(VietNamNet) - Nói chuyện gì người đàn ông này cũng lộ chất ngang tàng khinh thế ngạo vật nhưng đụng đến gốm là ông trở thành một con người vừa lịch lãm vừa cẩn trọng...
|
Thố con gà |
Đó là Đào Văn Hiến, người đàn ông chuyên sưu tầm gốm Lái Thiêu (Bình Dương), dòng gốm vẫn còn hiện hữu nhưng bản sắc đã nhạt đi nhiều. Tất nhiên, bộ sưu tập của ông không phải là những món đồ gốm sản xuất hàng loạt đã phai dần bản sắc của Lái Thiêu bây giờ. Đó là những cái bình, ấm, tô, chén... cũ kỹ mà bất cứ ai đã từng sống ở nông thôn nhìn vào cũng đều thấy bồi hồi.
Khác với người sưu tầm gốm sứ Trung Hoa có thể tìm hàng ở khắp nơi, chơi gốm Lái Thiêu là chơi những món đồ bản địa chỉ có ở vùng Sài Gòn lục tỉnh. Thêm nữa, khác với gốm Trung Hoa thường là những món đồ cung đình sang trọng ít có tì vết, gốm Lái Thiêu có những sản phẩm luôn làm người chơi bất ngờ.
|
Gối bằng gốm |
Trong bộ sưu tập của người đàn ông này có nhiều món đồ có một không hai. Một chiếc ống nhổ màu men xanh ve chai đặc trưng của gốm Lái Thiêu, trong quá trình nung gặp trục trặc nên xuất hiện những vệt nâu đỏ trên thân rất lạ. Một cái lu màu tía bình thường bỗng xuất hiện những vệt khác màu... Những món đồ như thế có tung lắm tiền đặt làm cũng không nghệ nhân nào làm được chiếc thứ hai.
Ông Hiến bảo đó là sự ngẫu hứng của bà hỏa. Bởi trong cái lò nung nóng cả nghìn độ, chẳng có bàn tay người nào thò vào được để điều chỉnh. Một mẻ vỡ ra, chín phần sản phẩm có thể bị hỏng nhưng còn lại một phần có khi cho những đồ độc. Với gốm Lái Thiêu đó là chuyện bình thường, bởi đây là dòng gốm sản xuất ra những món đồ gia dụng, không cầu kỳ, kỹ lưỡng như đồ gốm cho chốn cung đình.
|
Tô, ống đựng đũa và... ống bô |
Ngẫu hứng của lửa và người
Gốm Lái Thiêu là hiện tượng thuộc hàng độc đáo nhất trong số hàng chục làng nghề gốm trên khắp đất nước. Đây là sản phẩm của những người Trung Hoa đầu tiên đặt chân lên vùng đất trù phú miền Đông Nam bộ giữa thế kỷ 19. Ban đầu nó là sự kết hợp giữa các dòng gốm Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông của Trung Hoa. Về sau, trong từng nét gốm Lái Thiêu còn thể hiện sự giao thoa văn hóa nhuần nhị của người Hoa, người Việt và phương Tây.
Có những món đồ trong bộ sưu tập này được trang trí vẫn còn mang màu sắc Trung Hoa như vẽ lan, vẽ trúc, nhưng cũng có những món đã vẽ hoa hồng, thậm chí hình quả địa cầu, mang dấu ấn hội họa châu Âu. Đặc biệt là sự chuyển hóa rất nhẹ nhàng từ những hình tượng của người Trung Hoa sang những hình ảnh gần gụi trong đời sống người Việt. Con chim sáo bên chùm hoa mẫu đơn thường gặp trên mặt gốm được thay dần bằng con chim trao trảo, sau đó hoa mẫu đơn cũng được thay luôn bằng hoa dâm bụt dung dị mà đất Bắc không thể có.
|
Hũ men xanh đặc trưng của gốm Lái Thiêu |
Rồi một chiếc bình trà vẽ hoa lan thoạt nhìn đầy chất hội họa Trung Hoa nhưng xoay mặt bên bỗng bắt gặp dòng chữ Nguyễn Thị Cúc mộc mạc từ nét chữ đến tên người. Cũng một con gà, nhưng trên chiếc bình này nó là con gà Tàu, trên chiếc ấm kia, nghệ nhân đã biến nó thành một con gà Tây. Ngay cả khi vẽ rồng phượng, nét cọ cũng đã có hơi hướm kiểu vẽ của người phương Tây.
Vậy nên, không chỉ có lửa mới ngẫu hứng với gốm trong lò, mà những nghệ sĩ vô danh ngồi vẽ trong những lùm cây trái xanh um của đất Lái Thiêu cũng có những khoảnh khắc xuất thần trên thớ đất nung quê mình.
|
Bình trà, chén |
Giữ hồn gốm quê
Ít ai biết gốm Lái Thiêu đã từng một thời bị người dân lẫn giới sưu tập xem thường vì nó quá bình dị, không đủ làm cho chủ nhân trở nên sang quý hơn như các dòng gốm khác! Sang thế nào được khi sắc gốm đã trầm tịch, nằng nặng, lại chỉ thấy gà với hoa dâm bụt nhà quê, chứ không phải tùng cúc trúc mai đài các.
|
Ông Đào Văn Hiến |
Tôi muốn giữ lại gốm Lái Thiêu không chỉ bằng văn bản, kiến thức sách vở mà còn bằng hiện vật "nói có sách mách có chứng". Trong vòng 3 năm tới, tôi sẽ cố gắng tập hợp anh em lại làm một cuộc triển lãm đầy đủ nhất để tái hiện dòng gốm này.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có nền văn hóa gốm sứ nhưng đã mai một đi nhiều, còn lại không bằng các nước khác. Tôi muốn không chỉ mình tôi làm việc này mà còn tha thiết kêu gọi nhiều người có tâm huyết với gốm cùng làm. Chúng ta phải có trách nhiệm với thế hệ mình và với cả mai sau. |
Khi người ta thấy quý và bắt đầu sưu tầm nó thì cũng là lúc gốm Lái Thiêu chỉ còn lại rất ít trong đời sống. Sự tinh xảo nhờ kỹ thuật hiện đại trong những sản phẩm gốm sứ nổi tiếng khác của Bình Dương hiện nay đã khỏa lấp nét mộc mạc của gốm Lái Thiêu xưa mất rồi!
Người đàn ông này có được cái may mắn khi đã qua thời người đi tìm của. Bây giờ là lúc của đi tìm người, có người biết tiếng, đến biếu không ông vài món, vì có giữ lại trong nhà, họ cũng chẳng biết làm gì, dùng thì không bằng đồ gốm sứ mới, trưng bày thì không phải là loại đẹp mã. Nhưng không có nhiều người như thế, vì đồ gốm Lái Thiêu cũng chẳng còn mấy.
Thế nên, ngoài vài lần cảm động trước những ông cụ lụm khụm bê đồ đến biếu, ông cũng đã từng thộp cổ mấy thằng ất ơ dọa giải lên công an khi chúng gạ bán đồ giả cho mình.
Từng là giảng viên đại học, hiện là nhà nghiên cứu vi sinh, giám đốc kỹ thuật môi trường cho một công ty chuyên về hải sản, ông chẳng dính dáng gì đến mấy món gốm xù xì này. Vậy mà ông yêu thứ gốm Lái Thiêu quê mùa đau đáu. "Gốm Lái Thiêu khi còn nguyên vẹn thế này không ai thèm gìn giữ, người ta chỉ muốn thế hệ con cháu sau này nghiên cứu nó trên những mảnh sành vỡ!".
|