Dự định tổ chức vào ngày 8-4, đám cưới thái tử Charles với bà Camilla Parker Bowles phải dời lại hôm nay vì trùng với lễ tang Đức Giáo hoàng John Paul II. Nhưng trắc trở này không phải là duy nhất.
Suốt 35 năm qua, cuộc tình của thái tử Charles (năm nay 56 tuổi) –nhà vua tương lai của Vương quốc Anh – với bà Camilla Parker Bowles (57 tuổi) đầy những tình tiết éo le, ngang trái. Đó là mối tình mà thái tử đeo đuổi dai dẳng nhất cho dù khi làm đám cưới đầu tiên cô dâu là một người khác: tiểu thư Diana Spencer. Và khi công nương Diana bất ngờ tử nạn trong một tai nạn giao thông bí ẩn mà đến nay vẫn còn gây tranh cãi, thì bóng ma của người vợ đầu tiên giờ đây –theo những người duy tâm – vẫn còn ám ảnh đám cưới lần này của thái tử. Đó chưa kể những tranh cãi về mặt pháp lý của đám cưới này.
Thái tử và Camila phải ăn năn để được ban phúc
Là vị vua tương lai, đám cưới của thái tử Charles lẽ ra phải được tổ chức theo nghi thức tôn giáo trang trọng. Tuy nhiên , do cô dâu và chú rể đều ly dị vợ hoặc chồng, thái tử chỉ có thể tổ chức lễ cưới dân sự như mọi công dân bình thường, tức tại tòa thị chính. Hơn nữa, trong mắt Giáo hội Anh, thái tử và bà Camilla phạm tội “ngoại tình” vì họ vẫn lén lút yêu đương sau khi đã có vợ, có chồng. Do đó, Tổng giám mục địa phận Salisbury là David Stancliffe, một trong những chức sắc hàng đầu của Giáo hội Anh, đã từng yêu cầu thái tử Charles và bà Camilla phải công khai bày tỏ sự ăn năn hối lỗi trong buổi lễ Giáo hội ban phúc lành cho cô dâu và chú rể, sau lễ cưới dân sự. Nếu không sẽ không có nghi thức tôn giáo này, một điều rất không bình thường đối với một nhà lãnh đạo tối cao tương lai của Giáo hội Anh như thái tử Charles (theo quy định, vua nước Anh đồng thời là nhà lãnh đạo tối cao của Giáo hội Anh).
Những rắc rối về mặt pháp lý đã khiến địa điểm tổ chức lễ cưới dân sự của thái tử Charles cũng không được ổn định. Thoạt đầu, các chức sắc trong hoàng gia loan báo lễ cưới dân sự sẽ được tổ chức trong lâu đài Windsor, nhà nghỉ cuối tuần của Nữ hoàng. Tuy nhiên sau đó người ta phát hiện ra rằng việc tổ chức lễ cưới dân sự tại đây là không “phải phép”. Vì vậy lễ cưới được dời đến một căn phòng nhỏ của tòa thị chính Windsor, ở Tây Nam thủ đô London, hôm nay vào lúc 12 giờ 30 (giờ địa phương) trước sự hiện diện của chừng 30 người.
Theo dự kiến, lễ cưới dân sự chỉ diễn ra 20 phút. Báo chí không được mời đến dự, có nghĩa là sẽ không được quay phim hay chụp hình. Nữ hoàng Elizabeth II sẽ không đến dự với lý do chính thức “tránh rình rang”. Thật ra, theo báo chí Anh, lý do chính là bà không hài lòng lắm đám cưới này. Bà vốn phản đối cuộc ngoại tình này từ đầu, mãi đến gần đây mới đồng ý. Ngay cha của thái tử là quận công Phillip cũng sẽ vắng mặt. Tuy nhiên, anh và em gái của thái tử là hai hoàng thân Andrew, Edward và công chúa Anne, sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, quyết định ủng hộ thái tử. Họ sẽ hiện diện cùng với các hoàng tử William và Harry, con trai của thái tử và cố công nương Diana. Bên đàng gái sẽ có mặt Tom và Laura, con riêng của bà Camilla.
800 và 800 triệu
Sau lễ cưới dân sự khiêm tốn là nghi thức tôn giáo long trọng ban phúc cho cô dâu, chú rể vào lúc 14 giờ 30 và tiệc cưới khá hoành tráng với khoảng 800 quan khách là những nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước thân hữu của thái tử, tổ chức tại lâu đài Windsor. Nữ hoàng Elizabeth II và các nhân vật chủ chốt của hoàng gia và chính phủ – bao gồm Thủ tướng Tony Blair và phu nhân - sẽ có mặt đầy đủ tại hai buổi lễ. Tất cả các báo, đài sẽ được mời ghi hình trực tiếp và tường thuật các sự kiện này.
Nhiều người không khỏi so sánh đám cưới lần đầu và lần thứ hai của thái tử Charles. Sự so sánh này chắc chắn là khập khiễng vì nó phản ánh hai hoàn cảnh khác nhau. Đám cưới thái tử Charles - 32 tuổi, uy nghi trong bộ quân phục sĩ quan hải quân - với tiểu thư Diana Spencer - 20 tuổi, đẹp như mơ- diễn ra ngày 29-7-1981 tại thánh đường Saint Paul, London, được ví như là hồi kết có hậu của một câu chuyện cổ tích thời nay.
600.000 dân đã đổ ra đường chiêm ngưỡng cỗ xe tứ mã chở hoàng tử và người đẹp. Cùng một lúc khoảng 800 triệu khán giả ở khắp thế giới dán mắt vào màn ảnh truyền hình theo dõi “đám cưới thế kỷ”. Buổi tiệc cưới có đến 3.500 quan khách tức gấp 5 lần quan khách lần này. Dạo đó, đám cưới của thái tử được thần dân Anh Quốc đón nhận với một niềm hoan hỉ tột độ. Họ cảm thấy hãnh diện với nền quân chủ, với hoàng gia. Còn lần này, đám cưới được đón nhận với những tình cảm lẫn lộn.
65% những người được hỏi trong một cuộc thăm dò mới đây cho rằng đám cưới này làm tổn hại hình ảnh của hoàng gia. Chỉ có 31% nói sẽ xem đám cưới qua màn ảnh truyền hình. Nhiều người còn mong muốn đưa trưởng nam của thái tử là hoàng tử Willam lên ngôi. 57% chấp nhận việc thái tử đi bước nữa nhưng không muốn bà Camilla làm hoàng hậu. Tuy nhiên, Chính phủ Anh đã tuyên bố bà Camilla đương nhiên trở thành hoàng hậu một khi thái tử Charles lên ngôi.
Nói chung, thái tử Charles đã phải chịu đựng khá lâu búa rìu dư luận vì chung thủy với bà Camilla, nhất là sau cái chết của công nương Diana. Ngài phải vận dụng chiến thuật “lùi hai bước để tiến một bước” nhằm thuyết phục công chúng rằng ngài không thể thiếu Camilla. Tuần trăng mật lần này cũng khác trước. Năm 1981, thái tử và Diana hưởng tuần trăng mật trên chiếc du thuyền Britania của hoàng gia lênh đênh trên Địa Trung Hải. Lần này, ngài cùng với Camilla sẽ ở lại trong nước, cụ thể là một dinh thự cũ của Nữ hoàng ở Birkhal, Scotland. Lễ Phục sinh vừa qua, hai người đã nghỉ ở đó. Cũng là một cách tránh né những phiền phức không cần thiết, kể cả chuyện khủng bố.
Những phiền phức đó, cho đến sát ngày cưới, cũng đủ làm cho thái tử mệt mỏi lắm rồi. Chẳng hạn như ngày cưới được chuẩn bị hết sức chu đáo đến từng chi tiết như phát hành bộ tem kỷ niệm ngày cưới đề ngày 8-4 cuối cùng đã phải hoãn lại đến ngày hôm sau vì trùng với lễ tang của Đức Giáo hoàng, một bất ngờ không thể biết trước được. Bộ tem này đương nhiên bị giảm giá trị. Cũng may, đám tang của ông hoàng Rainier III của Monaco diễn ra vào ngày 15-4. Nếu không, đám cưới lại bị hoãn nữa vì theo quy định của hoàng gia, ngài phải thay mặt hoàng gia Anh đến dự lễ tang của ông hoàng Monaco.
(Theo NLĐ) |