,
221
5083
Tác phẩm
tacpham
/vanhoa/tacpham/
981386
Elias Canetti
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,
Các bậc thầy văn chương thế giới:

Elias Canetti

Cập nhật lúc 11:39, Chủ Nhật, 16/09/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Ở Canetti, nỗi đam mê tri thức được kết hợp với trách nhiệm đạo đức mà, theo chính lời ông, “được nuôi dưỡng bằng lòng khoan dung”.

Elias Canetti

(25/07/1905 - 14/8/1994)

Giải Nobel Văn học 1981

* Nhà văn Anh gốc Do Thái, viết bằng tiếng Đức

* Nơi sinh: Ruse (Bulgaria)

* Nơi mất: Zürich (Thụy Sĩ)

Elias Canetti được trao giải Nobel vì sáng tác của ông giàu tính tư tưởng, có sức mạnh nghệ thuật và thể hiện một thế giới quan rộng lớn. Tiểu thuyết Mù lòa được đánh giá là một trong không nhiều các cuốn sách vĩ đại của thế kỉ XX, viết về sự điên rồ của con người, vạch trần bộ mặt của chủ nghĩa phát xít, từng bị cấm lưu hành ở Đức dưới thời Hitler.

Elias Canetti sinh tại thành phố cảng Rustschuk thuộc hạ lưu sông Danube, Bulgaria, trong một gia đình Do Thái lưu vong đến từ Tây Ban Nha. Từ nhỏ E. Canetti sống trong môi trường đa ngữ; ông nội biết 17 thứ tiếng.

Năm 1911, gia đình ông chuyển sang nước Anh; sau cái chết bất ngờ của người cha năm 1913, một thảm họa có tầm quan trọng quyết định tới tương lai của E. Canetti, gia đình ông lại rời sang Vienna (Áo). Trong thời gian 1916-1924, E. Canetti học phổ thông tại Zürich và Frankfurt, sau đó vào khoa Hóa của Đại học Tổng hợp Vienna theo nguyện vọng của người mẹ, tốt nghiệp năm 1929. Tuy nhiên E. Canetti vẫn luôn mong ước trở thành nhà văn, đồng thời vì hoàn toàn không có hứng thú với ngành hóa học, ông đã quyết định theo nghiệp văn chương.

E. Canetti bắt đầu viết văn từ khi còn học phổ thông, năm 16 tuổi có tác phẩm kịch thơ đầu tiên Junius Brutus. Cuối những năm 1920, E. Canetti gặp gỡ với một số nhà văn nổi tiếng thời đó và dự định viết bộ sách 8 tập về sự mất trí của con người, và năm 1935 ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tiên cũng là cuốn cuối cùng mang tên Mù lòa, trong đó ông lên án gay gắt sự mù lòa và bất lực đến sửng sốt trong hành động của giới trí thức Châu Âu trước hiểm họa tiếm quyền của chủ nghĩa phát xít. Tác phẩm được T. Mann đánh giá rất cao, nhưng mấy năm sau bị chính quyền Đức chính thức cấm lưu hành. Đầu những năm 1930 ông xuất bản hai vở kịch báo hiệu sự xuất hiện trào lưu kịch phi lí.

Năm 1938, nước Áo bị sáp nhập vào Đức, người Do Thái bị truy bức, E. Canetti lưu vong đến Paris, sau một năm sang định cư tại London. Những biến cố do sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít tại Châu Âu khiến E. Canetti tự buộc mình ngừng hoạt động trên văn đàn, tập trung nghiên cứu một cách khoa học vấn đề quần chúng và hiện tượng quyền lực. Năm 1960 ra đời kết quả những nghiên cứu lí luận suốt hơn hai mươi năm của E. Canetti - công trình Quần chúng và quyền lực mà trong đó mọi ranh giới thể loại bị phá bỏ. Tác phẩm mô tả những bản năng cổ xưa xác lập hành vi của con người. E. Canetti chối bỏ một cách có ý thức hệ thống thuật ngữ khoa học được thừa nhận chung mà thử tìm kiếm những thuật ngữ mới, đơn giản và dễ hiểu hơn. Điều này phù hợp với thái độ phủ định mọi hệ thống tư duy trừu tượng mà theo ý kiến của ông là cản trở tự do đạt tới chân lí.

Ngoài công trình trên, E. Canetti còn viết nhiều bút kí và hồi kí, những tác phẩm này không chỉ thành công với đông đảo độc giả mà cả với các nhà phê bình. Sáu năm sau khi nhận giải Nobel ông cho ra đời bộ hồi kí Trái tim bí ẩn của đồng hồ viết về đời sống chính trị và văn hóa ở Trung Âu đầu thế kỉ XX.

Năm 1952, ông nhập quốc tịch Anh. E. Canetti có hai đời vợ; những năm cuối đời sống ở London và Zürich. Ông mất ở tuổi 89. Là một nhà văn gốc Do Thái sống trong thời loạn lạc, cuộc đời E. Canetti nhiều gian nan, đầy đọa, nương ông vượt lên và để lại những tác phẩm bất hủ. Ông nói: "Vì tôi là người Do Thái, nên ngôn ngữ trí tuệ của tôi là tiếng Đức, nhơng tôi mang trong mình di sản của tất cả các dân tộc."

* Tác phẩm:

- Junius Brutus (1925), kịch thơ.

- Đám cưới (Die Hochzeit, 1932), kịch [Wedding].

- Hài kịch phù hoa (Die Komödie der Eitelkeit, 1934), kịch.

- Mù lòa (Die Blendung, 1935), tiểu thuyết.

- Những kẻ hữu hạn (Die Befristeten, 1952), kịch, dàn dựng ở Anh năm 1956 [Life-Terms].

- Quần chúng và quyền lực (Masse und Macht, 1960), công trình khảo cứu [Crowds and power].

- Bút kí (Aufzeichnungen,1942-1948, 1965).

- Người tỉnh lẻ (Die Provinz des Menschen: Aufzeichnungen, 1973), bút kí.

- Tiếng nói Marrakesh (Die Stimmen von Marrakesche, 1967), sách du lịch [The voices of Marrakesh].

- Vụ án khác của Kafka: những bức thư gửi Felice (Der andere Prozess Kafkas: Briefe an Felice, 1969), tiểu luận [Kafka’s other trial: The letters to Felice].

- Ngôn ngữ được giải thoát (Die gerettete Zunge, 1977), hồi kí [The tongue set free].

- Ngọn đuốc trong tai (Die Fackel im Ohr, 1980), hồi kí [The torch in the ear].

- Trái tim bí ẩn của đồng hồ (Das Geheimherz der Uhr, 1981).

- Nháy mắt (Das augenspiel, 1985), hồi kí [The play of the eyes]. 

 

Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển
Tiến sĩ Johannes Edfelt, Viện Hàn lâm Thụy Điển
 

Muôn tâu Hoàng thượng, kính thưa chư vị hoàng gia, thưa quý ông quý bà,

Tác giả Canetti, kẻ lưu đày và công dân thế giới, có một quê hương bản quán, ấy là ngôn ngữ Đức. Ông chưa bao giờ từ bỏ nó, và ông thường xuyên thú nhận tình yêu của mình đối với những biểu hiện cao nhất của văn hóa cổ điển Đức.

Trong một bài phát biểu ở Vienna vào năm 1936 Canetti đã ca ngợi Hermann Broch như một trong số ít các nhà văn tiêu biểu đương thời. Theo Canetti, người ta có thể có những đòi hỏi bức thiết nào đối với con người tiêu biểu đích thực? Anh ta phải bị thời đại mình biến thành “tên nô lệ thấp hèn nhất” của nó song vẫn đối lập với nó; trong ý muốn [đạt tới] tính phổ quát, anh ta phải tổng kết thời đại mình, và anh ta phải có ý niệm rất rõ ràng “về những ấn tượng đối với bầu không khí” (the most distinct “conception of atmospheric impressions”). Những tiêu chí đó cũng đặc trưng cho sáng tác của chính Canetti. Được theo đuổi theo nhiều hướng khác nhau và bao hàm nhiều thể loại, các tác phẩm đó được nối kết với nhau bằng một nhân cách độc sáng và mạnh mẽ.

Thành tựu văn chương thuần túy nổi bật nhất của ông là cuốn tiểu thuyết vĩ đại Die Blendung (“Auto da Fé”) xuất bản năm 1935 nhưng chỉ trong những thập niên gần đây mới đạt được tác động đầy đủ: trong bối cảnh nền chính trị tàn bạo dựa trên sức mạnh của nước [Đức] quốc xã, cuốn tiểu thuyết có một bối cảnh sâu sắc hơn.

Die Blendung là một phần của một loạt tiểu thuyết theo dự định ban đầu của nhà văn, loạt tiểu thuyết này sẽ có dạng một “tấn trò đời về những kẻ điên” (comédie humaine of madmen). Cuốn sách có những yếu tố hoang đường ma quỷ rõ ràng có liên hệ với các nhà văn Nga thế kỷ 19 như Gogol và Dostoyevsky. Một khía cạnh có tầm quan trọng then chốt, ấy là khi Die Blendung được một số nhà phê bình xem như một ẩn dụ cơ bản duy nhất (single fundamental metaphor) cho mối đe dọa của “con người đám đông” bên trong chính chúng ta. Cũng gần gũi như vậy là quan điểm mà từ đó cuốn tiểu thuyết nổi bật như một công trình nghiên cứu về một loại người tự cô lập mình trong sự chuyên biệt hóa tự lấy mình làm đủ, chỉ để rồi thất bại vô vọng trong một thế giới những thực tại phũ phàng.

Die Blendung dẫn đến cuộc khảo sát lớn về nguồn gốc, bố cục và các mẫu hình phản ứng của những phong trào quần chúng mà Canetti, sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, đã cho xuất bản cùng với Masse und Macht (“Quần chúng và quyền lực”) năm 1960. Đó là một tác phẩm có thẩm quyền của một nhà uyên bác, người có thể phơi bày một lượng nhiều đến choáng người những quan điểm về hành vi của con người với tư cách những sinh thể đám đông. Trong sự phân tích mà căn bản là mang tính lịch sử, điều ông muồn phơi bày và công kích bằng cách khảo sát kỹ lưỡng nguồn gốc và bản tính của quần chúng, xét đến cùng, là tôn giáo của quyền lực. Sự sống còn trở thành hạt nhân của quyền lực. Rốt cuộc kẻ tử thù là bản thân cái chết: đây là một chủ đề trung tâm, được bám lấy với một sức mạnh thống thiết lạ lùng, trong sáng tác văn chương của Canetti.

Ngoài tác phẩm chuyên sâu về Quần chúng và quyền lực Canetti còn viết nhiều bài ký mang tính cách ngôn được xuất bản thành nhiều tập. Sự hài hước phong nhiêu và châm biếm trào lộng trong sự quan sát hành vi của con người, lòng ghê tởm đối với chiến tranh và tàn phá, nỗi cay đắng khi nghĩ đến sự ngắn ngủi của cuộc đời, đó là những đặc trưng tiêu biểu ở đây.

Ba vở kịch của Canetti đều ít nhiều thuộc loại phi lý. Trong sự khắc họa những hoàn cảnh cực đoan, thường là mô tả sự tầm thường của con người, những chiếc “mặt nạ âm học” đó – như chính Canetti gọi – cho ta một cái nhìn thú vị vào thế giới ý tưởng độc đáo của ông.

Trong số nhiều công trình nghiên cứu mang tính chân dung với cái nhìn sắc sảo của ông, đặc biệt đáng cho ta nhắc tới là Der andere Prozess (“Vụ án khác của Kafka”), trong đó ông chuyên tâm nghiên cứu mối quan hệ phức tạp giữa Kafka với Felice Bauer. Công trình nghiên cứu này phân tích bức tranh về một con người mà cuộc đời và tác phẩm là đồng nghĩa với sự từ bỏ quyền lực.

Cuối cùng, nổi bật lên như một đỉnh cao trong sáng tác của Canetti là các hồi ký của ông, đến nay đã được in thành hai tập lớn. Trong những hồi ức này về thời thơ ấu và thời thanh niên, Canetti bộc lộ đầy đủ sức miêu tả mãnh liệt mang tính sử thi của mình. Một phần lớn đời sống chính trị và văn hóa Trung Âu vào đầu những năm 1900 – đặc biệt là hình thái ở Vienna - được phản ánh trong các hồi ký này. Những môi trường khác thường, nhiều số phận con người đặc sắc mà Canetti đã gặp, và con đường học vấn có một không hai của ông – luôn luôn nhằm đến tri thức phổ quát – hiển hiện ở đây với một phong cách và sự trong sáng mà rất ít hồi ký viết bằng tiếng Đức trong thế kỷ này sánh được.

Thưa ngài Canetti! Với sáng tác đa dạng của ngài, những sáng tác tấn công vào các khuynh hướng bệnh hoạn trong thời đại chúng ta, ngài mong muốn phụng sự cho nhân loại. Ở ngài nỗi đam mê tri thức được kết hợp với trách nhiệm đạo đức mà – theo chính lời ngài – “được nuôi dưỡng bằng lòng khoan dung”. Tôi muốn chuyển đến ngài lời chúc mừng nồng nhiệt của Viện Hàn lâm Thụy Điển, và xin mời ngài nhận giải thưởng Nobel văn chương năm nay từ tay Hoàng Thượng. 

  • Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ tiếng Anh

 

 Diễn từ

Kính thưa Đức Vua, thưa toàn thể Hoàng gia, thưa các quý bà, quý ông! 

Với một thành phố, dù chỉ quen biết thôi, ta đã cảm thấy nặng ân tình với nó rồi, song với một thành phố mà ta mong muốn được làm quen và từ lâu đã ao ước một cách vô vọng về nó thì mối ân tình này có lẽ còn sâu nặng hơn nhiều. Tôi tin rằng trong cuộc đời một con người cũng tồn tại những thành phố kỳ vĩ trải qua sự đe dọa, sự vô biên khôn lường hay sự biến động mà trở thành những hình tượng tuyệt tác. Với tôi đó là Vienna, London và Zurich. 

Có lẽ chỉ là sự tình cờ mà đó là ba thành phố này, nhưng sự tình cờ ấy còn có tên là châu Âu, và chẳng lẽ lại lên án châu Âu nhiều thế, - vì còn có gì lại không xuất phát từ nó nữa ! – ngày nay, bởi dưới bóng tối của cái hơi thở mà ta đang sống đè trĩu lên châu Âu, nên ta cũng run sợ trước hết cho châu Âu. Vì rằng lục địa này, nơi nhiều người mang ơn nó, cũng mang một lỗi lầm lớn và nó cần có thời gian để sửa chữa những lỗi lầm. Chúng ta vô cùng ao ước cho châu Âu đạt đến thời kỳ đó, thời kỳ mà những điều tốt lành nối tiếp nhau trải rộng khắp trái đất, một thời kỳ thánh thiện đến nỗi không ai trên thế giới này còn có lý do gì để nguyền rủa cái tên châu Âu nữa. 

Trong đời tôi có bốn người thuộc về một châu Âu thật sự và muộn màng đó, và tôi không hề muốn tách rời với họ. Họ là những người tôi mang ơn về việc hôm nay tôi được đứng đây trước quý vị và tôi xin được nêu tên của họ ra đây cùng quý vị. Người thứ nhất là Karl Kraus, nhà trào phúng vĩ đại nhất của ngôn ngữ Đức. Ông đã dạy tôi biết nghe, biết đắm say không rời những âm thanh của thành Vienna. Và quan trọng hơn là ông đã làm cho tôi miễn dịch với chiến tranh, một sự miễn dịch mà ngày đó rất cần thiết với Nhiều Người.

Kể từ sau Hiroshima đến nay, mọi người đều biết thế nào là chiến tranh, và hy vọng duy nhất của chúng ta là cái điều mọi người đều biết đó. Người thứ hai là Franz Kafka, người đã biết cách tự thu nhỏ mình lại và do vậy mà trốn được khỏi quyền lực. Tôi đến với ông do cái bài học để đời đó, cái cần thiết nhất trong tất cả mọi thứ. Người thứ ba là Robert Musil và người thứ tư – Hermann Broch thì tôi được biết khi ở thành Vienna. Robert Musil làm say hồn tôi đến tận hôm nay, và có lẽ mãi những năm gần đây tôi mới nắm bắt tác phẩm của ông một cách đầy đủ. Ngày đó ở Vienna tôi mới chỉ lĩnh hội được một phần các tác phẩm ấy và điều tôi học được ở ông là cái khó nhất: rằng người ta mất cả chục năm trời để sáng tạo ra một tác phẩm mà chẳng biết liệu có hoàn thiện được không, một sự táo bạo liều lĩnh chủ yếu xuất phát từ lòng kiên nhẫn, mà với điều kiện là có sự bền bỉ gần như quá sức con người.

Với Hermann Broch thì tôi là bạn. Tôi không nghĩ là tác phẩm của ông ảnh hưởng đến tôi, nhưng trong quan hệ với ông, tôi biết tài năng nào đã đưa ông đến tác phẩm đó: cái tài năng đó chính là nhịp thở - trí nhớ. Từ dạo đó tôi đã ngẫm ngợi nhiều về chuyện nhịp thở và sự quan tâm đến nó đã giúp ích cho tôi. 

Trong ngày hôm nay tôi không thể không nhớ đến bốn người này. Giá như còn sống, chắc một trong số họ sẽ đứng vào chỗ của tôi. Xin quý vị đừng cho đó là một sự ngạo mạn nếu tôi nói vật vì tôi không có quyền quyết định ở đây. Nhưng từ đáy lòng mình tôi xin chân thành cảm ơn quý vị và tôi nghĩ rằng tôi chỉ được phép làm thế sau khi đã bày tỏ lòng công khai trước quý vị sự hàm ơn của tôi với bốn người đã nêu trên. 

  • Liễu Châu dịch từ bản tiếng Đức

(Nguồn: nobelprize.org)

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây

,
,