,
221
5083
Tác phẩm
tacpham
/vanhoa/tacpham/
956448
Saul Bellow
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,
Các bậc thầy văn chương thế giới:

Saul Bellow

Cập nhật lúc 11:21, Thứ Hai, 16/07/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet)- S. Bellow được trao giải Nobel vì những đóng góp lớn lao cho sự phát triển văn học Mỹ và thế giới bằng những tác phẩm mang tính nhân đạo sâu sắc có ngôn ngữ và văn phong bậc thầy.

Saul Bellow (12/6/1915 - 5/4/2005)

Giải Nobel văn học 1976

* Nhà văn Mỹ

* Nơi sinh: Quebec (Canada)

* Nơi mất: Brooklin, Massachusetts (Mỹ)

S. Bellow
Saul Bellow được trao giải vì những tác phẩm thể hiện sâu sắc chủ nghĩa nhân văn và sự phân tích tinh tế nền văn hóa hiện đại, đã đặt ra và tìm cách giải quyết những đề tài tổng hợp, như cuộc đấu tranh của con người với chính mình, nhận thức của con người trong thế giới hư ảo, mâu thuẫn giữa hi vọng và tuyệt vọng. S. Bellow được công nhận là nhà viết tiểu thuyết trí tuệ nhất và có phong cách đặc sắc nhất trong số các nhà văn Mỹ hiện đại.

Saul Bellow tên thật là Solomon Bellows, sinh ra ở ngoại ô thành phố Montreal; là con út trong một gia đình Do Thái ở Nga nhập cư đến Canada có bốn người con; bố ông là nhà buôn rượu nhưng sau khi gia đình chuyển đến Chicago (1924) chuyển sang buôn than.

Từ nhỏ S. Bellow đã đọc Shakespeare và các nhà văn thế kỉ XIX, nói thạo bốn ngoại ngữ và được dạy dỗ theo những truyền thống được ghi trong kinh Cựu Ước. S. Bellow học trường Đại học Tổng hợp Chicago, nhận bằng cử nhân danh dự ngành Xã hội học và Nhân chủng học Đại học Northwestern (1937); làm nghiên cứu sinh tại Đại học Wisconsin.

Trong Thế chiến II, S. Bellow là lính thủy đánh bộ. Năm 1944 ông xuất bản tiểu thuyết đầu tay Người lơ lửng, kể về một kẻ không có vị trí xã hội, không biết thích ứng, lửng lơ giữa đời. Sau chiến tranh, S. Bellow giảng dạy và làm việc ở một số trường đại học, sống ở New York, Paris, Roma. Từ năm 1962, ông định cư ở Chicago, tiếp tục viết văn. S. Bellow là nhà văn được trao rất nhiều giải thưởng: giải Guggenheim năm 1948 cho tiểu thuyết Nạn nhân; giải Pulitzer năm 1976 cho Món quà của Humboldt (1975), giải thưởng Quốc gia năm 1954 cho Những cuộc phiêu lưu của Augie March, và cho Herzog năm 1964, Hành tinh của ngài Sammler năm 1971.

Tháng 1/1968, nước Pháp trao tặng ông giải thưởng văn học cao nhất dành cho những người không phải là công dân của nước Pháp. Tháng 3/1968, ông được trao giải Di sản Do Thái cho sự "hiểu biết sâu sắc nền văn học Do Thái" và tháng 11/1976 ông lại được nhận giải Kế thừa nền dân chủ Mỹ. Đây là lần đầu tiên giải thưởng này được trao cho một nhà văn. Năm 1976 S. Bellow được trao giải Nobel vì những đóng góp lớn lao cho sự phát triển văn học Mỹ và thế giới bằng những tác phẩm mang tính nhân đạo sâu sắc có ngôn ngữ và văn phong bậc thầy.

S. Bellow có nhiều người hâm mộ và không ít kẻ phê bình. Ông bị chỉ trích là không biết mô tả tính cách, đặc biệt là tính cách phụ nữ, cốt truyện phát triển chưa đủ độ, còn mang nặng phong cách của thể kí... Tuy vậy, đa số các nhà phê bình coi ông là một trong những nhà văn Mỹ tinh tế, thể hiện những đề tài mang tính tổng quát như cuộc đấu tranh của con người với chính mình, nỗ lực loại trừ mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, vấn đề nhận thức thực tại của con người trong một thế giới đầy ảo tưởng, vấn đề mối xung đột giữa hi vọng và tuyệt vọng.

* Tác phẩm:

- Người lơ lửng (Dangling man, 1944), tiểu thuyết.

- Nạn nhân (Victim, 1947), tiểu thuyết.

- Những cuộc phiêu lưu của Augie March (Adventures of Augie March, 1953), tiểu thuyết.

- Nắm lấy một ngày (Seize the day,1956), tiểu thuyết.

- Henderson Thần mưa (Henderson the Rain King, 1959), tiểu thuyết.

- Herzog (Herzog, 1964), tiểu thuyết.

- Sự phân tích cuối cùng (The last analysis, 1966), kịch.

- Khó ở (Under the weather, 1966), kịch.

- Hồi kí của Mosby và những câu chuyện khác (Mosby’s memoirs and other stories, 1968), tập truyện.

- Hành tinh của ngài Sammler (Mr. Sammler’s planet, 1970), tiểu thuyết.

- Món quà của Humboldt (Mr. Humboldt’s gift, 1975), tiểu thuyết.

- Tới Jerusalem và trở về: những ấn tượng riêng (To Jerusalem and back: a personal account, 1976), ghi chép.

- Tháng 12 của ngài trưởng khoa (Dean’s december, 1982), tiểu thuyết.

- Gã khờ và những câu chuyện khác (Him with his foot in mouth and other stories, 1984), tập truyện.

- Nỗi đau buồn hơn cái chết (More die of heartbreak, 1987), tiểu thuyết.

- Kẻ trộm (A theft, 1989), tiểu thuyết.

- Họ hàng nhà Bellarosa (The Bellarosa connection, 1989), tiểu thuyết.

- Đôi điều nhớ về tôi, ba câu chuyện phiếm (Something to remember my by, three tales, 1992), truyện ngắn.

- Tất cả đều có lí (It all adds up, 1994), tự truyện.

- Trên thực tế (The actual, 1997), tự truyện.

- Ravelstien (Ravelstien, 2000), tiểu thuyết. 

 

Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển

Karl Ragnar Gierow, Viện Hàn lâm Thụy Điển

 

Muôn tâu Hoàng thượng, kính thưa chư vị hoàng gia, thưa quý ông quý bà,

Khi Saul Bellow cho in cuốn sách đầu tiên, ấy cũng là lúc cần có sự thay đổi trong khí hậu và thế hệ trong nghệ thuật tự sự Mỹ. Cái gọi là phong cách “lạnh” (hard-boiled style), với bầu không khí mạnh bạo và thứ văn xuôi thô ráp của nó, đã chùng đi thành một thứ lề thói thường ngày, thứ lề thói mà người ta tự động nhai đi nhai lại; sự kiệm lời nghiệt ngã của nó không chỉ khiến cho nhiều điều không được nói ra mà còn khiến cho [độc giả] không cảm được, không trải nghiệm được hầu hết những gì nó nói. Tác phẩm đầu tay của Bellow, Dangling Man (1944), là một trong những dấu hiệu báo trước rằng một cái gì khác đang xuất hiện.

Trong trường hợp Bellow, quá trình giải phóng khỏi phong cách lý tưởng trước đó diễn ra làm hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu ông quay lại với kiểu lĩnh hội theo chân các tác gia đã thành kinh điển mà có lẽ trước hết là Maupassant, Henry James và Flaubert. Các bậc thầy mà ông noi gương đã tự thể hiện mình một cách tiết chế chẳng khác gì các tác giả mà ông đã xoay lưng. Nhưng điều quan trọng nhất nằm ở chỗ khác. Cái khiến người ta chú ý đến câu chuyện không phải là hành động đầy kịch tính, đôi khi bạo lực, mà là cái ánh sáng mà câu chuyện rọi lên cái ngã nội tại của nhân vật. Với cách nhìn đó, các nhân vật nam và nữ của cuốn tiểu thuyết có thể được phô bày để [người đọc] ngắm nghía, quan sát, nhìn thấu suốt, chứ không được tô hồng. Phản nhân vật của cái hiện tại đang trên đường xuất hiện, và Bellow trở thành một trong những người quan tâm chăm sóc tới anh ta.

Dangling Man, con người không có chỗ đứng chân, do vậy là một mật mã quan trọng mở vào sáng tác của Bellow và đến nay vẫn là như vậy ở mức độ không nhỏ. Ông vẫn theo đuổi hướng này trong cuốn tiểu thuyết tiếp theo là The Victim (Nạn nhân, 1947) và, nhiều năm sau, với trình độ bậc thầy đến độ chín muồi, ở cuốn Seize the Day (tạm dịch: Tóm lấy ngày ấy, 1956). Với sự làm chủ đề tài và hình thức đến độ mẫu mực, cuốn tiểu thuyết được nhắc sau cùng này được tán thưởng như một trong những tác phẩm kinh điển của thời đại chúng ta.

Nhưng với câu chuyện thứ ba trong bộ tác phẩm cố kết với nhau về phong cách này, dường như Bellow đã quay lại để rốt cuộc cũng hoàn tất một cái gì mà bản thân ông đã kinh qua. Với giai đoạn thứ hai này, bước quyết định, ông đã bỏ cái trường học này lại đằng sau, cái trường học mà hình thức đầy kỷ cương và cấu trúc kín bưng của nó không chừa chỗ tung hoành cho những ý tưởng tràn trề, sự mỉa mai rực sáng, cái hài vui nhộn và sự cảm thông thấu suốt mà ông biết rằng chính ông vẫn có và ông cần phải thử xem phạm vi của nó đến đâu.

Kết quả là một cái gì đó hoàn toàn mới, sự pha trộn của riêng Bellow giữa tiểu thuyết giang hồ phóng dật với sự phân tích tinh tế về nền văn hóa của chúng ta, về phiêu lưu giải trí (entertaining adventure), về những khúc đoạn quyết liệt và bi thảm nối nhau thoăn thoắt, điểm xuyết những đối thoại triết học với người đọc – mà ngay những đối thoại này cũng rất thú vị -, tất cả đều được phát triển bởi một người tường thuật có ngôn từ dí dỏm và tầm nhìn xuyên suốt vào những sự phức tạp cả bên ngoài lẫn bên trong khiến chúng ta hành động hoặc ngăn không cho ta hành động và có thể gọi là thế tiến thoái lưỡng nan của thời đại chúng ta.

Tác phẩm đầu tiên trong giai đoạn này là The Adventures of Augie March (Những cuộc phiêu lưu của Augie March, 1953). Bản thân cái nhan đề đã gợi lên cho ta một cuốn tiểu thuyết giang hồ, và mối liên hệ đó hẳn được minh chứng mạnh mẽ nhất trong cuốn tiểu thuyết này. Nhưng ở đây Bellow đã tìm thấy phong cách của mình, và giọng điệu này trở đi trở lại trong các loạt tiểu thuyết làm nên phần cơ bản trong sáng tác của ông: Henderson the Rain King (1959), Herzog (1964), Mr Samler’s Planet (1970) và Humboldt’s Gift (1975).

Cấu trúc [tác phẩm] nhìn bên ngoài có vẻ lỏng lẻo, nhưng chính vì vậy mà tác giả có vô vàn cơ hội để mô tả những xã hội khác nhau; chúng có sự mạnh mẽ và nghiêm nhặt hiếm có và rất nhiều những nhân vật đầy màu sắc, được xác định rõ ràng trên nền một bối cảnh được quan sát và mô tả cẩn thận, dù đó là những mặt tiền nguy nga của Manhattan phía trước những sân sau các khu ổ chuột và nửa ổ chuột, cái thung lũng không thể vượt qua của Chicago nơi các doanh nhân đầy thủ đoạn dính líu mật thiết với những băng tội phạm tốt bụng, hoặc cái thung lũng theo đúng nghĩa đen hơn, ở nơi sâu thẳm của châu Phi, bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết Henderson the Rain King (Henderson, vị Vua Mưa), cuộc thám hiểm giàu tưởng tượng nhất của nhà văn.

Trong một hạt dẻ, ấy là toàn bộ những câu chuyện đang hành tiến và, cũng như cuốn sách đầu tiên, mói về một con người không có chỗ đứng chân, nhưng (và quan trọng là phải nói thêm chỗ này), một con người luôn luôn cố tìm một chỗ đứng chân trong những cuộc lang thang khắp cái thế giới chao đảo này của chúng ta.

Thậm chí dù chỉ phác qua trong vài phút về trước tác đa diện của Bellow, ta cũng thấy rõ chỗ đứng chân ấy nằm ở đâu. Không thể chỉ nó ra được, bởi không một nhân vật nào của ông chạm đến được nó. Nhưng trong những cuộc phiêu lưu của mình tất cả bọn họ đều đang chạy, không phải chạy từ một cái gì mà là chạy về phía một cái gì, một cái đích ở đâu đó nơi sẽ cho họ cái mà họ thiếu - mặt đất rắn chắc dưới chân họ.

“Tôi muốn, tôi muốn, tôi muốn!” Henderson la lên, rồi lên đường đến một lục địa chưa từng biết. Những đòi hỏi của ông là gì chính ông cũng không biết; cái ông đòi hỏi là phải tìm cho ra, và khát vọng của ông là cái lục địa chưa từng biết đó. “Một số phận xứng đáng,” Augie March gọi mục đích của mình như vậy. Và, về phần mình, Herzog, con người riết róng tìm chân lý, cố thử hết cách biểu đạt này đến cách biểu đạt khác về cái anh muốn nói bằng mấy chữ “một số phận xứng đáng”.

Có một lúc anh nói đầy tự tin rằng “cảnh giới các sự kiện và cảnh giới của giá trị chẳng phải là vĩnh viễn tách rời nhau” (the realm of facts and that of value are not eternally separated). Những lời này được thốt ra một cách tình cờ song đáng để ta nhấn mạnh vào, và nếu ta nghĩ về chúng như những lời của chính Bellow thì lời đó thực sự là cốt tử. Đặt giá trị vào vị trí song song với các sự kiện có thể sờ mó được, đó là một việc mà, ở góc độ văn học, một sự dứt khoát rời bỏ chủ nghĩa hiện thực. Với tư cách một triết lý, nó là sự phản kháng lại chủ nghĩa tất định, thứ chủ nghĩa mà ắt hẳn khiến con người không phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình cũng như trơ ì hoặc thù địch đối với sự sống, bởi nó ngăn không cho anh ta tự mình cảm nhận, lựa chọn và hành động.

Mặt khác, nhận thức được về giá trị, con người sẽ có tự do, từ đó mà có trách nhiệm, từ đó có khát khao hành động và niềm tin vào tương lai. Chính vì vậy mà Bellow, dù không bao giờ là kẻ nhìn qua lăng kính màu hồng, là người lạc quan từ trong cốt tủy. Chính ánh sáng niềm tin đó khiến cho các khía cạnh trong tác phẩm của ông tỏa sáng. Các “phản nhân vật” của ông là nạn nhân của sự thất vọng thường trực, sinh ra là để thất bại liên miên, và Bellow (nói thế này hoàn toàn không phóng đại) yêu cái số phận mà họ thấy xứng đáng với mình và có thể chuyển hóa nó thành những tấn hài kịch kiệt xuất.

Nhưng dẫu vậy họ vẫn chiến thắng, dẫu vậy họ vẫn là người hùng, bởi họ không bao giờ từ bỏ cái cảnh giới những giá trị mà ở đó con người trở thành người. Và, như Augie March nói, bất cứ ai cũng có thể ngộ được cái sự thật này bất cứ lúc nào dù anh ta bất hạnh đến đâu đi nữa, “nếu anh ta im lặng chờ đợi nó”.

Cảnh giới của sự kiện và cảnh giới của giá trị - chính sự kết hợp các từ đó gợi cho ta nhớ đến triết gia Wolfgang Köhler, vị giáo sư đầu tiên giảng dạy ở Göttingen, sau là Berlin, cuối cùng là Princeton sau khi trốn khỏi Đức để tránh bọn phát xít. Cuốn sách của Köhler có tựa đề The Place of Value in a World of Facts (Vị trí của giá trị trong thế giới những sự kiện), và một hội thảo Nobel quốc tế ở Stockholm vài năm trước đã mượn chính cái tên này, tại đó có một bài tham luận của E. H. Gombrich, môn đồ và bạn vong niên của Köhler.

Ông kể về đêm cuối cùng của Köhler ở Berlin, trước khi chuyến bay có thể được tiến hành. Köhler dành mấy giờ tiếng đồng hồ dài dặc đó với những người bạn cùng chí hướng, và trong khi họ chờ đợi mà tự hỏi liệu một toán lính có sẽ rầm rập bước lên cầu thang đúng vào phút cuối và lấy báng súng dộng rầm rầm lên cửa hay chăng, họ nghe nhạc thính phòng. “Vậy đó,” Gombrich nhận xét, “vị trí của giá trị trong một thế giới những sự kiện”.

Vị trí bị đe dọa của giá trị giữa những thực tại rầy rà vẫn không rời bỏ Bellow; trước sau ông luôn luôn viết về nó. Nhưng ông không nghĩ rằng cách cư xử của loài người hay sự phát triển bùng nổ của khoa học đã dẫn tới thảm họa toàn thế giới. Ông là người lạc-quan-bất-chấp-tất-cả, do vậy cũng là lãnh tụ phe đối lập xiển dương lòng tốt của con người. Sự thật phải được phơi bày, dĩ nhiên. Nhưng điều đó không phải bao giờ cũng là thù nghịch. Đối diện sự thật không nhất thiết đồng nghĩa với coi khinh cái chết. “Có thể có những sự thật bên phía sự sống,” ông đã nói. “Có thể có một vài sự thật mà, xét đến cùng, là bạn của chúng ta trong vũ trụ”.

Trong một bài phỏng vấn, Bellow từng mô tả một phần những gì diễn ra mỗi khi ông viết. Ông cho rằng hầu hết chúng ta tự ban sơ đều có bên trong mình một người luôn nhắc nhở [chúng ta] hay bình luận [chúng ta], kẻ đó ngay từ những năm đầu đời của ta đã cho ta biết thế giới đích thực là gì. Bản thân ông là một nhà bình luận như vậy trong chính mình; ông phải chuẩn bị chỗ đứng cho người đó và ghi nhận những gì người đó nói.

Ta không khỏi nghĩ tới một con người khác từng lang thang khắp đường cái lẫn đường con cùng các câu hỏi của mình, chú tâm vào tiếng nói nội tại của mình: Socrates và con quỷ của ông. Sự lắng nghe nội hướng này đòi hỏi sự ẩn dật. Như bản thân Bellow nói: “Nghệ thuật có gì đó liên quan đến việc đạt được sự tĩnh tại trong lòng cái hỗn mang. Một sự tĩnh tại cũng tiêu biểu cho kẻ cầu nguyện, và mắt bão”. Đó chính là cái đã ưu thắng khi Köhler nghe nhạc thính phòng vào buổi tối cuối cùng của đời mình ở Berlin trong khi, biết rõ về tai họa sắp xảy ra, vẫn “điềm tĩnh chờ đợi nó”.

Chính ở đó mà giá trị và phẩm cách của sự sống và nhân loại có được nơi ẩn náu độc nhất của mình, nơi ẩn náu vĩnh viễn bị bão táp vùi dập, và chính từ cõi tĩnh lặng đó mà tác phẩm của Saul Bellow, sinh ra trên cơn lốc của sự bất an, rút ra nguồn cảm hứng và sức mạnh của mình.

Thưa Ngài Bellow! Tôi có nhiệm vụ và cũng lấy làm vinh hạnh chuyển tới Ngài lời chúc mừng nồng nhiệt của Viện Hàn lâm Thụy Điển, và xin mời Ngài nhận giải Nobel Văn chương năm 1976 từ tay Hoàng Thượng.

·         Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ tiếng Anh

,
,