(VietNamNet) - Tôi có làm gạt tàn thuốc lá bằng gốm hình trống đồng Ngọc Sơn, hình con gấu ngửa mặt lên trời để khói thuốc chui qua miệng nó. Đó là những sản phẩm được dân chơi gốm thích thú...
Phong cách gốm có một không hai
|
Ông Chi giới thiệu men gốm Ma Tre. |
Thông thường người ta nói gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng, gốm Bầu Trúc hoặc gốm Lam, gốm Khoang...nghĩa là gọi gốm theo địa danh hoặc theo đặc điểm ưu trội. Chưa có nghệ nhân nào ghi danh tên mình cho một dòng gốm ngoài ông Nguyễn Văn Chi: Gốm Chi. Dân chơi gốm tìm đến gốm Chi không phải vì của độc, hàng hiếm mà vì màu men biến ảo cũng những sáng tạo ngẫu hứng thần tình về kiểu dáng. Lớp men của gốm Chi không láng đều trên bề mặt một cách đơn điệu mà nó được phủ chỗ dày chỗ mỏng tạo nên chiều sâu đầy tinh tế, gợi cảm.
Ông Chi gọi loại men của mình là Ma Tre chính là để chỉ rõ sự biến ảo, không thể lường trước được của các sắc độ màu trên xương gốm. Rất ngẫu nhiên, sự biến ảo vô thường này lại ứng hợp với nhãn thức ưa chiêm nghiệm đời sống luôn biến hoá đổi thay. Tính sáng tạo này được bổ sung một cách hoàn hảo bởi cách làm gốm thủ công, không có sản phẩm nào giống nhau: Mỗi sản phẩm ra đời là một sự hiện diện duy nhất, có một không hai. Chưa nói tới yếu tố thẩm mỹ, chỉ riêng điều này thôi cũng đã thể hiện quan niệm nhân học, nhân sinh rất sâu sắc.
Bước vào ngôi nhà cũ kỹ của ông, người khách có thể cảm thấy màu sắc của HN xưa với những chai, lọ, bát, bình, ấm phủ men cổ, những ngôi nhà Hà Nội cổ bằng đất nung có hồn mà bây giờ không mấy ai theo đuổi và làm được. Những miếng đất vô hồn thành hình theo trí tưởng tượng và bàn tay của ông. Không phác sản phẩm trên giấy trước khi thực hiện (vì sợ trí sáng tạo nghèo nàn đi) nhưng các sản phẩm đều đẹp đến lạ. Ngôi nhà cổ Hà Nội hiện lên qua những mái ngói xô nghiêng, những chấn song và những ô cửa xinh xắn. Một sự kết hợp giữa người thợ và một người nghệ sĩ. Không được học hành, không được kế thừa kinh nghiệm của gia đình hay bất cứ ai, ông Chi tự mày mò để tìm cho mình một nguyên liệu riêng, chất men riêng độc nhất, không giống với bất cứ chất men nào trên nước Việt Nam.
Nghệ sĩ và cái gạt tàn thuốc lá
Cách đây hơn 30 năm, cách làm gốm của ông Nguyễn Văn Chi được gọi là "làm chui" vì thời ấy đang còn Hợp tác xã. Ông Chi phải tự nghiên cứu loại men riêng, tự lo đất làm gốm. "Thậm chí có lần mua được 2 yến đất, có hoá đơn hẳn hoi mà thương nghiệp còn bắt giữ và đòi mang về đồn giải quyết. Có lần khi chở đất sét người ta đào từ mương lên, đến đầu cầu tôi còn bị chặn lại bắt đóng thuế. Cái giấy phép sản xuất gốm của tôi được ghi rõ là Làm ấm bằng đất nung. Thế nên, khi làm cái gạt tàn thuốc lá thì bị buộc tội là làm sai mặt hàng".
Ông đau đầu vì không có mặt bằng sản xuất. "Chỉ có thể làm ở nhà nhưng khổ nỗi nhà tôi lại quá nhỏ. Tính mãi mới chừa ra được 8m2 để xây cái lò và lấy chỗ sản xuất. Tôi phải nhặt nhạnh những viên gạch cũ để xấy lò, thuê xe bò hoặc dùng xe đạp để chở nguyên liệu từ Từ Sơn (Bắc Ninh) về cầu Long Biên. Thậm chí còn cuốc đất ở một cái gara bỏ hoang lâu năm để lấy đất đắp lò nung. Chỉ cần "xoáy" một cái bàn xoay ở xí nghiệp cũ nữa là đủ. Đam mê và nhu cầu tồn tại đã đưa tôi đến với gốm".
Ông Chi nhớ lại: "Giữa những năm 1970, khi người ta chỉ có lọ thuỷ tinh 3 ngấn, lọ lục bình và lọ đất sơn để cắm hoa thì tôi đã tạo được sự phong phú về lọ gốm, dáng gốm và chất liệu. Niềm vui ấy khó mà tả nổi khi cái lọ hoa của tôi có mặt ở nhiều gia đình". Ông cũng là người cung cấp gạch lát cho di tích cột cờ Hà Nội khi (tu sửa vào cuối thập kỷ 1980). "Ban đầu người ta chỉ cần gạch Bát Tràng để lát bên trên các tầng ở cột cờ. Dù đã đặt hàng ở nhiều nơi nhưng đến cả Viện vật liệu cũng không đáp ứng được yêu cầu này. Vậy là gạch của tôi đã được chấm cho dù mình chỉ là một lò gốm con con".
Làm gốm giả cổ nhưng không thích sưu tầm gốm cổ
Rất nhiều sản phẩm gốm Chi nếu không phải là chuyên gia thì khó phát hiện được đấy là đồ gốm giả cổ nhưng thật lạ, ông không thích sưu tầm gốm cổ. Ông Chi cũng không thích làm lại những sản phẩm mình đá sáng tạo trước kia mà luôn cho ra những sản phẩm mới, công việc luôn luôn mới. "Tôi muốn tạo ra những sản phẩm khác nhau để không ai có thể bắt chước được. Trước tôi có làm gạt tàn thuốc lá bằng gốm hình trống đồng Ngọc Sơn, hình con gấu ngửa mặt lên trời để khói thuốc chui qua miệng nó. Đó là những sản phẩm được giới chơi gốm thích thú. Đây là những sản phẩm tôi rất tâm đắc nhưng không có nghĩa là sẽ làm lại. Chỉ có sản phẩm tôi vẫn sản xuất như một một mặt hàng truyền thống mấy chục năm nay là mảnh gốm màu để trang trí làm tranh gốm treo tường. Đây gần như là mặt hàng độc quyền của Gốm Chi".
Anh Tân, con trai của ông Chi cũng đang theo nghề của cha. Nhưng hiện tại anh đang tập trung sản xuất đồ trang sức bằng gốm, sản phẩm đang rất được ưa chuộng trong 2 năm trở lại đây. Biết đâu rồi cũng sẽ có thêm dòng gốm nổi tiếng mang tên một người nữa?
VietNamNet xin gửi tới độc giả chùm ảnh: Gốm Chi - Mỹ thuật đương đại:
- Bài: Bích Hạnh
- Ảnh: An Thành Đạt
|