(VietNamNet) - Trong khi thiên hạ đua nhau đi sưu tầm đồ cổ, vừa sang vừa có tiền thì ông đi nhặt đồ... cũ, chẳng bán được cho ai, chỉ tổ chật nhà! Một nửa căn nhà bé nhỏ của ông được dành làm kho chứa ngổn ngang các thứ đồ, trong đó có lắm thứ hết sức lạ lẫm đối với người "ngoại đạo". Nhà ở ngay thị xã Bảo Lộc nhưng thời gian ông sống trong rừng nhiều hơn, phóng xe Rebel 250 phân khối song vẫn bị coi là "người rừng"...
Làm culi để đi sưu tầm
Chạy xe phân khối lớn chưa phải là lạ, sống trong rừng nhiều hơn sống ở nhà cũng chẳng phải "cá biệt". Chỉ lạ ở chỗ người cầm lái đã 65 tuổi, hàng tuần phóng xe vào các bản làng dân tộc sâu heo hút trong núi để thu lượm những món đồ tưởng chừng như tầm thường. Biết ông đã lâu, mấy năm không gặp lại, giờ nghe đồ sưu tập của ông đã lên con số 1.000. Nhưng nhà ông thì vẫn chẳng giàu thêm chút nào.
|
Tuổi 65 vẫn còn phong độ. |
Chẳng biết công việc ông đang làm có nên gọi là nghề không, bởi nó gần như chẳng nuôi sống được ông lẫn bà vợ trẻ và đám con. Nhà ông ở ngoại ô thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng) xanh ngát những vườn trà, cà phê. Ông bảo: "Tôi thường nhận lắp điện cho những ngôi nhà xây mới. Nhưng không ai kêu thì tôi xoay ra làm nhiều thứ, làm thầy, làm thợ, làm culi, làm vú em, làm diễn viên... đủ cả".
Bắt đầu câu chuyện về một kẻ có thú chơi khác người bằng những chuyện vặt vãnh đời thường thật cũng không hợp lẽ. Nhưng có thế mới thấy người đàn ông này không chỉ vun vén cho đam mê của mình, mà còn cặm cụi một cách đáng quý trong công việc của một người gìn giữ những giá trị văn hóa miền cao.
Cái giá trị ấy đang ngày càng phai nhạt. Ngày ngày, có một người đàn ông ngoại lục tuần quên tuổi tác của mình đi níu giữ những nét đẹp đang bị bào mòn mạnh mẽ bởi đời sống văn minh. Những ngày đầu của công việc sưu tầm cách đây gần 30 năm, ông cũng chỉ biết đi nhặt nhạnh từng món đồ một, không phân biệt kích cỡ, chất liệu, trọng lượng... Nhưng đến nay, ông đã "chuyên nghiệp" hơn trong việc phân loại chúng thành từng nhóm: đồ gia dụng, nhạc cụ, dụng cụ đánh bắt... Không chỉ cố gắng nhặt nhạnh cho kỳ hết đồ đạc mà đồng bào dân tộc thường sử dụng, ông còn chú ý đến sự phong phú của từng loại vật dụng. Chẳng hạn 50 trái bầu đựng nước, 20 cối giã gạo các loại, 12 cái trống không cái nào giống cái nào...
Chỉ còn thiếu mỗi cái quan tài!
Bạn sẽ chẳng biết vì sao người đàn ông này lại làm cái điều có vẻ lẩm cẩm như thế, nếu chưa từng ghé đến nhà ông. Thiên hạ đua nhau đi sưu tầm đồ cổ, vừa sang vừa có tiền. Trong khi đó ông đi nhặt đồ... cũ, chẳng bán được cho ai, chỉ tổ chật nhà. Căn nhà bé nhỏ của ông hết một nửa được dành làm nhà kho, chứa ngổn ngang các thứ đồ, trong đó có lắm thứ hết sức lạ lẫm đối với người "ngoại đạo".
Có một vật dụng mà người dân tộc không biết dùng nhưng có rất nhiều trong kho của ông. Đó là hơn chục cái bẫy chuột rải khắp các ngõ ngách của cái kho cũ kỹ. Nhiều người đến thăm ngó nghiêng thấy bẫy chuột ồ lên ngạc nhiên. Chẳng phải đồ sưu tầm, đơn giản chỉ để bảo vệ cả nghìn món đồ thuộc loại dễ hỏng trước cái mõm chuột. Nhìn ông lọ mọ đi thăm từng cái bẫy, mới có thể phần nào hiểu được vì sao ông lại gắn cuộc đời mình vào cái công việc lạ đời này gần 30 năm nay.
|
Chân dung "người rừng". |
Đồ sưu tầm được của ông hiện có xuất xứ từ 8 dân tộc anh em như K'ho, Mạ, Châu ro, S'tiêng, Lạch... đang sinh sống rải rác trên dải đất Nam Trường Sơn. Có nghĩa là gần 30 năm qua, ông đã lặn lội không biết bao nhiêu nghìn cây số, qua bao dốc đèo, sông suối, đã bao nhiêu đêm ăn ngủ cùng đồng bào để kiếm được những món đồ chẳng biết sẽ biến mất lúc nào. Hơn 200 dụng cụ rèn, phát rừng rẫy, hơn 100 món đồ gia dụng, và cũng chừng ấy vật dụng dùng săn bắt dưới nước. Rồi khoảng 200 loại nhạc cụ, vật dụng dùng để cúng Giàng... Có những vật dụng lạ, hiếm như lược chải đầu bằng gỗ, tre; quý như các loại ché đựng rượu hoặc để muối măng rừng nhiều kiểu lạ mắt...
Không chỉ rong ruổi sưu tầm khắp nơi, ông còn đưa những cụ cao niên người dân tộc về nhà nuôi ăn để nhờ họ phục chế lại những vật dụng đã không còn được đồng bào sử dụng. Cứ theo cách làm này, giờ đây các vật dụng quen thuộc của đồng bào các dân tộc đã gần như tập hợp đầy đủ trong nhà kho của ông. Ông cho biết bộ sưu tập của mình chỉ còn thiếu cái hòm (quan tài) người dân tộc đẽo từ một thân cây ra. Những chiếc quan tài loại này đã biến mất khỏi đời sống của đồng bào vùng cao mấy chục năm nay. Họ đã biết đốn gỗ trong rừng để xẻ ván đóng hòm hoặc mua gỗ của người Kinh để đóng, nên những chiếc hòm "độc mộc" đầy bản sắc kia không còn thấy nữa.
Vừa chơi vừa hoang mang
Tên đầy đủ của ông là Đỗ Văn Toàn, đồng bào dân tộc quen gọi là K'Toàn, già Toàn, hàng xóm thì gọi vui là "người rừng". Tóc muối tiêu dài buột túm đuôi ngựa, trông ông cũng không mấy khác với các già làng trong buôn. Ông từng đóng các vai già làng lẫn phù thủy trong các phim truyền hình chẳng cần phải hóa trang! Từ chiếc xe Honda Dame từ năm 1978, "lên đời" bằng một chiếc Yamaha chạy bằng láp và hiện sở hữu chiếc Rebel to kềnh càng, ông mải miết đi. "Tóm" được ông khá khó khăn, vợ con cũng chỉ biết ông đi vào làng dân tộc chứ chẳng rõ làng nào, trong tỉnh hay ngoài tỉnh và bao giờ về nhà!
|
"Người rừng" thổi khèn. |
Hành trang cho chính mình trong mỗi chuyến đi của ông chẳng có gì. Nhưng những thứ ông dành cho đồng bào dân tộc thì lỉnh kỉnh. Bánh kẹo, quần áo, lịch, đồng hồ... Chỉ có món cá khô là ông chia sẻ cho đồng bào một ít, cho mình một ít để lấy sức đi lại. Ông bảo: "Những thứ đồ này chẳng tốn bao nhiêu tiền nhưng đối với đồng bào rất quý. Mình đưa tận tay họ càng quý hơn. Giống như đang khát nước giữa rừng bỗng tìm được nguồn nước, chứ rủ nhau ra quán bao nhau uống nước làm sao bằng!". Không chỉ bỏ tiền ra mua hoặc xin được ở bất cứ nơi đâu để đem cho đồng bào, vào làng ông còn cắt tóc, cắt móng tay cho người già, con nít. Một kẻ đi sưu tầm lại như một người làm công tác xã hội. Đồng bào quấn quýt, lâu ngày mới ghé về, họ lại ùa ra đón ông như người thân.
Thế nhưng ông lại buồn! Buồn vì đã làm công việc có ích, không chỉ cho mình mà còn cho ngành văn hóa lịch sử, song bao nhiêu năm nay ông lại không được ngành văn hóa ngó ngàng gì đến. Ông bảo "họ biết tôi nhưng chưa bao giờ đặt chân đến nhà tôi". Mẹ mất để lại cho ông ít vàng, ông cũng bán đi để đầu tư vào cái việc chẳng thấy lãi tiền lãi bạc gì cả. Tuổi đã cao, đồ đạc cần sưu tầm trong đời sống các dân tộc thiểu số khu vực cuối dãy Trường Sơn, ông cũng đã gom nhặt gần đủ. Điều mong mỏi của người đàn ông nửa đời sống với đồng bào dân tộc nhiều hơn sống ở nhà là những món đồ của mình được nhiều người biết đến. "Tôi rất mong chờ một nhà tài trợ nào đó đến để mang những món đồ của tôi đi trưng bày ở bảo tàng hoặc khu du lịch nào đó. Chẳng lẽ cứ nhốt mãi trong kho thế này?".
Đời sống đồng bào cùng cao ngày càng khá lên, lớp trẻ lại chỉ thích dùng đồ của người Kinh, thì những vật dụng truyền thống ngày càng hiếm đi. 1.000 món đồ của ông là cả một kho tư liệu quý về văn hóa vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng Nam Tây nguyên. Nhưng hiện "người rừng" đang loay hoay chẳng biết làm gì với chúng trong cái xó nhà của mình.
|