(VietNamNet) - Tự nhận mình không phải là một người sành chơi đồ cổ nhưng Mạnh Đạt lại đang sở hữu trên ngàn món đồ cổ chủ yếu là của người Việt xưa.
Mất tiền mua đồ cổ có khi chỉ được của lạ!
|
Tay chơi Mạnh Đạt. |
Mê đồ cổ từ nhỏ, Mạnh Đạt lặng lẽ cóp nhặt và cất giữ những món đồ bé xíu ngay cả khi đó là mảnh sứ vỡ đầy đất nhặt được ở đâu đó trông giống... đồ cổ. Khi còn bé xíu ông đã theo mẹ đi chùa Hương, ông đã mê mẩn và nhặt về một mảnh sành cũ kỹ và vài hòn đá rồi lưu giữ đến bây giờ. Cuộc sống cơ cực thời trẻ không cho phép ông nuôi dưỡng tham vọng sở hữu một bộ sưu tập đồ cổ dày dặn và chỉ khi xoá bỏ chế độ bao cấp tất cả mới bắt đầu, nhưng tiếc là có nhiều món đồ khi đã dành dụm đủ tiền thì chẳng còn biết mua được ở đâu.
|
Phù điêu Mái đình cổ đời Lê được treo ngoài... mái. |
Mạnh đạt kể: "Mỗi ngày một tí, đến lúc ngoảnh lại cũng giật mình, không thể tin mình lại mua được nhiều món đến thế. Nhiều khi tất tả chạy tìm mua một món đồ nhưng chỉ được cái lạ!" Giới nhiếp ảnh Hà Nội chẳng ai là không biết đến ông, có người bảo "lão ấy chơi đồ cổ kinh dị lắm, cứ đến mà xem thì biết". Mạnh Đạt có vẻ dè dặt khi giới thiệu về những món đồ mình sở hữu và cũng khắt khe ngay với cả việc chúng tôi xin chụp lại vài hình ảnh trong bộ sưu tập đồ cổ quý của ông.
|
Bộ sưu tập gốm sứ đồ sộ. |
Ngoài bộ sưu tập đồ gốm sứ cổ thì đồ gỗ cũng chiếm một phần rất lớn từ những bức hoành phi, câu đối bằng gỗ quý được thếp vàng đến những bức tượng Phật, tượng Ngọc Hoàng và cả những bát hương đã bị mối mọt ăn sâu hoắm... tất cả đều được đặt ở những vị trí trang trọng trong nhà.
|
Bộ sưu tập gốm sứ với nhiều niên đại khác nhau. |
|
Câu đối độc đáo nhất. |
|
Thứ gì cũng có! |
Những cú vồ mồi hụt!
Ông vẫn còn nhớ như in câu chuyện cha kể lại từ hồi nhỏ mà cứ nghĩ tới ông lại thấy tiếc. "Ngày xưa có một thời gian cha mình làm thầu khoán ở Thanh Hoá thấy người ta kéo lưới và may mắn chạm phải một chiếc tàu cổ toàn đồ gốm. Tay người Pháp nói với những người kéo lưới rằng nó sẽ đổi cho mỗi thúng đồ cổ lấy một thúng thóc. Vì đói và cũng chẳng biết giá trị của những mảnh sứ kia, người ta cứ thế vớt đồ lên đổi thóc đến lúc sân nhà tên người Pháp kia không còn chỗ trống. Nghe xong câu chuyện ấy tôi sởn gai ốc vì tiếc".
|
Đám đồ cổ bé xíu náy có món có niên đại hơn 2000 năm. |
"Nếu nói chiếc chén ấy từng được Vua Tống dùng thì tôi đếch cần, tôi chỉ cần qua 100 cái chén nói lên toàn bộ suy nghĩ của dân tộc VN thời đó do ai đô hộ thì tôi sẽ chọn". Qua lối nói chuyện phớt đời của người nghệ sĩ này có thể đoán định được đam mê của ông dành cho những món đồ hiện thân của quá khứ.
"Có khi mình phải mất hàng giờ tra sách và hỏi bạn bè am tường về lịch sử và đồ cổ xem món mình vừa mua thuộc giai đoạn nào. Pho tượng Ngọc Hoàng tôi đang sở hữu cũng thế. Lúc đầu mình chẳng biết gì, vì nhìn bức tượng trông như như người Ả rập, cuối cùng mới biết hoá ra đó là tượng Ngọc Hoàng".
|
Pho tượng Ngọc Hoàng quý giá. |
Ông nói về chuyện bỏ lỡ mất cơ hội mua hai tượng ông Tễu có từ ngày xửa ngày xưa cách đây ngót nghét 20 năm. "Hồi đó người ta ra giá 300 USD rồi lên tới 700 USD nhưng mình thấy giá quá cao nên không mua. Bây giờ đến lúc có khả năng mua thì người sở hữu chúng lại quá giàu có và không có nhu cầu bán lại nữa, thật tiếc quá. Ngày xưa, có lần mình về Ninh Bình thấy người ta mang đi vứt cả chiếc Khánh đá đời nhà Lý nhưng vì quá nghèo nên còn không thể thuê chở nổi về nhà". "Vồ hụt" những món đồ quý là chuyện không thể tránh khỏi của dân chơi, nó cũng giống như việc "vớ" được những món hời với giá rẻ như chuyện hai năm trước, một lần lang thang vào miền Trung, Mạnh Đạt vớ gặp được mẻ đĩa cổ vớt từ một con tàu cổ ở Hội An và mua về với giá 50.000đ/chiếc, tổng cộng là 2 triệu đồng, đến giờ có lẽ giá trị của chúng có thể gấp hàng chục, hàng trăm lần.
Sở hữu đồ thờ tự, đồ gia bảo của thiên hạ
|
Một bảo tàng thu nhỏ. |
Thật thiếu sót nếu quên mất những bức hoành phi câu đối độc đáo mà ông đang sở hữu. Cả hai tầng nhà được xây theo kiểu nhà Việt cổ tràn ngập tượng gỗ và hoành phi câu đối. "Nửa cuối những năm 80 nhiều món rất rẻ vì bị chủ nhân của chúng bán đổ bán tháo. Không có tiền, người ta có thể đem bán đôi câu đối quý của bố mình, thậm chí người ta còn bán cả bàn thờ cổ của gia tộc để lấy tiền. Nhiều gia đình vẫn còn những ngai thờ rất đẹp nhưng với thế hệ sau này, khi xây lại nhà, mấy ai còn muốn giữ lại những món đồ cũ kỹ ấy, thấy chúng đẹp, được sơn son thếp vàng, tiếc nên mình mua lại".
|
"Nửa" bộ bát bửu |
Hơn chục năm nay, tầng hai ngôi nhà của ông được biến thành kiểu nhà 3 gian 2 chái theo lối nhà của người Việt xưa để những món đồ cổ không bị đặt trong một không gian lạc lõng. Bước vào không gian này tôi có cảm giác như bước vào một ngôi chùa với những bức tượng gỗ có ngai và cả không ngai được đặt san sát, 2 khu điện thờ với nhiều thứ đồ quý trong đó khu thờ chính còn đặt bộ bát bửu mà ông vô tình mua lại được từ hai anh em ruột phải bán đồ thừa kế của cha vì miếng cơm manh áo.
"Tôi còn nhớ năm 1990 có một cậu rất trẻ tìm đến tôi nói rằng cậu ta có 4 món gươm đao cổ và bán cho tôi 50.000 đồng. Thấy tội quá nên tôi mua lại với giá 70.000 đồng. Chẳng biết để làm gì tôi buộc chúng ở bốn góc bàn lớn chỉ để trang trí mà thôi vì một bộ bát bửu phải có 8 món, 4 món thì chẳng có giá trị gì. Hai năm sau lại có một người vác nốt 4 món còn lại trong bộ bát bửu tới nhà tôi, hoá ra đó chính là em trai của anh chàng nghèo hồi trước, bố qua đời nên chia cho hai người mỗi người 4 món trong bộ bát bửu, đúng là chuyện lạ!".
|
Bức hoành phi được thếp vàng. |
Ngoài những chuông đồng, hoành phi câu đối, bộ bát bửu, hoàng hạc, lư hương, ở góc bên trái của gian chính, một chiếc tủ kính lớn choán cả bức tường xếp toàn đồ sứ với bình, lọ, choé, bát, đĩa... cổ. Phía dưới là một ngăn tủ chỉ bày toàn những món đồ sứ bé xíu, từ chiếc ấm nhỏ như đồ chơi được tráng men và khắc vẽ cầu kỳ đến những chiếc bình vôi bằng hai ngón tay hay chiếc cối hình lục giác chỉ nhỉnh hơn chiếc cốc con rót rượu đặt trên bàn thờ nhưng có niên đại hơn 2000 năm tuổi, rất nhiều món đồ có từ đời Hán.
|
Chiếc bình gốm có từ đời Hán. |
|