,
221
5083
Tác phẩm
tacpham
/vanhoa/tacpham/
945524
Heinrich Böll
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,
Các bậc thầy văn chương thế giới:

Heinrich Böll

Cập nhật lúc 07:29, Thứ Sáu, 22/06/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Viết văn - chí ít đối với tôi - là một sự vận động tiến lên, là sự chiếm đoạt một thân xác tôi hoàn toàn không biết. - H. Böll

Heinrich Böll (21/12/1917 - 16/7/1985)

Giải Nobel văn học 1972

* Nhà văn Đức

* Nơi sinh: Köln (Đức)

* Nơi mất: Bonn (Đức)

H. Böll
Heinrich Böll được trao giải vì những tác phẩm kết hợp tầm bao quát hiện thực rộng lớn với nghệ thuật xây dựng tính cách điển hình, đã trở thành đóng góp to lớn vào sự phục hồi nền văn học Đức. Văn phong của H. Böll giản dị và sáng rõ, nhắm đến sự khôi phục ngôn ngữ Đức sau lối khoa trương thời Quốc xã. Tác phẩm và quan điểm chính trị của H. Böll thể hiện khát vọng xây dựng một xã hội mang tính nhân văn.

Heinrich Theodor Böll là con thứ tám của một thợ cả nghề mộc theo Công giáo. Ông bắt đầu làm thơ và viết truyện ngắn từ rất sớm. Năm 1937, sau khi tốt nghiệp trung học, H. Böll theo học nghề kinh doanh sách ở Cologne. Năm 1938 H. Böll bị huy động vào quân đội dự bị của Đệ Tam Đế chế Đức; trước khi nhập ngũ ông học một học kì ngành Đức ngữ và Ngữ văn cổ điển tại thành phố quê hương; mấy lần bị thương và năm 1945 bị quân đội Mỹ bắt làm tù binh và giam mấy tháng ở miền Nam nước Pháp. Trở về quê, H. Böll tiếp tục đi học và kiếm sống bằng những công việc không thường xuyên. Năm 1943, ông kết hôn với cô giáo Anne Maria Sech; hai người có bốn đứa con.

Năm 1949 H. Böll trình làng truyện vừa đầu tiên Chuyến tàu đến đúng giờ (trước đó ông đã có gần 60 truyện ngắn đăng báo), phản ánh cuộc sống đời thường sau chiến tranh, văn phong đơn giản hóa một cách chủ ý. Tính vô nghĩa của cuộc chiến tranh đúc rút từ những trải nghiệm cá nhân nhân vật là chủ đề trung tâm trong những tác phẩm này và cũng là đề tài chủ đạo xuyên suốt toàn bộ sáng tác về sau của H. Böll, thường được gọi là dòng "văn học hoang tàn". Năm 1951 với truyện ngắn Con cừu đen H. Böll được trao giải thưởng “Nhóm 47” của Hội Nhà văn Đức hậu chiến. Tác phẩm có thể coi là hoành tráng đầu tiên của H. Böll là Ván bi-a lúc chín rưỡi (1959) được viết với văn phong và cấu trúc phức tạp hơn; tiếp đó là Qua con mắt của chú hề (1963) nói về tự do cá nhân giữa những sức ép mang tính xã hội và chính trị.

Năm 1971 ra đời tiểu thuyết lớn nhất của H. Böll là Bức chân dung tập thể với một quý bà mô tả các sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian 1899-1970 với đối tượng chỉ trích là nhà thờ và "xã hội thành đạt". Năm 1972, khi H. Böll được trao giải Nobel, cuốn tiểu thuyết này được đặc biệt đánh giá cao.

Năm 1974, được bầu làm Chủ tịch Hội Văn bút Quốc tế, H. Böll nhiệt tình giúp đỡ những nhà văn gặp khó khăn, đóng góp đáng kể cho tổ chức này. Chính H. Böll đã đón nhà văn Nga lưu vong A. Solzhenisyn về sống chung một thời gian, và ông ngày càng tích cực tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị. Những năm 80, H. Böll trở thành một trong những nhà lãnh đạo phong trào hòa bình và chống sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ngoài sự nghiệp sáng tác, H. Böll còn là một dịch giả; ông đã cùng với vợ dịch hàng loạt tác phẩm văn học Mỹ. Năm 1985 nhà văn mất tại nhà riêng của con trai ông ở ngoại ô Bonn, thọ 68 tuổi. Cũng năm này cuốn tiểu thuyết đầu tay của H. Böll Di sản viết năm 1947 mới được xuất bản. Toàn bộ di sản văn học của ông lên tới gần bốn mươi tập sách. Một nhà phê bình Anh nhận định: "H. Böll luôn là nhà văn tầm cỡ, lo lắng đến cả một thế hệ người Đức cũng như từng cá nhân người phải sống trong những tổ kiến đô thị hiện đại".

* Tác phẩm:

- Di sản (Das Vermöchtnis, 1947, in 1985), tiểu thuyết [A soldier’s legacy].

- Chuyến tàu đến đúng giờ (Der Zug kommt pünktlich, 1949), truyện vừa [The train was on time].

- Lãng khách, khi nào người đến Spa (Wanderer, kómmt du nach Spa, 1950), tập truyện ngắn.

- Người ở đâu, Adam? (Wo warst du, Adam?, 1951), tiểu thuyết.

- Con cừu đen (Die schwarzen Schafe, 1951), truyện ngắn.

- Và không nói một lời (Und sagte kein einziges Wort, 1953), tiểu thuyết.

- Nhà vắng kẻ trông (Haus ohne Hüter, 1954), tiểu thuyết.

- Bánh mì những năm xưa (Das Brot der frühen Jahre, 1955), truyện.

- Ván bi-a lúc chín rưỡi (Billiard um halbzehn, 1959), tiểu thuyết [Billiards at half-past nine].

- Qua con mắt của chú hề (Ansichten eines Clowns, 1963), tiểu thuyết [The clown].

- Tự tiện vắng mặt (Entfernung von der Truppe, 1964), truyện.

- Kết thúc một chuyến công cán (Das Ende einer Dienstfahrt, 1966), truyện.

- Những bài giảng ở Frankfurt (Frankfurter Vorlesungen, 1966), tiểu thuyết.

- Bức chân dung tập thể với Quý bà (Gruppenbild mit Dame, 1971), tiểu thuyết [Group portrait with lady].

- Danh dự bị lăng nhục của Katharina Blum (Die verlorene Ehre der Katharina Blum, 1974), truyện vừa [The lost honor of Katharina Blum].

- Sự vây bủa ân cần (Fürsorgliche Belagerung, 1979), tiểu thuyết [The safety net].

- Hình ảnh, Bonn, về Bonn (Bild, Bonn, bonnisch, 1984), tiểu luận.

- Những quý bà trên miền sông nước (Frauen vor Flusslandschaft, 1985), tiểu thuyết.

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

- Người ở đâu về (nguyên tác: Wo warst du, Adam?), Lý Quốc Sinh dịch, NXB Nguồn Sáng, 1972.

- Chuyến viễn hành trong đêm (nguyên tác: Der Zug kommt pünktlich), Huỳnh Phan Anh dịch, NXB Vàng Son, 1973.

- Dưới cái nhìn của anh hề (nguyên tác: Ansichten eines Clowns, tiểu thuyết), Hoài Liên dịch, NXB Quân Đội Nhân Dân, 2002.

- Lạc lối về (nguyên tác: Und sagte kein einziges Wort), Huỳnh Phan Anh dịch, NXB Khai Hóa, 1972; NXB Văn nghệ TP.HCM, 1997.

- Bóng tối đêm dài, Trần Văn Điền dịch, NXB Trẻ, 1974.

- Danh dự đã mất của Katherina Blum, (truyện vừa), Vũ Hương Giang dịch, NXB Tác Phẩm Mới, 1987.

- Cái mặt buồn của tôi (tập truyện ngắn), Quang Chiến dịch, NXB Lao Động, 1988.

- Đêm thánh vô cùng, tập truyện, Phạm Hải Hồ dịch, NXB Trẻ, 2000.

- Từ độ xa người (truyện ngắn), Lý Quốc Sinh dịch, NXB Nguồn Sáng, 1972; NXB Văn hóa Dân tộc, 2000.

- Người bạn có mái tóc dài (truyện ngắn), Quang Chiến dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1997.

- Đâu chỉ vào dịp tết Noel (truyện ngắn), Trần Đương dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 3 năm 1998; in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1999.

- Người đàn ông chơi dao, Người tình không đếm số, Báo tin, Cái chết của Lohengrin, Quang Chiến dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1999.

- Thợ cười, Mỹ Hà dịch, in trong 100 truyện cực ngắn thế giới, NXB Hội Nhà Văn, 2000.

- Gặp nhau trên đại lộ, Quang Chiến dịch; Như một cơn ác mộng, Nguyễn Hữu Tâm dịch, in trong Truyện ngắn Đức, NXB Lao Động, 2002.

- Người sưu tầm những khoảnh khắc im lặng (truyện ngắn), Ngụy Hữu Tâm dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6 năm 2002.

- Thợ cười (truyện ngắn), Vũ Đình Bình dịch, in trong 100 truyện ngắn hay thế giới, NXB Hội Nhà Văn, 1999; Những người lãng mạn, NXB Hội Nhà Văn, 2003.

- Cái chết của Lohengrin, Quang Chiến dịch, in trong Truyện ngắn đặc sắc các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 2004.

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây

 

Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển

Karl Ragnar Gierow, Thư ký Thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển

Kính thưa chư vị Hoàng gia, thưa quý ông quý bà,

Kẻ nào muốn nắm bắt cùng một lúc sự phong nhiêu và sự đa dạng hết mực trong sáng tác của Heinrich Böll sẽ chỉ nắm được một ý niệm trừu tượng mà thôi. Tuy nhiên, xuyên suốt các tác phẩm đó - vốn khởi đầu từ hai mươi năm trước và đạt đỉnh cao với cuốn tiểu thuyết là Gruppenbild mit Dame (tạm dịch: Người phụ nữ trong bức chân dung tập thể, tiếng Anh Group Portrait with Lady) ra đời năm ngoái - vẫn là một chủ đề kép khả dĩ gánh vác vai trò cái ý niệm trừu tượng khái quát đó. Ta có thể diễn đạt ý niệm đó như sau: Sự không nhà và Mỹ học nhân bản. Nhưng sự không nhà của Böll không phải là những cá nhân bất hạnh hay những kẻ đắm tàu dạt vào bên ngoài những bức tường thành bao quanh xã hội.

Ông kể về một xã hội không có mái nhà che, một thời đại trật khớp, đứng ở mỗi góc đường chìa tay xin của bố thí từ kẻ tương lân và đồng loại. Đây là tình cảnh làm nền cho Mỹ học nhân bản (tạm dịch, Ästhetik des Humanen) của Böll.

Ông viết về cái mà mỗi người đều tìm kiếm ngõ hầu sống cuộc sống của con người, trong việc nhỏ cũng như việc lớn, về “sự ăn ở, hàng xóm và quê hương, tiền bạc và tình yêu, tôn giáo và ăn uống” (tạm dịch, nguyên văn tiếng Đức “das Wohnen, die Nachbarschaft und die Heimat, das Geld und die Liebe, Religion und Mahlzeiten”) trích lời của chính ông. Với toàn bộ những cung bậc từ mỉa mai và giễu nhại đầy vui nhộn cho đến thống khổ một cách sâu sắc, đây là một dạng mỹ học dấn thân nhiệt thành và cũng hàm chứa cương lĩnh văn chương của ông. Kẻ nào hành động nhằm khắc họa những nhu cầu cơ bản của cuộc sống, kẻ đó bám chắc hai chân trên mặt đất.

Thế nhưng Böll đã tuyên bố “Tôi chỉ cần chút ít thực tại thôi” (Ich brauche wenig Wirklichkeit), một câu nói đáng lưu ý, từ một người vốn được coi và có lẽ cũng tự coi là một nhà tự sự theo chủ nghĩa hiện thực. Cái thực tại mà ông cần quá ít kia là thực tại của tiểu thuyết cổ điển thế kỷ 19, cái thực tại chuyên nghiên cứu tỉ mỉ chi li mọi chi tiết rồi tái hiện một cách trung thành.

Böll đạt hiệu quả cao ở phương pháp đó nhưng lại sử dụng nó một cách mỉa mai; sự thừa thãi chi tiết [ở ông] thật không có giới hạn. Song sự đùa giỡn với dạng liệt kê [các chi tiết] một cách trơ tráo này, bản thân nó cho thấy Böll ít cần một thực tại như vậy đến mức nào. Trong tài nghệ bậc thầy của ông có cái khả năng là, với dăm dòng ít ỏi, đôi khi chỉ vài gợi ý sơ sài, cũng đủ mang lại sự sống cho bối cảnh và nhân vật.

Tuy nhiên vẫn có một thực tại khác mà sáng tác của Böll không ngừng đòi hỏi: cái bối cảnh cho sự hiện tồn của ông, bầu không khí mà thế hệ ông hít thở, cái di sản mà thế hệ đó thừa hưởng. Thực tại đó là chủ đề trở đi trở lại và bị quan sát một cách riết róng trong sáng tác của Heinrich Böll, ngay từ lúc ban đầu cho đến tác phẩm lớn vừa kể trên đây, Gruppenbild mit Dame, mà đến nay [là tác phẩm] đưa ông lên đỉnh vinh quang. Sự đột phá thực sự của Böll diễn ra trong các năm 1953, 1954 và 1955 với ba cuốn tiểu thuyết ấn hành kế tiếp nhau: Und sagte kein einziges Wort (tạm dịch: Và không nói một lời); Haus ohne Hüter (tạm dịch: Nhà không trụ cột), and Das Brot der frühen Jahre (tạm dịch: Miếng bánh năm xưa).

Tuy có lẽ không phải do ý định của tác giả, ba tựa đề này chỉ ra cái thực tại mà ông vẫn thường mô tả một cách kiên trì và mãnh liệt nhường ấy. Bối cảnh của ông là nước Đức những năm đói kém, là Das Brot der frühen Jahre (Miếng bánh năm xưa), miếng bánh chẳng bao giờ vừa bụng và thường chẳng bao giờ có, miếng bánh phải đi xin hoặc ăn cắp nếu người ta muốn sống còn, và chuyện ăn uống là một ký ức chẳng thể nào quên. Di sản mà ông và những người cùng thời phải nhận lấy là Haus ohne Hüter (Nhà không trụ cột), căn nhà không có người chăm, một hiện hữu hoang tàn, mà thời gian là người đàn bà góa bụa và tương lai bị mất cha. Bầu không khí mà ông và những người cùng thời hít thở được hít vào với bàn tay nặng trịch của chế độ độc tài đè lên cổ họng họ, Und sagte kein einziges Wort (Và không nói một lời), bởi bàn tay đó đã bóp nghẹt mọi âm thanh.

Chẳng phải là một điều kỳ diệu Đức hay sao một khi, sau những năm cùng quẫn đến vậy đã lại có một thế hệ mới các nhà văn, nhà tư tưởng và nhà nghiên cứu nhanh chóng sẵn sàng gánh vác trách nhiệm cốt tử của đất nước họ và của chính họ trong đời sống tinh thần của thời đại chúng ta. Sự đổi mới của văn chương Đức - mà các thành tựu của Heinrich Böll là một minh chứng và là một bộ phận quan trọng - không phải là một sự thử nghiệm về hình thức - một người sắp chết đuối thì coi khinh cú vẫy cánh của con bướm. Thay vì vậy, văn chương Đức là một sự tái sinh từ chỗ hủy diệt, một sự phục sinh, một loài cây mà dẫu bị những đêm giá buốt vùi dập đến gần như tuyệt chủng, đã lại nảy những chồi non mới, đơm hoa kết trái mang lại niềm vui và phúc lợi cho tất cả chúng ta. Chính đó là loại tác phẩm mà Alfred Nobel những mong Giải thưởng mang tên ông sẽ dành tặng.

Ngài Böll kính mến,

Như một hệ quả cho trước của tình trạng không nhà vốn là một trong những chủ đề chính trong sáng tác của ngài, ấy là sự nỗ lực mà chính ngài đã nói lên với những lời như “Die Suche nach einer bewohnbaren Sprache in einem bewohnbaren Land” (tiếng Đức trong nguyên bản, tạm dịch: Sự tìm kiếm một ngôn ngữ có thể chịu đựng được trong một đất nước có thể chịu đựng được). Những lời này hàm ẩn một phản đề đối với sự không nhà, một thứ văn chương mà ở đó mọi người đều cảm thấy mình đang ở nhà [tổ quốc] mình.

 Ngài khước từ một thứ văn chương dành cho một nhóm đặc tuyển, ngài đã nói thêm một cách đầy ý nghĩa: “Eine Kirche wird eingeweiht, aber durch diesen Akt der Einweihung nicht geschlossen, sondern geoffnet” (tiếng Đức trong nguyên bản, tạm dịch: Một nhà thờ đã được khánh thành, nhưng việc khánh thành này không phải là để đóng lại, mà là để mở ra). Chính sự cởi mở (openness) này đối với khía cạnh nhân tính đã tạo nên không gian và nâng các mái vòm lên cao hơn trong tác phẩm của ngài. Và trong tinh thần đó, sự cởi mở này khiến chúng ta cũng có quyền hy vọng ở một thế giới nơi chúng ta có thể sinh sống được. Với những lời này tôi xin thay mặt Viện Hàn lâm Thụy Điển chúc mừng ngài, và xin mời ngài nhận giải thưởng Nobel văn chương năm nay từ thay Đức Thái tử.

·         Trần Tiễn Cao Đăng dịch

 

 

Diễn từ

 

Bàn về cái Lí của Thơ

 

Những người hiểu biết, và những người khác có thể cũng có hiểu biết, nói rằng trong những sự vật có bề ngoài duy lí có thể đo đếm được, và được hợp sức thực hiện bởi các nhà kiến trúc, thiết kế, kĩ sư, công nhân - những thành tựu như cây cầu chẳng hạn -, trong những sự vật đó đó vẫn còn sót lại đôi ba milimet hoặc vài centimet không sao tính toán nổi. Cái không thể tính toán này (nhỏ thôi so với khối lượng khổng lồ những điều đã được xử lí và tạo dáng) có thể là do những khó khăn trong việc tính toán cực kì chính xác vô vàn chi tiết hóa học và cơ học phức tạp đan quyện vào nhau trong vô vàn mối liên hệ khả dĩ có được với nhau, trong đó phải tính đến cả những tác động của bốn thành tố cơ bản (khí, thủy, hỏa và thổ).

Ở đây hình như chuyện rắc rối không phải chỉ là do thiết kế, sự tính đi toán lại và tra đi kiểm lại liên miên cấu tạo kĩ thuật/hóa học/thống kê, mà - xin cho tôi gọi tên nó ra - đó là sự hóa thân, hoặc cũng có thể gọi là sự hiện thân của chúng. Và chúng ta sẽ đặt tên là gì cho cái phần không thể tính toán còn sót lại này, dù chỉ là mấy phân số của milimet, tương ứng với những sai biệt gia tăng bé tí xíu bất khả tiên lượng? Trong cái khoảng cách này có ẩn giấu điều gì? Có phải đó là cái chúng ta thường gọi bằng sự trớ trêu, gọi là thơ ca, là Chúa, là sự đối kháng, hoặc nói lối dân dã thịnh hành thời bây giờ, là sự viễn tưởng?

Một họa sĩ từng là thợ làm bánh, có lần nói với tôi rằng cái việc làm bánh vòng cho bữa điểm tâm, để người ta ăn vào sáng sớm, lại là công việc tiến hành chủ yếu về đêm, và đó là công việc cực kì mò mẫm; anh phải chúi mũi vào công việc và lại phải quay lưng ra phía lờ mờ bình minh và ít nhiều phải dựa vào linh tính của mình để hòa trộn được đúng mức các gia vị, nhiệt độ và thời gian bỏ lò, sao cho mỗi sáng lại cung cấp đủ những chiếc bánh vòng mới ra lò, một yếu tố quan trọng thậm chí thiêng liêng của bữa ăn đầu tiên lúc sớm mai cho mọi con người mang trên vai gánh nặng cả một ngày mới.

Liệu chúng ta có nên gọi cái thành tố hầu như không tính toán đo đếm được này là sự trớ trêu, là thơ ca, là Chúa, là đối kháng, hoặc là sự viễn tưởng? Làm cách gì đương đầu mọi sự mà lại không có cái thành tố đó? Chưa kể là còn có cả tình yêu nữa. Không bao giờ có ai hiểu hết đã có bao nhiêu tiểu thuyết, bao nhiêu bài thơ, những điều phân tích, những lời xưng tội, những nỗi đau và niềm vui đã được chất chồng trong cái lục địa mênh mông có tên là Tình Yêu, mà lại không thấy rằng chốn ấy chưa bao giờ được thăm dò cho tới ngọn nguồn.

Khi được hỏi vì sao tôi viết hoặc cách thức tôi viết cái này cái nọ, bao giờ tôi cũng cảm thấy lúng túng. Tôi thật lòng muốn trả lời đầy đủ không chỉ cho người nêu câu hỏi mà trả lời cho cả chính mình, nhưng tôi không làm được điều này. Tôi không sao tái tạo được toàn bộ bối cảnh cho dù vẫn mong mỏi rằng tôi có thể làm được điều đó, để sao cho cái văn chương tự tay tôi làm ra chí ít cũng có thể bớt bí ẩn đôi chút so với cái quá trình làm một cây cầu hoặc làm một mẻ bánh.

Và do chỗ trong toàn bộ sự hóa thân - hiện thân của nó, trong thông điệp và dáng dấp của nó, văn chương rõ ràng là có một tác động giải phóng, suy cho cùng thì nó hoàn toàn có ích cho mọi người một khi ta nói rõ ra được cách phát sinh của sự hóa thân này, khiến cho ngày càng có nhiều người cùng tham gia vào tiến trình hóa thân ấy. Với riêng tôi thì, mặc dù tôi tạo ra sự hóa thân đó như là trình diễn rõ ràng trước mọi người, song vì sao tôi lại không thể giải thích được tương đối rõ chuyện đó? - vì sao lại không giải thích nổi cái tôi đã viết lên giấy từ dòng thứ nhất đến dòng cuối cùng, cái tôi đã liên tục thay đổi, đã làm đi làm lại, đã nhấn vào cái này cái nọ đến độ lúc nào đó nhìn lại thì thấy nó phát triển xa lạ hẳn với ta, như một cái gì đó đã trôi mất hoặc đã có từ xa xưa, rồi chính tôi lại xử lí đi xử lí lại cho nó thành một thông điệp quan trọng với mọi người?

Xét về mặt lí thuyết thì ta có thể tạo dựng lại được toàn bộ tiến trình, một dạng quy tắc song hành trong tiến trình tạo ra tác phẩm, mà nếu kể ra một cách chi tiết thì rất có thể nó còn lớn hơn nhiều so với chính cái tác phẩm đã làm xong. Không chỉ là trí tuệ và tâm linh, mà đây còn là việc thỏa mãn các kích tấc tình cảm và nhục thể, là việc nuôi dưỡng và hấp thu tinh thần và vật chất, là việc tạo ra tâm trạng và những lóe sáng giác ngộ, là cái chức năng của môi trường con người không chỉ trong sự hóa thân mà còn là cái nền của sự hóa thân.

Thí dụ như, tôi thường khi ngồi coi biểu diễn thể thao mà đầu óc hoàn toàn trống rỗng nhằm thực hành chiêm nghiệm sự vật trong trạng thái rỗng - phải thừa nhận đó là một lối luyện tập tương đối huyền bí - song tất cả các chương trình biểu diễn này hẳn là đã biểu hiện hoàn toàn khắp nơi, khi một cú đá hoặc một cú nhảy có thể tạo ra một phản ứng nào đó trong sự chiêm nghiệm rỗng của tôi, hoặc có thể tạo ra một cử động của bàn tay, một nụ cười, một chữ của nhà bình luận, một quảng cáo. Mỗi cuộc gọi điện thoại, thời tiết, các con chữ, mỗi điếu thuốc lá rời, cũng như một chiếc ô tô chạy ngang, một tiếng lốp xe kêu rít, một tiếng gà mái quác quác phá vỡ bối cảnh chung hẳn cũng nằm trong một cái toàn cục như thế đó.

Cái bàn tôi đang ngồi viết đây cao 78,5 cm, mặt bàn một chiều 69,5 cm và một chiều 111 cm. Chân bàn bằng gỗ tiện tròn, bàn có ngăn kéo, dáng cũ đến bảy tám chục năm, đó vốn là tài sản của bà - dì mẹ tôi, sau khi chồng chết trong nhà thương điên bà đã chuyển cái bàn này về một căn hộ nhỏ hơn rồi bán cho ông anh của bà, người mua đó chính là ông của vợ tôi vậy.

Thế rồi sau khi ông của vợ tôi chết, chiếc bàn thành tài sản của chúng tôi, một món đồ gỗ rệu rã vô giá trị bị khinh thường, chẳng ai biết chính xác nó bị quăng quật ở đâu, cho tới một bận do chuyển nhà nên lại thấy nó lòi ra và thấy rõ ràng là nó đã bị bom làm hư: ở một nơi nào đó vào một lúc nào đó hồi Thế chiến II một mảnh đạn pháo đã đục thủng một lỗ trên mặt bàn - chỉ như thế hình như nó cũng không hoàn toàn mang giá trị tình cảm, mà nó là lối đi vào một kích tấc lịch sử chính trị và xã hội đáng cho ta nhắc đến, ta dùng cái bàn này như một phương tiện bước vào, vào rồi ta bắt gặp sự khinh thường ghê gớm của những phu khuân vác đã từ chối khiêng nó đi, một thái độ như thế đó hẳn là có thể có giá trị hơn là việc sử dụng nó bây giờ, có cái bàn là chuyện ngẫu nhiên chứ không phải do bướng bỉnh cố giữ lấy chiếc bàn - nhiều lí do thuộc về tình cảm hoặc kí ức hơn là những lí do có tính nguyên tắc - chúng tôi giữ lại chiếc bàn bị vứt đi và giờ đây tôi đã viết vài ba điều trên chiếc bàn này, và tôi hẳn là có thể cho phép mình gắn bó giây lát với nó đồng thời muốn nhấn mạnh vào tính chất “giây lát” ấy.

Chưa kể là còn phải nói đến những đồ vật nằm trên mặt bàn này nữa; đó là những vật tình cờ mà có và có thể thay đổi được, chúng đều là tình cờ cả, ngoại trừ chiếc máy chữ hiệu Remington, kiểu “Nhà văn xê dịch de luxe” sản xuất năm 1957 mà tôi cũng gắn bó, loại phương tiện sản xuất này từ lâu đã mất hết ý nghĩa đối với các quan chức ngành thuế cho dù nó từng có và vẫn đang có vai trò chủ yếu đem lại thu nhập cho họ trong lĩnh vực thuế. Với cái công cụ này mà bất kì chuyên gia nào cũng để mắt hoặc để tay vào một cách khinh thị, tôi đã viết khoảng chừng bốn cuốn tiểu thuyết và vài trăm bài, và mặc dù vậy tôi vẫn gắn bó với nó không phải vì cái lí do ấy, mà một lần nữa phải nói đến các nguyên tắc, tôi gắn bó vì nó vẫn chưa hỏng vẫn còn dùng được và nó cho thấy thật nhỏ bé biết bao là những tham vọng cùng khả năng đầu tư của nhà văn. Tôi kể ra cái bàn và cái máy chữ nhằm chỉ ra cho bản thân tôi rằng không chỉ riêng hai đồ dùng cần thiết này là hoàn toàn dễ hiểu với bản thân tôi, mà là vì hễ khi nào tôi tìm cách làm rõ nguồn gốc chúng một cách chính xác, vật liệu gì, công nghệ gì, quy trình sản xuất xã hội nào và nguồn gốc của chúng, thì khi ấy lại thấy hiện ra đến vô kì hạn những điều thuộc về lịch sử công nghiệp và xã hội của Tây Đức và Anh.

Nói thế là vẫn không kể đến ngôi nhà, đến cái không gian đặt chiếc bàn, cái miếng đất xây ngôi nhà, đặc biệt không kể đến những con người - chắc hẳn qua nhiều thế kỷ - đã sống ở đây, người đang sống kẻ đã chết, cũng không kể đến những người mang than đến, những người rửa chén bát, những người đưa thư báo - và đặc biệt không nói đến những người gần gụi, rất gần gụi, vô cùng gần gụi với chúng tôi. Song, liệu mỗi thứ, từ cái bàn đến những chiếc bút chì đang nằm kia với toàn bộ lịch sử của chúng, có được đem tới đây, cùng với cả những người gần gụi, rất gần gụi, vô cùng gần gụi với chúng tôi? Liệu ở đó có còn lại những gì nữa, những kẽ hở, những chống đối, thơ ca, Chúa, viễn tưởng - những thứ thậm chí còn nhiều hơn là những gì còn sót lại khi xây cất những cây cầu hoặc làm những mẻ bánh vòng?

Thật là đúng và dễ nói khi bảo rằng ngôn ngữ là vật liệu và có cái gì đó hiện ra một cách cụ thể khi ta viết văn. Song làm cách nào - như đôi khi thường vẫn thấy có người làm - ta có thể giải thích được cái gì đó như cuộc sống được hiện lên thành những con người, những số phận, những hành động; làm cách nào giải thích được sự hiện thân này trong cái gì đó vô cùng nhợt nhạt như tờ giấy, nơi sự tưởng tượng của tác giả được gắn với sự tưởng tượng của người đọc theo một cung cách cho tới nay vẫn không lí giải được, cái tiến trình không sao tạo dựng lại đầy đủ cho được, nơi mà ngay cả cách diễn giải sáng láng nhất, nhạy cảm nhất thì cũng ít nhiều chỉ còn là một thứ thành công tương đối; và thực vậy, làm cách nào mà lại có khả năng miêu tả, ghi nhận sự chuyển biến từ cái ý thức sang cái vô thức - trong con người đang viết và tương ứng như vậy là trong con người đang đọc - với một sự chính xác hoàn toàn cần phải có, rồi sau đó lại phá vụn nó thành những chi tiết mang tính quốc gia, lục địa, quốc tế, tín ngưỡng hoặc ý thức, mà vẫn không coi nhẹ những tỉ lệ luôn luôn biến đổi giữa đôi bên - người đang viết và người đang đọc - và sự đột nhiên đảo ngược đôi bên khi người đang đọc thành người đang viết; và trong cuộc đổi thay bất ngờ đó người đang viết này chẳng còn khác người đang đọc kia bao nhiêu, làm cách gì lí giải được?

Lúc nào thì cũng vẫn còn sót lại chút gì đó, dù bạn gọi đó là cái bất khả lí giải (gọi đó là “bí mật” có thể cũng đúng), nó đang còn sót lại, và vẫn sẽ còn lại một vùng, dù nhỏ nhoi, nơi đó cái Lí của ta không thâm nhập vào nổi, bởi vì nó dẫn tới cái Lí của thơ ca và cái nghệ thuật của tưởng tượng mà cho tới nay vẫn không lí giải được, một sự hiện thân khó nắm bắt như thân xác người đàn bà, người đàn ông hoặc thậm chí là thân xác con vật.

Viết văn - chí ít đối với tôi - là một sự vận động tiến lên, là sự chiếm đoạt một thân xác tôi hoàn toàn không biết, nằm xa cách khỏi một cái gì đó so với một cái gì đó mà tôi vẫn chưa biết; tôi không bao giờ biết được cái gì sẽ xảy ra - và ở đây “xảy ra” không hàm nghĩa như là thắt nút cởi nút trong kịch nghệ cổ điển, mà hiểu theo nghĩa một thực nghiệm phức tạp và hỗn hợp, với những nỗ lực tương hỗ giữa những vật liệu tưởng tượng, tâm linh, trí tuệ và nhục cảm - thêm vào đó là đặt lên tờ giấy nữa! - để đi tới sự hóa thân.

Xét như vậy thì chẳng thể có một nền văn chương thành đạt, cũng chẳng thể có bất kì thành đạt nào với âm nhạc hoặc hội họa, bởi vì không một ai có thể thấy rõ cái đối tượng đang được tạo thành, và cũng xét theo cách này thì cái được gọi tên một cách hời hợt là giây phút này, nhưng tốt hơn là nên gọi bằng cái linh động của nghệ thuật, thì cũng chỉ là thực nghiệm và khám phá - và ngắn ngủi, thì đều chỉ có thể được định giá và đo lường trong tính chất tương đối lịch sử của nó, và tôi cảm thấy rằng, nói đến những giá trị vĩnh cửu hoặc đi tìm những giá trị vĩnh cửu là điều không thích hợp. Làm sao chúng ta có thể sống nổi mà không có cái khoảng cách đó, cái khâu còn bỏ sót lại đó, mà chúng ta gọi bằng sự trớ trêu, thơ ca, Chúa, là sự viễn tưởng hoặc là đối kháng?

Cũng vậy thôi, các quốc gia chỉ tiến gần đến cái mục tiêu họ trông đòi, và chẳng có nhà nước nào lại không chừa ra một khoảng cách giữa biểu đạt ngôn từ trong hiến pháp và việc thực thi hiến pháp, một không gian bớt lại để thơ ca và sự đối kháng nảy nở - và nở rộ trong chứa chan hi vọng. Và chẳng có dạng văn chương nào lại thành tựu nếu không có cái khoảng cách đó.

Ngay cả một bản miêu tả chính xác nhất hạng mà thiếu cái không khí, thiếu cái tưởng tượng của người đọc, dù người viết có từ chối những điều đó; và ngay một bản miêu tả chính xác nhất hạng cũng phải bỏ qua - tại sao, bởi vì nó phải bỏ qua sự miêu tả chính xác và chi tiết những hoàn cảnh thực sự cần thiết cho sự hóa thân những thân phận sống... nó phải nhào trộn, phải chuyển đảo các thành tố, thậm chí khi cách diễn giải và quy tắc miêu tả không đủ sức truyền đạt, nếu nguyên nhân chỉ vì cái vật liệu có tên là ngôn ngữ không thể rút gọn thành một thứ tiền tệ lưu hành thông tin đáng tin cậy và đầy đủ: đã có biết bao nhiêu thứ lịch sử thật và lịch sử bịa đặt, lịch sử dân tộc và lịch sử xã hội, và tính tương đối lịch sử - cả cái này nữa cũng cần - đều đắn đo từng chữ như tôi có lúc đã tìm cách gợi ra qua thí dụ về cái bàn làm việc của mình.

Và việc xác định phạm vi của thông điệp không chỉ là chuyện phiên dịch từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, điều đó rắc rối nặng nề hơn nhiều và nằm ngay trong bản thân các ngôn ngữ, ở đó các định nghĩa có thể kéo theo các thế giới quan, và thế giới quan có thể kéo theo các cuộc chiến - tôi chỉ muốn nhắc quý vị nhớ lại các cuộc chiến tranh sau khi có cuộc Cải cách Nhà thờ (Reformation)(I) là những điều dễ hiểu nếu xem xét về mặt quyền lực chính trị và bá quyền, song đồng thời đó cũng là những cuộc chiến tranh giữa các định nghĩa tôn giáo.

Tiện đây cũng nói luôn đến cái điều tầm phào, việc có người cho rằng suy cho cùng thì chúng ta cùng nói một ngôn ngữ chung nếu chúng ta không khoe nội hàm từng từ ở cấp độ phương ngữ và lắm khi cả về lịch sử địa phương. Chí ít thì với tôi đại đa số cái gì là Đức tôi nhìn thấy và nghe thấy thì đều khác lạ so với tiếng Thụy Điển là thứ ngôn ngữ, thật không may, tôi biết rất ít.

Các nhà chính trị, các nhà tư tưởng, các nhà thần học và triết học luôn luôn tìm cách đưa ra những giải pháp dứt khoát cho những vấn đề được giải quyết sẵn và không để gì sót lại. Đó là nhiệm vụ của họ - và nhiệm vụ của những nhà văn chúng ta, một khi biết rằng chúng ta không đủ sức giải quyết bất kì vấn đề rắc rối nào mà lại không để sót lại cái gì đó hoặc không có sự chống đối lại - là thâm nhập vào những khoảng cách.

Từng có vô vàn điều còn sót lại không được lí giải và không thể lí giải, vô vàn miền để hoang. Những người làm cầu, thợ làm bánh và những nhà tiểu thuyết thường làm xong hẳn công việc và những gì còn sót lại thường không phải là những vùng rắc rối nhất. Trong khi chúng ta đánh vật với vấn đề littérature pure (văn chương thuần túy) và vấn đề littérature engagée (văn chương dấn thân) - một trong những cách phân đôi sự vật sai lạc mà rồi tôi sẽ còn trở lại - thì chúng ta vẫn chưa biết - hoặc chúng ta không biết là đã bị chệch hướng khỏi những suy nghĩ về l’argent pur (đồng tiền trong sạch) và l’argent engagé (đồng tiền dấn thân)(2). Nếu có ai thực sự quan sát và lắng nghe các nhà chính trị và các nhà kinh tế nói đến cái thứ giả định là duy lí như đồng tiền, khi đó ta sẽ thấy cái miền huyền hoặc bí mật kia trở thành ngày càng ít hấp dẫn và vô hại đến lạ lùng.

Chỉ để làm thí dụ thôi, ta thử xem cuộc tiến công vô cùng mãnh liệt mới đây vào đồng đô la (gọi khiêm nhường là cuộc khủng hoảng đồng đô la). Một người ngoại đạo ngây ngô như tôi đây chợt nhận ra cái gì đó gọi được thành tên: hai quốc gia bị ảnh hưởng trầm trọng và đều thấy rõ ràng điều tất yếu - nếu chúng ta coi “tự do” không chỉ thuần túy là điều viễn tưởng ngược với “tất yếu” - hai quốc gia ấy bị buộc một cách tất yếu phải làm điều gì đó đáng kể để hỗ trợ đồng đô la, tức là được yêu cầu mở kho ra; và hai quốc gia đó đều có cái gì đó như nhau trong lịch sử, đó là cùng bị thất trận trong Thế chiến II, và cả hai nước đều nói rằng họ có cái gì đó chung như nhau: tính công nghiệp và tính cần cù.

Còn với con người cá thể liên quan đến vụ việc này - người xông xênh tiền trong túi hoặc người có chút tiền mọn gửi ở ngân hàng - liệu có cách gì làm cho người đó biết rõ vì sao, dù mình vẫn tích cực kiếm tiền, mà mình lại mua về được ít bánh hơn, ít sữa và ít cà phê hơn và đi taxi ngắn đường hơn? Sự huyền hoặc của đồng tiền đem đến cho ta bao nhiêu khoảng cách, và thơ ca nấp kín ở những gian phòng có chắn lưới thép nào? Các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục duy tâm bao giờ cũng cố thuyết phục chúng ta rằng đồng tiền có mùi tanh.

Tôi không bao giờ hiểu nổi điều đó vì tôi chỉ nhận được đồng tiền khi tôi đã lao động (trừ món tiền to lớn tôi được Viện Hàn lâm Thụy Điển thưởng), và với ai không có lựa chọn nào khác ngoài sự lao động, thì ngay cả công việc bẩn thỉu nhất cũng sạch. Đồng tiền đem lại cuộc sống cho những ai gần gũi với người ấy, và cho cả chính người ấy nữa. Đồng tiền là hiện thân lao động của anh ta, và nó sạch. Giữa lao động và cái gì nó đem lại, người ta chấp nhận một cái gì còn đó mà chưa lí giải được, và những công thức mơ hồ về kiếm tiền nhiều hoặc ít lại còn kém thành công hơn việc lấp đầy khoảng cách mà công việc diễn giải tiểu thuyết hoặc thơ còn để lại.

So sánh với những khoảng cách không lí giải được của huyền thoại đồng tiền, những chuyện còn chưa lí giải được trong văn chương thật vô cùng nhẹ nhàng, song ngay cả như vậy thì cũng vẫn có những người can tội nhẹ dạ uốn lưỡi bật ra tiếng “tự do” ở nơi người ta cúi đầu theo một huyền thoại và những đòi hỏi thẳng thừng về quyền lực của huyền thoại ấy. Rồi sau đó những người ấy lại đòi sự sáng láng chính trị đúng vào lúc không thể sáng láng nhận ra những vấn đề phải giải quyết.

Ở dòng cuối tấm séc của tôi, thấy bốn nhóm chữ số, 32 kí tự cả thảy, trong đó có 2 kí tự giống như những chữ tượng hình. Năm trong số 32 kí tự đó là có ý nghĩa đối với tôi: ba chữ chỉ số tài khoản của tôi, hai chữ chỉ chi nhánh ngân hàng - còn lại 27 kí tự kia kể cả mấy con zêrô, chúng đại diện cho cái gì? Tôi tin chắc rằng tất cả những con chữ đó đều duy lí và có nghĩa, và các kí tự đó tạo thành một câu gì đó dễ thương thì cũng soi sáng một điều gì đó.

Duy chỉ có điều là trong bộ não của tôi thì không có đất nhận lấy sự soi rọi này, và cái gì còn sót lại ở sự huyền hoặc bằng kí tự của một khoa học bí mật mà càng đi sâu tôi càng gặp rắc rối, những câu thơ và biểu tượng còn xa lạ với tôi hơn là sự Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust hoặc Lời nguyện tìm thấy ở Wessobrunn(3). Ba mươi hai kí tự này đòi hỏi tôi có niềm tin rằng mọi điều đều hoàn toàn đúng đắn, và có còn sót lại đôi điều không sáng tỏ, song nếu tôi cố gắng một chút thôi thì chúng cũng trở nên sáng tỏ; song dù vậy vẫn còn sót lại cho tôi chút gì huyền bí - hoặc có thể là nỗi sợ, sợ nhiều hơn là một hóa thân thơ ca có thể tạo ra trong tôi. Vậy mà chẳng có chính sách tiền tệ nào là sáng tỏ đối với những ai dính vào tiền tệ.

Cả chuyện 13 con số trên biên lai điện thoại của tôi nữa, và đôi ba con số trên mấy thứ biên lai bảo hiểm, không kể đến những con số mã thuế, xe hơi, số điện thoại - tôi chẳng thích lằng nhằng kể hết những con số tôi phải nhớ hoặc phải viết lên giấy nhằm ghi lại chính xác vị trí của mình trong xã hội lúc này.

Nếu ta có thể nhân 32 kí tự đó và những con số trên tấm séc của tôi với 6, rồi rút bớt đi, sau đó lại nhân chúng với 4, rồi thêm ngày sinh của ai đó, thêm đôi điều liên quan đến tổ chức tôn giáo, đến vị trí dân sự của mình - liệu cuối cùng thì chúng ta có nắm được bản chất Phương Tây theo cách thêm thắt và hội nhập với lí trí Phương Tây như thế? Tri giác và chấp nhận như thế liệu có là lí trí không - làm như vậy để mong được khai sáng và thực sự chúng ta đã được khai sáng - có thể đó hoàn toàn chỉ là cái cao ngạo Tây Phương chúng ta xuất khẩu ra toàn thế giới thông qua chủ nghĩa thuộc địa hoặc những đoàn truyền giáo hoặc trong một hỗn hợp cả hai thứ đó để làm thành một công cụ kiểm soát?

Còn với những ai chịu tác động của sự cao ngạo đó, liệu có đáng là bao những khác biệt giữa những quan điểm Công giáo, xã hội, cộng sản - và nếu thơ ca thỉnh thoảng có soi sáng cho họ, thì cái Lí của Thơ có thể thắng thế được không?

Tội ác lớn nhất của người thổ dân Châu Mỹ là gì khi họ đương đầu với cái Lí của Châu Âu xuất cảng sang Châu Mỹ? Họ không biết tới giá trị của vàng - của đồng tiền! Và họ đã chiến đấu chống lại một thứ mà ngay giờ đây chúng ta vẫn đang còn chiến đấu chống lại, cái sản phẩm cập nhật nhất của cái Lí chúng ta, chống lại sự hủy diệt cái thế giới và môi trường của họ, chống lại sự kiểm soát hoàn toàn đất đai của họ để kiếm lời, cái lợi lộc với họ cũng hoàn toàn xa lạ như các thần linh của họ xa lạ với chúng ta vậy.

Thật thế, cái thông điệp Công giáo có thể đưa ra cho họ là gì - nghe mà vui sao! - khi vào chủ nhật thì phụng sự Chúa trong vẻ tự mãn và đạo đức giả bệnh hoạn, rồi đến sáng thứ hai lại đúng giờ mở cửa ngân hàng, nơi họ cai quản cái ý tưởng duy nhất họ thực sự tin, đó là đồng tiền, sở hữu và lợi nhuận? Và chỉ còn sự miệt thị cái chất thơ của nước và gió, của con trâu và đồng cỏ, nơi người thổ dân thấy đời mình hiện hình, - và giờ đây chúng ta những thị dân Tây Phương, sản phẩm cuối cùng của tính duy lí toàn diện - thành thực ra thì phải nói: chúng ta chẳng tha cho chính mình - chúng ta bắt đầu cảm nhận thấy cái thực của chất thơ hóa thân trong nước và trong gió.

Tấn thảm kịch các nhà thờ của chúng ta đã và đang vấp phải thực ra là ở đâu? Đó không phải là ở những thứ mà sự khai sáng lẽ ra phải chỉ mặt và gọi tên là những cái vô lí, mà là ở trong cái nỗ lực bất thành vô vọng và tuyệt vọng, cố đeo đuổi hoặc thậm chí thế chỗ một cái Lí chưa từng có và không khi nào có thể xuất hiện cùng với cái gì đó cực kì phi lí như là sự hóa thân của Chúa [trong từng con người chúng ta - N.D. thêm]. Các quy chế, các văn bản luật, các chuyên gia chấp thuận, cả một rừng quy định thành những con số, và sự tạo ra những định kiến nhồi nhét cho chúng ta và được củng cố ròng rã trong việc giảng dạy lịch sử nhằm làm cho con người càng ngày càng xa lạ với nhau. Ngay trong những thành quả cực đoan của Phương Tây thì tính duy lí của chúng ta cũng chống chọi nhau tạo thành cái chúng ta đặt tên cho gọn là cái phi lí. Vấn đề rắc rối khủng khiếp ở Bắc Ireland dẫu sao cũng chỉ là chuyện ở đó có những hai thứ Lí vướng vít vào nhau và đánh nhau đến tuyệt vọng biết bao trăm năm rồi.

Còn có biết bao nhiêu miền khinh thị đã được lịch sử để lại cho chúng ta? Các lục địa còn ẩn kín bên dưới dấu hiệu duy lí thắng thế của chúng ta. Biết bao nhiêu cư dân giả định là nói chung một ngôn ngữ mà vẫn xa lạ với nhau. Khi chế định cách thức hôn nhân Phương Tây nhằm tạo ra trật tự, thì mọi người không biết rằng đó là một đặc quyền: nó quá xa vời, nó chưa hoàn thiện cho những con người lao động trên cánh đồng, những người được gọi là cổ cầy vai bừa và thợ vắt sữa, những người chẳng đủ tiền mua nệm trải giường, và nếu họ dành dụm được hoặc ăn cắp được tiền thì lại chẳng có giường để mua nệm trải lên.

Và thế là chẳng ai đụng đến cái quyền bất chính đáng của họ; họ cứ việc đẻ con thôi! Từ trên nhìn xuống và từ bên ngoài nhìn vào mọi điều có vẻ như hoàn toàn ổn. Có đủ cả, những câu trả lời rành mạch, những câu hỏi rõ ràng, những quy chế minh bạch, và giáo lí hão huyền. Thế nhưng xin chớ ngạc nhiên, khi cả thơ ca cũng là một dấu hiệu siêu nhiên, không bao giờ là tự nhiên. Thế rồi con người dù đã quen sống theo cách cũ cũng có lúc ngạc nhiên trước những dấu hiệu nổi loạn ở những vùng bị khinh rẻ và xa xăm, và sau đó thì hiển nhiên là đảng này hoặc đảng nọ sẽ phải chiếm lấy mối lợi chính trị và vật chất từ cuộc nổi dậy này.

Cũng đã có nhiều mưu toan đem lại trật tự trong cái lục địa vẫn còn sơ khai có tên là vùng tình dục bằng những quy định giống như quy chế cho người mới chơi tem khi họ bắt đầu làm tập anbum đầu tiên. Những vuốt ve cho phép và không cho phép được quy định đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, thế rồi bỗng nhiên phe thần học và các nhà tư tưởng cùng tỏ ra khiếp hãi và xác định rằng trên cái lục địa được coi như đã yên yên này vẫn còn vài ba quả núi lửa chưa tắt - và núi lửa chưa tắt là vì còn để dùng thử vài ba thứ công cụ dập lửa.

Và hãy nghĩ tới mọi điều mạo nhận là của Chúa và gán hết cho Chúa, cái quyền uy bị lạm dụng và đáng thương nhất hạng. Mọi điều, vâng, mọi điều có chứa đựng rắc rối, toàn bộ những gì dẫn tới sự khốn cùng tuyệt vọng mang hình thù xã hội, kinh tế và dục tình, mọi thứ đó đều trỏ vào phía Chúa, mọi thứ gì đáng khinh đều đùn đẩy cho Chúa, mọi thứ gì bị bỏ mặc và “còn sót lại”, và tuy rằng đó cũng là lúc Chúa tuyên giảng về Đấng Hiện Thân mà không biết rằng con người ta không thể đặt gánh nặng lên vai Chúa cũng như Chúa không thể đặt gánh nặng lên vai con người nếu như Chúa được coi như là Đấng Hiện Thân của con người.

Và còn ai ngạc nhiên một khi sống sót ở nơi quy định là không có thánh thần và ở nơi mà sự cùng khốn của thế giới và của xã hội mình đang sống được đưa vào cuốn sách giáo lí bất túc và đầy những giáo điều cùng với một tương lai bị đẩy lùi mãi về phía xa và đẩy cho xa mãi cho tới khi nó thành một cái hiện tại sầu bi? Và một lần nữa chúng ta cũng chỉ phản ứng lại bằng một sự cao ngạo khó chịu nếu chúng ta tố giác dòng sự kiện đó là phản động; và tương tự như vậy, cũng lại là một thứ cao ngạo cùng kiểu một khi những quan chức chăn chiên của Chúa tuyên bố rằng Chúa của họ dường như vẫn còn sống tại Liên bang Xô Viết song lại không dọn dẹp sạch những bùn lầy rác rưởi nơi Ngài ẩn náu và coi việc Chúa xuất hiện nơi đây như một sự biện minh cho hệ thống xã hội sở tại.

Liên tiếp biết bao nhiêu lần, khi chúng ta khoe khoang những niềm tin Công giáo hoặc vô thần, chúng ta đều mong muốn đắp điếm cho cái hệ thống tư tưởng được hiển hiện một cách cù nhầy. Sự điên rồ của chúng ta, cái cao ngạo “nội tại” này liên tiếp chôn vùi mất hai thứ: Chúa hiện thân ở Người, và cái ảo ảnh từ đó mà có, tức là cái tương lai của toàn nhân loại. Chúng ta, những con người rất dễ nhục mạ kẻ khác, chúng ta lại thiếu một chút gì đó: tính nhẫn nhịn - là cái không thể lẫn được với tính phụ thuộc hoặc thói dễ bảo, chưa nói gì đến sự cúi đầu. Đó là điều chúng ta đã làm đối với nhân dân thuộc địa: biến đổi sự nhẫn nhịn của họ, vẻ đẹp của sự nhẫn nhịn này ở họ đã được biến cải thành sự nhục mạ.

Chúng ta bao giờ cũng hau háu chinh phục và chiếm đoạt, hầu như là một điều kinh ngạc ở một nền văn minh mà văn bản đầu tiên viết bằng tiếng nước ngoài lại là Những chiến trận xứ Gaul của Julius Caesar (4) và có bài tập tự mãn đầu tiên - với những hỏi đáp rõ ràng không chút mập mờ - là cuốn giáo lí, một thứ sách vỡ lòng dạy tính cách vững vàng không lay chuyển với những vấn đề hoàn toàn được đặt ra sẵn và giải thích sẵn.

Tôi đã hơi lan man đi xa khỏi chuyện xây cất cầu, chuyện làm bánh vòng và viết tiểu thuyết, và bóng gió về những khoảng cách, những trớ trêu, những miền viễn tưởng, những chỗ còn sót lại, thần linh, huyền thoại và đối kháng của các miền khác - những điều rất tồi tệ đối với tôi và chúng cần được soi sáng nhiều hơn những góc khuất tối tăm khác - nơi cả cái Lí muôn đời lẫn cái Lí của thơ cũng chẳng soi sáng nổi.

Cái khoản chừng hai trăm con số (cùng vài ba mật mã) mà tôi biết chính xác mình có trong đầu hoặc ít ra cũng trên mảnh giấy nào đó, là bằng chứng rằng tôi đang tồn tại mà không biết chắc rằng chúng có ý nghĩa gì, chúng chứa đựng đôi chút khẳng định chứng minh cho sự tồn tại của tôi bên trong một guồng máy quan liêu đang tồn tại thật và thật sự tỏ ra là hợp lí. Người ta quy tôi về guồng máy quan liêu ấy và dạy tôi tin tưởng mù quáng vào nó.

Liệu tôi có gan trông chờ con người không chỉ tin tưởng vào thơ ca mà còn củng cố sức mạnh của thơ ca, không chỉ mặc cho thơ ca được yên thân mà còn hấp thụ đôi chút yên bình của thơ ca và hãnh diện vì sự khiêm nhường của thơ ca, là cái chỉ biết khiêm nhường với những gì thấp hơn mình chứ không khiêm nhường với những gì cao hơn mình. Chăm lo đến kẻ khác, lịch thiệp và công bằng nội tại, và mong muốn thừa nhận và được thừa nhận.

Tôi chẳng dám đưa ra những gợi ý xuất phát và những công cụ truyền giáo mới, thế nhưng tôi tin tưởng rằng trên tinh thần khiêm nhường, lịch thiệp và công bằng thơ ca, phải nói rằng tôi nhìn thấy khá nhiều điều tương đồng, tôi nhìn thấy được những khả năng gần gụi giữa một kẻ dửng dưng kiểu Camus và người viên chức xa lạ kiểu Kafka với Chúa đã hóa thân, là người suy cho cùng vẫn là kẻ xa lạ và - nếu ai đó bỏ qua cho vài cuộc người có nổi giận - là người lịch thiệp một cách cực kì khác thường hiểu theo nghĩa đen của chữ lịch thiệp ấy.

Tại sao Nhà thờ Kitô giáo từ bao đời rồi - không biết rõ bao lâu - đã ngăn chặn mọi người trực tiếp đến với bản chất vẹn nguyên của các văn bản được tuyên bố là linh thiêng, giữ chúng nấp kín sau tiếng Latinh va tiếng Hy Lạp, và chỉ những ai được kết nạp rồi mới được vào? Tôi hình dung đó là để cách li những hiểm nguy trong chất thơ của ngôn từ hiển thánh, và bảo vệ cái Lí của quyền lực khỏi bị lây cái Lí nguy hiểm của thơ ca.

Mà suy cho cùng, đâu phải chuyện ngẫu nhiên mà hệ quả quan trọng nhất của cuộc Cải cách Nhà thờ lại là sự khám phá ra những ngôn ngữ và điều hiện thân trong các ngôn ngữ ấy. Và phải chăng cái mà đế quốc bao giờ cũng làm được mà không có chủ nghĩa đế quốc về ngôn ngữ, ấy là truyền bá ngôn ngữ riêng của nó và tiêu diệt những ngôn ngữ của kẻ bị trị? Trong chuyện này - và chỉ một chuyện ngôn ngữ này thôi - tôi thấy như có một ngoại lệ không mang tính đế quốc chủ nghĩa mà còn có thể coi là mưu toan chống chủ nghĩa đế quốc khi tố cáo thơ ca, tố cáo tính nhục cảm của ngôn ngữ, sự hóa thân của ngôn ngữ và quyền lực của tưởng tượng (vì ngôn ngữ và quyền lực của tưởng tượng là một và như nhau), rồi du nhập lối nhị phân sai lầm đối lập thông tin và thơ ca, một phiên bản mới của “divide et impera” (5).

Đó là một cái Lí mới toanh và lần nữa lại cho thấy tính cao ngạo quốc tế của nó, cái Lí có thể cho phép thơ ca của người Da đỏ thành một lực lượng chống giai cấp thống trị, nhưng lại không cho thơ ca người Da đỏ được giải phóng ngay trong mảnh đất riêng của họ. Thơ ca không phải là một đặc quyền đặc lợi mang tính giai cấp, và chưa khi nào là vậy hết. Biết bao lần, những nền văn học phong kiến và tư sản đã tự đổi mới từ cái họ hạ cố gọi là ngôn ngữ nhân dân, hoặc là, nói bằng ngôn từ hiện đại hơn, từ biệt ngữ hoặc tiếng lóng.

Có thể gán cho tiến trình này là bóc lột ngôn ngữ, thế nhưng sự bóc lột đó vẫn chẳng thay đổi gì nhờ tung ra lối tuyên truyền những biến thể sai lạc này: thông tin hoặc thơ ca/văn chương. Sự bất đồng mang phong vị luyến tiếc nằm trong những cách biểu đạt bằng ngôn ngữ nhân dân, biệt ngữ và tiếng lóng không bảo đảm tống cổ thơ ca đi lưu đầy trong đống rác thải, cũng chẳng đưa nổi các dạng biểu đạt nghệ thuật vào chốn ấy. Phần lớn những thứ này đều như ngôn ngữ của Giáo hoàng: từ chối sự hóa thân và tính nhục cảm của những ngôn ngữ khác, đồng thời tạo ra những kinh bổn mới chỉ nói tới những khả năng biểu đạt duy nhất đúng và thật sự sai.

Ta không thể tách rời sức mạnh của thông điệp với sức mạnh của biểu đạt khi thông điệp xuất hiện; sự tách rời đó khiến tôi nhớ đến những điều mâu thuẫn trong cả hai dạng làm phép thông công (6), những mâu thuẫn khá ngán ngẩm về mặt thần học nhưng quan trọng nếu coi đó là những thí dụ về những cuộc nhập thế bị khước từ, mà ở người Kitô giáo đó chỉ còn là miếng bánh Thánh nhợt nhạt, bánh không ra bánh - ấy là chưa kể hàng triệu thùng rượu vang một trăm lít bị từ chối! Tại đó có một sự hiểu lầm cao ngạo, không phải là hiểu lầm những bản chất can dự vào mà cả cái địa chỉ bản chất này định nhập vào.

Không thể giải phóng giai cấp bằng cách ngăn ngừa trước một cái gì đó từ những bản chất đó, và cho dù trường phái tôn giáo mới Mani (7) có tự tuyên ngôn là phi - tôn giáo hoặc phản - tôn giáo, thì đó cũng là đi theo mô hình Nhà thờ với tư cách là giai cấp thống trị, cái mô hình lẽ ra có thể bị chấm dứt với [các nhà cải cách tôn giáo - N.D. thêm] bị buộc vào cọc mà thiêu như Hus và bị rút phép thông công như Lüther. Ai đó có thể cãi cọ về khái niệm cái đẹp, có thể tạo ra khoa mĩ học mới - thực ra đáng lẽ phải làm rồi - nhưng họ không được bắt đầu với việc ngăn chặn mọi chuyện, và họ không được loại trừ một điều, ấy là cái khả năng chuyển tải của văn học, nó chuyển chúng ta từ Nam hoặc Bắc Mỹ tới Thụy Điển, Ấn Độ và Châu Phi.

Nó cũng có thể chuyển chúng ta sang một giai cấp khác, tới một thời gian khác, vào một tôn giáo khác hoặc một chủng tộc khác. Ngay dù là có mang hình thức tư sản thì văn học cũng không khi nào nhằm mục đích là tạo ra cái xa lạ, mà là làm cho cái xa lạ mất đi. Và cho dù ai đó có thể coi giai cấp như là cái đáng lẽ ra đã phải xóa bỏ lâu rồi, thế nhưng với tư cách sản phẩm của giai cấp này, lắm khi đó cũng lại là nơi ẩn náu để đề kháng lại chính giai cấp ấy. Và cũng phải bảo vệ tính quốc tế của sự đối kháng là cái che chở và tạo nên một nhà văn có niềm tin tôn giáo như Alexandr Solzhenitsyn và một tác gia ngập tràn cảm xúc đắng cay và là kẻ thù cay độc của tôn giáo và Nhà thờ như Arrabal (8).

Sự đối kháng này cũng chẳng đơn thuần là cơ chế hoặc phản xạ kêu gọi nâng cao niềm tin vào Chúa ở chỗ này và làm mất niềm tin Chúa ở chỗ khác, mà đó như thể là sự hóa thân các mối quan hệ lịch sử trí tuệ thường diễn ra ở những đống rác và tại những vùng nổi loạn và khước từ tín ngưỡng cũ... đó cũng còn là sự thừa nhận những mối liên hệ không còn sự cao ngạo và không còn những tuyên ngôn về tính bất tử. Với một tù nhân chính trị hoặc chỉ là những người bị cách li như ở Liên Xô, thì điều này có vẻ sai hoặc thậm chí là không lành mạnh khi thế giới Phương Tây lên tiếng phản kháng cuộc chiến tranh Việt Nam - về mặt tâm lí, ta có thể hiểu tình trạng của anh ta trong xà lim hoặc trong cảnh cách li xã hội - song anh ta cũng cần nhận thấy rằng tội ai làm người ấy chịu, và rằng khi nhân dân biểu tình ủng hộ Việt Nam thì họ cũng biểu tình ủng hộ anh nữa!

Tôi biết rằng như vậy có vẻ là không tưởng, song với tôi đó có vẻ như là khả năng duy nhất của một tính quốc tế mới, chứ đó không phải là tính trung lập. Không một tác giả nào có thể vượt khỏi những cái coi là chia rẽ và những đánh giá riêng, và tôi coi gần như là tự sát khi đến bây giờ mà chúng ta vẫn cứ còn thảo luận về bất đồng giữa văn học dấn thân và các thứ khác. Không những chúng ta phải can thiệp bằng tất cả sức mạnh của mình cho kẻ khác, nói cho chính xác là khi chúng ta nghĩ đó là cái chúng ta phải can thiệp; thông qua cái biến thể sai lạc này mà chúng ta chấp nhận cái nguyên lí tư sản về những sự chia rẽ, nguyên lí biến chúng ta thành những kẻ khác nhau.

Đây không chỉ là sự chia rẽ sức mạnh tiềm tàng của chúng ta mà chia rẽ cả cái đẹp hiện thân trong tiềm năng chúng ta - tôi dám nói điều này mà không lúng túng xấu hổ - vì cái đẹp cũng có khả năng giải phóng cũng như tư tưởng lan truyền đi cũng có khả năng giải phóng: tự thân cái đẹp có năng lực giải phóng hoặc là tạo ra kích động giải phóng. Sức mạnh của nền văn học không chia rẽ không phải là trung lập hóa các hướng đi, mà là quốc tế hóa sự đề kháng, và trong sự đề kháng này có thơ ca, có sự hóa thân, có tính nhục cảm, có sức mạnh tưởng tượng và có cái đẹp. Sự báng bổ của tôn giáo Mani muốn lấy đi của chúng ta những thứ đó, muốn tước bỏ của chúng ta mọi nghệ thuật, nó không chỉ tước đoạt chúng ta, mà tước đoạt những thứ nó tin là phải tước đoạt.

Không có thơ ca thì không có cả chửi rủa, không có đắng cay, thậm chí không có cả thông tin về cái tình trạng tuyệt vọng của một giai cấp mà muốn kết án nó thì trước nhất cũng phải thừa nhận có nó đã. Hãy đọc kỹ Rosa Luxembourg (9) xem Lênin đã ra lệnh dựng trước nhất những pho tượng nào: pho thứ nhất là cho bá tước Tolstoi, người Lênin nhận xét rằng trước bá tước này văn học Nga không có nhân vật nông dân; pho tượng thứ hai dựng cho ông Dostoevski “phản động”.

Nếu có ai chọn con đường đổi thay theo lối khắc khổ, người đó cần khước từ văn học và nghệ thuật cho riêng mình, nhưng chẳng ai làm nổi điều đó cho người khác trừ phi có thể sai khiến được nhận thức hoặc sự thừa nhận cái họ khước từ. Sự khước từ này phải tự nguyện, nếu không sẽ thành chỉ thị của Giáo hoàng, như sách kinh bổn mới, và một lần nữa cả một lục địa như cái lục địa Tình yêu lại tuyệt diệt vì khô cằn vô sinh. Hoàn toàn chẳng vì phù phiếm hoặc vì muốn gây sốc mà văn học và nghệ thuật càng ngày càng đổi thay hình thức, qua trải nghiệm mà tìm ra những hình thức mới nữa.

Trong những hình thức này chúng đã hiện thân điều gì đó, và cái đó không bao giờ hoàn toàn xác nhận cho cái đã tồn tại và đã đạt tới; và nếu cái gì đó ấy bị diệt thì con người khước từ một khả năng khác nữa: sự giả tạo. Nghệ thuật luôn luôn là nơi cất giấu tốt, không cất giấu chất nổ, mà cất giấu những vụ nổ tinh thần và những quả bom giờ xã hội. Tại sao đâu đó lại có những chỉ số khác nhau? Chính là vì trong cái vẻ đẹp bị khinh rẻ và thường khi đáng khinh cùng với sự thiếu sáng sủa rõ ràng của nó mà có được chỗ cất giấu tốt nhất cái ngạnh lưỡi câu để bất ngờ giật và bất ngờ được thừa nhận.

Trước khi hết lời, tôi phải nêu lên một giới hạn cần thiết. Những lời bộc bạch và giải thích yếu ớt của tôi rành rành là do tôi, mặc dù vẫn băn khoăn thắc mắc đối với truyền thống của cái Lí tôi đã được dạy dỗ - phúc thay nó lại dạy dỗ không hoàn toàn thành công - dẫu sao thì tôi cũng dùng những công cụ của chính cái Lí ấy, và thật là không xứng đáng với tôi nếu tôi kết tội mọi phương diện của cái Lí đó. Hiển nhiên là cái Lí đó đã thành công khi gieo rắc hoài nghi về việc nó đòi được bao trùm mọi mặt, cái tôi gọi là sự cao ngạo, và đã thành công trong việc lưu giữ trải nghiệm và kí ức ở cái tôi đặt tên là Lí của thơ ca, cái tôi không coi là một đặc quyền mà cũng chẳng coi là một thiết chế tư sản.

Có thể giao tiếp được với cái Lí đó, và chính vì nó phàm tục và hóa thân nên đôi khi nó có vẻ lạ kì và nhờ đó mà tránh khỏi hoặc gỡ bỏ được sự xa lạ hoặc sự tha hóa. Suy cho cùng thì “tự mình thấy lạ kì” (befremdet zu sein) cũng có thể là sửng sốt, ngạc nhiên hoặc chỉ đơn thuần là xúc động. Còn về việc tôi nói về sự khiêm nhường - dĩ nhiên chỉ nói theo cách gợi ý - thì xin nói rõ đó không phải là nhờ sự giáo dục tôn giáo hoặc nhờ lưu giữ trong kí ức cái khái niệm luôn luôn mang nghĩa nhục mạ mỗi khi nói đến nhẫn nhục, mà là nhờ đọc Dostoevski từ khi còn rất trẻ cho tới khi về già sau này.

Và chính bởi vì tôi coi trào lưu văn học toàn thế giới chuyển sang một nền văn học không giai cấp hoặc không bị quyết định bởi giai cấp là vô cùng quan trọng, do khám phá ra những vùng rộng lớn có những con người nhẫn nhục sắp thành những phế thải người, mà tôi thấy phải cảnh báo quý vị về sự hủy diệt thơ ca, về sự vô sinh khô cằn của thuyết nhị phân, về thái độ báng bổ trong cái điều tôi coi như là nhiệt tình mù quáng hắt chậu nước bẩn và hắt cả đứa nhỏ bên trong chậu nước. Thật vô nghĩa với tôi khi ca ngợi hoặc là lớp trẻ hoặc là lớp già.

Thực vô nghĩa với tôi khi mơ tưởng những phong cách sống xưa là những thứ chỉ có thể phục hiện trong bảo tàng; thật vô nghĩa với tôi khi tạo ra những khái niệm nhị phân như bảo thủ/tiến bộ. Đợt sóng mới nhớ nhung lưu luyến đeo bám vào đồ đạc, áo quần, các cách biểu đạt và các bậc thang tình cảm chỉ chứng tỏ rằng thế giới mới đang ngày càng phát triển xa lạ với chúng ta. Rằng cái Lí chúng ta từng xây đắp và tin tưởng đã không khiến cho thế giới này đáng tin cậy hơn hoặc gần gụi hơn; rằng sự nhị phân duy lí/phi lí là một cách tư duy sai lạc.

Tại đây tôi đã phải tránh xa hoặc từ bỏ một thỏa thuận lớn, bởi vì một tư tưởng này bao giờ cũng dẫn tới một tư tưởng khác và chúng ta sẽ bị cuốn trôi nếu chúng ta xét nét kiệt cùng từng chi tiết của những lục địa này. Tôi phải bỏ đi tính hài hước, là cái cũng chẳng thuộc đặc quyền của bất kì giai cấp nào, song trong nền thơ ca của từng giai cấp thì lại vẫn bị làm ngơ và đang là nơi ẩn giấu của sự đối kháng.

  • Phạm Toàn dịch từ bản tiếng Anh

"An essay on the reason of poetry"

(Nguồn: http://nobelprize.org)

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây 


Chú thích của người dịch:

(I} Chỉ phong trào tôn giáo xuất hiện ở Tây Âu hồi thế kỷ XVI, mục đích là để đổi mới nội bộ Nhà thờ Thiên Chúa giáo, nhưng lại dẫn tới cuộc đại nổi dậy chống lại Nhà thờ và sự từ bỏ những niềm tin Kitô giáo chủ yếu, dẫn tới sự hình thành Nhà thờ Tin lành và các dạng cách tân khác nữa.

[2) Tiếng Pháp trong nguyên văn. Tác giả chơi chữ, vì pur có nghĩa là trong sạch và cùng có nghĩa là thuần túy.

(3) Bản thảo tìm thấy ở Wessobrunn, vốn là một bài thơ chép được tại Bavaria khoảng năm 800, một trong những di sản văn chương cổ nhất của ngôn ngữ Đức.

(4) Tác phẩm De bello Gallico tiếng Latinh, có nghĩa là Cuộc chinh chiến ở xứ Gaule tả những chiến công của Julius Caesar chiếm những vùng đất rộng lớn hai bên dãy núi Alpes, thu về đất đai và danh tiếng cho đế quốc Roma hồi thế kỷ thứ I.

(5) Tiếng Latinh, có nghĩa “Chia để trị“.

(6) Hai cách nhận phép thông công Kitô giáo, một là nhận riêng bánh thánh (coi như da thịt của Chúa) và một là nhận riêng rượu vang (máu của Chúa).

(7) Một tôn giáo do Mani người Ba Tư sáng lập hồi nửa sau thế kỷ III. Nó hỗn hợp cả đạo thờ Lửa (Zoroastre), truyền thuyết dân gian Babylon và đạo đức Phật giáo cùng một số yếu tố Kitô giáo. Tôn giáo Mani là một học thuyết nhị nguyên, phân biệt rạch ròi Thiện ác, và khuyên con người sống khắc khổ.

(8) Fernando Arrabal, nhà văn Tây Ban Nha, sinh năm 1932, sống tại Paris từ năm 1955. Người lớn lên cùng với nền độc tài quân sự Tây Ban Nha, chứng kiến sự hủy diệt các quyền tự do dân chủ ở nước mình, các cuộc đàn áp của cảnh sát, sự thối nát của quân đội và Nhà thờ, sự khốn cùng của nhân dân.

(9) Rosa Luxembourg: (1870-1919): người Đức gốc Ba Lan, một trong những nhà lãnh đạo cuộc Cách mạng năm 1919 theo gương cuộc nổi dậy của Spartacus, hi sinh khi bị quân đội Đức vây hãm. Bà là người sáng lập Đảng Xã hội Dân chủ Ba Lan và lãnh đạo cánh tả Đảng Xã hội Dân chủ Đức.

,
,