Isaac Singer
(VietNamNet) - Thời Trung cổ dường như lại trở nên sống động trong tác phẩm của Singer, những sự việc hàng ngày đan xen với những điều kỳ diệu, thực tại dệt nên từ những giấc mơ, máu tự thời quá khứ phập phồng đập trong hiện tại. Đây là nơi nghệ thuật tự sự của Singer hoan ca những thắng lợi huy hoàng nhất của mình và trao cho người đọc một trải nghiệm độc đáo sâu xa, làm cho ta đau đớn song cũng kích thích ta và khai sáng cho ta.
Isaac Singer
Giải Nobel Văn học 1978
* Nhà văn Mỹ gốc Do Thái Ba Lan (viết bằng tiếng Yiddish)
* Nơi sinh: Radzymin, Ba Lan (Đế chế Nga)
* Nơi mất: Surfride, Florida, Mỹ.
Isaac Singer được trao giải vì nghệ thuật kể chuyện giàu cảm xúc, bám rễ sâu xa vào các truyền thống văn hóa Ba Lan - Do Thái, khơi dậy những vấn đề muôn thuở. I. Singer được mệnh danh là người kể chuyện có một không hai, một nghệ sĩ lớn, người có phép lạ.
Tập truyện ngắn Anh bạn của Kafka và các truyện ngắn khác và tiểu thuyết Shosha với các chủ đề về sự trong trắng, tình yêu và sám hối được đánh giá là những tác phẩm giá trị nhất của ông.
Isaac Basevic Singer, tên thật là Isek-Hers Singer, sinh ra trong gia đình có 4 người con ở một làng nhỏ ngoại ô Warszawa. Cha ông là người sùng tín Do Thái giáo thần bí, mẹ ở nhà làm nội trợ.
Từ bé I. Singer thường được cha mẹ kể cho nghe những câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp về thần tiên, ma quỷ. Năm I. Singer lên 4 tuổi, gia đình chuyển về Warszawa. Từ khi vào học ở trơờng dòng, ông bắt đầu say mê đọc các sách chính trị, kinh tế và văn học cổ điển Nga thế kỉ XIX. Năm 13 tuổi, I. Singer theo mẹ về quê ngoại ở miền Đông Ba Lan, nơi phong cảnh thiên nhiên cũng như cuộc sống con người vẫn còn giữ được khá đầy đủ những nét cổ xưa của thời Trung Cổ.
Năm 1923 I. Singer quay về Warszawa làm người chữa bản in cho tạp chí Trang văn học (Literarische Bletter). Thời gian này ông nghiên cứu triết học, ngôn ngữ, tâm lí học, các môn khoa học tự nhiên và bắt đầu thử viết văn. Năm 1927 tạp chí Literarische Bletter đăng 2 truyện ngắn đầu tay Tuổi già và Người đàn bà của ông, những năm sau đó ông tiếp tục viết truyện ngắn, dịch các tiểu thuyết hình sự Đức và tác phẩm của K. Hamsun, T. Mann.
Tiểu thuyết đầu tay Quỷ Sa tăng ở Goray của I. Singer đăng tải trên một tạp chí trong suốt năm 1934, in thành sách năm 1943, được các nhà phê bình đánh giá cao. Khi đảng Quốc xã lên nắm quyền ở Đức, I. Singer sang Mỹ định cư. I. Singer bắt đầu nổi tiếng khi tiểu thuyết Gia đình Mushkat (1945-1948) được dịch sang tiếng Anh (1950). Sau khi tờ tạp chí Partisan Review đăng truyện dài Gimpel dại dột qua bản dịch của S. Bellow thì I. Singer chính thức được thừa nhận.
Gimpel là một nông dân quái gở và dại dột, cả tin và luôn bị những người hàng xóm lừa bịp. Tuy vậy, cuối cùng Gimpel cũng đã rút ra được điều kết luận rất chân tình: "Không nghi ngờ một điều rằng thế giới của ta là cõi mộng nhưng để đến cõi mộng này ta phải đi qua đời thực". Tiểu thuyết tình yêu Kẻ nô lệ (1962) kể về đời sống của người Do Thái ở Ba Lan thời trung cổ trở thành sách best-seller của ông.
Năm 1964, I. Singer được bầu làm thành viên danh dự của Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật Quốc gia Mỹ. 5 năm sau ông nhận giải thơởng Quốc gia nhờ cuốn hồi kí viết cho trẻ em Ngày hạnh phúc: những câu chuyện về cậu bé lớn lên ở Warszawa. I. Singer nói ông viết cho trẻ em bởi vì "Con trẻ hãy còn tin vào Thượng Đế và gia đình, thiên thần và quỷ sứ, phù thủy và yêu tinh...".
Trong Diễn từ nhận giải Nobel (năm 1978), I. Singer coi việc tặng giải cho ông là "sự thừa nhận đối với ngôn ngữ Yiddish - thứ ngôn ngữ của lưu đầy, không đất đai, không biên thùy, không chính quyền nào ủng hộ, một ngôn ngữ không có từ nào để nói về vũ khí, vũ trang, tập quân sự, thuật chiến tranh, cái ngôn ngữ bị khinh rẻ bởi cả những người không phải Do Thái lẫn những người Do Thái đã thoát khỏi gông xiềng"... Các nhà phê bình có những đánh giá khác nhau về I. Singer, nhưng ông được coi là một người kể chuyện tài hoa, hấp dẫn.
* Tác phẩm:
- Tuổi già (Oyf der elter, 1927), truyện ngắn.
- Người đàn bà (Vayber, 1927), truyện ngắn.
- Quỷ sa tăng ở Goray (Der soten in Goray, 1943), tiểu thuyết.
- Chúa Cứu Thế lầm lỗi (Messiah the sinner, 1937) tiểu thuyết.
- Gia đình Mushkat (Di familye Mushkat, 1950), tiểu thuyết.
- Trang viên (The manor, 1967), tiểu thuyết.
- Điền trang (The estate, 1969), tiểu thuyết.
- Gimpel dại dột (Gimpel the fool, 1953), truyện.
- Thầy phù thủy ở Lublin (Der kunsmakher fun Lublin, 1961), tiểu thuyết.
- Spinoza nơi phố chợ (Der Spinozisti dertsey lung, 1961), tập truyện ngắn [The Spinoza of market street].
- Kẻ nô lệ (Knekht, 1962) tiểu thuyết tình yêu.
- Anh bạn của Kafka và những câu chuyện khác (A friend of Kafka and other stories, 1970), tập truyện ngắn.
- Shosha, (1978) tiểu thuyết.
- Ngày hạnh phúc: những câu chuyện về cậu bé lớn lên ở Warszawa (Day of pleasure: stories of a boy growing up in Warszawa, 1969), hồi kí.
- Cậu bé đi tìm Chúa: thuyết huyền nhiệm trong ánh sáng riêng (A little boy in search of God: mysticism in a personal light, 1976), hồi kí.
- Chàng trai trẻ đi tìm tình yêu (A young man in search of love, 1978), hồi kí.
- Lạc lối ở nước Mỹ (Lost in America, 1981) hồi kí.
- Truyện dành cho thiếu nhi (Stories for children, 1986).
- Vì sao Nô-ê chọn bồ câu (Why Noah chose the dove, 1974), truyện thiếu nhi.
- Tình già (Old love, 1979), tập truyện ngắn.
* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:
- Tình em vỗ cánh, Hà Thúc Sinh dịch, NXB Kỉ nguyên Mới, 1974.
- Kiếp người cô quạnh (nguyên tác: The manor), Hà Thúc Sinh dịch, NXB Kỉ nguyên Mới, 1975.
- Tìm lại người tình năm xưa (tiểu thuyết), Lê Thanh dịch từ bản tiếng Anh The slave, NXB Tổng hợp Sông Bé, 1989.
- Bài giảng (truyện ngắn), Đào Thu Hằng dịch, in trong Người môi giới ái tình, NXB Thanh niên, 2000; Truyện ngắn Châu Mỹ, NXB Văn Học, 2000.
- Chiếc chìa khóa, Lê Huy Bắc dịch; Hi sinh, Hoàng Thị Vinh dịch, in trong Truyện ngắn Châu Mỹ, NXB Văn Học, 2000.
© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển
Giáo sư Lars Gyllensten, Viện Hàn lâm Thụy Điển
Muôn tâu Hoàng thượng, kính thưa chư vị hoàng gia, thưa quý ông quý bà,
“Trời và đất hợp sức để tất cả những gì từng tồn tại bị bứng khỏi rễ và quay về thành bụi. Chỉ những người mơ, những kẻ mơ khi tỉnh thức, là đòi trở lại những cái bóng của quá khứ, đòi những dải viền từ những sợi chỉ chưa xe, những tấm lưới chưa được dệt” (tạm dịch. Nguyên văn: Heaven and earth conspire that everything which has been, be rooted out and reduced to dust. Only the dreamers, who dream while awake, call back the shadows of the past and braid from unspun threads, unspun nets.) Những lời đó trong một trong các truyện của Isaac Bashevis Singer trong tập The Spinoza of Market Street (tạm dịch: Ngài Spinoza ở Phố Chợ, 1961) nói lên thật nhiều điều về bản thân nhà văn và nghệ thuật tự sự của ông.
Singer chào đời ở một thị trấn nhỏ hay một ngôi làng ở miền đông Ba Lan và lớn lên ở một trong những khu Do Thái nghèo khó, quá đông dân của Warsaw trước và trong Thế chiến thứ nhất. Cha của ông là một giáo sĩ Do Thái giáo thuộc trường phái Hasid, một bậc thầy tâm linh cho một tập thể đa tạp những con người tìm sự giúp đỡ ở ông. Ngôn ngữ của họ là tiếng Yiddish, ngôn ngữ của người dân thường và của những người mẹ, có nguồn cội từ thời trung cổ và hợp lưu từ nhiều nền văn hóa khác nhau mà nhờ chúng dân tộc này vẫn giao tiếp được với nhau trong suốt nhiều thế kỷ bị tứ tán ở xứ người.
Đó là ngôn ngữ của Singer. Và đó là một cái kho nơi thu thập những truyện thần tiên và truyện tiếu lâm, sự hiền minh, những điều mê tín và ký ức suốt hàng trăm năm quá khứ thông qua một lịch sử mà bao hiểm nguy, bao hoạn nạn, dường như chẳng còn gì không nếm trải. Lòng mộ đạo Hasid là một thứ chủ nghĩa thần bí phổ thông của người Do Thái. Nó có thể hợp nhất với tính cả thẹn (prudery) và sự phục tùng luật pháp một cách nghiêm ngặt và hèn mọn (petty-minded, strict adherence to the law).
Nhưng nó cũng có thể cởi mở hướng đến những cơn mê loạn điên cuồng và những trạng thái đắm say hoặc ảo tưởng mang tính tiên tri. Cái thế giới này là thế giới của người Do Thái Đông Âu - rất giàu mà cũng rất nghèo, đặc dị và lạ lẫm song cũng quen thuộc với mọi trải nghiệm nhân sinh đằng sau cái vẻ ngoài lạ lẫm kia. Cái thế giới này giờ đây đã bị tan hoang bởi những tai ương tàn khốc nhất trong mọi tai họa, những tai ương đã quét qua người Do Thái và những người khác tại Ba Lan.
Nó đã bị trốc rễ và làm tan hoang thành bụi. Nhưng nó lại sống động trong tác phẩm của Singer, trong những giấc mơ tỉnh thức của ông, chính những giấc mơ tỉnh thức của ông, nhìn xa trông rộng và không ảo tưởng nhưng cũng đầy tư duy khoáng đạt và lòng trắc ẩn không ủy mị. Tưởng tượng và trải nghiệm thay đổi hình hài. Sức mạnh khơi gợi của cảm hứng ở Singer mang dấu ấn thực tại, còn thực tại thì được giấc mơ và tưởng tượng nâng lên cảnh giới cái siêu nhiên, nơi không có gì là không thể và không có gì là chắc chắn.
Singer khởi đầu văn nghiệp ở Warsaw trong những năm giữa hai cuộc Thế chiến. Sự tiếp xúc với môi trường thế tục hóa và những trào lưu xã hội - văn hóa đang trỗi dậy kéo theo một sự giải phóng khỏi bối cảnh mà trong đó ông đã lớn lên, nhưng đồng thời cũng là một sự xung đột. Sự đụng độ giữa truyền thống với đổi mới, giữa một bên là thế giới bên kia và chủ nghĩa thần bí mộ đạo với một bên là tư duy tự do, hoài nghi và chủ nghĩa hư vô, là một chủ đề cốt tử trong các truyện ngắn và tiểu thuyết của Singer.
Trong số nhiều chủ đề khác, chủ đề này được đề cập đến trong các bộ biên niên sử gia đình có quy mô lớn của Singer - các tiểu thuyết The Family Moskat, The Manor (tạm dịch: Thái ấp) và The Estate (tạm dịch: Cơ nghiệp) trong thời gian từ thập niên 1950 đến 1960. Các tác phẩm sử thi dài hơi này mô tả những gia đình Do Thái xưa bị thời đại mới cùng những đòi hỏi của nó làm cho ly tán, những gia đình đó bị phân liệt như thế nào về mặt xã hội và về mặt nhân tính. Sự tưởng tượng và tầm nhìn về tâm lý hầu như không bao giờ vơi cạn của tác giả đã tạo ra một tiểu vũ trụ, hay đúng hơn là một tiểu hỗn độn có lắm dân cư, gồm những nhân vật độc lập và sinh động, đầy thuyết phục.
Tuy nhiên, các tác phẩm văn chương sớm nhất của Singer không phải là tiểu thuyết lớn mà là truyện ngắn và truyện vừa. Tiểu thuyết Satan ở Goray (Satan in Goray) xuất hiện vào năm 1935, khi hiểm họa Quốc xã đang đe dọa và ngay trước khi tác giả di cư sang Hoa Kỳ, nơi ông đã sống và làm việc từ đó đến nay. Cuốn sách đề cập đến một chủ đề mà Singer thường trở đi trở lại bằng nhiều cách - Nhà tiên tri giả, nghệ thuật quyến dụ và những thành công của y, cơn cuồng loạn của đám đông quanh y, sự suy vi của y, và sự tan vỡ những ảo mộng trong cơ cực và những ảo tưởng mới hoặc trong sự ăn năn và thanh tẩy.
Satăng ở Goray diễn ra vào thế kỷ 17 sau những cuộc cướp bóc tàn bạo của người Côdắc, bức hại và tàn sát tập thể người Do Thái và những người khác nữa. Cuốn sách tiên đoán điều sẽ xảy ra trong thời đại của chúng ta. Những con người đó không hoàn toàn ác mà cũng không hoàn toàn thiện - họ bị ám ảnh và quấy rầy bởi những cái mà họ không thể kiểm soát, bởi sức mạnh của hoàn cảnh và bởi những đam mê của chính mình - một cái gì xa lạ nhưng cũng rất ư gần gũi.
Điều này tiêu biểu cho quan điểm của Singer về lòng nhân đạo - sức mạnh và tính sáng tạo thay đổi khó lường của sự ám ảnh, cái tiềm năng hủy diệt nhưng cũng đầy kích thích và sáng tạo - của cảm xúc và mức độ đa biệt phong phú đến lạ lùng của nó. Những nỗi đam mê có thể thuộc những loại rất khác nhau, thường là tính dục song cũng là những niềm hy vọng và giấc mơ cuồng tín, những tưởng tượng kinh hoàng, sự quyến rũ của nhục dục hay quyền lực, những cơn ác mộng thống khổ.
Thậm chí cả sự chán ngán cũng có thể trở thành một nỗi đam mê không ngừng nghỉ, như với nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết giang hồ mang tính bi hài Thầy phù thủy ở Lublin (The Magician of Lublin, 1961), một loại Don Juan và tay xỏ lá Do Thái, mà rốt cuộc lại là một bậc tu khổ hạnh hay vị thánh. Cuốn sách mà theo nghĩa nào đó là đối trọng với cuốn trên, Nô lệ (The Slave, 1962), thực sự là một truyền thuyết về một tình yêu chung thủy suốt đời trở thành một sự cưỡng bách, buộc phải lừa gạt dẫu cho thuần khiết, khó lòng chịu nổi dẫu ngọt ngào, thánh thiện nhưng mang mầm mống hổ nhục và lừa dối. Vị thánh và tên xỏ lá có họ hàng gần gũi với nhau.
Singer hẳn đã cống hiến phần tinh tế nhất của mình trong vai trò người kể chuyện kiệt xuất và người có phong cách riêng biệt trong thể loại truyện ngắn và nhiều truyện vừa, truyện hoang đường, đã được dịch ra tiếng Anh và xuất bản thành khoảng hơn chục tập. Những nỗi đam mê được nhân cách hóa trong những câu chuyện kỳ lạ đó thành những con quỷ, những hồn ma, đủ thứ thế lực địa ngục hoặc siêu nhiên rút từ kho tàng phong phú những tín ngưỡng dân gian Do Thái hoặc từ trí tưởng tượng của chính ông.
Những con quỷ đó không chỉ là biểu tượng văn chương sinh động mà còn là những thế lực có thực, mang tính vật thể. Thời Trung cổ dường như lại trở nên sống động trong tác phẩm của Singer, những sự việc hàng ngày đan xen với những điều kỳ diệu, thực tại dệt nên từ những giấc mơ, máu tự thời quá khứ phập phồng đập trong hiện tại. Đây là nơi nghệ thuật tự sự của Singer hoan ca những thắng lợi huy hoàng nhất của mình và trao cho người đọc một trải nghiệm độc đáo sâu xa, làm cho ta đau đớn song cũng kích thích ta và khai sáng cho ta. Nhiều nhân vật của ông bước vào ngôi đền Pantheon của văn chương trong tư thế đường hoàng không thể hồ nghi, nơi những bạn đồng hành vĩnh cửu và những nhân vật huyền thoại đang sống, những con người bi thảm - và quái dị, hài hước và cảm động, kỳ quặc và tuyệt diệu - của giấc mơ và thống khổ, vừa hèn hạ vừa cao cả.
Thưa Ngài Singer, nghệ nhân và nhà phù thủy! Tôi có nhiệm vụ và cũng lấy làm vinh hạnh chuyển tới Ngài lời chúc mừng nồng nhiệt của Viện Hàn lâm Thụy Điển, và xin mời Ngài nhận giải Nobel Văn chương năm 1978 từ tay Hoàng Thượng.
· Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ tiếng Anh