(VietNamNet) - "Với tôi, máy ảnh luôn gắn liền với cơ thể, như cơm người ta để ăn, không khí để người ta thở vậy", nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoài Linh tâm sự.
Cảm xúc Hà Nội
|
Phố Hàng Mắm - 1997. |
Linh chỉ chụp ảnh đen trắng. Vì sao thế? "Điều rất đơn giản là ảnh đen trắng có một ngôn ngữ riêng, đằm thắm hơn, đôi khi cái đẹp của nó rất sâu. Nếu như ảnh màu nhìn vào thấy rất đẹp mắt nhưng với ảnh đen trắng chỉ còn lại những ngôn ngữ ẩn chứa bên trong, bỏ đi những gì rườm rà nhất thì chỉ cô đọng lại những ý nghĩa sâu sắc".
Bây giờ Linh vẫn làm việc thủ công từ việc tráng phim, rửa ảnh, phóng ảnh... chỉ vì "ảnh đen trắng nó hợp như thế". "Mỗi lần phóng ảnh thủ công là sáng tác lần thứ 2 trong buồng tối. Phóng ảnh thủ công sâu hơn, tinh tế hơn rất nhiều và cảm giác nó mang lại trong buồng tối chỉ mình anh có. Nhiếp ảnh nó cũng đòi hỏi người chơi sự cầu kỳ và cả tốn kém nữa". Năm ngoái, trong chuyến đi Mỹ làm triển lãm, vèo một cái Linh mất vài ngàn đô chỉ để đổi lấy vài thiết bị trang bị cho buồng tối.
|
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoài Linh. |
"HN chiếm một phần lớn trong tôi. Vừa cách đây mấy hôm thôi, khi đang đi trên con phố Bạch Mai, sao tự nhiên mình nhìn thấy bao nhiêu điều mà chẳng thể nắm bắt hết". Cho dù đâu đó vẫn còn những cảnh đời nghèo khó, một bà già cầm chiếc khăn thấm hồ môi với thùng bánh mỳ nặng trĩu trên đầu một góc phố Phùng Hưng năm 1996 hay một thợ bốc than lấm lem và khắc khổ nơi chân cầu Long Biên năm 1998... thì ảnh của Linh vẫn tràn ngập xúc cảm về một HN tràn ngập màu sắc với một góc phố Hàng Mắm tràn ngập nắng sớm, đoạn đường vắng vẻ trên phố Quang Trung trong buổi xế chiều năm 1998 với một chiếc xích lô ngả bóng nắng trên đường... Ảnh Linh chụp về HN xa thì trên chục năm, gần thì chỉ cách đây vài năm nhưng nó vẫn mang dáng dấp của một cái gì đó rất xưa, rất xa nhưng cũng rất gần. Đọc lời đề tựa trong cuốn sách ảnh đầu tiên của Hoài Linh về HN - Hanoi Emotion (Cảm xúc Hà Nội) mới biết hết đam mê anh dành cho HN và nhiếp ảnh lớn đến mức nào:
|
Văn Miếu - 1999. |
"Nhiều khi, tôi nghe thấy trong những âm thanh ồn ã của phố phường Hà Nội, một giai điệu rất trầm Nhiều khi, tôi nhìn thấy trên những gương mặt lạ đi ngang qua buổi chiều của thành phố này, một nụ cười rất quen. Nhiều khi, tôi nhận thấy dưới những không gian nén chặt của khu phố cổ, một mùi hương rất khẽ. Nhiều khi, tôi cảm thấy lúng túng không biết làm sao để yêu hết được thành phố quê hương này. Những khi ấy, tôi bấm máy...."
Duyên nợ với nhiếp ảnh
|
Phố Quang Trung - 1998. |
14 năm cầm máy và cũng có nhiều giải thưởng kha khá trong tay, dường như nhiếp ảnh là cái nghiệp đeo đẳng Linh. Anh đến với nhiếp ảnh năm 1989 rất tình cờ qua nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thanh. "Qua cuộc nói chuyện phiếm anh Thanh có nói rằng tôi có tố chất chụp ảnh và có muốn học không? Tôi đồng ý học và nghĩ chỉ để chụp chơi mà thôi, thích gì chụp nấy nhưng khi đã dính vào nó rồi thì không thoát ra được". Linh giải thích: "Cũng như người ta học về hình hoạ vậy, lúc đầu muốn vẽ thật đúng, thật chuẩn sau đó lại muốn phá cách tất cả. Sau một thời gian chụp về HN tôi muốn thả lỏng tất cả chỉ chạy theo cảm xúc của mình".
|
Ngõ Hội Vũ - 1998. |
|
Phố Đông Thái - 2000. |
Ngoài việc chụp cho nhiều tờ báo trong nước, Hoài Linh còn cộng tác với các tờ báo nước ngoài. Gần đây nhất Hoài Linh vừa cộng tác với tờ National Georgaphic số tháng 5/2005 với 10 bức ảnh về quá trình khai quật khu di chỉ Hoàng thành Thăng Long. Hoài Linh cũng từng cộng tác với tạp chí Time của Mỹ, Télérama của Pháp... và một số báo nước ngoài ở VN. "Nếu như trước đây cộng tác là để trả lời câu hỏi mình có đáp ứng được yêu cầu của họ không thì bây giờ chỉ là việc mình có làm được tất cả những gì mình muốn chưa mà thôi".
Link: kết nối VN với thế giới bằng nhiếp ảnh
|
Phố Khâm Thiên - 2001. |
Tháng 7 tới Hoài Linh sẽ cùng Peter Stainhauer - một người bạn Mỹ mở một triển lãm ảnh đen trắng về VN mang tên "Việt Nam: Một thập kỷ qua những hình ảnh". 60 bức ảnh, 60 cách nhìn khác nhau, 60 góc máy khác nhau nhưng đều toát lên một tình yêu Việt Nam, yêu HN trải dài suốt 10 năm (1995-2005) cũng là 10 năm thiết lập quan hệ Việt Mỹ và 10 năm tình bạn giữa hai người. Tháng 9 năm ngoái Peter và Hoài Linh cũng đã mang những bức ảnh này tới Mỹ, tới Washington DC. và bây giờ mới có điều kiện giới thiệu tại HN. Hoài Linh và Peter gặp nhau rất tình cờ. Peter Stainhauer sinh sống tại Colorado, bố Peter là bác sĩ quân y từng làm việc tại Đà Nẵng trong chiến tranh VN. Peter đã được nghe kể rất nhiều về VN qua người bố qua những hình ảnh và câu chuyện về VN. Sự tò mò đã đưa anh chàng này tới VN, từ mục đích du lịch, vì tình yêu VN quá lớn, Peter đã trở về Mỹ bán hết những gì thuộc quyền sở hữu của mình trở lại VN và sống nhiều năm trời. Ngoài cuốn sách ảnh chung với Hoài Linh, Peter cũng đã có một cuốn sách ảnh riêng về VN mang tên Vietnam: lanscape & portraits.
|
Phố Hàng Phèn - 2001. |
Cả hai cùng trạc tuổi, đều thích hoà đồng, hài hước... nên nhanh chóng quấn lấy nhau. Khi đó Peter chụp một chiếc máy Canon hiện đại lắm lắm trong khi tôi đang dùng chiếc máy cổ lỗ sĩ nên rất thích. Sau một thời gian sống tại Singapore rồi quay về Mỹ, bây giờ Peter đã lập gia đình và định cư tại TP.HCM". Nhờ nhiếp ảnh và một tình yêu VN, có những buổi chiều cả hai cùng nhảy lên xe máy lang thang đuổi bắt mặt trời và cuối cùng điểm dừng chân là một bản làng dân tộc, vứt xe dưới chân núi leo lên đỉnh thì không kịp chụp nữa, thở không ra hơi.
|
Bánh mì rong - phố Phùng Hưng, 1996. |
|
Cổng chùa Vũ Thạch, phố Bà Triệu - 1999. |
|