Số phận kỳ lạ của nhà văn hai lần đoạt giải Goncourt
(VietNamNet) - Buồn vì nỗi giới phê bình chỉ lăm le kìm hãm sách của ông bằng cách nhìn nhận chúng với con mắt ê chề chán chường như thể mỗi cuốn sách mới ra của ông là một cuốn sách nhạt phèo, ông quyết định đùa ma giỡn quỷ và che giấu ngòi bút của mình. Ông mang tên Ajar để xem thử khi mình lừa bịp người đời thì người đời sẽ tiếp nhận mình như thế nào, nhiệt tình hơn hay tệ hại hơn.
Romain Kacew sinh ngày 8 tháng 5 năm 1914 tại Wilno. Tiểu sử mới nhất do Myriam Anissimov viết nói rõ: “Romain Gary kể là mình sinh ở Moscou, Thủ đô nước Nga, vì ông thấy như thế thuận lợi hơn cho thiên truyện gia đình của mình và cho kiểu nhân vật mà ông đã tạo nên. Đúng ra thì Romain Gary chào đời trong một thành phố lớn cả về tinh thần lẫn tri thức mà người Do Thái Ashkénaze[1] mệnh danh là Jerusalem của Lituanie”.
Romain Gary.
Hình như bố mẹ Gary đã chia tay sau khi Gary chào đời. Ông sẽ không bao giờ biết đến người cha của mình, cũng không hay biết gì sự thật về ông ấy. Người mang tên Kacew chắc là là người chồng thứ hai của Nina, nhưng có đúng đó là cha của Romain Gary không?
Nina Borisovskaia là nghệ danh của một nữ nghệ sĩ tầm thường, không nổi tiếng mà cũng chẳng có vinh quang. Nhưng rồi chị làm mẹ, có lẽ chỉ có trong vai người mẹ là chị diễn thành công nhất.
Vào cuối tháng 8, Nga tham chiến chống lại Đức, Thổ và Hungari. Vào năm 1917: Sa Hoàng Nicolas đệ nhị sụp đổ. Bà Kacew và Romain đến Varsovie. Vào năm 1927, họ đến Pháp và cư ngụ tại thành phố Nice. Bấy giờ Romain 13 tuổi.
Romain Kacew đẹp trai lắm, đẹp một vẻ đẹp ngoại lai. Đôi khi em nghe người ta chửi mình như thế. Nếu như quá khứ của em là một điều bí ẩn, khuôn mặt của em đậm đà tính phương Đông: Nét mặt mạnh khoẻ, cổ dài, môi dày. Ngay cả đôi mắt em có thể so sánh với đôi mắt của một anh lính Côzắc, hoặc của Gengis Khan [2]. Ngay từ rất sớm, Romain nhận ra bí mật xoay quanh thân phận của mình, bí mật mà người ta cứ một mực giấu em.
Em thường nhận được những món quà bí hiểm như thể từ trên trời rơi xuống. Ở Wilno em đã nhận được một chiếc xe đạp trẻ con, ở Nice em nhận được nhiều giấy báo nhận tiền rồi một chiếc xe đạp màu da cam. Romain muốn tin mình là con của Ivan Mosjoukine, ngôi sao phim câm người Nga. Sự giống nhau về hình thức giữa Gary và Mosjoukine thật đáng kinh ngạc: họ đều có một vẻ ngoại lai, kiểu xlavơ và có nét châu Á, một dòng máu trộn lẫn phương Đông nơi mà con mắt sáng quắc gợi cho ta những cuộc ái ân cấm kỵ và mọi rợ, trò hãm hiếp của một tên Viking hay làm tình với một em mọi [3]. Romain Kacew chắc là kết quả của một cuộc gặp gỡ tình cờ, một đêm nặc mùi rượu Champagne hay những phút giây căng thẳng. Romain thích mình là con của một Mosjoukine đủ mùi đủ vị - là một người Nga da trắng, cao thượng và vinh quang đầy mình.
Ở Nice, hai mẹ con sống trong một căn hộ hai phòng, ở đại lộ Shakespeare. Sau đó họ chuyển đến ở một nhà trọ, cũng đủ mọi loại người như ở thành phố: nhà trọ đó tên là Mermonts, ở đại lộ Carlonne, bây giờ là số 7 đại lộ François-Grosso, ở ngã ba tư gì đó phố Dante. Romain sống với mẹ. Bà chủ nhà đã cho mẹ anh làm quản gia. Sau khi đã trốn khỏi những cuộc cách mạng và thoát khỏi cảnh nghèo đói, người mẹ cho đứa con trai ở như một ông hoàng trong khi chỉ dành cho mình một căn phòng nhỏ, bưng bít, ở tầng trên cùng.
Gia đình Kacew không theo tôn giáo nào. Họ cũng không lai vãng tới nhà thờ ở phố Deloye. Chỉ là Do Thái trên giấy tờ hành chính, họ không tìm cách hùa vào những gia đình khác cùng tôn giáo. Nina Kacew đã giải quyết dứt điểm vấn đề: bà không nói về Chúa và bà cũng tránh nhắc tới thân phận của mình. Ở Nice hai mẹ con là người Nga, là Do Thái trong cộng đồng người Nga, vô thần trong cộng đồng người Do Thái.
Họ không thuộc một thành phần nào cả: họ sống vì nhau, chỉ có hai mẹ con, sống ngoài lề tất cả tình bằng hữu của những kẻ tha phương cầu thực. Nina đã nuôi dưỡng Romain trong sự tôn thờ nước Pháp. Bà đánh đồng nước Pháp với sự thành công, với niềm hạnh phúc. Bà truyền sang cho con trai mình tất cả những tham vọng mà bà đã từng nuôi dưỡng trong sự thất vọng ê chề, những tham vọng cao thượng và cháy bỏng đến nỗi dường như mang hình hài những lâu đài trên đất nước Tây Ban Nha. Bà sẵn sàng hy sinh tất cả cho đứa con trai mà bà yêu thương quá mức, để nó trở thành thành viên Viện Hàn lâm hay ngài Đại sứ Pháp…
Để sống qua ngày đoạn tháng, Nina phải chấp nhận làm những nghề khiêm tốn nhất: tắm rửa cho chó, nhận giữ chim hay mèo, làm vệ sinh. Vì đẹp người mà lại có những cách cư xử của một phu nhân quý tộc, bà được nhận làm nhân viên bán hàng cho một tiệm nhỏ ở khách sạn Negresso: bà bán cravate, khăn quàng hay nước hoa cho khách ở khách sạn. Là một người bị bệnh đái đường, bị bất tỉnh nhiều lần vì có quá nhiều đường trong máu, sáng và tối Nina phải tiêm insuline. Dầu thế, bệnh tật không ngăn nổi bà tiếp tục làm việc và nụ cười vẫn luôn nở trên môi. Người ta thường thấy bà lên xuống cầu thang nhà trọ 20 lần mỗi ngày.
Hay mắc cỡ và có nét hoang dã, Romain lớn lên, nấp sau bóng một người mẹ chịu thương chịu khó và kiêu sa. Anh luôn vâng lời mẹ như đang còn trẻ con lắm. Đó là một người mẹ Do Thái rất đỗi đáng yêu và cửa quyền, một người mẹ ý chí sắt đá và luôn sẵn sàng chế ngự người khác. Bà thôi thúc Romain phải thành công, phải vượt qua chính mình. Romain vâng lời phần vì kính trọng, phần vì tình yêu. Người ta không hiểu nhân danh cái gì mà anh lại có thể từ chối trở thành Romain Gary, sánh vai với D’Annunzio, cứu rỗi nước Pháp rồi chấp nhận đại diện đất nước này ở nước ngoài. 13 tuổi, Romain là một thiếu niên hướng về một tương lai rất mơ hồ và mông lung. 13 tuổi, anh là một thiếu niên nghiêm khắc, tập trung vào nỗi lo sợ của chính mình, để tâm vào những dự định mà anh không chịu giao phó cho ai khác.
Ở trường Trung học Nice, Romain là một học trò giỏi, có năng khiếu viết và trưởng thành đặc biệt. Sau này Romain Gary kể lại thời thơ ấu của mình ở thành phố Nice với những nét chấm phá mơ hồ, trong một tiểu thuyết được xem là có nhiều tính tự sự nhất trong các tác phẩm của ông. Đó là tiểu thuyết Lời hứa buổi bình minh, trong đó, dưới vỏ bọc của một nhà văn nổi tiếng và được mến mộ, tất cả những tình cảm và vết thương của cậu thiếu niên ngày xưa trỗi dậy. Tuy nhiên người ta sẽ hoài công tìm kiếm trong tiểu thuyết này những chi tiết rõ ràng về tiểu sử của nhà văn.
Trong tiểu thuyết đó, Romain Gary miêu tả không khí của thành phố Nice với những cám dỗ và sự nghèo khổ. Nổi trội nhất trong đó là tình yêu thương của hai mẹ con, một tình yêu mang tính sở hữu và đòi hỏi cao. Tình yêu thương này là trung tâm của câu chuyện được viết ra bởi một ngòi bút rất chân thành. Trọng tâm của câu chuyện là hình ảnh thái quá của chính người mẹ tác giả: một người mẹ hoang tưởng, cửa quyền, hay quấy rầy, dị thường và hồ đồ đến mức dám hy sinh cả bản thân mình, hướng con trai đến những thành công rực rỡ nhất để đặt cược những khổ đau oan trái mà mình đã phải hứng chịu, ước mơ con mình trở thành một Romain Gary sau này.
Câu chuyện và những nhân vật trong đó hơi dị ngợm. Nếu không phải là một người mẹ có trí tưởng tượng mang đậm tính cách xlavơ thì ai, ai có thể tin là một số phận như vậy là có thật? Đứa con di cư của một diễn viên kịch người Nga, một nghệ sĩ diễn cuộc đời mình như thể sắm vai lần cuối, một người vợ bị ruồng rẫy, một người mẹ nuôi con một mình, chống lại nghèo đói và sự chế giễu khinh bỉ của người đời, nhưng không bao giờ hết niềm tin vào một miền đất hứa là nước Pháp, cái nôi của nhân quyền; một thằng con như thế có thể trở thành một anh lính tham gia Giải phóng, một tổng lãnh sự nước Pháp, một sĩ quan được tặng Bắc đẩu bội tinh, phải ngòi bút thần tài và khả năng sáng tạo lớn lao của Gary mới có thể tin vào những kỳ công như vậy được. Về quá khứ của mình, Gary không hề nói sai. Ông không bịa đặt gì hết. Chẳng qua là ông che đậy một sự thật quá tối tăm, bẩn thỉu, xấu xa và sự thật này đã từng làm ông đau khổ. Khi kể thì Gary tô phấn điểm son, thêm lá thêm cành. Kiểu ngợi ca một cách nên thơ của ông có ít dối trá hơn là ảo thuật.
Về tiểu thuyết Lời hứa buổi bình minh, sau này Gary có nói: “Với tình mẫu tử, vào lúc rạng đông, cuộc đời hứa với bạn điều mà nó không bao giờ thực hiện. Rồi thì ta phải ăn nguội ăn lạnh cho đến hết đời. Sau đó, mỗi lần một người phụ nữ ôm chầm lấy bạn, siết bạn vào lòng, đó chỉ còn là chia buồn thương tiếc mà thôi. Rồi ta cứ trở về kêu gào bên mộ mẹ như con chó bị bỏ rơi […] Bạn đến bờ suối từ rất sớm và đã uống cạn nước. Khi cơn khát lại hành hạ bạn, bạn có chạy tứ chạy tung, chạy bủa chạy xua nơi này nơi khác cũng hoài công mà thôi. Không còn nước uống, chỉ còn ảo ảnh […]. Tôi không có ý là phải ngăn cản các bà mẹ yêu thương con mình. Tôi chỉ muốn nói là các bà mẹ phải có ai đó khác để yêu thương. Nếu như mẹ tôi có một người tình thì tôi đã không phải chết khát bên bờ suối”. Nói hết tất cả rồi. Nhưng không có gì cạn kiệt cả.
Sau khi tốt nghiệp khoa luật ở Aix-en-Provence và khoa luật Paris, Gary học nghề lái máy bay. Sau này ông trở lại Vùng tự do và tham gia lực lượng không quân tự do Pháp. Năm 1944, ông xuất bản tại Luân đôn tiểu thuyết đầu tiên mà sau này được dịch sang tiếng Pháp là “Education européenne” [4]. Cũng vào năm đó ông kết hôn với Lesley Blanch. Nhỏ nhắn, mỏng mảnh, tóc vàng, Lesley làm người ta liên tưởng tới một con búp bê làm bằng bánh bích-quy, yếu ớt và kiêu kỳ. Cô 37 tuổi, hơn Gary đến 7 tuổi, là một nhà báo nổi danh như cồn. Cô làm biên tập viên ở tạp chí Vogue, chủ yếu phụ trách về điện ảnh và kịch là mảng mà cô thường được biết đến, được đánh giá cao thậm chí còn đáng nể. Giữa hai vợ chồng, bên cạnh niềm đam mê văn chương còn có tính hài hước là chất kết dính tốt nhất giữ hai người ở lại bên nhau.
Gary từng được cử làm Thư ký tại Đại sứ quán Sofia tại Bulgarie, rồi Thư ký thứ nhất tại Đại sứ quán Berne tại Thuỵ sỹ, Đặc trách kinh doanh tại La Paz ở Bolivia, Tổng lãnh sự Pháp tại Los Angeles. Sự nghiệp mà Gary đeo đuổi thật là ấn tượng.
Vào năm 1956, khi đang ở Bolivie, Gary được tin mình đã được trao giải Goncourt cho tác phẩm “Les Racines du ciel” (Cội rễ của bầu trời). Trở về Paris, Gary được giới ngoại giao, các chính trị gia, giới làm văn nghệ, cả thành phố Paris tôn sùng. Ông chú ý đến việc quảng bá hình ảnh của mình, tạo cho mình một sự khác biệt, để râu kiểu Clark Gable, tạo dáng vẻ kiêu kỳ và giọng nói quyến rũ. Ông sắm vai siêu sao, chụp hình cho tạp chí Paris Match ở vườn thú rừng Vincennes trong cảnh ông cho voi ăn bánh mỳ. Trong các đường phố Paris, người ta dán bích chương hình ông đội chiếc mũ bông Bolivia màu da cam và màu xanh mà ông mua ở chợ La Paz.
Huyền thoại Gary ngày càng được nhiều người biết đến. Là một người làm bộ làm tịch, kinh nghiệm cho Gary biết thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào tài diễn kịch mà thôi. Tiểu thuyết “Cội rễ của bầu trời” đã chia đàn sẻ nghé giới phê bình và đặt ra vấn đề văn phong: Gary có phải là một nhà văn thực thụ hay không? Người theo ý này, kẻ theo ý khác. Gary biết khuyết điểm của mình là gì, nhưng không bao giờ để nhà xuất bản có thời gian “chải chuốt” cho những cuốn sách của ông. Mỗi khi viết xong, tiểu thuyết của ông phải được xuất bản ngay lập tức, ngay cả khi nó hơi lộn xộn chút xíu, ngay cả khi nó còn xồ xề. Sau giải Goncourt, sau lần xuất bản thứ hai thì Cội rễ của bầu trời sẽ không còn những lỗi to tát nữa.
Vào năm 1957, tại Los Angeles, Romain Gary tham gia vào cuộc sống của giới Hollywood. Chính tại đây ông đã gặp người con gái tên là Jean Sebert. Bấy giờ nàng 21 tuổi, chàng thì đã 45 tuổi. Nàng có mái tóc vàng, nước da hơi xanh nhưng đứng bên cạnh ngài Lãnh sự Pháp thì nàng vẫn trắng chán, vì chàng trông giống một người Mêhicô. Nàng nổi tiếng lắm. Còn nổi tiếng hơn chàng nữa. Nàng đã sắm vai trong phim “Jeanne D’Arc” của Otto Preminger. Nàng đã đóng Cécile trong phim “Buồn ơi chào mi” phỏng theo tác phẩm của Sagan và nàng mới quay xong phim “Hết hơi” cùng diễn viên gạo cội Jean-Paul Belmondo, phim do Godard đạo diễn. Mái tóc của nàng cắt ngắn, lởm chởm nhưng nàng trông có vẻ yểu điệu thục nữ hơn với vài gọng tóc mềm mại, kiểu tóc này càng làm nổi bật nét ngọc mày ngài của nàng.
Bằng sắc đẹp không màng son phấn, người thiếu nữ này đã quyến rũ Romain qua ánh mắt đầu tiên. Nàng đúng là người trong mộng của chàng, người mà chàng đã khắc hoạ trong các tiểu thuyết chàng đã viết, đến nỗi chàng có cảm giác yêu chính một trong những nhân vật của mình và chứng kiến giấc mơ của mình trở thành hiện thực. Sau lần cưới xin kiểu môn đăng hộ đối, sau nhiều cuộc tình chỉ kéo dài vài đêm, cuối cùng Gary đã tìm ra người tình trong mơ, không hẹn mà gặp [5].
Tối hôm đó, giữa Gary và Seberg là một vài hình ảnh huyền thoại: một nhân vật chính trong phim của Preminger trước mặt một ngài Lãnh sự nước Pháp, một ngôi sao luôn được các đạo diễn như Godard hay Truffaut để mắt đến đối diện một nhà văn đoạt giải Goncourt, một cô gái Mỹ miền Trung Tây đã Paris hoá gặp một người Pháp hơi lai Nga chút ít, hơi thân De Gaulle chút ít, hơi Do Thái chút ít. Đó là sự kỳ diệu của duyên kỳ ngộ và mối tình sét đánh.
Vào mùa xuân, họ đến ở số 108, Phố Du Bac trong một căn hộ rộng rãi 8 phòng. Đến khi Lesley biết là Jean đã có thai, cô chấp nhận ly hôn với Gary, sau 17 năm chung sống.
Vào năm 1961, Gary từ bỏ nghề ngoại giao và tuyên bố: “Đây là những năm tháng cuối cùng của tôi và tôi sẽ không hy sinh bản chất của mình, hy sinh tình yêu cuộc sống của mình cho tham vọng hay mối lo âu thành đạt”. Ông chọn tình yêu và con đường tai tiếng, bất kể Lesley không ngớt van xin ông nên giữ thể diện. Ông yêu Jean hơn và ông sẽ chọn ả đào này. Lúc gặp nàng cũng là lúc ông thay đổi tính nết một cách rõ nét và một chương mới trong cuộc đời của ông đã bắt đầu.
Nàng theo đạo Tin lành phái Luther. Tuổi thơ của nàng được đánh dấu bằng những nguyên tắc tôn giáo được xếp vào loại khắc khổ nhất thế giới. Ngay cả khi tôn giáo này được đưa sang Mỹ, nó vấn tiếp tục tán dương những giá trị thuần khiết. Rất dịu dàng lại nhạy cảm vô cùng (thế mà cuộc đời đã không làm nàng chai lỳ mới lạ chứ!), trước hết thảy nỗi đau, Jean luôn cảm thương vô hạn, và tình thương này không ai và không có gì có thể xoa dịu nổi. Trước sự bất công và đau khổ, nàng cảm thấy xao động đến tận đáy lòng, thế là nàng tìm đường viễn chinh. Nàng đưa chó mèo về nhà, mở cửa đón tiếp những thanh niên theo phong trào Hippies [6], mời mọc những kẻ không nơi nương tựa, cưu mang những đứa lang thang cơ nhỡ. Vào năm 1968, nàng xả thân vào cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc. Gary công nhận sự ngây thơ và trong trắng của Jean nhưng nghiêm khắc cho rằng sự dấn thân của Jean là theo chủ nghĩa lý tưởng, rằng điều đó vượt quá khả năng của nàng. Ông từ chối việc chia sẻ tội lỗi của những người da trắng đối với người da đen. Ông đứng tách xa cuộc chiến không liên quan đến mình.
Bức chân dung mà Gary đã vẽ nàng chứa đầy khoan dung độ lượng và sự thất vọng kìm nén. “Khó mà yêu một người đàn bà khi mình không thể giúp gì cô ấy, cũng không thể thay đổi hay rời xa cô ấy”. Ông nói tiếp: “Tôi không chịu nổi nữa rồi. 17 triệu thằng da đen trong một căn nhà, thế là quá lắm, ngay cả đối với một nhà văn chuyên nghiệp… đã quen tích trữ sự đau khổ của người khác trong nhưng cuốn sách bán chạy”. “Tôi đã đã làm văn cùng với chiến tranh, cùng với cảnh chiếm đóng, cùng với mẹ tôi, cùng với tự do của châu Phi, cùng với bom đạn, nhưng tôi cự tuyệt kiểu làm văn nghệ với những tên da đen nước Mỹ”. Ông thổ lộ rằng ông tin tưởng “phần lớn những gì chúng ta thường gọi là vấn đề tư tưởng chủ yếu là những vấn đề tâm thần mà thôi”. Ông một mực nhấn mạnh rằng thái độ tranh đấu của người da trắng, đặc biệt là những người Mỹ theo đạo Tin lành, đã quá ăn sâu vào nỗi lo sợ mang tình mang tội không thể nào dứt bỏ, và lập trường này chỉ còn hướng tới sự tự huỷ hoại mà thôi. Trong trái tim khối óc Jean hừng hực một ngọn lửa chực hướng tới dàn lửa thiêu.
Vào tháng 9 năm 1968 họ chia tay, rồi ly hôn nhưng vẫn ở gần nhau, trong cùng một căn hộ chia đôi. Con trai Diego của họ ở với bố và Jean chỉ đến ở với hai bố con vào dịp Noel.
Vào năm 1970, Jean có thai. Danh chính ngôn thuận thì nàng vẫn là vợ của Gary. Ông quyết định nhận làm bố đứa bé. Họ hoà giải với nhau. Một bài báo đăng trên tờ Newsweek khẳng đình rằng đứa bé trong bụng Jean không phải con của Gary mà là con một nhà hoạt động da đen. Ngày 23 tháng 8, Jean được chở đến bệnh viện Geneve và đẻ non một bé gái, được đặt tên là Nina [7]. Đứa con xấu số này chết hai ngày sau khi chào đời.
Vào năm 1974, Gary xấp xỉ 60. Vẫn một dáng vẻ thanh tú. Cuộc sống của ông không hết việc mà làm. Đó là thời điểm ông đã lựa chọn để hủy hoại thanh danh mình bằng cách in sách dưới một bút danh khác mà nhà xuất bản không hề biết. Đó là các tiểu thuyết “Gros-Calin” (Âu yếm), “La vie devant soi” (Cuộc sống trước mặt mỗi người) [8]. Không phải là không nghi ngại, Gary vừa dấn thân vào một cuộc thử thách ngoạn mục nhất mà suốt cuộc đời phiêu lưu của mình ông chưa bao giờ biết đến.
Cuộc phiêu lưu mang tên Ajar chắc chắn là cuộc phiêu lưu vô tiền khoáng hậu trong lịch sử văn học, thậm chí là ở cấp độ toàn cầu. Một cuộc phiêu lưu điên rồ và bi kịch. Đối diện với tính bí hiểm, những năm tháng mang tên Ajar đánh dấu cả đỉnh cao tài năng phịa chuyện của Gary lẫn sự đoạn tuyệt cơ bản mà trong đó có thể tìm thấy một trong những động cơ khiến ông tự sát.
Trong đời, trong nghề và cả trong hình dáng bề ngoài, Gary luôn thay đổi, luôn chồng xếp lên nhau nào những gương mặt, nào những cái tên, nào những danh tính. Rốt cuộc ông đã viết cuộc đời mình như viết một trong những tác phẩm của chính mình. “Thói quen chỉ là mình rồi cũng làm cho ta tách biệt với phần còn lại của thế giới và của tha nhân, cái “tôi” là dấu chấm hết cho mọi khả năng…”. Ông nói tiếp: “Đôi khi tôi cảm thấy có nhu cầu thay đổi danh tính, có nhu cầu tách xa bản thân mình chút ít và đó chính là không gian của một cuốn sách”. Với Ajar, Gary tự tạo cho mình một cái mặt nạ với một cái tên giả, một trò đùa văn học, một trò đùa giống một sự hoá thân hơn là một sự hoá trang. Bởi, việc ký dưới sách bằng cái tên Ajar cũng mới mẻ như thủa ban đầu Gary ký tên dưới tác phẩm “Giáo dục Âu châu”. Trong việc ký tên Ajar có sự cám dỗ của sự hồi xuân, của một chuyến đi xa hay sự bắt đầu lại từ đầu. Tác phẩm không khác gì tác giả. Trong tác phẩm ta dễ dàng nhận ra cách nhìn vừa bi quan vừa châm biếm về thế giới, người ta cũng dễ dàng nhận ra lý tưởng và sự bất cần đời của ông. Ajar sẽ đứng về phía trò hề, nhưng mà một trò hề buồn bã, theo kiểu “Những linh hồn chết” của Gogol. Mặc dầu vậy, tác phẩm có sự cách tân về phong cách, gần giống với văn phong của Vian hay Queneau: sử dụng lối chơi chữ, không tôn trọng cú pháp, ngữ pháp hay từ vựng, cắt xét ngôn từ hay khoác lên đó hiệu ứng khôi hài.
Gary đã trở thành một kẻ gây phiền nhiễu. Trước hết là vì ông khoác lên mình hết danh dự này đến danh dự khác: Huân chương Giải phóng, Bắc đẩu bội tinh, theo phái De Gaulle, Lãnh sự Pháp, giải Goncourt. Sau đó là bởi từ 30 năm nay, sách của ông được xuất bản rất nhiều. Người ta không còn chờ đợi điều gì mới mẻ từ một ông quan văn nữa ngay cả khi ông ăn mặc khi thì như một tên lưu manh, khi thì như một kẻ không nhà không cửa. Thế là Gary bắt đầu tìm một bút danh để sắm vai một kẻ vô tổ chức và kẻ đó không phải ai khác chính là ông, chừng đó thì chỉ những bạn đọc thực sự hiểu ông mới nhận ra ông. Buồn vì nỗi giới phê bình chỉ lăm le kìm hãm sách của ông bằng cách nhìn nhận chúng với con mắt ê chề chán chường như thể mỗi cuốn sách mới ra của ông là một cuốn sách nhạt phèo, ông quyết định đùa ma giỡn quỷ và che giấu ngòi bút của mình. Ông mang tên Ajar để xem thử khi mình lừa bịp người đời thì người đời sẽ tiếp nhận mình như thế nào, nhiệt tình hơn hay tệ hại hơn. Nhưng ít nhất ông cũng mong nhận được một sự đón tiếp thật lòng thay vì những lời bình luận quen thuộc nhàm chán. Với bút danh này Gary thay đổi vỏ bọc bề ngoài và điều này mang lại cho ông vừa sự trinh nguyên, vừa tính mới mẻ của của một nhà văn mới vào nghề.
Nhưng Gary cũng phải cho con rối của mình biểu diễn và giật dây nó trên sân khấu một vở kịch khôi hài ấn tượng. Emile Ajar sẽ là một người trong nhà: một đứa cháu tên là Paul Pavlowitch mà ban đầu danh tính thực vẫn được giấu kín. Đứa cháu này rất mê Romain Gary. Anh đã đọc hết thảy sách của ông, nhớ hết mọi câu chuyện và tất thảy nhân vật xuất hiện trong đó. Anh là một người đam mê văn học. Vai Ajar rất hợp với anh. Và anh chính là hình hài thứ hai của Gary, anh nhập thân đến mức không nhận ra mình là ai nữa. Gary khoái lắm. Con rối mà ông đã chọn để sắm vai Ajar có tài năng diễn kịch thực thụ. Đứa cháu này sắm vai nhà văn tài hoa một cách tuyệt vời, anh biết cách ăn nói và đối đáp, anh biết cách chải chuốt cho chính sự bí hiểm của riêng mình. Rồi một ngày Ajar giả danh được giải thưởng Goncourt. Theo nguyên tắc, không một nhà văn nào được phép nhận giải thưởng này hai lần. Gary bảo Paul viết thư từ chối danh dự đó.
Nhưng Hervé Bazin, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã trả lời anh ta: “Viện Hàn lâm đề cử một cuốn sách, một ứng viên. Không ai có quyền nhận lời hay từ chối giải thưởng này, cho dù còn sống hay đã chết. Dù thế nào thì Ajar vẫn được tặng giải thưởng”.
Nhẽ ra giải thưởng này đã có thể là cơ hội cho Gary tiết lộ mình là cha đẻ của tác phẩm. Vậy mà ông cứ tiếp tục trò đùa. Ông để cho bóng hình của mình đùa mây giỡn gió, chắc là để phủ nhận một xì-căng-đan mà ông không muốn đối mặt, và chắc chắn hơn là bởi trí tò mò, đầu óc tinh quái muốn xem thử người ta có thể đi xa đến mức nào…
Sự đổi trắng thay đen ăn sâu vào trong trò lừa, hay đúng hơn là trong sự nhập nhằng. Từ đây, trong mắt báo giới và ngành xuất bản, đứa “cháu” hoá thân Gary còn tuyệt vời hơn, còn xuất sắc hơn cả chính Gary. Ajar là hiện thân của nghệ thuật, vừa cách tân vừa nổi loạn, vừa hay kêu gào vừa hay đập phá. Khi Gary đang trượt dốc về phía những lão già phiền nhiễu và khó tính… thì “Cuộc sống phía trước mỗi người” là một thành công rực rỡ. Cuốn tiểu thuyết “Qua ngưỡng này, vé của ông không còn giá trị” xuất bản cùng năm nhìn chung vẫn nguyên cái khinh khi, sự thương hại châm biếm mà trong phòng trà người ta thường dành cho những tay sở khanh hết thời. Trong tiểu thuyết này, hình như ông muốn kể về nỗi sầu muộn của một ông già bất lực trong khi “Cuộc sống phía trước mỗi người” tỏ ra hào nhoáng như một kiệt tác của một nhà văn đang nổi hứng, đang làm chủ năng khiếu của mình, làm chủ Sức mạnh của mình như Gary vẫn nói.
Khi Gary cho ra cuốn “Clair de femme” (Người đàn bà lộng lẫy) một năm sau đó, những kẻ độc mồm độc miệng cho rằng ông bắt chước Emile Ajar, học theo người cháu của mình. Họ cảm thấy thích thú trong việc tìm ra những chi tiết đặc trưng Ajar, như thể là họ bắt quả tang Gary đạo văn vậy. Họ viện dẫn những chi tiết đó như những bằng chứng cho thấy sự cạn kiệt của Gary và sự vượt trội của người cháu so với ông cậu của mình. Ngôi sao Ajar quả là sáng hơn nhiều so với ngôi sao Gary.
Trong khi Gary cho đứa cháu của mình nổi danh đình đám thì ông lại khép mình lại với ý định sống theo kiểu ăn bám và viết những cuốn sách vừa tầm để cố tình làm cho những bạn đọc cuối cùng của ông thất vọng. Danh tính của hai cậu cháu nhập nhằng, rối rắm, thay đổi thường xuyên. Những năm tháng Ajar là thời kỳ Gary viết rất nhiều và lo chuyện in ấn thường xuyên. Đó là những năm tháng mà khả năng sáng tạo của Gary trở nên mạnh mẽ, mặc dù những tác phẩm của ông được ký với hai bút danh nhưng thực ra là của một nhà văn mà thôi. Đó là thời kỳ say mê nhưng u tối, chỉ xảy ra thực sự sau cánh gà, dưới những vỏ bọc để rồi chỉ cho khán giả xem một phần trong vở kịch bí hiểm của mình.
Ngày 8 tháng 9 năm 1979, người ta phát hiện thi thể Jean co rúm trong tấm chăn, mình dựa vào ghế sau của xe hơi. Nàng đã mất tích 10 ngày rồi. Bên cạnh nàng là một lọ thuốc ngủ. Sau đó, người ta khám nghiệm pháp y và kết luận là trong cơ thể nàng có một hàm lượng cồn cực lớn. Bấy giờ nàng 41 tuổi. Ngày 10 tháng 9, bên cạnh con trai Diego của mình, Gary họp báo tại nhà xuất bản Gallimard. Ông không thể kìm nén cơn xúc động. Với bằng chứng hẳn hoi, ông tố cáo cảnh sát liên bang F.B.I đã cố tình tìm cách vu khống Jean để phá hoại nàng vào năm 1970 và chính điều đó đã làm nàng phát điên. Ông có nhắc tới cái chết của đứa con: “Cô ấy đã muốn chôn cất con mình trong một quan tài thuỷ tinh để chứng minh là nó da trắng [9]. Và chính từ sự kiện này cô ấy đã phải đi từ bệnh viện tâm thần này đến bệnh viện tâm thần khác, từ ý định tự sát này đến ý định tự sát khác”.
Cuốn sách thứ 29 của Gary tên là “L’Angoisse du roi Salomon” (nỗi lo sợ của vua Salomon). Cuốn tiểu thuyết này lấy cảm hứng từ đề tài tuổi tác, cô đơn và hy vọng. Gary già rồi. Gary lại cô đơn mặc dù ông có đứa con trai của mình, mặc dù ông có Leila, một phụ nữ trạc tuổi 40, cao và thanh tú như một vũ nữ, tóc nâu để búi và cắt ngắn, gương mặt thánh thiện như một nàng công chúa xứ đảo Crete. Bố là người Thổ, mẹ là người Bordeaux, Leila sống với Gary từ một năm nay. Cô bản tính điềm tĩnh, ít lời. Gary thường so sánh cô với một con mèo dễ thương, luôn độc lập nhưng không phải vì thế mà thiếu đam mê. Leila đã ly hôn với chồng, có một đứa con trai. Về sống tại căn hộ ở phố Du Bac với Gary, cô sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, chỉnh đốn lại các bữa ăn. Cô luôn có mặt trước Gary với một sự điềm tĩnh và an tâm trong một không khí đầy lo âu chỉ riêng Gary mới có. Mấy năm trở lại đây, nỗi kinh hoàng xảy ra với Jean và trò hề Ajar đã khiến ông nặng nề hơn rất nhiều.
Nhưng rồi, một cách im hơi lặng tiếng, tại căn hộ phố Du Bac, trò đùa đã nhanh chóng biến thành ác mộng. Pavlowitch không còn là một đồ chơi, không còn là một con rối ngoan ngoãn; tất cả xảy ra như thể kẻ sắm vai vở hài kịch muốn giở trò vòi vĩnh, chẳng hạn như đòi tăng tiền hoa hồng. Quan hệ cậu cháu vì thế trở nên căng thẳng. Cuối mùa xuân năm đó, chuyện thuế má càng rót thêm lo âu vào những đau khổ thường ngày của Romain Gary. Ông cảm thấy mình bị mắc bẫy của chính mình, bị tuổi già, bị cơn ám ảnh mang tên Ajar và bị chính sự thành công của ông săn đuổi.
Trong cuốn “Europa”, Romain Gary viết: “Tôi không tin là có một đạo đức nào đó xứng với con người. Đó chẳng qua là cái thẩm mỹ mà người ta đeo đuổi đến mức hy sinh cả cuộc sống”. Đúng như nhân vật của mình, Gary sẽ chọn cái chết. Chết là tiết mục cuối cùng của đời nghệ sĩ.
Thứ 3 ngày 2 tháng 9 năm 1980, vào cuối buổi chiều, sau khi đã nghỉ viết từ nhiều tháng, sau khi đã trở thành cái bóng của chính mình, Gary chĩa mũi súng ngắn vào miệng mình và bóp cò. Năm tuần trước khi chết, ông đã thổ lộ với tờ Matin: “Tôi không phải là kẻ bị lãng quên. Tôi là một người xa lạ”. Mặc dầu vậy, không phải tự nhiên mà Gary tự sát. Hình như ông đã nghĩ rất kỹ rồi. Đó như thể là một vụ tự sát theo lý trí và theo một sự sáng suốt điên rồ khi người ta đã biết hết tất cả mọi thứ và không thể chịu nổi cảnh phải tiếp tục sống. Thông điệp của ông dành cho báo giới hình như đánh dấu chấm hết cho những chất vấn này, cho dù những chất vấn đó chưa thực sự tỏ tường.
Chắc là phải chất vấn chính tác phẩm “Clair de femme” (Người đàn bà lộng lẫy). “Trong tiểu thuyết này, sự châm biếm và chủ nghĩa hư vô rình rập niềm tin của chúng ta, xoi mói cả sự đoán chắc của chúng ta dưới cái nhìn khoái trá của cái chết. Những vị thần phàm tục chễm chệ trên đỉnh núi Olympia chất đầy lòng dạ chúng ta để rồi rình rập chúng ta. Cuộc đời của chúng ta có lẽ chỉ là trò tiêu khiển của ai đó”. “Dường như cuộc sống chỉ là buổi ca hát hay là một tiết mục xiếc trong đó Senor Galba, (một kẻ bợm rượu, một người làm nghề huấn luyện chó làm xiếc), sẽ làm hại chúng ta một cách khoái trá”.Trong “Pseudo” (Kẻ giả danh), Gary viết: “Đêm đó, tôi lại có những ảo giác; tôi thấy rõ sự thật và sự thật là một trong những chất gây ảo giác mạnh nhất. Không thể chấp nhận được. Tôi có một người bạn đang đi viện. Anh bạn này thật là may mắn vì trong ảo giác anh chỉ thấy rắn, chuột, ma quỷ hay những cái dễ thương khác. Tôi thì chỉ thấy sự thật khi tôi có ảo giác”.
Sáu tháng sau khi tự sát, trong di cảo cuối cùng, Gary đã “giết chết” Emile Ajar và hồi sinh từ đống tro tàn. “Tôi đã vui đùa thoả thích rồi. Xin cảm ơn và chào tạm biệt”.
- Nguyễn Duy Bình dịch
Chú thích của người dịch:
[1] Cộng đồng Do Thái ở một nước châu Âu không thuộc khu vực Địa Trung Hải.
[2] Nhà quân sự sáng lập ra đế quốc Mông Cổ.
[3] Nguyên văn : Tzigane.
[4] Giáo dục Âu châu.
[5] Nguyên văn : "từ trên vùng trời của chính mình rơi xuống".
[6] Phong trào dấy lên trong những năm 1970, dựa vào nguyên tắc là phủ nhận xã hội tiêu thụ và những giá trị đạo đức xă hội truyền thống.
[7] Tức là tên của mẹ Gary.
[8] Đây là tôi dịch sát. Có thể dịch trôi chảy hơn một chút là "Cuộc sống đang ở phía trước".
[9] Xin nhắc lại : Tờ báo Newsweek đã đưa tin rằng đứa con trong bụng Jean không phải của Gary mà là của một người hoạt động phong trào da đen.