,
221
5083
Tác phẩm
tacpham
/vanhoa/tacpham/
950286
Patrick White
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,
Các bậc thầy văn chương thế giới:

Patrick White

Cập nhật lúc 16:13, Thứ Sáu, 29/06/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Mặc dù hầu hết tiểu thuyết của ông lấy bối cảnh Úc, song mối quan tâm chính của ông là miêu tả những con người mà các vấn đề và hoàn cảnh sống của họ được cá biệt hóa cao độ, vượt ngoài phạm vi địa phương và quốc gia.

Patrick White (28/5/1912 - 30/9/1990)

Giải Nobel Văn học 1973

* Nhà văn Australia

* Nơi sinh: London (Anh)

* Nơi mất: Sidney (Australia)

P. White
Patrick White được trao giải vì nghệ thuật sử thi và phân tích tâm lí bậc thầy đã giúp một châu lục văn học mới được khám phá. Tiểu thuyết đỉnh cao Voss là một thiên ngụ ngôn, trong đó P. White chứng tỏ rằng trong trái tim con người đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa tính kiêu ngạo và sự quy thuận, giữa niềm tin vào bản thân và đức tin vào Chúa Trời.

Patrick Victor Martindale White xuất thân trong một gia đình điền chủ giàu có ở Sydney (Australia). Thời niên thiếu ông là người bệnh tật, ốm yếu, không được đi học, mãi đến năm 13 tuổi mới được gửi sang học ở Cheltenham (Anh).

Trước khi vào đại học, P. White xin cha mẹ về quê chăn bò hai năm và bắt đầu sáng tác, sau đó trở lại Anh. Ông tốt nghiệp Đại học Cambridge năm 1935, sau đó đi du lịch qua nhiều nước Châu Âu, nghiên cứu văn học và ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức. Trong Thế chiến II ông gia nhập không lực Hoàng gia Anh. Sau chiến tranh ông về sống và làm việc tại một trang trại ở ngoại ô Sydney. Mặc dù có một thời gian học và làm việc tại London nhơng dấu ấn tính cách con người Australia in đậm trong các tác phẩm của ông.

Ấn phẩm thơ đầu tay Mười ba bài thơ (kí tên Patrick Victor Martindale) của P. White viết trước năm 1930, năm 1935 ông in tập thơ Người cày ruộng và những bài thơ khác và viết một số vở kịch nhưng không được xuất bản; năm 1939 ông in tiểu thuyết đầu tay Thung lũng hạnh phúc và sang Mỹ sống. Năm 1955 P. White mới thực sự nổi tiếng với tiểu thuyết Cây người. Các nhân vật trong tác phẩm này (chủ yếu là phụ nữ) là những con người đam mê mãnh liệt và có khát vọng bằng sức mạnh ý chí chế ngự số phận bất công. Tiểu thuyết Voss (1957) được đánh giá là tác phẩm hay nhất của P. White, thông qua cái chết của một nhà thám hiểm nói về cuộc vật lộn giữa lòng kiêu hãnh và sự nhẫn nhục của con người. Nhiều tác phẩm của P. White mang tính chất anh hùng ca, sử dụng lối viết rất truyền thống nhưng phong phú về ẩn dụ.

P. White là người Australia đầu tiên và đến nay là duy nhất được trao giải Nobel Văn học vì những tác phẩm có nghệ thuật phân tích tâm lí sâu sắc và bút pháp sử thi, nhờ đó đã mở ra một châu lục văn chương mới. Vốn thích cuộc sống lặng lẽ tránh mọi ồn ào phô trương, ông không đến dự lễ trao giải mà nhờ bạn là họa sĩ S. Nolan nhận thay. Tác phẩm cuối cùng của ông là một cuốn tiểu thuyết có tựa đề Nhớ về nhiều trong một (1986).

* Tác phẩm:

- Mười ba bài thơ (Thirteen poems, 1930), tập thơ.

- Người cày ruộng và những bài thơ khác (The ploughman and other poems, 1935), tập thơ.

- Thung lũng hạnh phúc (Happy valley, 1939), tiểu thuyết.

- Kẻ sống và người chết (The living and the dead, 1941), tiểu thuyết.

- Câu chuyện người cô (The aunt’s story, 1946), tiểu thuyết.

- Trở về Abyssina (Return to Abyssinia, 1946), kịch.

- Đám tang giả (The ham funeral, 1947, dựng 1961), kịch.

- Bản án nơi trần thế (A life sentence on earth, 1951), tiểu thuyết.

- Cây người (The tree of man, 1955), tiểu thuyết.

- Voss (1957), tiểu thuyết.

- Những người trên cỗ xe (Riders in the chariot, 1961), tiểu thuyết.

- Tâm hồn vui vẻ (Cheery soul, 1962), kịch.

- Những kẻ bị thiêu đốt (The burnt ones, 1964), tập truyện.

- Nhà phẫu thuật (The vivisector, 1964), tiểu thuyết.

- Mắt bão (The eye of the storm, 1964), tiểu thuyết.

- Mùa nghỉ ở Sarsaparilla (The season at Sarsaparilla, 1965), kịch.

- Đêm trên núi Trọc (Night on Bald mountain, 1965), kịch.

- Bùa hộ mệnh (The solid mandala, 1966), tiểu thuyết.

- Những con vẹt (The cockatoos, 1974), tập truyện.

- Diềm lá (A fringe of leaves, 1976), tiểu thuyết.

- Những đồ chơi lớn (Big toys, 1977), kịch.

- Gã trộm đêm (The night prowler, 1979), truyện ngắn.

- Vụ Twyborn (The Twyborn affair, 1979), tiểu thuyết.

- Tay lái tuyệt vời (Signal driver, 1982), kịch.

- Rừng thấp (Nether wood, 1983), kịch.

- Những vết rạn trên kính (Flaws in the glass, 1984), tự truyện.

- Nhớ nhiều trong một (Memoirs of many in one, 1986), tiểu thuyết.

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

- Cây người (tiểu thuyết, 2 tập), Hoàng Túy - Mạnh Chương dịch, NXB Văn Học, 1987 - 1988 - 1989.

- Những bức thư, Ngô Hữu Lê dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.

- Đồng đôla bất hạnh, Đinh Việt Tú dịch, in trong tập truyện ngắn Đồng đôla bất hạnh, NXB Lao Động, 1982; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1997; Truyện ngắn đặc sắc các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 2004. 

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây

 

Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển

Artur Lundkvist, thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển

Muôn tâu Hoàng thượng, kính thưa chư vị Hoàng gia, thưa quý ông quý bà,

Giải Nobel Văn chương năm nay đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao cho nhà văn người Úc Patrick White. Trong lời tuyên dương ngắn gọn như mọi khi, [Viện Hàn lâm Thụy Điển] đã nhắc tới “nghệ thuật tự sự mang tính sử thi và tâm lý của ông, cái nghệ thuật đã đưa cả một lục địa mới mẻ vào văn chương”. Những lời đó đã bị một số giới phần nào hiểu lầm. Những lời đó chỉ nhằm nhấn mạnh vị trí nổi bật của Patrick White trong văn chương nước ông, chứ không nên hiểu là phủ nhận sự hiện hữu của một nền văn chương Úc bề thế ngoài tác phẩm của White.

Trên thực tế, đã có một loạt tác giả từng làm cho văn chương Úc thấm nhuần một sự độc lập và một tính cách Úc không lẫn vào đâu được, nhờ nó mà nền văn chương này từ lâu đã được thế giới coi không chỉ như một sự nối dài truyền thống [văn chương, ND] Anh. Chỉ cần nhắc ở đây những cái tên như Henry Lawson và Henry Handel Richardson là đủ. Lawson là con của một thủy thủ người Na Uy nhập cư tên Larsen, và trong các truyện ngắn của mình ông mô tả một cách trung thực nhiều khía cạnh đời thường rất khác nhau ở Úc.

Trong khi đó, tác giả nữ ký tên nam là Henry Handel Richardson, trong bộ tiểu thuyết quan trọng nhất của bà đã tạo ra một tượng đài chân xác và hùng vĩ về người cha mình như một mẫu hình tiêu biểu cho lối sống Anh vẫn còn tồn tại lâu dài ở Úc. Người ta cũng không thể bỏ qua nhiều nhà thơ đầy tham vọng nhưng phần nào khó hiểu đã từng nâng cao ý thức [về căn tính, ND] Úc và tăng cường khả năng diễn đạt của ngôn ngữ mình.

Với tất cả sự độc đáo của White, không ai có thể phủ nhận rằng tác phẩm của Patrick White thể hiện một số nét tiêu biểu của văn chương Úc, cùng chung một bối cảnh, lịch sử tự nhiên và lối sống của đất nước này. Người ta cũng biết rõ White có quan hệ gần gũi với các họa sĩ cấp tiến của Úc như Sidney Nolan, Arthur Boyd và Russel Drysdale, những người đã dùng các phương tiện mình có nhằm đến một cái gì đó với cùng một sức biểu hiện như White làm được bằng [phương tiện] văn chương. Đồng thời cũng là một dấu hiệu khích lệ khi người ta dần dần cảm thấy được ảnh hưởng của White, và một số trong những nhà văn trẻ nhiều hứa hẹn nhất có thể coi là người kế tục ông theo cách này hay cách khác.

Tuy nhiên, đồng thời cũng cần nhấn mạnh rằng so với một số đồng nghiệp tiêu biểu của mình White ít bận tâm đến những cái đặc thù Úc. Mặc dù hầu hết tiểu thuyết của ông lấy bối cảnh Úc, song mối quan tâm chính của ông là miêu tả những con người mà các vấn đề và hoàn cảnh sống của họ được cá biệt hóa cao độ, vượt ngoài phạm vi địa phương và quốc gia. Ngay cả trong tác phẩm sử thi mang tính Úc điển hình nhất của ông là Cây người (The Tree of Man) mà trong đó thiên nhiên và xã hội đóng một vai trò quan trọng, mục đích chủ yếu của ông là khắc họa các nhân vật của mình từ bên trong, khiến họ sống động như thật, không hẳn như những người khẩn hoang điển hình hoặc không điển hình mà dưới dạng những cá nhân độc đáo có một không hai. Và khi ông cùng nhà thám hiểm Voss của mình dấn sâu vào những vùng hoang vu của lục địa Úc, chốn hoang vu đó trở thành bối cảnh tối quan trọng cho nỗi ám ảnh và sự tự hy sinh của một sức mạnh ý chí kiểu Nietzsche.

Ta sửng sốt khi thấy Patrick White biến các nhân vật chính của mình thành những kẻ không ít thì nhiều thờ ơ, ngoài cuộc đối với xã hội; những con người xa lạ, khó hòa nhập hoặc chậm phát triển và rất thường khi là kẻ theo chủ nghĩa thần bí hoặc tín đồ nhiệt thành [của một trào lưu, tôn giáo… nào đó, ND]. Dường như ở những con người này, dẫu họ nghèo nàn và nhạy cảm đến đâu đi nữa, ông vẫn cho rằng việc dễ nhất là nhìn rõ và thấu hiểu những phẩm chất người mà ông thấy thích thú.

Đó là trường hợp các nhân vật trong Riders in the Chariot, những kẻ mà vị thế người dưng và sự sai đường khiến họ phải chịu ngược đãi và thống khổ song bằng cách bí ẩn nào đó cũng lại là những kẻ đặc tuyển và chiến thắng trong bất hạnh của mình. Đó cũng là trường hợp hai anh em trong The Solid Mandala, với các nhân vật đầy mâu thuẫn: kẻ thích nghi tốt song cằn cỗi về tinh thần và kẻ vụng về nhưng lại có một bản năng thấu suốt. Theo một cách nào đó điều này cũng đúng với các nhân vật chính có-mặt-khắp-nơi trong hai cuốn tiểu thuyết lớn nhất và gần đây nhất: nhà nghệ sĩ trong The Vivisector và bà lão trong Mắt bão (The Eye of the Storm).

 Ở nhà nghệ sĩ, nỗi thôi thúc sáng tạo được mô tả như một thứ lời nguyền mà hậu quả của nó là nghệ thuật của ông trở thành một nỗ lực nuốt chửng mọi thứ khiến cả người thực hiện nó lẫn những ai gần gũi anh ta đều trở thành nạn nhân. Ở nhân vật bà lão, tác giả lấy việc từng trải nghiệm một cơn lốc xoáy làm cái trung tâm huyền bí mà từ đó một thứ nội quán chiếu rọi ánh sáng lên cuộc đời bà với bao nhiêu bất hạnh cho tới khi nhắm mắt xuôi tay.

Patrick White là một tác giả có phần khó đọc, không chỉ vì những ý tưởng và vấn đề độc đáo của ông mà có lẽ còn vì sự kết hợp khác thường giữa phẩm chất sử thi với phẩm chất thơ ca ở ông. Trong nghệ thuật tự sự lớn lao của mình ông sử dụng một ngôn ngữ cực kỳ súc tích, một nghệ thuật ngôn từ được chăm chút đến từng chi tiết và thường xuyên nhắm tới hiệu quả biểu đạt tối đa, ngày càng mãnh liệt không ngừng nghỉ hoặc thấu suốt một cách tinh tế. Ở đây cái đẹp và chân lý liên hợp với nhau khắng khít hoặc hoàn toàn hợp nhất vào nhau: một cái đẹp toát ra ánh sáng và sự sống, gợi nên chất thơ vốn có trong vạn vật, trong thiên nhiên và trong mọi hiện tượng, và một chân lý hiển lộ và giải phóng, mặc dù thoạt đầu cái chân lý đó có vẻ như phản cảm hay đáng sợ.

Patrick White là một nhà phê phán xã hội chủ yếu qua sự mô tả những con người, vốn là nhiệm vụ của nhà văn. Trước hết và trên hết ông là một nhà khai phá táo bạo về tâm lý, đồng thời lại sẵn sàng viện tới những quan điểm mang tính ý thức hệ về cuộc sống hoặc những niềm tin thần bí nhằm khơi gợi sự trợ giúp và thông điệp hướng thượng mà chúng mang lại [cho con người, ND]. Mối liên hệ của ông với bản thân mình, cũng như mối liên hệ với các đồng loại, là phức tạp và đầy mâu thuẫn.

Những đòi hỏi cao vời tương khắc một cách sâu sắc với những khước từ dứt khoát. Đam mê và mong đợi đối đầu với một chủ nghĩa đạo đức đặc thù Thanh giáo. Trái ngược với cái lẽ ra có thể là niềm kiêu hãnh ở chính mình, ông lại ngợi ca sự khiêm nhường và hạ nhục, một cảm giác tội lỗi dai dẳng đòi được chuộc tội và hy sinh. Ông thường bị người ta công kích vì sự hoài nghi ở khả năng của tư duy và nghệ thuật, cho dù chính ông là kẻ không bao giờ mỏi mệt trong cuộc truy cầu cao cả đối với cả hai thứ đó.

Nghệ thuật văn chương của Patrick White đã làm ông nổi tiếng toàn thế giới, và hiện nay ông được xếp vào hàng đại diện hàng đầu của Australia trong lĩnh vực của mình. Trước tác đầy sáng tạo của ông, được thực hiện trong đơn độc và chắc chắn là trong nỗi phải hứng chịu sự phản kháng không nhỏ dưới hình thức nhiều kiểu nghịch cảnh và thống khổ, đã dần dần mang lại những kết quả lâu dài và ngày càng được thừa nhận rộng rãi, mặc dù bản thân ông có thể hoài nghi về giá trị những nỗ lực của mình.

Mặt mâu thuẫn của Patrick White gắn liền với sự căng thẳng cực độ của sự tự biểu hiện của ông, với việc ông tấn công những vấn đề khó nhất: [ấy là] bản thân các phẩm chất tạo thành sự vĩ đại không thể bàn cãi của ông. Không có những phẩm chất đó thì ắt hẳn ông sẽ không có được niềm an ủi mà giờ đây hiện diện ngay trong lòng nỗi ảm đạm của ông: niềm tin rằng ắt phải có một cái gì đó đáng cho ta sống hơn là cái mà nền văn minh không ngừng ráo riết lao về phía trước của chúng ta dường như vẫn hứa hẹn mang tới.

Viện Hàn lâm Thụy Điển lấy làm tiếc rằng Patrick White không có mặt ở đây ngày hôm nay. Song chúng ta chào đón một trong những người bạn tốt nhất của ông có mặt ở đây thay mặt cho ông, đó là nghệ sĩ kiệt xuất người Australia Sidney Nolan. Bây giờ tôi xin mời ông Nolan lên nhận giải Nobel Văn chương trao tặng cho Patrick White từ tay Hoàng thượng.

·         Trần Tiễn Cao Đăng dịch

,
,