,
221
5083
Tác phẩm
tacpham
/vanhoa/tacpham/
934042
Samuel Beckett
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,
Các bậc thầy văn chương thế giới:

Samuel Beckett

Cập nhật lúc 17:57, Thứ Năm, 24/05/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Samuel Beckett được trao giải vì toàn bộ những tác phẩm cách tân văn xuôi và kịch, trong đó bi kịch của con người hiện đại trở thành khúc khải hoàn của con người. Chủ nghĩa bi quan của Beckett mang trong mình một tình yêu lớn lao đối với nhân loại, mà cùng với sự dấn sâu đến tận cùng của nhơ nhuốc và tuyệt vọng thứ tình yêu đó càng chỉ lớn lên thêm, và khi nỗi tuyệt vọng trở nên không cùng, ta mới thấy sự cảm thông là vô hạn.

Samuel Beckett (13/4/1906 - 22/12/1989)

Giải Nobel văn học 1969

* Nhà văn, nhà viết kịch Ireland (viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp)

* Nơi sinh: Dublin (Ireland)

* Nơi mất: Paris (Pháp)

beckett-1.jpg
Samuel Beckett
Samuel Barclay Beckett là con út trong một gia đình doanh nghiệp. Ông học ở nhà rồi vào trường nội trú ở thành phố nhỏ Enniskillen; học tiếp trường cao đẳng ở Dublin, khoa Văn học Hiện đại; học tiếng Pháp, tiếng Italia tại học viện Thánh Ba Ngôi Dublin. Tốt nghiệp, S. Beckett dạy học ở Belfast, sau đó đến Paris, kết bạn và giúp đỡ nhà văn đồng hương mắt lòa James Joyce hoàn thành tiểu thuyết Finnegans Wake.

Năm 24 tuổi ông trở lại học viện Thánh Ba Ngôi làm giảng viên. Từ năm 1932 S. Beckett đã xuất bản thơ và tiểu luận nhưng ít được chú ý. Những năm 30, để thoát khỏi không khí ngột ngạt trong nước, ông ra nước ngoài và đi du lịch nhiều nơi.

Năm 1937, S. Beckett định cư ở Paris, làm quen với người bạn đời tương lai (kết hôn năm 1961) là nữ nghệ sĩ dương cầm Suzanne Deschevaux-Dumesnil; trong thời kì quân Đức chiếm đóng, ông tham gia phong trào kháng chiến. Năm 1942 S. Beckett cùng bạn gái chạy trốn bọn Gestapo đến làng Roussillon ở miền Nam nước Pháp, làm công nhân nông nghiệp. Cùng thời gian này ông viết tiểu thuyết Watt (hình thức chơi chữ: từ "What" là tên nhân vật chính, trong tiếng Anh có nghĩa là “cái gì”) nói về những gắng gỏi vô ích của một người muốn sống hợp lí trong thế giới phi lí.

Đây là tác phẩm cuối cùng của S. Beckett viết bằng tiếng Anh, về sau ông sáng tác bằng tiếng Pháp, trong đó có bộ ba Molloy (1951), Malone hấp hối (1951) và Không thể gọi tên (1953) là những thử nghiệm ngôn ngữ thể hiện những tìm tòi của nhà văn. Đề tài về tính chất phi lí của sự tồn tại xuyên suốt toàn bộ sáng tác về sau của ông, gồm cả những vở kịch truyền thanh và truyền hình.

Mặc dù tiểu thuyết chiếm chỗ quan trọng trong sáng tác của S. Beckett nhưng làm ông nổi danh thế giới lại là vở kịch Đợi Godot sáng tác bằng tiếng Pháp (viết năm 1946, công diễn năm 1953, xuất bản bằng tiếng Anh năm 1954). Cùng với thể loại kịch hoàn toàn mới - bị tước bỏ ý nghĩa và hành động kịch - S. Beckett đã đưa triết học hiện sinh chủ nghĩa lên sân khấu và gây sự kích động mạnh mẽ trong công chúng và cả giới phê bình. Lúc này tất cả các tiểu thuyết của ông đều được theo dõi chăm chú.

Tàn cuộc chơi là vở kịch thành công lớn thứ hai của ông. Năm 1966 ra đời tiểu thuyết cuối cùng của S. Beckett Như điều đó.

Năm 1969 S. Beckett được đề nghị tặng giải Nobel vì toàn bộ những tác phẩm văn xuôi và kịch. S. Beckett đồng ý nhận giải với điều kiện ông sẽ không tới dự lễ và tạm lánh đi để tránh những trò quảng cáo nhộn nhạo; giải thưởng được trao cho người xuất bản sách của ông.

Trong những năm tiếp theo ông viết những vở kịch một hồi; tự dàn dựng một số tác phẩm của mình; năm 1978 ông in một tập thơ ngắn.

S. Beckett gần như im lặng tuyệt đối về sáng tác của mình, nhưng lại có vô số những công trình khảo cứu, chuyên luận, bài báo viết về ông... Một nhà phê bình người Anh nói: "Tôi không nghĩ là có một ai trong số các nhà văn hiện đại nắm vững tiếng Anh (và tiếng Pháp) như S. Beckett".

Ở Việt Nam có ba bản dịch vở kịch Đợi Godot của ông.

 

* Tác phẩm:

- Whoroscope (1930), tiểu luận.

- Proust (1931), tiểu luận.

- Châm chọc nhiều hơn đấm đá (More pricks than kicks, 1934), tập truyện ngắn.

- Murphy (1938), tiểu thuyết.

- Molloy (1951), tiểu thuyết.

- Malone hấp hối (Malone meurt, 1951), tiểu thuyết.

- Watt (1953), tiểu thuyết.

- Đợi Godot (En atttendant Godot, 1953), kịch [Waiting for Godot].

- Không thể gọi tên (L’innommable, 1953), tiểu thuyết.

- Tàn cuộc chơi (Fin de partie, 1957), kịch.

- Cuốn băng cuối cùng của Krapp (Krapp’s last tape, 1958), kịch.

- Những ngày tươi đẹp (Happy days, 1961), kịch.

- Trò chơi (Play, 1963), kịch.

- Đến và đi (Come and go, 1966), kịch.

- Này, Joe (Eh, Joe, 1966), kịch.

- Tình đầu (Premier amour, 1970), tiểu thuyết.

- Meercier và Camier (Meercier et Camier, 1970), tiểu thuyết.

- Không có tôi (Not I, 1973), kịch.

- Như điều đó (Comment c’est, 1969), tiểu thuyết.

- Thơ (Mirlitonnades, 1978).

- Hãng (Company, 1978), truyện.

- Đả đảo tất cả những gì kì lạ (All strange away, 1979), kịch.

- Ru (Rockaby, 1981).

- Ứng khẩu Ohio (Ohio impromptu, 1981).

 

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

- Khác và hệt (thơ), Nguyễn Đăng Thường dịch từ nguyên bản tiếng Pháp. Nguồn: Collected Poems 1930-1978.

- Trong khi chờ Godot (nguyên tác: En attendant Godot, kịch 2 màn), Mai Vi Phúc dịch, NXB Kỷ Nguyên, 1969.

- Chờ đợi Godot (nguyên tác: En attendant Godot, kịch), Đình Quang dịch, NXB Thế Giới, 1995.

- Trong khi chờ Godot (nguyên tác: En attendant Godot, kịch), Vũ Đình Phòng dịch, tạp chí Văn học nước ngoài số 3 năm 1997.

- Chung cuộc (nguyên tác: Fin de partie, kịch), Nguyễn Đăng Thường dịch, đăng lần đầu tiên trên Văn học nghệ thuật Liên mạng số 553 ngày 11/11/2002.

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây

 

 

Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển

Karl Ragnar Gierow, Viện Hàn lâm Thụy Điển

Muôn tâu Hoàng thượng, kính thưa chư vị Hoàng gia, thưa quý ông quý bà,

S. Beckett gần như im lặng tuyệt đối về sáng tác của mình, nhưng lại có vô số những công trình khảo cứu, chuyên luận, bài báo viết về ông... Một nhà phê bình người Anh nói: "Tôi không nghĩ là có một ai trong số các nhà văn hiện đại nắm vững tiếng Anh (và tiếng Pháp) như S. Beckett".

Trộn lẫn một trí tưởng tượng mãnh liệt với một thứ logic đến độ phi lý, kết quả là ta sẽ có hoặc một nghịch lý hoặc một người Ailen. Nếu [kết quả] là một người Ailen, ta cũng sẽ có luôn nghịch lý. Ngay cả giải Nobel văn chương đôi khi cũng bị phân chia. Nghịch lý thay, điều này từng xảy ra vào năm 1969, một giải thưởng được trao cho một người, hai ngôn ngữ và một nước thứ ba mà bản thân nước này cũng bị xẻ chia.

Samuel Beckett chào đời gần Berlin vào năm 1906. Nửa thế kỷ sau đó, tại Paris, ông bước vào thế giới với tư cách một tác gia lừng danh, trong vòng ba năm đã cho in năm tác phẩm khiến ông lập tức trở thành tâm điểm chú ý của dư luận: tiểu thuyết Molloy in năm 1951; phần tiếp theo là tiểu thuyết Malone Meurt in cùng năm; vở kịch Chờ Godot in năm 1952; năm tiếp theo là hai tiểu thuyết L’Innommable, cuốn cuối cùng của bộ ba tiểu thuyết về MolloyMalone; và Watt.

Những niên đại đó đơn giản chỉ ghi lại một sự đột khởi. Năm tác phẩm này chẳng phải vừa mới viết xong tại thời điểm ấn hành, cũng chẳng phải chúng được viết theo trình tự trước sau giống như khi xuất bản. Các tác phẩm này có cái nền chung là trạng huống hiện tại cũng như sự phát triển tự thân của Beckett trước đó. Bản chất đích thực của Murphy, một cuốn tiểu thuyết viết từ năm 1938, và các công trình nghiên cứu về Joyce (1929) và Proust (1931), vốn soi sáng quan điểm ban đầu của ông, hẳn chỉ được thấy rõ nhất dưới ánh sáng những trước tác về sau của Beckett. Bởi, mặc dù Beckett là kẻ tiên phong với những mô thức biểu hiện mới trong văn chương và kịch nghệ, ông vẫn gắn liền với truyền thống, gắn bó mật thiết không chỉ với Joyce và Proust mà với cả Kafka, và các kịch phẩm của ông ngay từ đầu đã kế thừa từ các kịch phẩm của Pháp thập niên 1890 và Ubu Roi của Alfred Jarry.

Ở một số khía cạnh, tiểu thuyết Watt đánh dấu một sự đổi giai đoạn trong văn nghiệp kiệt xuất của Beckett. Được viết trong khoảng 1942-1944 ở miền nam nước Pháp nơi Beckett đến để tránh họa phát xít sau khi sống một thời gian dài ở Paris, đây là tác phẩm cuối cùng của ông viết bằng tiếng Anh trong nhiều năm liền; ông thành danh bằng tiếng Pháp và không hề trở lại viết bằng tiếng mẹ đẻ trong khoảng mười lăm năm. Thế giới xung quanh cũng đã thay đổi khi Beckett cầm bút trở lại sau cuốn Watt.

Mọi tác phẩm khác làm ông thành danh đều được viết trong khoảng 1945-1949. Thế chiến Thứ hai là cái nền của chúng; chỉ sau Thế chiến ngòi bút của ông mới đạt độ chín muồi và mang một thông điệp. Nhưng các tác phẩm đó không nói về bản thân chiến tranh, về cuộc sống nơi chiến trận, hay về phong trào kháng chiến của Pháp (mà Beckett tham gia tích cực) mà về những gì xảy ra sau đó, khi hòa bình đã trở lại và tấm rèm bị những kẻ vô đạo nhất trong các kẻ vô đạo xé toang phơi bày khung cảnh khủng khiếp khi con người có thể trở nên tha hóa vô nhân đến mức độ nào - dù theo lệnh của kẻ khác hay theo động cơ của chính y - và liệu con người có thể sống nổi sau khi hứng chịu ngần nào sự tha hóa như vậy.

Theo nghĩa đó, sự tha hóa nhân tính là một đề tài trở đi trở lại trong sáng tác của Beckett và do đó trong triết lý của ông, được làm nổi bật lên bởi các yếu tố nghịch dị (grotesque) và hài hước bi đát, có thể mô tả như một chủ nghĩa tiêu cực không thể nào thôi cái việc trèo xuống những đáy sâu. Nó cần phải xuống những đáy sâu, bởi chỉ nơi đó những tư tưởng và thơ ca bi quan mới có thể làm nên những kỳ tích của mình. Khi in một âm bản, ta được cái gì? Một dương bản, một bản hiện sáng, nơi màu đen hóa ra là ánh sáng ban ngày, những phần trong bóng râm sâu nhất là những phần phản chiếu nguồn sáng.

Tên của nó là lòng lân mẫn với đồng loại, lòng bác ái. Từng có những tiền lệ ngoài việc tích lũy những điều ghê tởm trong bi kịch Hy Lạp, những điều ghê tởm đã khiến Aristotle đi đến học thuyết về sự catharsis, sự thanh tẩy thông qua cái khủng khiếp. Loài người đã rút ra được nhiều sức mạnh từ cái giếng đắng của Schopenhauer hơn là từ suối nguồn phúc lạc của Schelling, được may nhờ nỗi hoài nghi quằn quại của Pascal hơn là nhờ niềm tin duy lý mù quáng của Leibniz vào những gì mà thế giới tốt đẹp nhất trong mọi thế giới từng gặt hái được - vào lĩnh vực văn chương Ailen, vốn cũng là nguồn dưỡng chất nuôi sáng tác của Beckett -, mùa vụ thất bát hơn nhiều từ cánh đồng mục vụ bạc màu của Oliver Goldsmith so với mùa vụ từ sự tha hóa dữ dội của toàn thể nhân loại ở Dean Swift.

Một phần bản chất quan điểm của Beckett bộc lộ ở đây - ở sự khác biệt giữa một chủ nghĩa bi quan dễ có, vốn hài lòng với chủ nghĩa hoài nghi bình thản, và một chủ nghĩa bi quan được mua với giá đắt và thấu suốt nỗi nghèo nàn cùng cực của loài người. Chủ nghĩa bi quan thì bình giá và kết luận với ý niệm rằng chẳng có gì thực sự có giá trị, còn chủ nghĩa bi quan thì dựa trên chính quan điểm ngược lại. Bởi cái gì vốn đã vô giá trị thì không thể mất giá. Khái niệm sự mất phẩm giá của con người - mà có lẽ chúng ta đang chứng kiến ở mức độ lớn hơn nhiều so với bất cứ sự mất phẩm giá nào ở các thế hệ trước - không thể xảy ra nếu [bản thân] phẩm giá con người đã bị phủ nhận.

Nhưng trải nghiệm này càng trở nên đau đớn khi ta càng thừa nhận sâu sắc về phẩm giá con người. Dẫu sao chăng nữa đây vẫn là cội nguồn của sự thanh tẩy nội tại, nguồn lực của sự sống, trong chủ nghĩa bi quan của Beckett. Nó hàm chứa một tình yêu đối với loài người, một tình yêu vốn càng dấn sâu hơn vào những sự kinh tởm thì lại càng thấu hiểu hơn, một nỗi tuyệt vọng vốn cần phải đạt tới những giới hạn tột cùng của thống khổ thì mới khám phá được rằng lòng lân mẫn không hề có giới hạn. Từ chính vị thế đó, trong cõi hủy diệt, sáng tác của Samuel Beckett vươn dậy như một bệ đỡ tinh thần cho toàn nhân loại, một âm giai thứ bị bóp nghẹt lên tiếng đòi giải phóng cho những ai bị áp bức và niềm an ủi cho những ai cần an ủi.

Điều này dường như được nói lên rõ nhất trong hai kiệt tác Chờ Godot Những ngày hạnh phúc, mỗi kiệt tác, theo cách nào đó, là một sự triển khai một văn bản Kinh thánh. Trong trường hợp Chờ Godot ta có: “Người có phải là kẻ cần phải đến, hay chúng tôi đang chờ một người khác?” Hai kẻ vô gia cư chạm trán sự vô nghĩa của hiện hữu ở mức độ tàn bạo nhất của nó. Đó có thể là một con người; không một thứ luật nào ác nghiệt cho bằng luật của cõi thế và sở dĩ con người có địa vị riêng biệt trong cõi thế là bởi con người là tạo vật duy nhất cố tình áp dụng những luật đó với dụng ý ác.

Nhưng nếu chúng ta hình dung một Thượng đế - cội nguồn của ngay cả nỗi thống khổ vô biên do con người gây ra và con người phải chịu - thì liệu chúng ta đây, như những kẻ lang thang kia, chúng ta sẽ gặp loại đấng toàn năng nào một lúc nào đó, một ngày nào đó? Câu trả lời của Beckett hàm chứa trong nhan đề vở kịch. Đến cuối vở, cũng như đến cuối đời ta, ta vẫn không biết gì về Godot. Đến khi màn hạ chúng ta không hề có gợi ý nào về cái thế lực mà chúng ta vừa chứng kiến sự hành tiến của nó. Nhưng chúng ta biết một điều, điều mà toàn bộ sự khủng khiếp của trải nghiệm này không thể tước đoạt khỏi ta: đó là sự chờ đợi của chúng ta. Đó là vấn nạn siêu hình của con người, sự chờ đợi vĩnh viễn và bất định này, sự chờ đợi được khắc họa với một sự đơn giản mang tính thơ ca đích thực: [Trong khi] chờ Godot En attendant Godot, Waiting for Godot.

Văn bản của vở Những ngày hạnh phúc (Happy Days) - “một giọng kêu trong chốn hoang vu” - nói nhiều hơn đến trạng huống nan giải của con người trên trái đất, về mối quan hệ giữa người với người. Trong lời diễn giải Beckett có nhiều điều để nói về khả năng của con người trong việc vui với những ảo tưởng không chút gợn trong một chốn hoang vu hoàn toàn thiếu vắng niềm hy vọng. Nhưng chủ đề không phải ở đó. Hành động chỉ nói đến việc sự cô lập, đến việc cát ngày càng dâng cao cho đến khi cá nhân hoàn toàn bị vùi kín trong nỗi cô đơn. Tuy nhiên, từ trong im lặng nghẹt thở kia cái đầu vẫn trỗi dậy, giọng nói kêu to trong chốn hoang vu, nhu cầu bất diệt của con người muốn kiếm tìm đồng loại cho đến phút cuối cùng, nói với những người đồng đẳng với mình và tìm thấy niềm an ủi trong tình bằng hữu.

Viện Hàn lâm Thụy Điển lấy làm tiếc rằng Samuel Beckett không có mặt cùng chúng ta hôm nay. Tuy nhiên ông đã chọn người đại diện cho mình, người đầu tiên đã phát hiện ra tầm quan trọng của tác phẩm mà giờ đây được nhìn nhận xứng đáng, đó là nhà biên tập của ông tại Paris, ông Jérôme Lindon, và tôi xin mời ông nhận giải thưởng Nobel Văn chương mà Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng cho Samuel Beckett từ tay Hoàng thượng.

 

·         Trần Tiễn Cao Đăng dịch

,
,