầy gió từ sông Sài Gòn thổi vào.

Tầng trệt bán buôn thì welcome, kính mời đủ kiểu nhưng tiến lên gác vài bước chân thì giật thột người: Ngay tầm mắt ở chiếc cầu thang thứ hai hiện lên dòng chữ: "Những ai bạc bẽo xin đừng đến / Hãy để thềm tôi xanh sắc rêu". Câu thơ Nguyễn Bính quả hợp cảnh hợp tình với chốn này đến lạ. Chủ nhân có thể nhắc mà không sợ phật ý những ai đến tham quan rằng "cất giùm những món đồ lỉnh kỉnh trên người, không thì nó vướng rớt đồ trưng bày của tôi". Nếu ở trong vị trí ấy, hẳn ai cũng phải làm thế. Đồ đạc ở đây đối với "người trần mắt thịt" nom bình thường nhưng dân trong nghề thì chỉ có xuýt xoa. Đồ cổ. Mênh mông đồ cổ. Có quá nhiều xuất xứ, chủng loại, niên đại, kích cỡ, kiểu dáng... nhìn đến hoa mắt.

Hiện bộ sưu tập này có khoảng gần 2.000 món, trong đó có 200 chiếc ấm, tách đủ thời kỳ, xuất xứ, được chủ nhân tâm đắc nhất. Hiện vật được chia thành các nhóm Đông Sơn, Óc Eo, Chu Đậu, Chămpa, v.v... với những món đồ từ hiếm đến cực hiếm. Cổ vật Thăng Long mới được phát hiện chính thức gần đây nhưng chúng đã có trong bộ sưu tập này từ bốn năm trước. Nhà sưu tập này ít khi tiết lộ giá cả của các món đồ, vì sợ kẻ xấu nhòm ngó, sợ mang tiếng phá giá, làm khó cho người chơi khác, và sợ chính mình bị hớ!

Gã bảo: "Điều tâm đắc nhất của tôi đến giờ này là mình có được một bộ sưu tập đáng hãnh diện với gia đình, bè bạn. Nhiều người mới nghe nói đến thì không thể hình dung được. Bao nhiêu tiền bạc tôi đổ vào đó, nên có những lúc đi chơi không có đồng nào trong túi".

Sở hữu một danh mục đồ cổ phong phú, trong đó có nhiều món hàng độc, nên gã thường xuyên nhận những lời đề nghị nặng ký. Đời sống xã hội phát triển, các đại gia nổi lên cũng nhiều, trong đó có không ít những vị có máu chơi đồ cổ hoặc chí ít cũng tập tõm kiếm vài món về nhà trưng ra khoe thiên hạ. Đây chính là những vị khách "quấy rầy" gã nhiều nhất, tâng bốc, ca tụng đã đành, và năn nỉ, lẫn khích bác cũng không hiếm, miễn chủ nhân chịu bán. Từ đó gã ra "tuyên bố" nếu cam kết không hỏi chuyện bán mua, xin mời đến tham quan thoải mái, còn không thì đành chịu mất lòng nhau.

Những món đồ có một không hai

Soạn: AM 218257 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ngôi nhà sàn cất giữ những món đồ cổ cực quý hiếm của ông Cương.

Chẳng biết có phải vì gặp nhiều phiền phức từ những vị khách thích đồ cổ thì ít mà thích khoe khoang thì nhiều hay không, mà gã đã chuyển đồ cổ của mình ra Thủ Đức. Trước, nơi này được coi là ngoại ô, nhưng giờ thì dân đầu cơ đất lượn qua lượn lại, đem những thứ đồ mong manh dễ hỏng bày giữa chốn đông kẻ lại qua, không hiểu gã nghĩ gì? Gã bảo: "Tôi đâu có dại giấu đồ của mình tận nơi hẻo lánh làm mồi cho bọn đạo chích". Ngay trước mặt nhà là xa lộ Hà Nội ầm ầm xe cộ chạy suốt ngày đêm, và điều quan trọng nhất là nhìn từ bên ngoài vào, thậm chí vào đến sân nhà, không ai có thể biết được bên trong nó cất giữ những món đồ trị giá hàng chục triệu đô-la.

Quanh bộ sưu tập này có nhiều câu chuyện khá thú vị. Chẳng hạn, trong khi thiên hạ tranh nhau mua những món cổ vật men lam lành lặn đời Khang Hy thì nhà sưu tập này lại chọn mấy món đồ đổ vỡ, dính chùm nhau. Bây giờ chúng đã trở thành của "độc". Với bộ súng hỏa mai báng cẩn ngà voi 25 khẩu, có đến bốn bảo tàng của Nhật tìm tới hỏi mua, thậm chí trao luôn tấm séc cho nhà sưu tập muốn ghi con số nào vào thì tùy! Hoặc chiếc ghế gỗ độc đáo dùng để nằm, ngồi nghỉ ngơi của công tử Bạc Liêu nổi danh một thời, Bảo tàng Bạc Liêu năm lần bảy lượt thương lượng nhưng không thành...

Trong khuôn viên xanh mướt những hàng dừa, sakê, tre trúc, mận, cam, hoa kiểng... ẩn hiện ba căn nhà có vẻ ngoài khá xập xệ. Căn chính diện là một ngôi nhà sàn Thái chính hiệu được mang từ Sơn La về, bên dưới làm chỗ ở, trên chứa đồ cổ; căn bên trái là nhà rường Huế chứa gần như toàn đồ cổ xứ Huế; căn bên phải đục mái lấy ánh sáng trời soi hàng hàng lớp lớp những bình, tách, ấm, vò... từ thời Lục triều bên Trung Quốc đến đời Nguyễn, Việt Nam. Hai-ba lần cửa và chừng ấy ổ khóa. Nhưng chủ nhân chủ yếu ở trong thành phố, giao chìa khóa và việc trông coi cho một người thợ cùng gia đình anh ta đến 14 người. Thật khó tin. "Người giữ của cho mình là người dưng, biết đâu bây giờ họ không tham nhưng sau này có thể bị kẻ xấu xúi giục. Mình chỉ lấy cái đức mình đong thôi, không thể lường được. Nhưng "sắc tức thị không, không tức thị sắc", chơi mà cứ lo canh cánh trong lòng thì tốt hơn hết... đừng nên chơi." - gã bảo thế.

Ngoài đường tiếng còi xe, tiếng bánh xe rít trên đường ràn rạt nhưng bên trong những căn nhà chứa đồ cổ này, không gian tĩnh mịch, u trầm. Kia, chiếc Quý phi sàng (gọi nôm na là giường công chúa) như còn bóng dáng những người đàn bà sắc nước hương trời một thuở. Chiếc giường quý được mua tận Gò Công (Tiền Giang) làm bằng gỗ sơn chi, lệ chi chống muỗi, rất mát vào mùa hè xứ Huế. Gã bảo có người đòi đổi chiếc giường bằng một chiếc Mercedes. Và kia, chiếc ấm thời Lục triều Trung Hoa đã 4.000 năm tuổi, hay chiếc ấm đầu gà đời Lý độc nhất vô nhị mà Bảo tàng Guimet (Pháp) đòi mua giá 150.000 USD, nằm lặng lẽ trên giá. Ai đã uống trà với những chiếc ấm này? Thời gian cuốn đi nhưng nó cũng kịp để lại cho hôm nay những hình bóng đẹp. Gã bảo: "Tôi chơi đồ cổ bằng cả tâm linh. Tôi tin rằng chúng có linh hồn, ai có lòng thì nó ở lại, ai không có lòng thì nó sẽ ra đi. Chúng đã đi qua hàng bao nhiêu thế kỷ, qua bao nhiêu bàn tay con người...".

Chơi đến khi đức cạn, nghiệp hết!

Trong một góc tủ, gã còn lưu giữ chiếc bình men lam Huế, vật có được đầu tiên trong cuộc đời sưu tầm đồ cổ của mình. Câu chuyện khá "ly kỳ". Một cụ già đòi gã giữ chiếc bình ấy trong một cuộc tản cư, đơn giản vì "tôi thấy chỉ có cậu mới giữ được nó". Gã cảm động suýt khóc, đòi chia một nửa tiền mình có được cho ông cụ, rồi cất chiếc bình vào ba-lô. Chiếc bình ấy là vô giá. Có lẽ vì thế nên dù chỉ cần nhón một món đồ là có vài nghìn đô-la xài, nhưng gã không bao giờ bán. Bỏ tiền ra mua rồi bán đi, gã nói giống như dứt bỏ đứa con của mình. Gã chỉ trao đổi với đồng nghiệp, bạn bè trong giới. "Người giàu bây giờ rất nhiều, mấy món đồ cổ của tôi có khi họ chỉ mua vèo một cái trong 15 phút. Tôi có thể sống giàu sang nhưng chỉ để như thế thì tầm thường quá." - gã nói.

Gã có một chiếc xe Jeep lùn cực kỳ hầm hố. Gã tự lái xe đi uống cà phê, rong chơi với bạn bè, đi lùng mua đồ cổ ngoài khu Lê Công Kiều hay bất kỳ nơi nào ở tỉnh có người mách rằng có "hàng độc". Thi thoảng, chiếc xe đậu trước cửa nhà gã trở thành đối tượng cho khách du lịch mượn chụp hình lưu niệm. 40 năm gìn giữ tài sản của cha ông để lại và tự mình đi sưu tầm, gã đã có một gia tài trị giá khoảng 30 triệu đô-la. Gã bảo sợ nhất là cháy nổ, mất mát, không có bảo hiểm cho những món đồ cổ của mình. Nhưng rồi chặc lưỡi rằng trời cho thì cứ hưởng, đến khi đức đã cạn, nghiệp đã hết thì mất mát cũng là lẽ thường tình.

Kẻ lập dị này năm nay tròn 56 tuổi. Ai có thể ngờ thằng bé đánh giày, bán báo, giặt quần áo thuê cho lính ngày nào ở Sài Gòn, rồi là một trong ba người được chọn làm phóng viên chiến trường cho hãng UPI đi khắp các vùng ác liệt nhất, giờ đây trở thành nhà sưu tập Hoàng Văn Cường ngồi thư thả chơi đồ cổ.

 Soạn: AM 218229 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Soạn: AM 218231 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Soạn: AM 218233 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Soạn: AM 218235 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Soạn: AM 218237 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Soạn: AM 218239 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Soạn: AM 218243 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Soạn: AM 218245 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Soạn: AM 218247 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Soạn: AM 218251 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Soạn: AM 218253 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Soạn: AM 218255 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

  • Bài và ảnh: Võ Tiến

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đàm Vĩnh Hưng và live show "Giờ H" (09/12/2004)
Giờ vàng cho phim Việt (09/12/2004)
Đón Noel bằng "Kẹp hạt dẻ"? (08/12/2004)
Sắp đặt ảnh ''Tôi hoà tan'' (08/12/2004)
Công nương Diana đùa với lửa và bị lửa đốt (08/12/2004)
Playboy sắp có mặt tại Trung Quốc (06/12/2004)
Website Viethiphop tổ chức họp mặt khai trương (06/12/2004)
Bảo tàng Dân tộc học VN ra mắt website (06/12/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 6/12 (06/12/2004)
Hàng "độc" của dân chơi la bàn (04/12/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 3/12 (03/12/2004)
10 sự kiện lòe loẹt nhất năm 2004 (03/12/2004)
Câu chuyện về Việt Nam của một người Ấn Độ (02/12/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 2/12 (02/12/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang