,
221
5083
Tác phẩm
tacpham
/vanhoa/tacpham/
943508
Pablo Neruda
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,
Các bậc thầy văn chương thế giới:

Pablo Neruda

Cập nhật lúc 07:36, Thứ Ba, 12/06/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Cái mà Neruda đã đạt được trong sáng tác của ông là sự tương giao với hiện hữu. Điều này nghe có vẻ giản đơn, song có lẽ là vấn đề khó khăn nhất của chúng ta. Bản thân ông, ở một trong các Odas elementales của mình đã định nghĩa nó bằng công thức: hài hòa với Con người và Trái đất.

Pablo Neruda (12/7/1904 - 23/9/1973)

Giải Nobel Văn học 1971

* Nhà thơ Chile

* Nơi sinh: Parral (Chile)

* Nơi mất: Santiago (Chile)

P. Neruda
Được mệnh danh là nhà thơ nhập cuộc vĩ đại của Châu Mỹ Latinh, Neruda được trao giải thưởng Nobel vì những lời thơ phản kháng vang khắp thế giới, có một trí tưởng tượng mãnh liệt và chất trữ tình tế nhị; ông được coi là một trong những nhà thơ hàng đầu của thế kỉ XX.

Pablo Neruda tên thật là Neftali Ricardo Reyes y Basoalto, xuất thân trong gia đình lao động, bố là công nhân đường sắt, mẹ là giáo viên. Sớm mồ côi mẹ, thời thơ ấu sống gần thiên nhiên hoang dã, trong lành đã góp phần khiến ông trở thành thi sĩ của đồng quê và tình yêu.

Ông học tiếng Pháp và Giáo dục học ở Đại học Santiago và trở thành giáo sư tiếng Pháp, rồi làm nhà ngoại giao, đi rất nhiều nơi trên thế giới. Năm 1934-1938 P. Neruda sống ở Madrid, cuộc đấu tranh của nhân dân Tây Ban Nha đã làm thay đổi tư tưởng bi quan và quan niệm nghệ thuật của ông, thúc đẩy ông đứng về phía nhân dân Tây Ban Nha.

P. Neruda là một trong những nhân vật quan trọng trong chính quyền Chile, từ năm 1927 đến năm 1944 làm lãnh sự ở nhiều nước Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Tây Ban Nha. Trong thời gian Thế chiến II Neruda ủng hộ nhân dân Xô viết, nghiên cứu chủ nghĩa Marx, gia nhập đảng Cộng sản. Năm 1945-1948 ông được bầu vào Thượng nghị viện, nhưng hai năm sau bị buộc tội phản quốc và phải trốn sang Mexico vì công khai phê phán chính phủ đương nhiệm và gọi Tổng thống Chile lúc đó là bù nhìn.

Sau khi trở về nước 1970, ông là ứng cử viên của đảng Cộng sản Chile ra tranh chức Tổng thống, là bạn và người ủng hộ nhiệt thành của Tổng thống S. Agende. Năm 1970 -1972 P. Neruda làm Đại sứ Chile ở Pháp. Năm 1973, ông bị ung thư, về chữa bệnh tại Isla Negra thì nổ ra cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống S. Agende, ít lâu sau ông mất trong nỗi tuyệt vọng trước thời cuộc đất nước.

P. Neruda bắt đầu sự nghiệp văn chương từ năm 13 tuổi, năm 16 tuổi ông làm thơ bi quan do ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa siêu thực. Năm 1921 bài thơ Bài ca ngày hội được giải nhất trong cuộc thi do Liên đoàn sinh viên Chile tổ chức, P. Neruda đã bán bản quyền tác phẩm này để lấy tiền in tập thơ đầu tiên của mình, tập Hoàng hôn (1923). Hai mươi tuổi, ông xuất bản tập thơ Hai mươi bài thơ tình và một bài thơ tuyệt vọng (1924), tập thơ bán chạy nhất ở Chile, làm ông trở thành một trong những nhà thơ trẻ nổi danh nhất ở Mỹ Latinh.

Từ năm 1948 đến 1952, trong thời gian sống lưu vong P. Neruda viết tập thơ Bài ca chung (xuất bản 1950), gồm 340 bài thơ, được coi là kiệt tác đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông. P. Neruda đã đi từ trường phái biểu tượng sang siêu thực và cuối cùng trở thành nhà thơ nhập cuộc, nhà thơ chiến đấu, ảnh hưởng của thơ ông đối với các dân tộc nói tiếng Tây Ban Nha là rất lớn. Năm 1971 ông được trao giải Nobel "vì những tác phẩm thơ và một sức mạnh siêu nhiên đã thể hiện được sức mạnh của cả một châu lục".

P. Neruda là nhà nghệ sĩ cách mạng đấu tranh cho phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Mỹ Latinh và hòa bình thế giới, là tác giả của những kiệt tác thơ tình cuồng nhiệt, những áng thơ triết lí sâu sắc và của cả những bản tụng ca những điều giản dị, đời thường. Thơ ông được dịch nhiều và được yêu thích ở Việt Nam.

Ngoài giải Nobel, ông còn được nhận giải thưởng của Hội đồng hòa bình Thế giới (1970), Giải thưởng Lênin vì sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc (1953). Năm 2004, sau nhiều năm ông gần như không được nhắc đến ở tổ quốc, cả đất nước Chile tưng bừng kỉ niệm 100 năm ngày sinh của P. Neruda, coi ông là niềm tự hào dân tộc, là biểu tượng bất khuất của nhân loại.

* Tác phẩm:

- Bài ca ngày hội (La cancion de la fiesta, 1921), thơ.

- Hoàng hôn (Crepusculario, 1923), thơ [Twilight].

- Hai mươi bài thơ tình và một bài thơ tuyệt vọng (Viente poemas de amor y una canción desesperada, 1924), thơ [Twenty love poems and a song of despair].

- Sự mạo hiểm của con người bất tử (Tentativa del hombre in finito, 1926), thơ.

- Trú ngụ trên trái đất (Residencia en la tierra, 1933, 1935, 1937), thơ (2 tập) [Residence on Earth and other poems, 1946].

- Tây Ban Nha trong tim (España en el corazon, 1937), thơ.

- Bài ca Stalingrad (Canto Stalingrado, 1942), thơ.

- Bài ca chung của Chile (Canto general de Chile, 1939), chùm thơ sử thi.

- Bài ca chung (Canto general, 1950), thơ.

- Chùm nho và những ngọn gió (La uvas y el viento, 1954), thơ.

- Bài ca khởi thủy (Odas elementales, 1954_1959), thơ, 3 tập [The elementary odes].

- Bài ca chiến công (Canción de gesta, 1960), thơ.

- Estravagario, 1958, thơ.

- Đi biển và trở về (Na vegacionesy regresos, 1959), thơ.

- Một trăm bài xônê tình yêu (Cien sonetos de amor, 1960), thơ.

- Những viên ngọc Chile (Les piedras de Chile, 1960), thơ.

- Những bài ca nghi lễ (Cantos ceremoniales, 1961), thơ.

- Thơ tuyển của Pablo Neruda (Selected Poems of Pablo Neruda, 1961), tập thơ song ngữ Tây Ban Nha - Anh.

- Đài kỷ niệm của Isla Negra (Memorial de Isla Negra, 1964), thơ [Isla Negra].

- Ánh sáng rực rỡ và cái chết của Joaquin Murieta (Fulgor y muerte de Joaquin Murieta, 1967), kịch.

- Biển cả và tiếng chuông (El mar y las campanas, 1973), thơ.

- Trái tim vàng (El corazon amarillo, 1974), thơ.

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

- Thơ Pablo Neruda, Đào Xuân Quý dịch, NXB Văn Học, 1961, tái bản năm 1974.

- Không đề, Ôi tình yêu cay đắng, Trong bao sao sáng ngợi ca, Khi anh chết, in trong 100 bài thơ tình thế giới, Sở Văn hóa - Thông tin Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo, 1986.

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây

 

 

Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển

Karl Ragnar Gierow, Viện Hàn lâm Thụy Điển

Muôn tâu Hoàng thượng, thưa chư vị hoàng gia, thưa quý ông quý bà,

Chẳng có nhà văn lớn nào nhờ Giải Nobel mới được vinh danh. Chính Giải Nobel được vinh danh nhờ người nhận nó - với điều kiện người được chọn đúng là người đáng chọn. Nhưng ai mới đúng là người đáng chọn? Theo di chúc của Nobel, như chúng ta vừa nghe, giải thưởng này nhằm vinh danh những tác phẩm theo “một xu hướng lý tưởng”. Điều này không thuần túy theo cách người Thụy Điển. Người ta có thể làm việc trong những hoàn cảnh không lý tưởng. Người ta, theo giả định của Oscar Wilde, có thể là một người chồng lý tưởng. Từ “lý tưởng” đơn giản là nói đến một cái gì đó tương hợp với những kỳ vọng hợp lý. Nhưng chừng đó là không đủ cho giải thưởng Nobel. Vào thời của Nobel từ này còn có những hàm nghĩa triết học. Dùng từ “lý tưởng” là để nói đến một cái gì đó chỉ hiện hữu trong trí tưởng tượng của con người chứ không bao giờ hiện hữu trong thế giới của giác quan. Điều này có lẽ đúng với người chồng lý tưởng, nhưng không đúng với người nhận giải Nobel lý tưởng.

Tinh thần của di chúc Nobel cho ta biết về suy nghĩ của ông. Sự đóng góp [của người được giải Nobel] phải là sự đóng góp có ích cho nhân loại. Nhưng bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào xứng đáng với cái tên nghệ thuật thì đều có ích cho nhân loại, và bất cứ tác phẩm văn chương nào có một mục đích nghiêm túc thì đều như vậy, thành thử cho đến nay điều đó không nhằm tới mục đích nào nghiêm túc hơn là gây một tiếng cười lành mạnh mà thôi.

Câu này trong bản di chúc có quá nhiều điều để nói, khiến chúng ta không thể rút ra từ đó một thông điệp sáng rõ. Tuy nhiên, một trong số ít oi những trường hợp mà câu đó mang một ý nghĩa rõ ràng, ấy là người nhận giải Nobel Văn chương năm nay: Pablo Neruda. Tác phẩm của ông có ích cho nhân loại chính vì chiều hướng của nó. Nhiệm vụ bất khả thi của tôi ở đây là chỉ ra điều đó trong một vài lời. Nói vắn tắt về Neruda thì chẳng khác nào dùng vợt bắt bướm để tóm con kền kền vậy. [Nhét] Neruda [vào] một vỏ hạt dẻ là một đề xuất phi lý: cái hạt sẽ phá tung cái vỏ.

Dẫu vậy, ta có thể làm một cái gì đó để miêu tả cái hạt nhân này. Cái mà Neruda đã đạt được trong sáng tác của ông là sự tương giao với hiện hữu. Điều này nghe có vẻ giản đơn, song có lẽ là vấn đề khó khăn nhất của chúng ta. Bản thân ông, ở một trong các Odas elementales (1} của mình đã định nghĩa nó bằng công thức: hài hòa với Con người và Trái đất. Phương hướng trong sáng tác của ông, phương hướng mà ta có thể gọi một cách thật chính đáng là lý tưởng, được chỉ rõ bởi con đường đã đưa ông tới sự hài hòa này. Điểm xuất phát của ông là sự cô biệt và sự không hòa hợp.

Đó chính là trong những bài thơ tình thời trẻ của ông. Những gì mà Hai mươi bài thơ tìnhmột tụng ca tuyệt vọng mô tả là sự gặp gỡ giữa nỗi lẻ loi của hai con người trong bóng tối của sự hủy diệt, và trong tác phẩm quan trọng sau đó, Cư ngụ trên Trái đất, ông vẫn “một mình giữa vật chất chuyển dời” (tạm dịch, “alone among shifting matter”).

Bước ngoặt được đạt tới ở Tây Ban Nha. Khi Neruda thấy bạn bè và văn hữu bị cùm tay đưa đi hành quyết, thì như thể ông đã thoát khỏi bóng tối của cái chết và một con đường hướng đến sự tương lân được mở ra. Ông tìm thấy tình bằng hữu của những người bị áp bức, đọa đày. Ông tìm thấy nó khi từ nước Tây Ban Nha nội chiến trở về tổ quốc, chiến trường của những kẻ chinh phục suốt hàng bao thế kỷ. Nhưng từ tình bằng hữu với cái xứ sở của nỗi khủng khiếp này cũng nảy sinh nhận thức về sự giàu có của nó, niềm tự hào về quá khứ của nó, và niềm hy vọng cho tương lai của nó, cái mà ông nhìn thấy tỏa sáng xa mờ như một ảo ảnh ở mãi phía Đông. Với nhận thức đó, tác phẩm của Neruda chuyển hóa thành thơ ca của sự sẵn sàng về mặt chính trị và xã hội dưới lá cờ của sự khôi phục và viễn cảnh tương lai - đặc biệt là trong Canto general mà một phần được viết giữa khi ông đang bị lưu đày trên chính đất nước mình chẳng vì tội nào khác ngoài một ý kiến. Ý kiến đó là: đất nước ông thuộc về ông và các đồng bào ông và người ta không được xúc phạm đến phẩm giá của bất cứ ai. 

Tập thơ vĩ đại này chỉ là một giọt trong trước tác tràn trề của Neruda. Trong tác phẩm của ông, cả một lục địa thức tỉnh để ý thức [về chính nó]. Đòi hỏi sự chừng mực ở một cảm hứng như vậy chẳng khác gì đòi một thung lũng phải có hệ thống và trật tự và đòi một núi lửa phải biết kiềm chế.

Khó lòng nhìn trước tác của Neruda như một tổng thể, điều đó cũng khiến thật khó lòng nhận thấy ông đã để lại những khoảng cách nào phía sau ông. Một trong các tập thơ về sau của ông là Estravagario. Đây có vẻ là một từ mới, kết hợp giữa hai từ extravagance (sự quá độ, ngông cuồng) và vagabondage (sự lang thang phiêu bạt), ý thích bốc đồng (whim) và tính giang hồ hiệp sĩ (errantry). Bởi con đường từ Canto general vẫn còn dài và đầy trải nghiệm, [những trải nghiệm] làm ta phong phú hoặc là cay đắng. Ta khám phá rằng lãnh địa của điều khủng khiếp không chỉ nằm ở một phần của trái đất và Neruda nhìn điều đó bằng nỗi phẫn nộ của một người cảm thấy chính mình bị lừa bịp. Cái thần tượng tự ngày xưa, vốn được dựng lên ở bất cứ đâu trong dạng “bức tượng bằng vữa của những vị thánh thần có ria mép và mang ủng” giờ đây xuất hiện dưới một ánh sáng thậm chí còn tàn nhẫn hơn, cũng như sự tương đồng về phương pháp và mũ mão cân đai của hai nhân vật lãnh tụ mà ông chỉ gọi là Ria mép và Ria mép nhỏ.

Nhưng đồng thời Neruda cũng được đưa đến một mối quan hệ mới với Tình yêu và Người phụ nữ, đến cội nguồn và sự tương tục của cuộc sống, điều có lẽ được biểu đạt đẹp đẽ nhất trong một kiệt tác khác nữa vào những năm gần đây, La Barcarola. Con đường của Neruda giờ đây sẽ đưa ông đến đâu, không ai có thể nói được. Nhưng hướng đi thì đã được định sẵn, đó là hài hòa với Con người và Trái đất, và chúng ta sẽ dõi theo thứ thơ kiệt xuất này với lòng kỳ vọng lớn lao, thứ thơ mà với khí lực tràn trề của một lục địa đang thức tỉnh cũng giống như một trong những dòng sông của nó, càng đến gần cửa biển, càng gần đến biển thì lại càng hùng vĩ hơn, càng mạnh mẽ hơn.

Kính thưa Ngài,

[Tác phẩm] Estravagario của ngài đã đưa ngài đi xa, qua bao nước và bao thời đại. Đã có lần nó đưa ngài đến một thành phố mỏ nơi các thợ mỏ viết lời trân trọng chào ngài lên mảnh đất này, mảnh đất mà quả thực là của ngài. Lời đó là: Kính chào Neruda. Đó là những lời của phẩm giá con người bị áp bức gửi đến kẻ vốn là phát ngôn nhân của họ. Chuyến vòng quanh thế giới của ngài đã đưa ngài đến đây hôm nay: đến thành phố có những tháp nhà thờ màu xanh ve xám mà ngài từng có lần ca ngợi. Và tôi nhắc lại cũng một lời chào trân trọng đó: Bienvenido Neruda. Cùng với lời chào đó tôi cũng xin gửi đến ngài lời chúc mừng của Viện Hàn lâm Thụy Điển và xin mời ngài nhận giải Nobel văn chương năm nay từ tay Hoàng Thượng.

Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ tiếng Anh

 Diễn từ

Hướng về Thành phố huy hoàng

Bài phát biểu của tôi sẽ là một cuộc viễn du dài; tôi sẽ đi qua những miền xa xôi và hoàn toàn khác, nhưng chúng lại rất giống với những vùng hoang mạc của phương Bắc. Tôi đang nói về chính miền Nam của đất nước tôi. Chile trải dài suốt dọc cả châu lục, tới tận Nam Cực, và ở đó, nơi Cực Nam, thiên nhiên Chile giống với thiên nhiên Thụy Điển, một đất nước gối đầu lên Cực Bắc tuyết phủ đầy của hành tinh chúng ta.

Các sự kiện xảy ra từ lâu đã đưa tôi đến chính cái vùng đất xa xôi ấy, - ở đó tôi cần phải vượt dãy Andes và tìm đến đường biên giới giáp với Argentina. Những cánh rừng rậm rì che phủ các vùng đất khó vượt qua này; và chúng tôi, không muốn gây chú ý, bí mật chui qua, như đi trong một đường hầm, và khó khăn lắm mới định hướng được trong rừng rậm bạt ngàn. Không có đường sá, không có những lối mòn, và đoàn người cưỡi ngựa không có hàng lối của chúng tôi - năm bạn đồng hành của tôi và tôi, - đi vòng tránh các cây lớn chặn ngang đường, những con sông hiểm trở, những vách đá chất ngất, những đảo băng hoang vu, tìm hú họa con đường dẫn tới tự do của tôi. Các bạn đồng hành của tôi biết phải đi trong rừng rậm như thế nào, nhưng để chắc chắn, không xuống ngựa, họ dùng phảng lưu lại những nhát chém trên vỏ các cây lớn để sau khi đã đưa tôi đến nơi và giao phó cho số phận, họ sẽ theo các mốc này mà tìm được đường về.

Mỗi người cảm thấy mình như bị cầm tù bởi chốn rừng sâu vô biên vô tận này, bởi sự tĩnh lặng mang màu xanh và trắng này. Những cây gỗ, những dây leo khổng lồ, mùn rác tích tụ đã hàng trăm năm nơi đây, những thân cây đổ chốc chốc lại nằm ngáng qua con đường - tất thảy đó là thiên nhiên, lộng lẫy và bí ẩn, nhưng đằng sau nó ẩn náu sự đe dọa của giá rét, của tuyết, của sự truy đuổi. Tất cả ở đây nhằng nhịt vào nhau: rừng thâm u, sự nguy hiểm và nhiệm vụ tối quan trọng của tôi.

Đôi khi chúng tôi đi theo những dấu vết lờ mờ khó nhận ra, chắc do dân buôn lậu hay những kẻ tội phạm trốn chạy để lại, - ai biết được, có bao nhiêu người trong bọn họ đã bỏ mạng bởi những bàn tay băng giá của mùa đông, bởi những cơn bão tuyết kinh hoàng, - vì một khi đã bùng lên trên dãy núi Andes, chúng sẽ lấp, sẽ chôn vùi lữ khách dưới lớp lớp tầng tầng tuyết phủ.

Dọc hai bên lối mòn mờ mờ trong rừng rậm, thỉnh thoảng chúng tôi nhận thấy những dấu vết do bàn tay con người để lại: những đống cành khô, hẳn nhiều lần đã giúp con người chống chọi giá rét mùa đông, - một món quà mà thế giới thực vật đem đến cho hàng trăm lữ khách; những mảnh gỗ trên các gò mộ - dường như để nhắc nhớ về những người đã khuất, để trầm tư về những kẻ đã không thể đi xa hơn và đã vĩnh viễn nằm lại đây dưới tuyết. Những bạn đồng hành của tôi cũng thỉnh thoảng dùng phảng phạt những cành cây chạm đầu chúng tôi, rủ xuống từ những cây khổng lồ bốn mùa xanh lá, và từ những cây sồi các ngọn lá còn sót lại đã run rẩy dự cảm những cơn bão tuyết mùa đông. Cả tôi cũng lưu lại làm kỉ niệm trên mỗi gò mộ - một mảnh gỗ hoặc cành cây nhỏ lấy của rừng để làm đẹp cho những nấm mồ lữ khách tôi không quen.

ở một chỗ nọ chúng tôi phải vượt sông. Sinh ra trên các đỉnh núi Anda, những con suối miền núi, đầu tiên bé nhỏ, lao vun vút, dọc đường tỏa ra cái năng lượng chóng mặt và càn quét tất cả, chúng thường biến thành những dòng thác rồi cày xới đất đai và đá tảng bằng cái sức mạnh và tốc độ mang theo từ các đỉnh núi ngang trời. Nhưng trước mắt chúng tôi lần này là dòng nước yên bình, một mặt gương lớn, có thể lội qua. Đàn ngựa ào xuống nước, rồi hụt chân và bắt đầu bơi sang bờ bên kia. Con ngựa của tôi gần như chìm hẳn dưới nước, tôi đã cảm giác điểm tựa rời khỏi tôi, và cố giữ để nổi trên bề mặt, vụng về giãy giụa hai chân, trong khi đó con ngựa cố hết sức ngóc đầu trên mặt nước. Thế rồi chúng tôi qua được con sông. Trên bờ sông, mấy người nông dân dẫn đường của tôi cười hỏi:

- Anh có sợ không?

- Sợ quá. Tôi đã tưởng chết đến nơi rồi, - tôi đáp.

- Chúng tôi luôn mang sẵn thòng lọng đi sau anh đấy chứ, - họ nói.

- Đúng ở chỗ này, - một người trong bọn họ nói thêm, - bố tôi bị ngã rồi bị nước cuốn. Anh thế là thoát đấy.

Chúng tôi đi tiếp và lọt vào một đường hầm tự nhiên khoét trong các tảng đá bởi một con sông hồi nào đầy ắp nước, còn bây giờ đã rút khỏi đây; mà có thể, sau một cơn chấn động nào đó của hành tinh chúng ta đã còn lại trong núi cái tác phẩm, cái lòng ống trong đá hoa cương mà bây giờ chúng tôi bước vào này. Cứ sau mấy bước ngựa của chúng tôi lại trượt chân, cố trụ vững trên nền đá khấp khểnh, vấp lên vấp xuống và móng ngựa tóe lửa; nhiều lần tôi ngã trên lưng ngựa xuống đá. Con ngựa của tôi trào máu mũi và các chân ngựa chệch choạc tươm máu, nhưng chúng tôi kiên trì tiếp tục cuộc hành trình dài, huy hoàng và gian khó của chúng tôi.

Ở chính tâm của cánh rừng nguyên sinh hoang dã có một cái gì đó kinh ngạc đón đợi chúng tôi. Một cách bất ngờ, cứ như thể ảo ảnh dị thường, trước mắt chúng tôi xuất hiện một bãi cỏ nhỏ yên ấm náu mình giữa các chẽ núi: nước trong vắt, cỏ xanh, hoa dại, tiếng róc rách của dòng sông, còn trên cao là bầu trời xanh và ánh sáng rực rỡ không bị lấp bóng các tán cây.

Chúng tôi dừng chân, như thể bước vào một vòng tròn huyền diệu, như các vị khách của một chốn thiêng liêng nào đó, và đúng vào lúc có một nghi lễ mà tôi thành ra là người tham dự. Các mục phu vội vã. Giữa bãi cỏ đã nằm sẵn - như đặc biệt để dành cho cuộc lễ - một cỗ xương đầu bò. Các bạn đồng hành của tôi im lặng nối nhau lại gần nó và thả vào trong hốc mắt những đồng xu nhỏ và thức ăn gì đó. Và tôi đã góp phần mình vào lễ vật dành cho những khách lãng du lạc lối, cho những kẻ trốn chạy, dù họ từ đâu tới, để họ có thể tìm thấy trong các hốc mắt con bò đã chết miếng ăn và thứ cứu giúp.

Nhưng cuộc lễ không thể quên không dừng ở đó. Những người bạn nông dân của tôi bỏ mũ xuống và bắt đầu một vũ điệu kì dị: họ nhảy lò cò xung quanh chiếc đầu lâu, theo cái vòng tròn đã được giẫm bởi không biết bao nhiêu những bàn chân đã nhảy múa ở đây - của những người đã đến đây từ trước. Và lúc ấy, nhìn những người bạn lạ lùng của mình, bằng trực giác tôi đã hiểu rằng đó là sự tiếp xúc của những người chưa từng biết nhau, tôi đã hiểu rằng thậm chí ở những góc xa xôi và heo hút nhất của thế giới này vẫn có chỗ cho sự quan tâm, cho lời khẩn cầu và những cử chỉ đáp lại.

Ban đêm, khi đã ở gần sát đường biên giới mà sau này trong những năm dài đã ngăn cách tôi với tổ quốc, chúng tôi đi qua các hẻm núi cuối cùng. Bất thình lình chúng tôi nhìn thấy có ánh lửa, mà điều này có nghĩa là bên cạnh có nhà ở của con người, và khi chúng tôi đến gần hơn thì thấy có dăm ba nóc nhà rải rác, những túp lều xiêu vẹo, thoạt nhìn trống không. Chúng tôi bước vào một trong số chúng và trông thấy trong ánh lửa: các đoạn thân cây lớn cháy giữa lều, chúng cháy cả đêm lẫn ngày, và khói, thoát qua khe mái nhà, bốc cao như một màng voan mỏng lên xa tít bầu trời.

Chúng tôi thấy những đống phô mai mà những người nấu phô mai ở các đỉnh cao này xếp tại đây. Nằm ngổn ngang bên đống lửa, như những chiếc bao tải, là mấy người đàn ông. Trong yên lặng vẳng đến chỗ chúng tôi tiếng đàn guitare và lời một bài ca; bài ca này, sinh ra từ ngọn lửa và bóng tối, là tiếng người đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp trên đường. Đó là một bài ca về tình yêu và cách trở, đó là tiếng khóc đầy tình yêu và nỗi buồn, gửi tới một mùa xuân xa xôi, tới những thành phố chúng tôi đã rời xa, tới quãng đời dài bất tận.

Họ không biết chúng tôi là ai, và chưa hề nghe nói gì về cuộc trốn chạy của tôi, chẳng biết thơ tôi lẫn tên tôi. Mà có thể, họ đã nghe và đã biết chăng? Dầu thế nào đi nữa, điều chủ yếu là chúng tôi đã ngồi bên đống lửa, cùng hát với họ và ăn uống, còn sau đó trong bóng tối đêm chúng tôi vào mấy phòng tắm thô sơ. Đúng ở chỗ này tuôn ra một mạch nước nóng: chúng tôi dầm mình vào nó, vào cái ấm nóng mà nó mang xuống từ trên núi và đón nhận chúng tôi vào lòng.

Chúng tôi thỏa thích vẫy vùng, tắm táp, rửa trôi nhọc nhằn của quãng đường dài. Rồi vào lúc bình minh lại lên đường, để vượt qua những cây số cuối cùng trên quê hương bị bóng tối che phủ của chúng tôi, chúng tôi cảm thấy mình tươi tỉnh, như đứa trẻ sơ sinh vừa được bế ra từ chậu tắm rửa tội. Chúng tôi cưỡi ngựa đi, và hát, hít đầy lồng ngực, và một sức mạnh nào đó đẩy chúng tôi lên phía trước đến con đường thênh thang của thế giới đang chờ đợi tôi. Khi chúng tôi muốn, tôi còn nhớ rõ điều này, để lại cho những người đó ít tiền - vì những bài ca của họ, vì thức ăn mà họ đã dành cho chúng tôi, vì trận tắm suối nước nóng, nói tóm lại là vì mái nhà và nơi trú ẩn mà bất ngờ chúng tôi được gặp trên con đường của mình, - họ dứt khoát từ chối. Họ đã cho chúng tôi mọi thứ đó "bình thường vậy thôi". Trong cái "bình thường vậy thôi" ít ỏi này chứa đựng nhiều điều: có thể là sự quý trọng, cũng có thể là những giấc mơ như của chính chúng tôi.

Thưa quý vị!

Tôi không tìm thấy trong sách vở công thức làm thơ, và, đến lượt mình, tôi sẽ không đưa ra bất kì lời khuyên nào, gợi ý mốt hay phong cách để các nhà thơ tương lai khai thác ở tôi chút ít khôn ngoan sẵn có. Và nếu hôm nay tôi nhớ lại các sự kiện xảy ra đã lâu, nếu lại lần nữa trải qua những gì mà tôi không bao giờ quên được, khi chọn lựa cho điều đó một dịp và một nơi thật không giống những gì tôi đã kể, thì đó là để nói rằng trong cuộc sống tôi luôn luôn tìm được chỗ dựa, tìm được một công thức sống nào đó giúp tôi không trở nên vô tình trong lời nói, mà còn lí giải bản thân cho chính mình.

Trong cuộc hành trình dài ấy tôi đã tìm thấy những thành tố cần thiết cho thơ ca. Tôi đã hiểu trong lĩnh vực này đóng góp nào là của đất và đóng góp nào là của tâm hồn. Và tôi nghĩ rằng thơ ca, nhất thời hay trác việt, là một hồi kịch trong đó có sự tham gia đồng thời và trong những mức độ nhất định, sự cô độc và tính cộng đồng, tình cảm và hành vi, nội tâm của chính nhà thơ, nội tâm của con người nói chung và sự hé lộ bí ẩn của tự nhiên.

Và tôi tin tưởng chắc chắn, rằng tất cả những điều này - con người và cái bóng của anh ta, con người và công việc của anh ta, con người và thơ ca của anh ta - nhập vào một, hòa quyện càng chặt chẽ hơn trong một tác động tương hỗ nào đó mà hiện thực và ước mơ vĩnh viễn cuốn hút ta vào, bởi vì bằng cách đó thơ ca kết hợp và hòa trộn thực tại với ước mơ. Và sau từng ấy năm, tôi nói với quý vị: tôi không biết - những bài học mà tôi tiếp nhận khi lội qua dòng sông vùng núi chảy xiết, hay khi nhảy múa xung quanh chiếc đầu bò, hoặc khi rửa sạch làn da bằng nguồn nước tinh khiết từ núi cao, - tôi không biết, điều này có xuất phát từ tôi chăng, để sau đó thành tài sản của nhiều người, hay đó là thông tin những người khác gửi đến tôi, mà với họ đây là nhu cầu bức thiết. Lúc này tôi không biết, tôi đã nếm trải điều đó hay là đã viết, tôi không biết đó là sự thật hay là thơ, là nhất thời hay vĩnh cửu, là những vần thơ tôi trải nghiệm vào khoảnh khắc đó, hay là kinh nghiệm sống mà tôi ca tụng sau này.

Từ đây, thưa các bạn, dẫn đến kết luận rằng nhà thơ phải học ở mọi người. Không tồn tại sự đơn độc kiêu ngạo. Tất cả các con đường đều dẫn tới một và chỉ một điều: sự giao tiếp qua lại và sâu sắc. Cần phải vượt qua sự đơn độc, khó tính, không giao thiệp và im lặng, để đạt tới vùng huyền diệu, nơi ta có thể nhảy những vũ điệu mộc mạc và hát những bài ca buồn, bởi vì chính trong những vũ điệu và trong những bài ca này tập trung các lễ thức cổ xưa nhất đã tạo ra ý thức của chúng ta, cái ý thức ta là một sinh vật người, cái niềm tin của chúng ta vào mục đích chung.

Có thể, ai đó hay thậm chí nhiều người coi tôi là kẻ theo chủ nghĩa bè phái, không có khả năng cùng ngồi một bàn với tất cả mọi người để chia sẻ tình bằng hữu và trách nhiệm. Tôi sẽ không biện bạch và không nghĩ rằng những cáo buộc hay sự biện minh lại là bổn phận của nhà thơ. Dù sao đi nữa, chưa có một nhà thơ nào thành công trong việc thực hiện các hành vi hành chính trong thơ, và nếu ai đó trong số họ dừng lại để buộc tội đồng nghiệp, hoặc cho rằng có thể tiêu phí cuộc đời để tự vệ, đưa ra những cáo buộc đáp lại - hợp lí hay ngu ngốc - thì bản thân tôi tin chắc rằng chỉ có tính háo danh mới có thể khiến chúng ta đi chệch đường và đẩy chúng ta đến các cực đoan tương tự.

Và tôi cho rằng: không thể có kẻ thù của thơ trong số những người yêu thơ, truyền tụng và bảo vệ thơ, - kẻ thù của thơ chỉ xuất hiện khi ở nhà thơ có sự xung đột với chính mình. Và vì vậy nhà thơ không có kẻ thù nào đáng sợ hơn sự bất lực của chính anh ta trong kiếm tìm tiếng nói chung với những người đương thời của mình, với những người không học vấn bị bóc lột thậm tệ; và điều này đúng với mọi thời đại và mọi vùng đất.

Nhà thơ không phải là “ông thánh con”. Không, nhà thơ bất luận thế nào cũng không phải là “thánh”. Và tuyệt nhiên không được ưu đãi bởi số mệnh bí ẩn đặt anh ta cao hơn những kẻ làm nghề khác hoặc công việc khác. Tôi thường nói, rằng nhà thơ tốt nhất là người mang cho chúng ta miếng bánh thiết thân, là người thợ nướng bánh, và anh ta không coi mình là thần thánh. Công việc cao cả và khiêm nhường của mình - nhào bột, cho bánh vào lò, nướng và hàng ngày đem bánh mì đến cho mọi người - anh ta thực hiện như một nghĩa vụ xã hội. Và nếu nhà thơ đạt đến được nhận thức đơn giản như vậy về nghĩa vụ của mình, thì điều đó có thể trở thành một phần của sự nghiệp vĩ đại, thành phần đóng góp của anh ta vào một công cuộc đơn giản hay phức tạp là công cuộc xây dựng xã hội, vào việc cải tạo các điều kiện xung quanh con người, thành cống hiến vật chất của anh ta – bằng bánh mì, chân lí, rượu vang và ước mơ.

Nếu nhà thơ tham gia vào cuộc đấu tranh không bao giờ dứt đó, để mọi người được trao nhau phần quan tâm, phần tình cảm trìu mến và sự dự phần của mình vào lao động thường nhật của tất cả mọi người, thì đó sẽ là cống hiến của nhà thơ, cống hiến của chúng ta trong mồ hôi chung, trong bánh mì, rượu vang và những ước mơ của toàn thể nhân loại. Chỉ có đi theo con đường này, con đường dành cho con người như một thực thể xã hội, chúng ta mới có thể trả lại cho thơ những lĩnh vực rộng lớn của đời sống bị người ta cắt xén càng lúc càng nhiều hơn với mỗi thời đại, những lĩnh vực mà vào mỗi thời đại chúng ta đang tước bớt của thơ bằng chính tay mình.

Những sai lầm dẫn tôi đến với chân lí tương đối, và những chân lí nhiều lần dẫn tôi đến các lầm lẫn, cả điều này lẫn điều kia không cho phép tôi, và ngay bản thân tôi cũng không bao giờ cố đạt điều đó, răn dạy, chỉ bảo, lãnh đạo cái gọi là quá trình sáng tác theo con đường khó khăn và nguy hiểm của văn chương. Nhưng tôi hiểu một điều: chính chúng ta tạo ra các bóng ma của huyền thoại của chúng ta. Từ những gì chúng ta nhào trộn hôm nay, từ những gì hôm nay chúng ta đang làm hoặc dự định làm, về sau sẽ sinh ra những trở ngại cho sự phát triển của chính chúng ta trong tương lai.

Chúng ta tất yếu sẽ đi tới hiện thực, hoặc đến chủ nghĩa hiện thực, - nói cách khác, chúng ta sẽ đến với nhận thức rõ ràng về những gì bao quanh chúng ta, và những cách thức cải tạo cái thực tại này; và sau đó chúng ta mới hiểu, khi có lẽ là đã muộn, rằng chính chúng ta đã tạo nên bấy nhiêu những giới hạn đến mức giết chết sự sống thay vì làm cho cuộc sống được phát triển và thịnh vượng. Chính chúng ta tự buộc mình vào thứ “chủ nghĩa hiện thực” sau đó lôi chúng ta xuống đáy như một viên gạch, còn chúng ta lẽ ra có thể dùng viên gạch ấy để xây tòa nhà mà công cuộc xây dựng nó chúng ta coi là nhiệm vụ hàng đầu nhất của mình.

Và mặt khác, nếu chúng ta dựng cho mình một thần tượng từ thứ mà chúng ta không hiểu hoặc chỉ ít người hiểu, chỉ những người được lựa chọn hiểu, nếu chúng ta dựng nên thần tượng từ cái bí ẩn, nếu chúng ta gạt bỏ thực tại hiện thực và những phái sinh mang tính hiện thực của nó, thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ ở trên một nền đất lung lay - chân ngập trong lầy lội lá, bùn và những đám mây đen, rồi sự cách biệt nặng nề sẽ nhấn chìm và bóp ngẹt chúng ta.

Riêng về chúng tôi, các nhà văn của những khoảng bao la Mỹ Châu vô hạn, - chúng tôi không ngừng nghe thấy lời hiệu triệu lấp đầy những không gian rộng lớn này bằng những thực thể bằng xương bằng thịt. Chúng tôi ý thức được nghĩa vụ của mình - nghĩa vụ của các cư dân mảnh đất này - và đồng thời chúng tôi coi thái độ phê phán đối với thế giới hoang vu này, hoang vu nhưng đầy bất công, là nghĩa vụ chính yếu của mình; chúng tôi coi việc trả nợ vì những nỗi thống khổ và nỗi đau xa xưa là nghĩa vụ của mình, và chúng tôi cảm nhận bằng trái tim những ước mơ đang ngủ quên trong những tượng đá, những di tích xưa bị tàn phá, trong tĩnh lặng vô biên của các thảo nguyên phủ khắp hành tinh, trong những khu rừng già, dưới những dòng sông cuộn réo.

Chúng tôi cảm nhận được sự cần thiết phải lấp đầy các khoảng không của châu lục câm lặng bằng ngôn từ, và chúng tôi say mê công việc tạo nên những huyền thoại và đặt tên cho các sự vật, hiện tượng. Có thể, điều này lí giải cả cái kinh nghiệm khiêm nhường của riêng tôi, và trong những hoàn cảnh này những thái quá của tôi, sự quá đáng của tôi, thói hoa mĩ của tôi cũng chẳng hơn gì công việc bình thường, thường nhật của một người dân Châu Mỹ. Mỗi bài thơ của tôi đều cố trở thành vật thể sờ mó được, mỗi trường ca của tôi đều cố trở thành một công cụ hữu ích trong công việc, mỗi bài ca của tôi là một dấu hiệu của sự thống nhất trong không gian, nơi hội tụ các ngả đường, hoặc một mảnh đá hay mẩu gỗ mà ai đó, những người khác, những người sẽ đến, có thể vạch lên những dấu hiệu mới.

Khi tin rằng nghĩa vụ của nhà thơ chính là như thế, - tôi đúng hay lầm lẫn với tất cả những hệ luận rút ra từ đó, tôi đi đến kết luận rằng hoạt động của tôi trong xã hội hay trước cuộc sống phải là một phần đời sống khiêm nhường của xã hội này. Tôi đi đến kết luận trên khi thấy được những thất bại vinh quang, những chiến thắng đơn độc và những cuộc đại phá chói lóa. Và, bị cuốn vào bức tranh toàn cảnh của cuộc đấu tranh diễn ra trên lục địa Châu Mỹ, tôi hiểu rằng sứ mạng của tôi như một con người là ở sự hòa mình với những sức mạnh rộng khắp của nhân dân có tổ chức, nhập vào đó bằng tâm huyết, bằng tất cả nhiệt tình và hi vọng, bởi vì chỉ từ ngọn triều đang dâng lên đó mới xuất hiện những con đường cần cho các nhà văn và các dân tộc.

Tuy lập trường của tôi có thể gây nên và đang gây nên những phản đối - chua cay hay nhã nhặn, nhưng sự thực là tôi không hình dung được con đường nào khác cho những nhà văn đang sống tại những quốc gia rộng lớn và khắc nghiệt của chúng tôi, nếu chúng tôi muốn bóng tối tan đi, muốn cho hàng triệu người còn chưa được đọc những tác phẩm của chúng tôi vì họ không biết đọc, và không thể viết về chúng tôi, bởi vì đến tận bây giờ họ vẫn chưa biết viết, - cho hàng triệu con người này tìm được nhân phẩm, một thứ mà nếu thiếu thì việc làm người trên thế gian là không thể hình dung nổi.

Chúng tôi được thừa kế một di sản nặng nề: đang kéo lê cái gánh nặng đáng nguyền rủa hàng thế kỷ là các dân tộc của chúng tôi - những dân tộc lương thiện nhất, trong sạch nhất, đáng được hưởng một cuộc sống tốt đẹp, những dân tộc đã từng xây dựng những ngọn tháp kì diệu từ gạch đá và kim loại, đã tạo ra những kho báu tuyệt vời nhưng hàng bao đời vẫn bị ách nô lệ thuộc địa khủng khiếp còn tồn tại cả đến ngày hôm nay chà đạp và buộc phải câm lặng.

Những ngôi sao dẫn đường của chúng tôi là đấu tranh và hi vọng. Nhưng trong đơn độc không có cuộc đấu tranh lẫn niềm hi vọng. Các thời đại quá vãng, sự hủ lậu, những lầm lẫn, những đam mê, những nhu cầu bức thiết của thời đại chúng ta, bước chân của lịch sử đang hợp thành một khối trong con người. Chẳng hạn, tôi có thể đã là gì, nếu giả sử tôi phục vụ dưới một hình thức nào đó cho cái quá khứ phong kiến của lục địa Châu Mỹ vĩ đại? Không lẽ tôi có thể ngẩng cao đầu, không lẽ cái vinh hạnh mà Thụy Điển trao cho có thể dành cho tôi, nếu như tôi không trải qua niềm kiêu hãnh vì được dự phần, dù ít ỏi, vào cuộc cải cách ngày hôm nay của tổ quốc tôi? Khi nhìn lên bản đồ Châu Mỹ, khi quan sát sự đa dạng kì vĩ của các không gian hào phóng tầm vũ trụ của nó, có thể hiểu, tại sao nhiều nhà văn lại từ chối chia sẻ quá khứ của châu lục này, cái quá khứ bị hoen ố bởi ô nhục và các cuộc cướp bóc mà các vị thần hắc ám đã ban phát cho các dân tộc Châu Mỹ.

Tôi đã lựa chọn con đường khó khăn mà trên đó tôi chia sẻ với mọi người trách nhiệm, và thay vì tôn sùng cá nhân như trung tâm của vũ trụ, tôi ưa thích việc phụng sự khiêm nhường cho đoàn chiến binh đông đảo đôi khi có thể lầm lẫn nhưng hàng ngày tiến lên phía trước không mệt mỏi, mặt đối mặt với những kẻ bướng bỉnh không theo kịp thời gian và những kẻ tự cao tự đại thiếu nhẫn nại. Bởi tôi tin, rằng bổn phận nhà thơ khiến tôi không chỉ gần gũi với hoa hồng và sự đối xứng, với tình yêu phấn hứng và nỗi buồn vô hạn, mà với cả công việc khắc nghiệt của con người mà tôi đã biến thành một phần của thơ ca mình.

Đúng 100 năm trước, một nhà thơ nghèo và xuất chúng, bạo liệt nhất trong tất cả những con người vô vọng, đã viết ra lời tiên tri như sau: “A l’aurore, armés d’une ardente patience, nous entrerons aux splendides villes (2)

Tôi tin vào lời tiên tri này của nhà tiên tri Rimbaud. Chính tôi được sinh ra nơi tỉnh lẻ, ở một đất nước bị ngăn cách với toàn thế giới bởi địa thế hiểm trở. Tôi là kẻ heo hút nhất trong các nhà thơ, và thơ tôi địa phương hạn hẹp, đau thương và đẫm mưa. Nhưng tôi luôn tin vào con người. Tôi không bao giờ để mất hi vọng. Và có thể, chính bởi vậy mà tôi đã được ở đây với thơ tôi và ngọn cờ của tôi.

Cuối cùng, tôi cần phải nói với tất cả những người thiện chí, những người lao động, với các nhà thơ, rằng toàn bộ tương lai hiển hiện trong câu này của Rimbaud: chỉ vũ trang bằng sự nhẫn nại bốc lửa chúng ta mới chiếm được thành phố huy hoàng đem lại ánh sáng, công bằng và phẩm giá cho tất cả con người.

Mà điều đó có nghĩa, rằng thơ không phải là bài ca trống rỗng.

  • Đoàn Tuấn Lương Lê Giang dịch từ bản tiếng Nga
  • Kiều Vân hiệu đính

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây 
 


(1) Tiếng Anh The Elemental Odes, một tựa đề khó dịch, bởi elemental vừa có nghĩa là “cơ bản”, “căn bản”, vừa có nghĩa là “mạnh mẽ”, “mãnh liệt”.

(2) ”Trong buổi bình minh, vũ trang bằng sự nhẫn nại bốc lửa, chúng ta sẽ tiến vào những thành phố huy hoàng” (tiếng Pháp). 

,
,