,
221
5083
Tác phẩm
tacpham
/vanhoa/tacpham/
923266
Jean-Paul Sartre
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,
Các bậc thầy văn chương thế giới:

Jean-Paul Sartre

Cập nhật lúc 21:48, Chủ Nhật, 22/04/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Thế hệ nào cũng mơ ước thế giới này sẽ tốt đẹp hơn, điều đó đặc biệt đúng đối với nhà thơ đích thực và nhà khoa học đích thực. Đó là ước mơ của Nobel. Đó là một cách để đo lường tầm quan trọng của nhà khoa học. Đó cũng chính là cội nguồn và sức mạnh cảm hứng của Sartre.

Jean-Paul Sartre (21/06/1905 - 15/4/1980)

Giải Nobel Văn học 1964

* Nhà văn, nhà triết học Pháp

* Nơi sinh: Paris (Pháp)

* Nơi mất: Paris (Pháp)

J.P. Sartre
J.P. Sartre
Jean-Paul Sartre được trao giải vì sự nghiệp sáng tác chứa đựng những ý tưởng phong phú, tinh thần tự do xuyên suốt, những kiếm tìm chân lí không mệt mỏi có ảnh hưởng to lớn đến thời đại chúng ta.

J.P. Sartre còn là nhà triết học, nhà hoạt động chính trị - xã hội. Công trình triết học chính của ông, Tồn tại và hư vô, đã trở thành thánh kinh với lớp trẻ trí thức Pháp. Trọng tâm triết lí của ông trong toàn bộ sáng tác là con người tự do đánh giá ý nghĩa cuộc đời mình, tự chịu trách nhiệm về những hành động của mình.

Jean-Paul Sartre là con một kĩ sư hàng hải, bố mất khi cậu bé mới một tuổi, mẹ đưa về ở với ông bà ngoại ở ngoại ô Paris. Năm 1911, ông ngoại thành lập học viện Ngôn ngữ Hiện đại, đưa J. P. Sartre về Paris, mời gia sư về dạy, nhưng năm 1917 mẹ lấy chồng khác và đưa con về miền Nam nước Pháp.

Từ năm 1924 - 1929, J. P. Sartre học tại trường Sư phạm, trở thành giáo sư triết học tại Le Havre năm 1931. Trong thời gian này ông làm quen với Simon de Beauvoir, một nhà văn lớn sau này trở thành học trò và bạn đời của ông. Năm 1932, ông theo học triết học của Edmund Husserl và Martin Heidegger. Sau khi tiếp tục dạy ở Le Havre và ở Lyon, J. P. Sartre dạy ở trường trung học Pasteur ở Paris trong thời gian từ năm 1937 - 1939.

Cuối những năm 30 J. P. Sartre bắt đầu viết những tác phẩm lớn của đời mình, trong đó có Buồn nôn (1938), Bức tường (1938), những cuốn sách tiêu biểu cho dòng văn học phi lí đã giúp J. P. Sartre trở thành một trong những nhà văn hóa lớn nhất của nước Pháp thời kì này. Trong Thế chiến II, do mắt kém, ông không nhập ngũ nhưng vẫn tham gia kháng chiến, bị bắt làm tù binh, sau đó bị nhốt vào trại tập trung. Năm 1941, J. P. Sartre trở về Paris tiếp tục dạy học, viết văn, làm quen với A. Camus. Sau khi Thế chiến II kết thúc, ông thôi dạy học và chuyên tâm vào sáng tác văn học.

J. P. Sartre là một trong số các nhà văn coi quan điểm triết học là trung tâm của hoạt động sáng tạo. Tác phẩm triết học chính Tồn tại và hư vô (1943) là sự tổng hợp quan điểm chính của ông về cuộc sống. Chủ nghĩa nhân đạo hiện sinh mà J. P. Sartre truyền bá trong tiểu luận nổi tiếng Chủ nghĩa hiện sinh là chủ nghĩa nhân đạo cũng được thể hiện rõ trong tiểu thuyết Những con đường của tự do (1945 - 1949). Từ giữa những năm 1940, ông nghiên cứu chủ nghĩa Marx, thành lập tạp chí Thời mới (Les temps modernes), tuyên truyền các ý tưởng cách mạng, hoạt động xã hội.

Năm 1964 J. P. Sartre được Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải Nobel nhưng ông từ chối nhận giải vì không muốn mình biến thành một thiết chế xã hội ảnh hưởng đến công việc hoạt động chính trị cấp tiến. J. P. Sartre nhiệt tình ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Algeria, Trung Quốc, Cuba, cùng với B. Russell thành lập ủy ban chống tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Những năm cuối đời J. P. Sartre bị mù, không viết được nhưng vẫn trả lời vô số phỏng vấn, thảo luận các vấn đề chính trị với bạn bè.

J. P. Sartre cũng được biết đến nhiều với tư cách một nhà viết kịch phi lí. Ông nổi tiếng với các vở kịch Ruồi Kín cửa. Ngoài ra, J. P. Sartre còn viết phê bình văn học và các bài nghiên cứu về Baudelaire (1947), Jean Genet (1952). Cuốn sách viết về thời niên thiếu của ông, Lời nói, được xuất bản năm 1964.

* Tác phẩm:

- Đề cương lí thuyết tình cảm (Esquisse d’une théorie des émotions, 1939), khảo cứu [Outline of a theory of the emotions].

- Cái tưởng tượng (L’Imaginaire, 1940), nghiên cứu tâm lí [Psychology of imagination].

- Buồn nôn (La nausée, 1938), tiểu thuyết [Nausea].

- Bức tường (Le mur, 1938), truyện [Intimacy].

- Tồn tại và hư vô (L’Etre et le néant, 1943), tác phẩm triết học [Being and nothingness].

- Ruồi (Les mouches, 1943), kịch [The flies].

- Kín cửa (Huis clos, 1944), kịch.

- Con đĩ biết lễ nghĩa (La putain respectueuse, 1946), kịch.

- Chết không mai táng (Mort sans sépulture, 1947), tập kịch ngắn.

- Chủ nghĩa hiện sinh là chủ nghĩa nhân đạo (L’Existentialisme est un humanisme, 1946), tiểu luận [Existentialism is a humanism].

- Sự đã rồi (Les jeux sont faits, 1947).

- Guồng máy (L’engrenage, 1948).

- Những bàn tay bẩn (Les mains sales, 1948), kịch.

- Những con đường của tự do (Les chemins de la liberté, 1945 - 1949), tiểu thuyết [The roads to freedom].

- Phê phán lí trí biện chứng (La Critique de la raison dialectique, 1960), khảo luận.

- Những người bị cầm tù ở Altona (Les sequestres d’Altona, 1960), kịch.

- Lời nói (Les mots, 1964), hồi kí [The words].

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

- Guồng máy, Trần Phong Giao dịch, NXB Thời Mới, 1963.

- Ả giang hồ (nguyên tác: La putain respectueuse), Nguyễn Minh Hoàng dịch.

- Không một nấm mồ (nguyên tác: Mort sans sépulture, kịch), Trần Phong Giao dịch, NXB Giao Điểm, 1964.

- Những bàn tay bẩn, Phạm Hưng dịch, NXB Ngày Nay, 1965.

- Sự đã rồi, Trần Phong Giao - Nguyễn Xuân Hoàng dịch, NXB Giao Điểm, 1966.

- Những ruồi (nguyên tác: Les mouches, kịch), Phùng Thăng dịch, NXB Thanh Hiên, 1967.

- Ruồi (kịch), Châu Diên dịch, NXB Văn Học, 1989.

- Buồn nôn, Phùng Thăng dịch, NXB An Tiêm, 1967.

- Buồn nôn, Nguyễn Trọng Định dịch, NXB Văn Học, 1994.

- Bức tường, Lê Thanh Hoàng Dân - Mai Vi Phúc dịch và giới thiệu, NXB Trẻ, 1973.

- Kín cửa (kịch), Trần Thiện Đạo dịch, NXB Hội Nhà Văn, 1997.

- Văn học là gì? (tiểu luận), Nguyên Ngọc dịch, NXB Hội Nhà Văn, 1999.

- Về một dòng văn chương, Phạm Viêm Phương - Huỳnh Phan Anh dịch, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2001.

- Con đĩ biết lễ nghĩa, Dương Tường dịch.

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây

 

Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển

 Anders Österling, Viện Hàn lâm Thụy Điển

Năm nay, giải Nobel Văn chương đã được Viện hàn lâm Thụy Điển trao cho nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre để tôn vinh trước tác của ông, một trước tác giàu ý tưởng và tràn đầy tinh thần tự do và kiếm tìm chân lý, có ảnh hưởng sâu xa đến thời đại chúng ta.

Người ta sẽ nhớ lại rằng người được trao giải đã tuyên bố ông không muốn nhận giải. Việc ông từ chối nhận vinh dự này hoàn toàn không làm thay đổi giá trị của giải thưởng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó, Viện Hàn lâm chỉ có thể tuyên bố rằng lễ trao giải không thể tiến hành được.

 

Lời từ chối giải thưởng

Trong một công bố chính thức đăng trên tờ Le Figaro ngày 23/10/1964, Sartre đã bày tỏ lòng hối tiếc rằng việc ông từ chối nhận giải đã gây nên một vụ tai tiếng và muốn mọi người hiểu rằng, do không biết rằng quyết định của Viện Hàn lâm Thụy Điển là không thể đảo ngược, ông đã gửi thư ngăn họ đừng chọn ông để trao giải. Trong bức thư này, ông nói rõ rằng việc ông từ chối không có nghĩa là xem thường Viện Hàn lâm Thụy Điển mà là do những lý do cá nhân, có tính chủ quan của riêng ông.

Về các lý do cá nhân, Sartre nói rõ rằng do cách nhìn nhận của ông về nhiệm vụ của nhà văn, ông vẫn luôn luôn khước từ các danh hiệu mang tính chính thức, vì vậy việc ông từ chối giải lần này không phải là không có tiền lệ. Ông cũng đã từng khước từ huy chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp, không muốn vào giảng dạy ở Collège de France, và nếu có được trao giải thưởng Lenin thì ông cũng sẽ từ chối nốt. Ông tuyên bố rằng việc nhà văn chấp nhận một danh dự như vậy sẽ có nghĩa là ràng buộc những cam kết cá nhân của mình với thiết chế đã trao giải, và, trên tất cả, nhà văn không được tự cho phép mình biến thành một thiết chế.

Còn về lý do khách quan, Sartre kể ra niềm tin của ông rằng sự trao đổi qua lại giữa phương Đông với phương Tây phải diễn ra giữa những con người và giữa các nền văn hóa mà không có sự can thiệp của các thiết chế. Hơn nữa, bởi vì, theo ý ông, những giải thưởng trong quá khứ đã không hề được trao một cách bình đẳng cho những nhà văn tiêu biểu cho mọi ý thức hệ và mọi dân tộc, nên ông cảm thấy việc ông nhận giải có thể bị người ta diễn giải một cách bất công và theo những cách ông không muốn.

Kết thư, ông Sartre tỏ lòng yêu mến đối với công chúng Thụy Điển.

***

Tại buổi tiệc, S. Friberg, Giám đốc Viện Caroline, nhận xét như sau: “Ông Sartre tự thấy mình không thể nhận giải Nobel Văn chương năm nay. Người ta vẫn luôn luôn tranh luận về giải thưởng này, giải thưởng mà ai cũng tự cho mình có khả năng phán xét, hoặc không hiểu và do đó mà phán xét. Song tôi tin rằng Nobel chắc hẳn sẽ hiểu rất rõ vì sao năm nay [Viện Hàn lâm] đã chọn Sartre. Thế hệ nào cũng mơ ước thế giới này sẽ tốt đẹp hơn, điều đó đặc biệt đúng đối với nhà thơ đích thực và nhà khoa học đích thực. Đó là ước mơ của Nobel. Đó là một cách để đo lường tầm quan trọng của nhà khoa học. Đó cũng chính là cội nguồn và sức mạnh cảm hứng của Sartre.

Với tư cách tác gia và triết gia, Sartre đã là một nhân vật trung tâm trong tranh luận văn chương và tri thức thời hậu chiến, [một nhân vật] được khâm phục, bị bàn cãi và phê phán. Toàn bộ trước tác cực kỳ mãnh liệt của ông có dấu ấn của một thông điệp; được hỗ trợ bởi một nỗ lực nghiêm túc sâu xa nhằm làm cho độc giả và thế giới nói chung trở nên hoàn thiện. Triết lý mà ông dùng trước tác của mình phụng sự được giới trẻ hân hoan chào đón như một sự giải phóng.

Chủ nghĩa hiện sinh của Sartre có thể hiểu theo nghĩa: mức độ hạnh phúc mà cá nhân có thể mong đạt tới được quyết định bằng việc liệu anh ta có sẵn sàng giữ quan điểm phù hợp với bản tính của mình và chấp nhận những hậu quả sinh ra từ điều đó hay không; đây là một cách diễn dịch nghiêm ngặt hơn của một triết lý từng được diễn đạt một cách đáng khâm phục bởi người cùng thời với Nobel là Ralph Waldo Emerson: “Rốt cuộc, chẳng có gì là thiêng liêng ngoại trừ sự toàn vẹn của tâm thức bạn”.

Chất lượng của cuộc sống con người không chỉ phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài mà còn phụ thuộc vào hạnh phúc cá nhân. Trong thời đại tiêu chuẩn hóa và những hệ thống xã hội phức tạp của chúng ta, có lẽ chúng ta vẫn còn chưa mất hẳn khả năng biết được ý nghĩa của cuộc sống cá nhân, song nhất định là khả năng đó đã bị cùn mòn; và việc cấp bách đối với chúng ta ngày nay cũng như vào thời Nobel là gìn giữ những lý tưởng của ông”.

  • Trần Tiễn Cao Đăng dịch
,
,