,
221
5083
Tác phẩm
tacpham
/vanhoa/tacpham/
912350
Giorgos Seferis
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Giorgos Seferis

Cập nhật lúc 09:56, Thứ Hai, 16/04/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Sáng tác thơ ca của Seferis tuy không nhiều, nhưng nhờ tính độc sáng của tư tưởng và phong cách cũng như vẻ đẹp của ngôn ngữ đã trở thành biểu tượng trường cửu của tất cả những gì không thể hủy diệt trong sự khẳng định của người Hy lạp về cuộc sống.

1.jpg
Giorgos Seferis
Giorgos Seferis (13/3/1900 - 20/9/1971)

Giải Nobel Văn học 1963

* Nhà thơ Hy Lạp

* Nơi sinh: Smyrna (Thổ Nhĩ Kỳ)

* Nơi mất: Athens (Hy Lạp)

Giorgos Seferis được trao giải vì các tác phẩm thơ trữ tình xuất sắc, thể hiện sự ngưỡng mộ sâu xa đối với thế giới Hellade (Hy Lạp) cổ đại. Là một nhà ngoại giao tài năng, Seferis đồng thời đã sáng tạo nên những tuyệt phẩm mà về ý nghĩa có thể sánh ngang với thơ của các nhà thơ cổ điển Châu Âu. Trong thơ ông, huyền thoại chợt hồi sinh, chất cổ xưa và tính hiện đại tạo thành một ẩn dụ hài hòa một cách hoàn toàn tự nhiên.

Giorgos Seferis tên thật là Giorgos Stilianu Seferiadis, con trai cả trong một gia đình luật sư khá giả ủng hộ phong trào giải phóng đất nước. Thời nhỏ G. Seferis học ở Smyrna, 13 tuổi bắt đầu làm thơ cùng với bố. Năm 1918 ông cùng gia đình chuyển đến Paris, theo học Luật tại Đại học Sorbonne và quan tâm tới văn chương.

Trở lại Athens vào năm 1925 sau khi bảo vệ luận văn, G. Seferis làm việc tại Bộ ngoại giao Hoàng gia Hy Lạp, giữ các cương vị cao ở Anh (1931 - 1934) và Albania (1936 - 1938). Trong Thế chiến II, ông cùng chính phủ Hy Lạp lưu vong tới sống ở Ai Cập, Nam Phi và Italia trước khi trở lại Athens được giải phóng năm 1944. Sau chiến tranh, G. Seferis tiếp tục làm việc ở Bộ Ngoại giao Hy Lạp, giữ các trọng trách ở Ankara (1948 - 1950), London (1951 - 1953), Lebanon, Syria, Jordan và Iraq (1953 - 1956) và là Đại sứ Hoàng gia Hy Lạp ở Anh từ năm 1957 tới 1961. Ông nhận được rất nhiều bằng danh dự và giải thưởng, trong đó có bằng Tiến sĩ Danh dự của đại học Cambridge (1960), Oxford (1964), Salonika (1964) và Princeton (1965).

Các tác phẩm của G. Seferis mang nhiều màu sắc, âm hưởng của những nơi ông từng đến với các đề tài về sự xa lánh, về người lang thang và cái chết. Tập thơ đầu tiên Điểm ngoặt (1931) chỉ in 150 bản, tên sách trong nguyên tác vừa có nghĩa "Khổ thơ", vừa có nghĩa "Điểm ngoặt", tượng trưng cho một bước chuyển mới trong thơ Hy Lạp. Tiếp đó là tập thơ trữ tình theo chủ nghĩa tượng trưng Cái bể nước (1932) đề cập đến những ước mơ trong sâu thẳm tâm hồn con người, những ước mơ bị quên lãng trong cuộc sống ngày thường.

Trong những tác phẩm sau này, G. Seferis nói nhiều đến sự hiện hữu của quá khứ trong hiện tại, bắt đầu bằng Thần thoại (1935). Ông đã cho ra đời các tập thơ: Cuốn sách bài tập (1940) và Nhật kí hải trình I (1940), Nhật kí hải trình II (1944), Xô đẩy (1947), Nhật kí hải trình III (1955). Ngoài các tác phẩm thơ, năm 1962 ông xuất bản tập Tiểu luận, và năm 1965 là tuyển tập dịch thơ của các nhà thơ Anh, Pháp, Mỹ mang tên Bản sao. Sáng tác thơ của G. Seferis giai đoạn 1924 - 1955 được in cả ở Hy Lạp và Mỹ. 

Năm 1962 G. Seferis về hưu; năm 1963 ông được tặng giải Nobel "vì những tác phẩm trữ tình xuất sắc ca ngợi sức sống tộc người Hellade". Trong Diễn từ, G. Seferis nói: "Đối với tôi, điều quan trọng là người Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng cho một nhà thơ dù người đó là đại biểu cho một dân tộc ít người". Năm 1971 G. Seferis qua đời, hàng ngàn thanh niên đi theo linh cữu ông hô lớn: "Bất tử! Tự do! Bầu cử!" và hát những bài ca phổ thơ G. Seferis.

* Tác phẩm:

 - Điểm ngoặt (Strofi, 1931), thơ [Turning point].

- Cái bể nước (Sterna, 1932), thơ [Cistern].

- Thần thoại (Mythistorema, 1935), thơ [Mythistorema].

- Cuốn sách bài tập (Tetradio gymnasmaton, 1940), thơ [Book of exercices].

- Nhật kí hải trình I (Imerologio Katastromatos I, 1940), thơ [Logbook I ].

- Nhật kí hải trình II (Imerologio Katastromatos II, 1944), thơ [Logbook II].

- Xô đẩy (Kichli, 1947), thơ [Thrush].

- Vua Asine và những bài thơ khác (The king of Asine and other poems, 1948).

- Nhật kí hải trình III (Imerologio Katastromatos III, 1955), thơ [Logbook III].

- Ba bài thơ bí mật (Tria Kryfa Poiimata, 1966), thơ [Three secret poems].

- Tiểu luận (Dokimes, 1962), tiểu luận [Essays].

- Bản sao (Antigrafes, 1965), thơ dịch [Copies]

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây 

 

Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển

Anders Österling, thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển

Giải Nobel Văn học năm nay được trao cho nhà thơ Hi lạp Giorgos Seferis, sinh năm 1900 tại Smyrna. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông cùng gia đình rời đến Athens. Ngay sau khi nguời Hy lạp bị dồn đuổi khỏi Tiểu Á, thị trấn quê hương ông chìm trong khói lửa, và cảnh không nhà - số phận ngàn đời của những kẻ bị phân tán và áp bức - đã tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện suốt những năm tuổi trẻ của nhà thơ.

Seferis du học ở Pháp rồi làm việc tại ngành ngoại giao, ông chịu án lưu đày cùng với Chính phủ Tự Do Hy Lạp khi đất nước này bị [phát xít Đức] chiếm đóng năm 1941, bị chuyển qua nhiều nước trong suốt Thế chiến thứ hai. Ông từng phụng sự đất nước [trên cương vị ngoại giao] ở Cairo, Crete, Bắc Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông. Sau sáu năm giữ cương vị đại sứ ở Luân Đôn, ông nghỉ hưu năm vừa qua và trở về Athens hiến trọn đời nình cho sự nghiệp văn học. 

Sáng tác thơ ca của Seferis tuy không nhiều, nhưng nhờ tính độc sáng của tư tưởng và phong cách cũng như vẻ đẹp của ngôn ngữ đã trở thành biểu tượng trường cửu của tất cả những gì không thể hủy diệt trong sự khẳng định [của người] Hy Lạp về cuộc sống. Giờ đây khi Palamas và Sikelianous không còn nữa, Seferis ngày nay là nhà thơ đại diện cho Hy Lạp tiếp nối di sản cổ điển.

Là một nhân vật hàng đầu của đất nước mình, ông cũng được hoan nghênh nhiệt liệt ở nước ngoài khi thơ của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tại Thuỵ Điển, tác phẩm của ông được công chúng biết đến 13 năm trước qua bản dịch của Hjalmar Gullberg trong đó có bản dịch tác phẩm nổi tiếng The King of Asine mà chủ đề có liên quan tới Thuỵ Điển do những cuộc khai quật thành công của các nhà khảo cổ học ở địa điểm này. Seferis dùng trí tưởng tượng phong phú của ông như một thứ công cụ để xuyên thấu vào bí ẩn đằng sau cái tên chỉ được nhắc đến trong một đoạn của trường ca Iliad. 

Đọc Seferis, ta buộc phải nhớ tới một thực tế đôi khi bị quên lãng, đó là: về địa lý, Hy Lạp không chỉ là một bán đảo mà còn là thế giới của nước và bọt biển. Rải rác đó đây vô số những hòn đảo, Hy Lạp, vương quốc biển cổ kính, là ngôi nhà đầy bão tố hiểm nguy của các thuỷ thủ. Xứ Hy Lạp này là bối cảnh thường trực trong thơ ông, được gợi lên ở đó như huyễn tượng về một vẻ huy hoàng hàm chứa cả sự cay nghiệt và dịu dàng.

Seferis tạo nên điều đó với một ngôn ngữ tinh tế hiếm có, giàu tiết tấu và ẩn dụ. Người ta đã nhận xét xác đáng rằng Seferis, hơn bất kỳ ai khác, đã diễn dịch sự bí ẩn của những hòn đá, những mảnh vỡ cẩm thạch và những bức tượng mỉm cười lặng lẽ. Trong những bài thơ giàu gợi mở của ông, những nhân vật từ huyền thoại Hy Lạp cổ đại xuất hiện song song với những sự kiện gần đây tại chiến trường Địa Trung Hải đẫm máu.

Thơ ông đôi lúc dường như khó lý giải, có lẽ vì Seferis không ưa bộc lộ thế giới nội tại; ông thích ẩn mình sau chiếc mặt nạ nặc danh. Ông thường diễn tả nỗi đau và sự cay đắng bằng cách trần thuật về một nhân vật chính, một loại Ôđixê với những nét mượn từ những thủy thủ già trong vụ mất tích ở Smyma thời trai trẻ của ông. Nhưng chính trong giọng nói [dường như] vắng mặt đó của ông là cả một tấn kịch về những số phận bi thương trong lịch sử Hy Lạp, những vụ đắm tàu và những lần thoát hiểm, những thảm họa và lòng dũng cảm. Về kỹ thuật, Seferis đã đón nhận nguồn động lực lớn lao từ T.S. Eliot, nhưng ẩn dưới giọng điệu đó là giọng riêng không thể nhầm lẫn của ông, mang những tiếng vọng đứt đoạn từ nền nhạc của một dàn đồng ca Hy Lạp cổ đại. 

Seferis từng mô tả chính mình: "Tôi là một người đơn điệu và ngoan cố, trong suốt 20 năm vẫn không ngừng nói đi nói lại cũng từng ấy việc". Có lẽ có phần sự thật trong cách mô tả này, tuy nhiên, cần phải nhớ rằng thông điệp mà ông cảm thấy mình có bổn phận truyền đạt là không thể tách rời với đời sống tinh thần của thế hệ ông trong khi nó tìm thấy chính mình đối diện với nền văn minh Hy Lạp cổ, một di sản luôn xuất hiện như một thách thức kinh khủng [khó vượt qua] cho thế hệ kế thừa đã bị bần cùng.

Một trong những bài thơ đầy ý nghĩa nhất của Seferis miêu tả một giấc mơ trong đó một cái đầu cẩm thạch - quá nặng đối với đôi tay ông, nhưng lại không thể nào đặt sang một bên - rơi lên người ông đúng vào lúc ông sực tỉnh. Chính trong trạng thái tâm thức này ông cất tiếng hát ngợi ca người chết, bởi chỉ sự giao tiếp những với người chết đang chuyện trò trên những cánh đồng lan nhật quang mới có thể mang lại cho người sống niềm hy vọng hoà bình, niềm tin và lẽ phải. Trong cách diễn đạt của Seferis, câu chuyện về các Argonaut trở thành một câu chuyện nửa huyền thoại nửa lịch sử, câu chuyện về những kẻ chèo thuyền mà số trời buộc phải đắm thuyền trước khi cập bến.  

Nhưng Seferis mang lại nguồn sinh lực mới cho bối cảnh u buồn này với niềm vui hùng tráng gợi lên trong ông nhờ quang cảnh đất nước Hy Lạp với những hòn đảo và núi non trập trùng, những ngôi nhà sơn trắng nhô cao trên biển khơi xanh thẳm, một hòa sắc mà ta lại thấy trên lá quốc kỳ Hy lạp. Trong phần kết bài diễn văn ngắn này, tôi lấy làm hân hạnh được nói thêm rằng giải thưởng đã thuộc về Seferis bởi "lối viết trữ tình xuất sắc, được truyền cảm hứng từ một tình cảm sâu xa đối với thế giới văn hoá của Hy Lạp". 

Thưa Ngài! Quả thật là một đặc quyền to lớn cho Viện Hàn lâm Thuỵ Điển để tỏ rõ lòng kính trọng tới nước Hy Lạp ngày nay, đất nước mà nền văn học của nó đã phải chờ đợi quá lâu cho vòng nguyệt quế Nobel. Xin gửi tới ngài những lời chúc từ Viện Hàn lâm Thuỵ Điển, và kính mời ngài đón nhận giải Nobel Văn học năm nay từ tay Hoàng thượng.                           

  • Tân Đôn dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính 

© Culture Globe

 

Diễn từ

Một vài cột mốc của truyền thống Hy Lạp Mới

Nhà thơ Ireland W. B. Yeats - người đoạt giải Nobel năm 1923, mà tôi vô cùng quý trọng, khi trở về từ Stockholm, đã chia sẻ những ấn tượng của mình trong bài kí nhan đề Tấm lòng hào phóng Thụy Điển (The Bounty of Sweden). Tôi đã nhớ tới nhan đề ấy khi được Viện Hàn lâm Thụy Điển dành cho niềm vinh hạnh vô cùng cao quý này. Nhưng chúng tôi, những người Hy Lạp, từ lâu đã biết rằng “Tấm lòng hào phóng Thụy Điển” thật là vô hạn.

Tôi tin chắc rằng mỗi người trong số những đồng bào của tôi, khi biết đến niềm vinh dự to lớn dành cho dân tộc mình lúc này, sẽ lập tức nhớ đến những nghĩa cử hào hiệp, vô tư, nhiệt tình và rất hiệu quả của những người bạn Thụy Điển trên đất nước chúng tôi - dù đó là các nhà khảo cổ học trong thời bình hay các hội viên Chữ Thập Đỏ trong thời chiến. Vì vậy có lẽ khỏi cần phải nhắc lại vô số các hoạt động thiện chí của quý vị liên quan đến đất nước Hy Lạp.

Vào thời điểm Đức vua Gustav Adolf VI đáng kính của quý vị trao cho tôi tấm bằng của người được giải Nobel, tôi đã không thể không nhớ lại với lòng biết ơn rằng từ khi còn ở cương vị Thái tử, chính Ngài đã đích thân giúp đỡ chúng tôi trong các cuộc khai quật thành cổ Asine. Khi lần đầu được làm quen với Acxel Persson, một người đặc biệt tốt bụng cũng tham gia vào các cuộc khai quật này, tôi đã gọi ông là cha đỡ đầu của mình. Đúng là vậy, bởi thành phố Asine đã là nguồn cảm hứng cho tôi viết một trong những bài thơ của mình.

Tại Missolonghi có một tượng đài đá hoa cương được dựng lên để tưởng niệm những người Thụy Điển đã hi sinh vì tự do của Hy Lạp. Lòng biết ơn của chúng tôi còn bền vững hơn đá hoa cương.

Vào một buổi chiều tối, hồi đầu thế kỉ trước, trong một ngõ nhỏ ở đảo Zante, nhà thơ Dionysios Solomos tình cờ nghe được khúc ballad dân dã do một cụ già hành khất ngâm bên quán rượu về vụ đốt lăng mộ Đức Chúa ở Jerusalem. Người hành khất già hát như sau: 

The Holy Sepulchre of Christ, it did not burn;
Where the holy light shines, no other fire can burn.

tạm dịch:

Mộ Đức Chúa Jésus đã không bị đốt;
Nơi lửa thiêng tỏa sáng, không ngọn lửa nào khác có thể 
cháy lên.

Người ta cam đoan rằng khi đó Solomos đã phấn khích đến nỗi vào ngay quán, bỏ tiền túi mời rượu tất cả mọi người có mặt ở đó. Câu chuyện vui ấy rất tiêu biểu. Với tôi nó trở thành biểu tượng - đó là một tặng phẩm thơ mà một thường dân Hy Lạp đã trao cho một nhà quý tộc tinh thần trong buổi bình minh thời phục hưng mới của Hy Lạp.

Bức tranh trên đây còn minh họa cho quá trình tinh luyện vẫn chưa kết thúc của ngôn ngữ và truyền thống của chúng tôi. Tôi muốn nói cùng quý vị về những nghệ sĩ sáng tạo đã khẳng định ngôn ngữ Hy Lạp sống động ở một đất nước đã giành được tự do.

Các vấn đề ngôn ngữ của chúng tôi có nguồn gốc từ thời các nhà ngữ văn học thành Alexandria, bị quyến rũ bởi những kiệt tác Attica(1), bắt đầu ấn định những quy tắc cứng nhắc cho ngôn ngữ viết, nói khác đi là cổ xúy cho Chủ nghĩa thuần túy(2) mà quên rằng ngôn ngữ là một thực thể sống động và phát triển. ảnh hưởng của những người thầy như vậy đã trở nên ám ảnh, khiến sinh ra một loạt thế hệ những nhà thuần túy chủ nghĩa mới, họ cũng không hiếm hoi cả trong thời đại chúng ta. Họ đại diện cho một trong hai xu hướng phát triển lâu đời của ngôn ngữ và truyền thống Hy Lạp. Xin hãy thứ lỗi trước cho tôi bởi câu chuyện đứt quãng một cách không cố ý này, bởi vì tôi không muốn lạm dụng lòng kiên nhẫn của quý vị.

Có một xu hướng khác bị khinh rẻ trong một thời gian dài, là truyền thống khẩu ngữ giản dị, bình dân. Truyền thống đó cũng lâu đời không kém, hơn nữa phần nào cũng được ghi lại bằng văn bản. Tôi nhớ mình đã thực sự sửng sốt khi đọc bức thư trên loại giấy chỉ thảo, có từ thế kỉ II, của một thủy thủ gửi cho cha mình. Kinh ngạc trước tính hiện đại của ngôn ngữ, tôi cảm thấy khổ tâm với ý nghĩ rằng toàn bộ kho báu cảm xúc con người bao thế kỉ nay đã bị khuất chìm dưới lớp dày những lời khoa trương cứng nhắc.

Người ta biết rằng kinh Phúc Âm đã được chép bằng ngôn ngữ bình dân. Nếu cho rằng các Sứ đồ đã cố gắng để trở nên dễ hiểu đối với quảng đại quần chúng và cố gắng để đến được với những trái tim người thì chỉ còn có thể tiếc cho sự ngây thơ của con người khi nhớ lại những làn sóng phản đối hồi đầu thế kỉ trước ở Athens đòi kéo dài lệnh cấm dịch những lời của Chúa Jésus Christ. Nguyên nhân của sự phản đối đó là việc soạn lại kinh Phúc Âm bằng ngôn ngữ hiện đại.

Nhưng chuyện đó chúng ta sẽ nói tới sau. Hai xu hướng này đã song song tồn tại độc lập cho đến tận ngày Byzance sụp đổ. Một bên là các học giả đã trang trí cho ngôn ngữ của mình hàng ngàn lối tu từ lắt léo; bên kia là những người dân thường, dù rất ngưỡng mộ sự uyên bác của các học giả nhưng vẫn trung thành với lối diễn đạt quen thuộc của mình. Tôi sẽ không khẳng định rằng hai xu hướng ấy ở Byzance chưa lúc nào xích lại gần nhau. Hiện tượng tương tự có thể đoán thấy trên các bức bích họa và tranh khảm cuối triều đại Paleologues. Trong trường hợp này, sự gặp gỡ của truyền thống vương giả với sáng tạo dân gian tỉnh lẻ đã tạo điều kiện cho sự cách tân rực rỡ của nghệ thuật.

Có một cơn hấp hối kéo dài đã đi trước sự sụp đổ của Constantinople. Còn cuối cùng, khi Constantinople thực sự sụp đổ, đã bắt đầu một thời kì bị nô dịch dài hàng thế kỉ của chúng tôi. Những đám đông học giả, “lưng còng trĩu nặng bởi mớ tro tàn của tổ tiên” theo lời một nhà thơ, đã hướng sang phía Tây gieo hạt giống cho cái mà về sau được gọi là Phục Hưng. Nhưng - không biết đây là một tai họa hay một điều may mắn - dân tộc chúng tôi đã không được biết đến Phục Hưng trong ý nghĩa nghiêm ngặt của từ này, tức là như sự chuyển tiếp từ thời Trung Đại sang thời Cận Đại.

Ngoại lệ có lẽ là một số hòn đảo - mà trước tiên là Crète - bị người Venise chiếm đóng. Chính tại nơi đó, khoảng thế kỉ XVI đã ra đời một dòng thơ ca và một nền kịch thơ được viết bằng ngôn ngữ bình dân cực kì sống động. Nếu nhớ thêm rằng thế kỉ đó chính là thời kì hoàng kim của hội họa Crète, mà minh chứng tốt nhất là sáng tác của một người Crète vĩ đại - Domenicos Theotocopulos - còn có tên là El Greco, thì sự sụp đổ của Crète còn đáng tiếc hơn gấp bội so với sự sụp đổ của Constantinople.

Điều đó là đương nhiên, bởi vì Constantinople đã hết thời sau đòn giáng của quân Thập Tự vào năm 1204. Nó chỉ còn thoi thóp sống, còn Crète, trái lại - đang trong thời sung mãn. Chúng ta chỉ còn cách cúi đầu buồn bã và kính cẩn trước số phận của một hòn đảo Hy Lạp, xứ sở của những cư dân đã nhiệt tâm chuẩn bị cho một sự hồi sinh tương lai, nhưng tất cả những gì họ gây dựng nên đều đã bị bão táp lịch sử cuốn bay sạch. Tôi chợt nhớ lại lời nhà thơ Kalvos thốt lên trong thư gửi tướng La Fayette: “Chúa và nỗi tuyệt vọng của chúng ta”.

Nhưng dù sao, ảnh hưởng của sự cách tân văn hóa của Crète vẫn còn cảm thấy đến tận giữa thế kỉ XVII, khi những dân tị nạn chạy trốn khỏi đảo Crète đổ dồn sang quần đảo Ionian và các vùng đất Hy Lạp khác nhưng vẫn ghi nhớ trong tâm trí những bài thơ và chúng nhanh chóng bắt rễ trên miền đất mới.

Thơ ca Crète có ảnh hưởng đến dân ca Hy Lạp lục địa, và cũng như những truyền thuyết dân gian, nó được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có những bài ca, xét theo một số dấu hiệu, có nguồn gốc từ thời kì đa thần giáo; số khác - ví dụ như chùm bài Digenis Acritas - ra đời vào thời kì Byzance, mặc dù sau đó chúng đã được cải biến trong suốt nhiều thế kỉ. Những bài dân ca chứng tỏ rằng thái độ của con người đối với lao động, với tình yêu và cái chết, những lí do cho niềm vui và đau khổ không phụ thuộc vào thời đại. Còn việc các cảm xúc muôn thuở của con người được thể hiện thật tươi mới, đa dạng và đầy ắp tính người lại là thêm một bằng chứng về tính bất biến của tâm thức Hy Lạp.

Cho đến lúc này tôi vẫn tránh nêu ví dụ. Cho dù tôi có mang nợ các dịch giả của mình đến đâu đi nữa - bởi chính nhờ họ mà quý vị mới có cơ hội biết tới những sáng tác của tôi -, nhưng tôi vẫn không thể không có cảm giác đau xót khi cảm thấy một sự sai lệch không thể nào chữa nổi khi tôi dịch ngôn ngữ Hy Lạp của mình sang một ngôn ngữ khác không phải của tôi. Vì vậy tôi xin được thứ lỗi cho một ngoại lệ duy nhất. Tôi sẽ dẫn ra đây một bài thơ ngắn, than khóc cái chết của người yêu:

Để bảo vệ em tôi đặt ba người lính canh:
vầng dương trên đỉnh núi, đại bàng trong thung lũng
và ngọn gió mát lành trên những con thuyền.
Nhưng vầng dương đã lặn, đại bàng thiếp ngủ,
và những con thuyền đã mang ngọn gió lành đi xa. 
Charon chộp lấy cơ hội này đến bắt em đi.

Đây chỉ là cái bóng mờ của bài thơ mà trong nguyên tác tiếng Hy Lạp vang lên gợi cảm hơn nhiều.

Trên đây cũng chỉ là đôi lời rất đỗi giản lược về những bậc tiền nhân của nước Hy Lạp hiện đại. Chính truyền thống dân tộc đã được lão hành khất lang thang cạnh quán rượu trên đảo Zante đem làm quà cho Dionysios Solomos. Cảnh tượng đó luôn hiện lên trong tâm trí mỗi khi tôi nghĩ về nhà thơ và những đóng góp của ông cho nền văn hóa của chúng tôi.

Trong lịch sử đương đại của nền thơ ca Hy Lạp có không ít những khuôn mặt xuất sắc và những bước ngoặt bất ngờ. Hình như nếu nền thơ ca của một dân tộc gồm toàn những người đi biển, làm nông và chinh chiến mà khởi đầu bằng những bài ca giản dị và thô ráp thì hẳn đã tự nhiên và dễ hiểu hơn nhiều. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Trở thành người khởi xướng của nền thơ ca Hy Lạp là một con người có khát vọng vươn đến sự hoàn thiện. Solomos sinh ra trên đảo Zante.

Tôi muốn lập tức giải thích rõ thêm là vào thời kì đó quần đảo Ionian vượt xa Hy Lạp lục địa về phương diện văn hóa. Ông học ở Italia. Đó hoàn toàn là một người Châu Âu. Ông am tường mọi sắc thái của nền thơ ca đương thời. Lẽ ra Solomos đã có thể thành danh ở Italia. Mảng thơ viết bằng tiếng Italia của ông có không ít người hâm mộ. Tuy nhiên, ông thích chọn con đường hẹp, và quyết định viết bằng tiếng mẹ đẻ.

Solomos dĩ nhiên không xa lạ với dòng thơ mà những người dân tị nạn Crète đã mang đến từ quê hương họ. Ông là người nhiệt thành yêu mến ngôn ngữ bình dân và chống đối kịch liệt chủ nghĩa thuần túy. Solomos thể hiện quan điểm đó trong tác phẩm tựa đề Đối thoại của nhà thơ với Học giả Pedan. (cụm từ này đối với ông cùng ý nghĩa như “Học giả Sorbonne” đối với Rabelais). Và đây là một đôi câu trích dẫn: “Liệu có chăng trong tâm thức của tôi một cái gì khác, - ông thốt lên, - ngoài tự do và ngôn từ?!” Hoặc: “Hãy đem cho thơ lời nói của nhân dân, và nếu đủ sức, hãy chinh phục thứ ngôn ngữ đó!”

Ông đã làm được cuộc chinh phục đó và bởi vậy Solomos xứng đáng được gọi là “Người Hy Lạp Vĩ Đại”. Ông là tác giả của Bài ca Tự do đã trở thành quốc ca đầu tiên của chúng tôi. Còn có những bài thơ khác của ông đã trở thành các ca khúc rất phổ biến trong suốt thế kỉ trước. Nhưng ý nghĩa văn hóa của Solomos được xác định không chỉ bởi điều này. Cống hiến chủ yếu của ông là ở chỗ nhà thơ, trong chừng mực thời đại cho phép, đã nhận ra con đường xác định sự phát triển của ngôn ngữ Hy Lạp. Yêu ngôn ngữ của nhân dân, ông mơ ước nâng nó lên tầm thơ ca. Công việc vất vả đó không thể hoàn thành một cách đơn độc.

Từ các sáng tác chính của Solomos, chẳng hạn như từ bản trường ca Những người tù tự do, lấy cảm hứng từ cuộc vây hãm và những khổ đau của thành phố Missolonghi, chỉ còn lại những trích đoạn - là những mảnh vỡ từ khối ngọc quý đã bị chôn xuống mộ cùng với nhà thơ. Chỉ qua những trích đoạn và những quãng ngắt đó chúng ta có thể suy đoán về những nỗi đau khổ của tâm hồn vĩ đại này, nó căng như sợi dây cung chực đứt. Nhiều thế hệ nhà văn Hy Lạp đã tận tâm nghiên cứu những đoạn thơ và quãng ngắt này.

Solomos qua đời năm 1857. Nhưng chỉ đến năm 1927 tiểu thuyết Thiếu phụ đảo Zante của ông mới được xuất bản, nó tôn vinh nhà thơ vĩ đại như một nhà văn vĩ đại nữa. áng văn lỗi lạc này đã làm tổn thương sâu sắc ý thức của chúng tôi, bởi vì bằng ý chí của số phận, 70 năm sau ngày tạ thế Solomos vẫn còn đáp lại được những âu lo của các hậu duệ xa xôi của mình. Ông đã được định đoạt trở thành người khởi xướng.

Andreas Kalvos, một người cùng thời của Solomos, là nghệ sĩ cô độc nhất trong nền văn học Hy Lạp. Không một bức chân dung nào của ông còn lại đến chúng ta. Tình bạn ngắn ngủi của Kalvos với nhà thơ Italia Ugo Foscolo đã kết thúc bằng một trận cãi vã. Sinh ra trên đảo Zante, ông sống nhiều năm tại Corfu, do vậy ít có khả năng là ông có thể gặp gỡ với Solomos. Cuốn sách mỏng, mà ông đã xuất bản chỉ để kỉ niệm tuổi 30 của mình, gồm 20 bài tụng thi (ode) - đó là tất cả những gì Kalvos dành tặng cho chúng ta. Thời trẻ ông du lịch nhiều, từng đến Italia, Thụy Điển, Anh.

Con người kiêu hãnh này, dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của những lí tưởng đạo đức cao cả thế kỉ XVIII, căm ghét nền bạo chính. Sáng tác của Kalvos ngợi ca số phận oai hùng và khổ đau của Tổ quốc ông. Thơ Kalvos thấm đẫm điều này, bởi vì trong tâm hồn ông tình yêu với người mẹ đã mất khi ông còn rất bé hòa quyện với tình yêu Tổ quốc. Ngôn ngữ thơ ông chiết trung, tiết điệu không đều. Thiên về cổ điển, ông đã có nhận xét khinh miệt về “thể thơ Crète đơn điệu” - dòng thơ vốn đã gợi mở rất nhiều điều cho Solomos. Nhưng những hình tượng tươi mới và rực rỡ dường như đã làm thơ ông bùng nổ.

Sau nhiều năm ẩn dật ở đảo Corfu để tự học, Kalvos vĩnh viễn rời bỏ quần đảo Ionian đến định cư tại Anh. ở Anh, ông tái kết hôn và sau đó không lâu cùng vợ mở trường nữ học tại một thị trấn tỉnh lẻ nước Anh. ở đó ông đã sống nốt 14 năm cuối đời mình, đánh mất mọi liên hệ với đất nước Hy Lạp. Tôi có may mắn thực hiện được một cuộc hành hương đến những vùng mà bóng dáng của Tennyson có ghé thăm. Một cụ già am hiểu lịch sử vùng đất, kể với tôi rằng những năm xa xưa, cụ đã được chuyện trò với một quý bà 80 tuổi, hồi trẻ từng là học trò của Kalvos. Cụ bà đã nhận xét về thầy giáo của mình với thái độ rất tôn kính. Nhưng dù sao, cứ ám ảnh tôi hình ảnh một tảng đá đơn chiếc, trên đỉnh của nó là con người không có gương mặt, vận tang phục và gảy đàn lia ngân vang.

Sáng tác của Kalvos đã nhanh chóng bị lãng quên. Điều đó có thể hiểu được khi chú ý đến sự thịnh hành của lối văn hoa mĩ lãng mạn thuần túy sách vở ở Athens thời kì đó. Kostis Palamas đã phát hiện lại thơ Kalvos vào khoảng năm 1890. Thơ Kalvos trở lại thích hợp hơn cả vào thời kì của cao trào dân tộc, khi giới trẻ Hy Lạp bắt đầu cuộc đấu tranh vì một nước Hy Lạp hiện đại. Cuộc đấu tranh vì một ngôn ngữ Hy Lạp sống động được triển khai. Có những sự thái quá, nhưng điều đó âu cũng tự nhiên.

Cuộc đấu tranh đó kéo dài nhiều năm, vượt ra khỏi phạm vi văn chương. Khát vọng hiện đại hóa tất cả các lĩnh vực đời sống khích lệ các chiến sĩ. Họ cương quyết phủ nhận hệ thống giáo dục quốc dân đã định hình cũng như những thiết chế khác của chúng tôi, họ lật đổ tất cả các giáo điều. Lẽ tất nhiên, không chối bỏ di sản cổ điển, họ mong muốn làm giàu thêm cho nó bằng truyền thống dân tộc sinh động.

Họ cố gắng giải quyết vấn đề: Hiện giờ chúng tôi là ai, vào cái thời điểm tồn tại này của chúng tôi? Tham gia vào phong trào còn có các nhà khoa học, những thầy giáo phổ thông. Hồi đó đã ra đời những công trình nghiên cứu nghiêm túc về văn hóa dân gian Hy Lạp, khẳng định tính kế thừa truyền thống khẩu ngữ, và cả sự cần thiết tiếp cận có phê phán đối với truyền thống đó.

Kostis Palamas là một trong những thủ lĩnh của phong trào này. Thời thanh niên tôi đã có dịp đến dự một trong những buổi diễn thuyết trước công chúng của ông. Đó là lần đầu tôi thấy ông. Con người thân hình bé nhỏ này khiến người ta kinh ngạc bởi chiều sâu trong cái nhìn và giọng nói - giàu ngữ điệu, hơi run rẩy.

Di sản sáng tạo của ông đặc biệt phong phú. Sáng tác của Palamas trong suốt hàng thập kỉ đã xác định đời sống văn chương của Hy Lạp. Ông sáng tác ở tất cả các thể loại thơ - trữ tình, sử thi, trào phúng. Bên cạnh đó ông còn là một nhà phê bình sắc sảo và am tường tuyệt vời văn học nước ngoài. Điều đó lại một lần nữa chứng tỏ rằng Hy Lạp vẫn luôn luôn là giao điểm của các nền văn hóa, từ các thời đại của Plato và Herodotus đã liên tục góp mặt vào quá trình văn hóa thế giới, đặc biệt có kết quả là vào thời kì hưng thịnh của mình.

Dĩ nhiên Palamas có không ít người chống đối, mà thông thường đó là những người đã chọn con đường do chính ông vạch ra. Tôi thấy Palamas như một sức mạnh tự nhiên hùng mạnh mà trước nó bất kì sự chỉ trích nào cũng phải lu mờ. Như thể một sức mạnh bị đè nén, dồn góp lại suốt hàng ngàn năm bởi chủ nghĩa thuần túy đã phút chốc phá vỡ mọi kè đập. Và nếu đã có một dòng nước tưới đẫm cánh đồng khô khát dưới ánh mặt trời thì không nên trông đợi nơi đây sẽ mọc chỉ một loài hoa.

Palamas hiểu sâu sắc truyền thống của chúng tôi một cách toàn vẹn - cả cổ điển, cả Byzance lẫn hiện đại. Tâm hồn ông chất chứa cả một thế giới tiềm ẩn, và nó cho ông tự do. Có thể, thế giới tâm hồn ông quá chừng phong phú, nhưng chính sự nhiệt thành của Palamas đối với tự do đã thúc đẩy cả đám đông tập hợp lại năm 1943 tại đám tang ông trong thời khắc tiễn biệt đã không khiếp sợ chính quyền chiếm đóng, đồng lòng hát lên bài quốc ca của nước mình Bài ca tự do.

154 bài thơ là di sản sáng tác của Konstantinos Kavafis, người coi mẫu mực của mình là các nhà thơ đối lập hẳn với những gì tạo cảm hứng cho Palamas. Kavafis là kiểu nhà văn hiếm hoi coi ngôn từ không phải là động lực của sáng tạo. Sự lắm lời với ông là tai họa.

Ông đi theo truyền thống thời Hy Lạp hóa từng rất hưng thịnh ở Ai Cập, mà nay hầu như đã bị quên lãng. Chính là vì, ngoại trừ những thời kì ngắn không liên tục, Kavafis sống suốt đời chủ yếu ở thành phố Alexandria quê hương.

Đặc điểm sáng tác của Kavafis là sự tự giới hạn và cảm hứng lịch sử đặc biệt. Trong các sự kiện lịch sử, ông nhìn thấy không phải quá khứ, mà là hiện tại với những bi kịch của nó. Có lẽ tôi nên ví Kavafis với thần biển Proteus trong trường ca của Homer ở miền bờ biển Alexandria có khả năng hóa thân vào bất cứ diện mạo nào. Khác với Solomos và Palamas, ông là người kế thừa trọn vẹn truyền thống bác học. Nếu những người kia cày xới tìm cảm hứng trong lời ca và truyền thuyết dân gian thì Kavafis thích hướng đến Plutarkhos hoặc những văn bản lịch sử chưa được biết, đến những sự kiện lịch sử và giai thoại thời Ptolemeus hay Seleukides(1).

Ngôn ngữ thơ Kavafis hình thành dưới ảnh hưởng của gia đình ông (vốn là những người văn hóa cao ở Constantinople), đồng thời hấp thụ những giọng điệu sống động của phố phường Alexandria. Ông hoàn toàn là một cư dân đô thị. Kavafis đặc biệt gắn bó với những thời kì chuyển tiếp, khi đạo đức và tín ngưỡng đang hình thành. Nhiều nhân vật trong thơ ông - nửa Thiên Chúa giáo, nửa đa thần giáo hoặc là cư dân những vùng sắc tộc pha tạp: "Syria - Hy Lạp - Armenia - Midia", theo như ông xác định.

 Một khi đã quen thuộc với thế giới thơ ông, chúng ta sẽ tự đặt câu hỏi: đó có phải cuộc sống hiện tại của chúng ta phóng chiếu vào quá khứ, hay đó là sự xâm nhập quyết liệt của lịch sử vào đời sống thường nhật của chúng ta? Cái thế giới mơ hồ đó đã được ông trao cho một cuộc sống đầy sinh lực. E. M. Forster - bạn của ông - đã kể lại cho tôi nghe về tiếng kêu kinh ngạc của Kavafis khi lần đầu nghe thơ mình qua bản dịch sang tiếng Anh của Forster: “Vậy là anh đã hiểu tôi, Forster thân mến ạ, quả là anh hiểu tôi! (“But you understand, my dear Forster, you understand!”) Chúng tôi đã mong muốn được thấu hiểu đến nhường ấy đấy.

Từ đó Kavafis được dịch nhiều và chú giải kĩ. Đáng kể nhất là Hjalmar Gullberg, một nhà thơ chân chính, nhà Hy Lạp học uyên thâm, nhờ công ông mà thơ Kavafis được vang lên bằng tiếng Thụy Điển.

Nhưng có những lĩnh vực văn hóa Hy Lạp khó hiểu hơn đối với người nước ngoài. Trong đó phải kể đến thơ của Angelos Sikelianos. Tôi biết rõ nhà thơ này. Không thể quên giọng sang sảng của ông khi đọc thơ mình. ở Sikelianos kết hợp hài hòa dáng vẻ long trọng của một thi nhân thời cổ và sự thân thuộc sâu xa với đất đai và những người nông dân của chúng tôi. Mọi người đều yêu mến ông. Nông dân gọi ông thân mật bằng tên “Angelos”, coi ông như người nhà. Trong thơ Sikelianos, tiếng nói và cuộc sống của chàng mục đồng từ Thi Sơn (Parnasse) hay của cô thôn nữ giản dị hòa hợp một cách nhẹ nhàng với thế giới thần tiên nơi ông cư trú.

Sikelianos có sức mạnh của một vị thần, có thể gọi vị thần đó là Apollon, Dionysos hay Christ. Bài thơ Dionysos trong máng cỏ của ông viết vào một đêm Giáng sinh khi cuộc chiến tranh vừa qua chưa kết thúc, bắt đầu như sau:

Ô hài nhi hiền dịu, Dionysos của tôi và Christ của tôi...

Và quả thực đáng kinh ngạc, đa thần giáo cổ xưa đã thâm nhập vào Chính thống giáo Hy Lạp, biến Dionysos thành một hài nhi bị đóng đinh câu rút nữa.

Kavafis, nhà thơ từng hết sức thiết tha kêu gọi sự phục sinh của thế giới và con người, lại cũng chính là người đã thốt lên: “Cái chết là cách duy nhất”. Sikelianos hiểu rằng sự sống và cái chết như hai mặt của tấm huân chương. Tôi luôn đến thăm ông mỗi khi ghé qua Hy Lạp. Sikelianos nhiều năm bệnh nặng nhưng cái sức mạnh từng gây cảm hứng cho ông vẫn ở trong ông cho đến giây phút cuối. Một lần, cố gượng dậy từ cơn mê man khiến người thân vô cùng hoảng sợ, ông thú nhận với tôi: “Tôi đã được thấy bóng tối hoàn toàn, và nó tuyệt diệu không sao tả xiết”.

Kết thúc cuộc du hành lịch sử ngắn ngủi của mình, tôi muốn nhắc đến một nhà văn gắn bó với tôi. Ông đã nâng đỡ tôi vào những giờ phút hoàn toàn vô vọng. ở đất nước chúng tôi, những tương phản của các nghệ sĩ sáng tạo như vậy không nhiều. Ông tuyệt nhiên không phải là trí thức. Nhưng chính sự tư duy đôi lúc cũng cần đến dòng chảy cuộc sống, cũng như máu tươi cần cho hồn ma để có thể nói chuyện với Odysseus(1).

Ông học chữ năm 35 tuổi, chủ ý là để chia sẻ những hồi ức của bản thân về cuộc chiến giành độc lập mà ông đã trực tiếp tham dự. Tên nhà văn là Ioannis Makriyannis. Có thể ví ông như một cây ôliu Hy Lạp già nua, thân còn hằn dấu vết thiên tai giáng xuống, vì vậy chắc chắn có khả năng học được những điều thông thái. Sáng tác của Makriyannis dường như cũng lưu dấu những giông tố xã hội, dấu ấn đời sống tinh thần nhiều thế hệ.

Ông sinh vào cuối thế kỉ XVIII ở Hy Lạp lục địa, vùng ngoại vi Delphes. Makriyannis kể, mẹ ông bắt đầu trở dạ khi đang hái củi và ông đã ra đời trong rừng.

Ông không sáng tác thơ, nhưng lời ca sống trong hồn ông như trong hồn bất kì người Hy Lạp nào. Có lần một người Pháp đến thăm. “Lúc trò chuyện, vị khách của tôi, - ông kể, - đề nghị tôi hát những bài dân ca. Thế là tôi ứng khẩu ngay tức thì cho ông ta mấy bài liền”.

Văn phong của ông rất đặc biệt. Những tác phẩm của ông gợi đến một bức tường có những viên gạch nhỏ xếp sát theo nhau: mỗi từ đều có chức năng và bắt rễ vào vị trí của mình. Thỉnh thoảng ông đạt tới sức mạnh của Homer. Chính sáng tác của Makriyannis đã dạy cho tôi hiểu thế nào là văn xuôi.

Ông ghét lối sách vở. Ông có thể phẫn nộ kêu lên: “Các người, lũ mọt sách kia, đã đặt ai làm chỉ huy mới của pháo đài Corinth kia chứ? Các người tin vào cái tên Achille của hắn, hi vọng hắn sẽ mọi bề giống Achille vĩ đại và tên của Người sẽ thay hắn chiến đấu. Nhưng chính ra chiến đấu không phải cái tên gọi. Lòng quả cảm, tinh thần dũng mãnh và tình yêu Tổ quốc - đó mới là những điều giúp ích trong cuộc đấu tranh”.

Nhưng đồng thời ta cũng có thể cảm nhận tình yêu của Makryiannis đối với di sản của quá khứ, như trong bài giáo huấn viết cho đám quân lính sẵn sàng bán vào tay ngoại bang hai pho tượng cổ, ông viết:

Dù người ta có trả cho các anh mười nghìn taler cũng chớ để những pho tượng ấy rời khỏi mảnh đất của chúng ta. Chính vì những pho tượng ấy mà chúng ta chiến đấu.

Từ miệng một con người mà cuộc chiến đã để lại vô số vết sẹo trên thân thể, những lời như vậy vang lên càng thêm sức nặng.

Cuộc đời Makriyannis kết thúc bi thảm. Các vết thương cũ gây cho ông những cơn đau không chịu nổi. Ông bị săn đuổi, ném vào tù. Sau đó là phiên tòa và bản án. Trong nỗi tuyệt vọng, ông viết thông điệp gửi Chúa: "Nhưng Người không nghe thấy chúng con... Người không nhìn thấy chúng con...".

Kết cục của ông là như vậy. Makriyannis mất hồi giữa thế kỉ trước. Các hồi ức của ông được giải mã và công bố năm 1907. Nhưng phải mất khá nhiều thời gian lớp trẻ mới định giá được sức mạnh đích thực của chúng.

Tôi kể về nhà văn này bởi lẽ hình bóng ông đồng hành với tôi từ khởi đầu hành trình đến đất nước Thụy Điển. Sáng tác của ông gợi nên trong tôi hình ảnh của một con người qua bao thế kỉ bị trói chân tay và cuối cùng đã giật tung được xiềng xích, thân thể quen cảnh tù đày còn phải trải qua đau đớn và nhiều thời gian mới có thể tìm lại được những thói quen đã mất.

Cuộc du hành vào lịch sử của tôi còn xa mới được hoàn hảo. Đành phải hi sinh những tiểu tiết, đúng hơn là bất đắc dĩ đơn giản hóa bức tranh. ắt hẳn những điều nói đến có cả những thiên kiến cá nhân. Tôi đã không nhắc đến những nghệ sĩ lớn như Adamantios Korais hay Alexandros Papadiamantis. Than ôi, đành phải lựa chọn, mà sự lựa chọn luôn chủ quan.

Nhưng tôi chỉ nhằm một mục đích xác định vài cột mốc phát triển trong nền văn hóa của chúng tôi. Nhưng hiển nhiên, bên cạnh các bậc vĩ nhân đó, cả vào những thời đại không sinh ra những cá nhân xuất chúng, các thế hệ người lao động vô danh đã hi sinh đời mình để đẩy cao hơn chút nữa cái tinh thần đó, về phía cái biểu hiện muôn mặt vốn là ngôn ngữ Hy Lạp với toàn bộ sự giàu có của nó.

Tôi muốn biểu thị sự đồng cảm với nhân dân mình. Không chỉ với những bậc thầy tinh thần vĩ đại, mà cả những con người nói chung không nổi danh, những người cúi đầu miệt mài trên một cuốn sách duy nhất một cách vô cùng thành kính, như đứng trước tượng thánh, với những em nhỏ thôn quê phải đi bộ nhiều cây số đến trường, để “học chữ, học khoa học của Chúa”, như trong lời một bài hát. Tôi muốn lần nữa trích dẫn ông bạn Makriyannis của tôi: “Không nên nói “tôi”, cần phải nói “chúng ta”- bởi vì con người không thể làm nổi điều gì trong đơn độc”. Và thật tuyệt, nếu ông nói đúng. Tôi cần sự đồng cảm này, bởi vì nếu không hiểu biết được tâm hồn các đồng bào Hy Lạp của tôi với mọi phẩm chất và khiếm khuyết của họ, có lẽ tôi sẽ càng không thể nào hiểu nổi những dân tộc khác trên trái đất rộng lớn này.

Có lẽ cần nói thêm vài lời về các vị tổ tiên xa hơn của chúng tôi. Kể từ thế kỉ XV, từ sau sự sụp đổ của Byzance, các bậc thầy Hy Lạp cổ đại đã dần dần trở thành di sản của nhân loại. Họ đã hội nhập vào cái mà sau này chúng ta gọi một cách ước lệ là nền văn minh Châu Âu. Chúng tôi lấy làm mừng rằng rất nhiều dân tộc đã cố gắng đưa các bậc thầy cổ đại Hy Lạp đến gần với đời sống hiện đại của chúng ta. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ ở Hy Lạp đều có thể hiểu được đối với các dân tộc khác.

Homer đã nói” “Φάος ήελίοιο” (daozhelioio); bây giờ tôi cũng nói như vậy: “Φώςτονήλιον” (doztouhliou), có nghĩa là “ánh sáng mặt trời”. Tôi cảm thấy một sự thân thuộc, một sự thân thuộc bắt nguồn từ một tâm hồn chung chứ không phải từ nỗ lực trí tuệ. Tôi phân biệt rất rõ, nếu có thể nói như vậy, tất cả mọi bội âm của nốt nhạc này, phát sinh từ khúc nhạc dạo đầu đó, một bản nhạc không thể phiên dịch. Chính là chúng tôi đang nói cùng một ngôn ngữ với Homer, thứ ngôn ngữ được thấu hiểu không chỉ bằng trí tuệ, mà bằng cả trái tim. Ngôn ngữ của chúng tôi đã biến dạng qua hàng ngàn năm tiến hóa, song vẫn chung thủy với chính mình.

Ở ngôn ngữ đó in dấu đời sống dân tộc chúng tôi nhiều thế kỉ, do vậy đôi khi những văn bản Hy Lạp cổ với chúng tôi dễ hiểu hơn nhiều so với cư dân những miền đất khác. Vấn đề không phải ở sự phụ thuộc về dòng giống - tôi ghét những thuyết chủng tộc. Tuy nhiên, chúng tôi sống trên cùng một đất nước, ngắm nhìn cùng những dãy núi vươn trên mặt biển. Tôi cho rằng không nhất thiết phải làm rõ những điều hiển nhiên, rằng “truyền thống” không có nghĩa là những tồn tại hủ lậu. Ngược lại, truyền thống có khả năng phá vỡ những lối mòn quen thuộc và chứng tỏ sức mạnh sáng tạo của nó.

Tôi cũng chưa nói gì với quý vị về thế hệ mình, một thế hệ phải chịu gánh nặng đồng hóa tinh thần của nửa triệu người tị nạn đến từ Tiểu á. Chúng tôi trở thành chứng nhân của một sự kiện độc nhất trong lịch sử Hy Lạp: sự quay về vùng đất tổ của những dân tứ tán trước đây sống tản mác cách biệt nhau ở những vùng đất thịnh vượng trên toàn thế giới.

Tôi im lặng cả về thế hệ tiếp sau mà tuổi thơ và thời niên thiếu của nó bị hoài phí bởi cuộc thế chiến vừa qua. Thế hệ này có lẽ đã có những cách nhìn và mục đích khác. Đất nước Hy Lạp dần dần được công nghiệp hóa. Các nền văn hóa dân tộc càng xích lại gần nhau hơn. Thế giới đổi thay. Bước chân lịch sử đang tăng tốc. Tôi nghĩ, nỗ lực chủ yếu nhất của thế giới hiện đại là khám phá những vực thẳm, cho dù đó là vực thẳm của tâm hồn người hoặc của vũ trụ. ý niệm về thời gian đã thay đổi.

Lớp trẻ khổ đau và nổi loạn. Tuy nhiên tôi cảm thấy dường như những âu lo của họ không xa lạ đến vậy với những nỗi niềm của chúng ta. Người chiến sĩ Hy Lạp vĩ đại đấu tranh cho hòa bình Righas Pheraios đã dạy: “Suy nghĩ độc lập là suy nghĩ tốt”. Nhưng bên cạnh đó, tôi mong muốn được chúc cho lớp trẻ của chúng tôi ghi nhớ câu châm ngôn khắc trên mặt tiền trường Đại học Tổng hợp Uppsala(1): “Suy nghĩ độc lập là tốt. Nhưng suy nghĩ đúng còn tốt hơn".

Tôi xin kết thúc. Tôi muốn cảm ơn sự kiên nhẫn của quý vị. Đồng thời tôi muốn cảm ơn “tấm lòng hào phóng Thụy Điển” cuối cùng đã cho phép tôi cảm thấy mình là Không Ai Cả - với ý nghĩa mà Odysseus đã dùng khi xưng trước gã khổng lồ một mắt Poliphemus bằng cái tên: Ογτις - (Outiz), “Không Ai Cả”, - tức là hòa tan vào khái niệm bí ẩn “Hy Lạp”.

Kiều Vân dịch từ bản tiếng Nga "Некоторые вехи греческой традиции"

Nguồn: Tạp chí Những vấn đ văn học (Вопросы литературы), tháng 3-4/2001

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây

,
,