(VietNamNet) - Con dấu của người quyền uy nhất một thời lẫn của kẻ mắc tội chết, đều nằm hết trong tay một người đàn ông...
Có dáng vẻ chân chất của một người gốc nông dân miền Trung và sự tự nhiên của một "tay" hoạt động trong ngành xây dựng, nhưng người đàn ông này có một thú vui thật nhẹ nhàng: sưu tập ấn, triện các triều đại phong kiến Việt Nam.
Người giữ 3/4 số ấn triện của cả nước
Bộ sưu tập này thuộc hàng hiếm có một không hai. Nếu biết rằng khắp nước, từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội đến chi nhánh TP.HCM, kể cả trong các nhà sưu tập tư nhân, số ấn, triện áng chừng 400 chiếc, thì bộ sưu tập khoảng 300 chiếc của người đàn ông này đáng nể chừng nào!
Có thể tạm khẳng định anh là người nắm giữ số ấn, triện nhiều nhất Việt Nam hiện nay. Song trong tương lai, anh cũng có thể vẫn là người giữ kỷ lục, bởi loại cổ vật này rất hiếm gặp. Bộ sưu tập của anh có triện từ cấp thấp nhất là lý trưởng, cao dần lên hương bộ, cai tổng, huyện, đến phủ, trấn; các tướng, quan... Duy có ấn của vua là không có. Dường như không thể tìm thấy quốc ấn bởi một triều đại mới lên thay thế, những dấu tích, hình ảnh, hiện vật của triều đại trước đều bị tiêu hủy. Những thứ vật dụng khác bị đốt, riêng con dấu thì đem đi nấu đồng!
|
Triện bằng ngà voi |
Con triện của cấp lý trưởng, hương bộ, anh có rất nhiều. Đây là những cấp đơn vị hành chính xa trung ương nhất nên không chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động của chính quyền đương thời. Thật thú vị khi tìm thấy trong mớ hỗn độn những chiếc triện, bóng dáng bao nhiêu đời lý trưởng, hương bộ và số phận của những con dân được định đoạt dưới những chiếc triện vô tri này.
Những chiếc ấn quý
Thông thường, triện càng lớn, chức quan càng to. Chức nhỏ triện thường có hình êlíp, chức lớn triện hình vuông, hình chữ nhật... Chất liệu của triện đa phần bằng đồng, số ít làm bằng ngà voi, gỗ.
Chủ nhân rất quý chiếc triện đời Lê có khắc chữ Hồng Đức nhị niên (năm 1471), bởi nó là chiếc triện có niên đại xưa nhất trong bộ sưu tập của anh. Một con dấu khác, tuy chỉ ở cấp phủ nhưng cũng rất quý giá vì sự hiếm hoi của nó, là chiếc triện Thiên Trường phủ ấn (dấu của phủ Thiên Trường, nay là Nam Định), được đúc vào năm Vĩnh Tộ thứ mười (1628) nhà Hậu Lê. Hay như triện của một quan khâm sai tên Nguyễn Hầu Chi, ấn của một ông quan chấm thi...
|
Một phần nhỏ bộ sưu tập |
Anh còn có những con dấu ở tận châu Chợ Rã, tỉnh Bắc Kạn những năm đầu thế kỷ 20, con dấu của chính quyền tỉnh Long Xuyên thời thuộc Pháp... Nhưng gây cho anh niềm hứng khởi hơn cả là những con triện của triều Tây Sơn. Có thể gốc gác "nhà quê" xứ võ Bình Định trong anh đã ảnh hưởng đến xu hướng sưu tầm này. Nhưng anh bảo: "Đó là một triều đại ngắn ngủi nhưng thật anh hùng. Những hiện vật của triều đại này để lại rất ít, tôi muốn giữ lại thật nhiều hình ảnh của Tây Sơn cho lớp sau thấy được, chứ không chỉ học suông trên sách lịch sử".
Cũng thật oái ăm, thứ anh cần nhất lại quá hiếm hoi, trong bộ sưu tập của mình, ấn, triện thời Tây Sơn anh chỉ có chừng 10 chiếc của tả bộc, tả quân... Trong khi đó ấn triện của triều đại cuối cùng, triều đại mục ruỗng nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam, anh có tới hơn 200 chiếc. Triều Nguyễn tồn tại đến 143 năm và gần nhất với thời chúng ta nên số ấn triện ít bị thất lạc. Trong khi đó triều Tây Sơn chỉ tồn tại 14 năm, lại bị nhà Nguyễn thù hằn hủy mọi dấu ấn.
|
Bên những ấn triện quý |
Đi máy bay mua triện
Những con dấu còn lưu lại đến thế hệ hôm nay nhờ vào hai con đường: bị chôn giấu sau những biến cố chính trị và bị đánh mất, thất lạc. Thế nên, triện ấn tuy rất hiếm gặp nhưng lại được tìm thấy ở hầu khắp các địa phương trong cả nước.
Trong một lần về thăm quê nhà Phù Cát, Bình Định, nhà sưu tập này đã may mắn có được trong tay một hũ đựng ấn triện đến...40 chiếc. Những con dấu nặng tổng cộng 5 kg này suýt nữa đã bị bán đồng nát nếu anh về quê chậm vài giờ. Đối với anh, 40 con dấu thời vua Duy Tân ấy thật quý, nhưng trong mắt nhiều người ở quê anh dạo ấy thì "thằng này nó bị khùng".
Và đó, lần may mắn đầu tiên cũng là lần may mắn cuối cùng. Anh chỉ tìm mua được rải rác vài ba chiếc ở khắp mọi miền đất nước. Anh có lẽ là một trong những nhà sưu tập tư nhân "chơi sang" nhất nước. Nghe tin báo ở tận Lạng Sơn có người đào được ấn, anh tức tốc mua vé máy bay tìm ra Bắc thương lượng để mua ngay, có khi chỉ mua được ...một chiếc ấn. Lắm lúc anh trở về tay không vì... ấn giả. Cũng nhiều lần nhờ nghiên cứu trước qua ảnh chụp "chào hàng", anh đã mua được con triện ưng ý.
Con dấu - phận người
"Mua không được đã buồn, đến chậm bị người khác mua trước càng buồn hơn, đến nỗi đêm nằm không ngủ được", nhà sưu tập tâm huyết ẩn trong một anh làm ngành xây dựng, tâm sự. Anh bảo bộ sưu tập ấn triện của mình còn thiếu rất nhiều nhưng dường như ngoài tầm tay. Vì tìm không ra hoặc có khi anh biết nó nằm ở một bộ sưu tập khác nhưng bản thân không đủ tiềm lực kinh tế để mua lại.
|
Triện bằng đồng |
Chơi ấn triện, anh không chỉ chú ý đến dấu tích của một thời đại, một chế độ mà con dấu mang trên mình. Anh còn biết được con dấu ấy xuất phát từ vùng đất nào, thậm chí một địa phương cụ thể nào đó ngay cả khi chưa đọc thông tin trên nó. Triện bị chôn trong đất đỏ, phèn, bùn, cát, sỏi... anh đều phân biệt được. Triện bị tác động mạnh nhất nếu bị vùi trong đất nhiễm phèn, và thật bóng đẹp nếu nằm trong cát, sỏi...
Nhưng quyền lực, quyền uy của từng vị tướng, ông quan thể hiện trong ấn triện mới là điều khiến người ta suy nghĩ. Mỗi ông một phương, mỗi ông một cõi, uy thế tùy từng cấp bậc nhưng tựu trung đều có thể thét ra lửa. Thế mà giờ đây, hình ảnh của quyền lực ấy được gom về một chỗ, nằm lặng lẽ trong những chiếc hộp, tủ kính, chẳng còn quyền sinh quyền sát được ai.
Có những con triện ấn xuống có thể đưa con người ta lên đỉnh vinh hoa, và cũng có những con dấu gằn xuống vùi kẻ khác tận bùn đen. Thú chơi đồ cổ với "món" ấn triện ẩn chứa đầy những dấu ấn lịch sử và số phận đời người như nhà sưu tập Nguyễn Văn Phẩm này thật khó ai sánh bằng!
|