(VietNamNet) - Một căn phòng, hai người và hơn nghìn viên đá. Người câm lặng mà đá lại nói, nói rất nhiều...
Một viên đá kể chuyện Kinh Kha băng sông Dịch hành thích vua Tần, vẳng tiếng hát tiễn biệt Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn/Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn buốt trong gió lạnh. Viên đá khác lại kể về đôi tình nhân phiêu bạt Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh tạm dừng chân bên bìa rừng cùng tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ. Viên khác lại kể chuyện ông đồ áo the khăn đóng múa bút trong se sắt lá vàng bay mà người Qua đường không ai hay (Vũ Đình Liên)...
|
Ông đồ |
Ai ngờ đá cũng vẽ lên được hình dáng một người con gái đang cúi mặt khóc. Khóc đến mức khóe mắt bật máu. Chủ nhân gọi tên là Lệ đá, lệ đá tuôn rơi dòng dòng nối tiếp (HHC). Đá còn vẽ dáng hình một người chinh phụ ôm con trong căn nhà nhờ nhờ tối, phía trước mặt bóng người ngựa đang mờ xa...
Đá vẽ, kể được những câu chuyện đặc sắc như thế, người cầm lòng sao đặng. Chủ nhân của căn nhà đá, chị Kha Quỳnh Châu bảo có nhiều lúc chị cùng chồng kéo nhau vào phòng ngồi cả giờ đồng hồ lặng nhìn những viên đá biết kể chuyện. Ngồi trong nhà đá để quên hết chuyện cơm áo, nhưng những điều mà đá chất chứa cũng nặng trĩu chuyện đời.
|
Lệ đá |
Tặng, xin, mua, nhặt, đổi...
Nhìn bộ sưu tập những viên đá biết nói đầy ấn tượng ấy, ít ai ngờ nó bắt nguồn từ một viên cuội nhỏ bằng đầu ngón tay tầm thường lăn lóc ngoài vườn nhà. Nhỏ nhưng nó giống một trong hai hòn trong cụm hòn Gà chọi trên vịnh Hạ Long. Chủ nhân chợt lóe lên ý nghĩ thu thập những viên đá có hình dáng và hoa văn lạ. Thế là cuộc chơi bắt đầu.
Hơn 10 năm, hơn nghìn viên đá. Hơn nghìn viên đá không đầy góc vườn, nhưng đủ lấp kín khoảng trống tuổi xế bóng trong căn nhà ở ngoại ô Sài Gòn.
|
Tiếu ngạo giang hồ (hình ảnh Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh ở trung tâm viên đá) |
Tặng, xin, nhặt, mua, đổi... là những cách thức mà chị đã làm để có được những viên đá. Ban đầu đi nhặt, từ loanh quanh chỗ ở đến những địa phương có điều kiện đặt chân tới. Sau đó đi xin, mua, trao đổi ở các xưởng đá. Về sau có thêm nguồn tặng từ bạn bè người thân với những loại đá lạ ở nước ngoài.
Vác về có khi cả bao đá, nhặt nhạnh chọn lựa nhưng chủ nhân không tác động gì lên những tác phẩm đá. Chỉ phết một lớp hóa chất làm bóng để lưu giữ dài lâu hình ảnh của chúng. Chẳng cần biết có bao nhiêu loại đá, chẳng cần xem đó là viên cuội tầm thường bên đường đi hay loại đá bán quý, chỉ cần nó có hình, dáng gợi lên câu chuyện.
|
Kinh Kha |
Cảm nhận linh hồn đá
Bộ sưu tập nhiều cuội, sỏi, ít thạch anh, cẩm thạch. Nhưng cái quý giá không nằm ở loại đá mà ở hồn đá. Một phần bộ sưu tập khi còn trưng bày tại một quán cà phê trong hẻm nhỏ - vì thế mà quán mang luôn tên Vườn đá - đã là cái nam châm hút khách cho quán. Người ưa hoạt động đứng lên đặt tên cho đá. Kẻ trầm tĩnh ngồi ngắm cái hồn ẩn dật của đá giấu sau vẻ ngoài lạnh lùng.
Vì cái hồn trừu tượng ấy mà nhiều người kém tưởng tượng, ít bay bổng đã không thể nào nhìn ra. Với họ, đó là những viên đá có chất lượng... không tốt vì xước, gãy, mẻ...! Còn người có duyên với đá cảm được ngay từ cái nhìn đầu tiên. Giải thích theo nhà Phật là ngộ đá, giải thích có chút màu sắc khoa học là đã bắt được tần số của viên đá có hàng triệu năm tuổi.
Chị Kha Quỳnh Châu: Đá có ma lực...
|
Chị Châu bên bộ sưu tập |
Người ta sưu tầm các loại đá, còn tôi chơi tranh trên đá, hồn của đá. Đi du lịch, người khác nhìn ngắm phong cảnh, còn tôi cúi mặt xuống đất để tìm đá. Có khi mang về cả chục ký đá giấu không cho tài xế biết nhưng cũng có khi tiếc ngẩn ngơ vì có viên đá nặng quá không đưa về được.
Đá là ma lực, lạc vào thế giới của nó là mình say mê quên cả chuyện cơm áo gạo tiền. Ông xã trước làm kinh doanh, tôi làm ngân hàng nhưng cùng mê sách, mê nhạc, nay lại cùng mê đá. Chúng tôi dự tính sắp tới sẽ làm một chuyến xuyên Việt đi tìm đá, đi bằng quốc lộ 1, về bằng đường Hồ Chí Minh. |
Chính chủ nhân không phải lúc nào cũng cảm được hồn đá. Có viên chị không biết vì sao mình lại để nó nằm trong nhà cả tháng ròng khi nó chẳng gợi lên điều gì. Nhưng một ngày cầm lên tay bỗng nhận ra điều mà đá muốn nói. Viên Lệ đá kể trên nằm trong số này. Cũng có viên đã nhìn ra hình dáng, đã đặt tên, tình cờ xoay chiều hoặc lật ra sau lưng, bỗng hiện lên thêm một câu chuyện khác.
Một vết xước trên viên đá cho một cánh chim lạc trong chiều, nhưng còn cho hơn một cánh chim bình thường khi chủ nhân lại tìm thấy một viên khác có vết xước hình cá lặn sau đó ít lâu. Đặt chúng cạnh nhau sẽ là trầm ngư lạc nhạn, để chiêm nghiệm về vẻ đẹp của người phụ nữ.
|
Thăm hoa |
Ngắm đã tưởng người...
Không lạ khi khách tìm đến với những viên đá có rất nhiều nhà tu hành. Bởi những câu chuyện mà đá chuyển tải có chút thiền và kỳ lạ, hầu hết đều trầm buồn. Một ông già đeo bầu rượu đi về phía núi Trời đất mang mang ai người tri kỷ/Lại đây cùng ta cạn một hồ trường, một ông lão khác ngồi nhìn mông lung vào cõi trời đất tịch mịch bao la, rồi một ông đứng cầm cần bên bờ suối gợi tích Khương Tử Nha dùng cần câu không lưỡi câu thời, câu vận bên suối Bàn Khê...
Còn câu chuyện nhà thơ Phạm Thiên Thư dắt cả vợ đến uống trà, ngắm viên đá có cái tên mượn từ bài thơ nổi tiếng của ông Động hoa vàng, được chủ nhân nhắc lại với niềm hãnh diện. Trên viên đá ấy rực rỡ một loài hoa vàng phủ trên vách đá, một con thuyền đang lững lờ đi vào động, gợi nhớ Rằng xưa có gã từ quan/Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.
|
Thiếu nữ |
Nhờ đá, chủ nhân có thêm rất nhiều bạn tâm giao. Khi đá được dời về vườn nhà ngoại ô, nhiều người không còn đến quán cà phê cũ nữa. Mà căn nhà đá ấy chủ nhân lại không muốn cho nhiều người biết, nên lắm kẻ ngẩn ngơ.
Người viết bài này là một trong số ít kẻ may mắn được một lần ngồi nhà đá. Ngồi và thấy thành phố rộng lớn trong kia chật chội hơn ngôi nhà đá nhỏ bé vùng ngoại ô này.
|