G. G. Marquez
(VietNamNet) - Đối mặt với cái thực tại đáng sợ này, chúng tôi, những kẻ phát minh ra chuyện kể, những kẻ sẽ tin mọi thứ, cảm thấy mình có quyền tin rằng vẫn còn chưa quá muộn để dấn mình sáng tạo một thứ không tưởng ngược lại. Một thứ không tưởng mới và toàn thắng của sự sống, nơi không ai còn có thể quyết định chuyện người khác chết ra sao, nơi mà tình yêu sẽ chứng tỏ là có thật và hạnh phúc là có thể, nơi mà những chủng tộc bị kết án trăm năm cô đơn rốt cuộc sẽ có và mãi mãi có một cơ hội thứ hai trên mặt đất này. - G. G. Marquez
Gabriel Garcia Marquez (06/3/1928)
Giải Nobel Văn học 1982
* Nhà văn Colombia
* Nơi sinh: Aracataca (Colombia)
* Hiện sống tại Mexico City
G. Garcia Marquez được trao giải vì những tiểu thuyết và truyện ngắn mà trong đó tưởng tượng và hiện thực hòa vào nhau, phản ánh cuộc sống và những xung đột của cả một châu lục. Sự ra đời tiểu thuyết Trăm năm cô đơn (1967) đã gây nên một cơn chấn động lớn trong nền văn học thế giới và khiến ông trở nên đặc biệt nổi tiếng.
Gabriel Garcia Marquez là con cả trong gia đình làm nghề trồng chuối có 16 người con của một bưu tá nghèo ở làng Arakataka, tỉnh Colombia. Khi G.Garcia Marquez còn bé, bố mẹ đi đến một thành phố khác để cậu lại cho ông bà ngoại nuôi dưỡng. Garcia Marquez rất thích bà ngoại - người đã kể cho cậu nghe vô vàn truyện cổ tích và truyền thuyết về sau đã đi vào tác phẩm của nhà văn G.Garcia Marquez tương lai. Còn ông ngoại, một đại tá về hưu thì kể cho cậu nghe tuổi trẻ chiến trận của mình.
Năm lên 8 ông ngoại mất, Garcia Marquez về sống với cha mẹ ở Baranquila. Tốt nghiệp trường dòng Jesuit năm 1943, ông vào học trường Sipakuira ở ngoại ô Bogota. Năm 1947, ông học luật tại Đại học Colombia; cùng năm, tờ Người quan sát (Espectador) đã in truyện vừa đầu tay của ông Người từ chối thứ ba và trong vòng sáu năm sau đã in hơn chục truyện ngắn nữa. Trường tổng hợp bị đóng cửa vì bạo động, G.Garcia Marquez chuyển đến Cartahena làm báo và sáng tác văn học. Năm 1955 ông hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay Bão lá.
Năm 1954 G.Garcia Marquez cộng tác với tạp chí Người quan sát với tư cách là phái viên hải ngoại làm việc tại Roma, Paris, Barcelona, Caracas, New York và lập tức trở thành “ngôi sao” phóng sự; ông cho đăng 14 bài báo về việc các tàu chiến Colombia chở hàng buôn lậu khiến tờ báo phải đóng cửa và ông mất việc làm. Năm 1958, ông kết hôn với Mercedes Barcha Pardo, người mà ông đã yêu từ khi nàng mười ba tuổi và hai người chờ đợi nhau suốt mười mấy năm ròng; họ có hai con. Sau hai năm làm phóng viên tự do, Garcia Marquez nhận làm cho hãng thông tấn báo chí Cuba Pressia Latin; năm 1961 ông chuyển đến Mexico kiếm sống bằng việc viết kịch bản sân khấu, làm báo và viết văn.
Năm 1967 G.Garcia Marquez sang Tây Ban Nha; cũng năm này ra đời tiểu thuyết Trăm năm cô đơn - cuốn sách tôn vinh nhà văn và trở thành tác phẩm văn xuôi của một tác giả Mỹ Latinh được đọc nhiều nhất. P. Neruda nói "có thể đây là phát hiện vĩ đại nhất bằng tiếng Tây Ban Nha kể từ thời Don Quijote". Sách bán hết trong vòng một tuần, được nhận định là đã gây ra "một trận động đất văn học". Cuốn sách kể về làng Macondo huyền thoại là biểu tượng của Châu Mỹ Latinh, và lịch sử ngôi làng cùng dòng họ Buendia là biểu tượng cho lịch sử thế giới. Năm 1975 Garcia Marquez viết Mùa thu của trưởng lão; năm 1981 ông xuất bản Kí sự về cái chết được báo trước; năm 1982 ông nhận giải Nobel "vì những tiểu thuyết và truyện ngắn, trong đó tưởng tượng và hiện thực hòa vào nhau, phản ánh cuộc sống và những xung đột của cả một châu lục".
G.Garcia Marquez là bạn thân của chủ tịch Cuba Fidel Castro, mặc dù ông không đồng ý với nhiều điều trong chính sách của Cuba; ông đứng về phía những người yếu, bị áp bức bóc lột. Sau khi nhận giải Nobel, G.Garcia Marquez tiếp tục sáng tác những tiểu thuyết nổi tiếng thế giới như Tình yêu thời thổ tả, Tướng quân giữa mê hồn trận và mới đây nhất là Tình yêu và lũ quỷ khác. Về già, Garcia Marquez bị ung thư, nhưng trên giường bệnh, ông vẫn tiếp tục sáng tác, năm 2003 ông cho ra đời cuốn tự truyện Sống để kể lại (được dịch ra tiếng Việt năm 2005). G.Garcia Marquez được coi là nhà văn đang sống nổi tiếng nhất, được đọc nhiều nhất không chỉ ở Châu Mỹ Latinh, mà của cả thế giới, là ngọn cờ tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh.
Tác phẩm của G.Garcia Marquez được dịch và đọc nhiều ở Việt Nam mà công đầu thuộc về cố dịch giả Nguyễn Trung Đức.
* Tác phẩm:
- Người từ chối thứ ba (1947), truyện vừa.
- Bão lá (La hojarasca, 1952), tiểu thuyết.
- Ngài đại tá chờ thư (El colonel no tiene quien le escriba, 1958), truyện vừa [No one writes to the colonel].
- Đám tang của bà mẹ vĩ đại (Los funerales de la mama grande, 1962), tiểu thuyết.
- Giờ xấu (La mala hora, 1962), tiểu thuyết.
- Trăm năm cô đơn (Cien años de soledad, 1967), tiểu thuyết [One hundred years of solitude].
- Mùa thu của trưởng lão (El otoño del patriarca, 1975), tiểu thuyết [The Autumn of the Patriarch].
- Kí sự về cái chết được báo trước (Cronica de una muerte anunciada, 1982), tiểu thuyết [Chronicle of a death foretold].
- Tình yêu thời thổ tả (El amor en los tiempos de cólera, 1985), tiểu thuyết [Love in the time of cholera].
- Tướng quân giữa mê hồn trận (El general en su laberinto, 1989), tiểu thuyết [The general in his labyrinth].
- Tình yêu và lũ quỷ khác (Del amor y otros demonios, 1994), tiểu thuyết [Of love and other demons].
- Tin tức về một vụ bắt cóc (Noticia de un secuestro, 1996), tiểu thuyết [News of a Kidnapping].
- Sống để kể lại (Vivir para contarla, 2003), tự truyện [Living to tell the tale].
- Hồi ức về những cô gái điếm buồn (Memoria de mis putas tristes, 2004), tiểu thuyết.
* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:
- Ký sự về một cái chết đã được báo trước (tiểu thuyết), Nguyễn Mạnh Tứ dịch, NXB Văn Học, 1983.
- Ngài đại tá chờ thư (tập truyện), Nguyễn Trung Đức - Phạm Đình Lợi - Nguyễn Mạnh Tứ dịch, NXB Văn Học, 1983; 2001.
- Người chết trôi đẹp nhất trần gian, Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Hải Phòng - NXB Đồng Nai, 1987.
- Giờ xấu (tiểu thuyết), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Thanh Niên, 1989; NXB Văn Học, 2001.
- Tướng quân giữa mê hồn trận (tiểu thuyết), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn Học, 1990; NXB Hội Nhà Văn, 1999.
- Mười hai truyện phiêu dạt (tập truyện), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1995; NXB Văn Học, 2004.
- Tình yêu thời thổ tả (tiểu thuyết), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn Học, 1995; 2000.
- Trăm năm cô đơn (tiểu thuyết), Nguyễn Trung Đức - Phạm Đình Lợi - Nguyễn Quốc Dũng dịch, NXB Văn Học, 1986; 1992; 1999; 2000.
- 36 truyện đặc sắc (tập truyện ngắn), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn Học, 2001.
- Tin tức về một vụ bắt cóc (tiểu thuyết), Đoàn Đình Ca dịch, NXB Đà Nẵng, 1998; NXB Văn Nghệ TP. HCM, 2001.
- Những người hành hương kì lạ (tập truyện ngắn), Phan Quang Định dịch, NXB Thanh Niên, 2002.
- Tuyển tập truyện ngắn, Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn Học, 2004.
- Sống để kể lại (hồi kí), Lê Xuân Quỳnh dịch, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2005.
- Ông già và đôi cánh khổng lồ, Nguyễn Trung Đức dịch, in trong Tập truyện ngắn nước ngoài chọn lọc, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1998; Tuyển tập truyện ngắn Châu Mỹ Latinh, NXB Hội Nhà Văn, 1999.
- Làng này không có kẻ trộm, Quà Tết, Nguyễn Trung Đức dịch, in trong Truyện ngắn chọn lọc - tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.
- Dấu máu em trên tuyết (tập truyện), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Đà Nẵng, 1997.
- Máy bay của người đẹp ngủ, Gió Bắc, Mùa hè hạnh phúc của bà Phorớt, Thánh bà, Người bạn Mutit của tôi, Thưa Tổng thống - chúc ngài thượng lộ bình an, Dấu máu em trên tuyết, Nguyễn Trung Đức dịch; Giấc ngủ trưa ngày thứ ba, Nguyễn Kim Thạch dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn Châu Mỹ Latinh, NXB Hội Nhà Văn, 1999.
- Chuyện buồn không thể tin được của Êrênhđira ngây thơ và người bà bất lương, Nguyễn Trung Đức dịch, in trong cuốn Thời cơ của Matraga, NXB Mũi Cà Mau, 1986; Những truyện ngắn nổi tiếng thế giới, NXB Hội Nhà Văn, 1999.
- Buổi chiều tuyệt vời của Bantaxa, Dương Tường dịch; Thần chết thường ẩn sau ái tình, Người chết trôi đẹp nhất trần gian, Nguyễn Trung Đức dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1999.
- Biển của thời đã mất, Nguyễn Trung Đức dịch, in trong Truyện ngắn chọn lọc - tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1999; Truyện ngắn Châu Mỹ, NXB Văn Học, 2000; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.
- Bà Maria Dos Przeres, Đoàn Đình Ca dịch, in trong Truyện ngắn Châu Mỹ, NXB Văn Học, 2000.
- Đôi mắt chó xanh, Nguyễn Trung Đức dịch, in trong Truyện ngắn Châu Mỹ, NXB Văn Học, 2000; Truyện ngắn chọn lọc - tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.
- Thần chết thường ẩn sau ái tình, Nguyễn Trung Đức dịch, in trong Truyện ngắn đặc sắc các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 2004.
© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Diễn từ Nobel
Nỗi cô đơn của Mỹ la-tinh
Antonio Pigafetta, một nhà hàng hải Florentine từng đi cùng Magellan trong chuyến vòng quanh thế giới đầu tiên, khi chu du qua các vùng đất phía nam châu Mỹ đã viết một bản du ký cực kỳ chính xác nhưng dẫu sao vẫn giống một cuộc dấn mình táo bạo vào hư cấu. Trong du ký đó ông ta viết rằng đã thấy những con lợn có rốn trên hông, những loài chim không có vuốt mà con mái đẻ trứng trên lưng con trống, lại còn những loài khác giống con bồ nông không có lưỡi, mỏ thì giống như cái thìa. Ông ta viết rằng đã thấy một sinh vật dị hình dị tướng, đầu và tai la, thân lạc đà, chân hươu, bờm ngựa. Ông ta mô tả rằng khi người dân bản địa đầu tiên của vùng Patagonia gặp một tấm gương, anh chàng khổng lồ sôi nổi nồng nhiệt đó đã bất tỉnh vì kinh hoảng khi nhìn thấy hình ảnh của chính mình.
Cuốn sách ngắn và hấp dẫn này, vốn ngay từ lúc đó đã hàm chứa hạt nhân cho những tiểu thuyết của chúng ta ngày nay, hoàn toàn không phải là bản tường trình khiến người ta kinh ngạc nhất về thực tại của chúng tôi vào thời đại đó. Các bộ Biên niên sử của người Anh-điêng còn để lại cho chúng ta vô số những tường trình khác nữa. Eldorado, vùng đất ảo tưởng của chúng tôi mà người ta khao khát lùng tìm đến vậy, xuất hiện trên rất nhiều bản đồ trong suốt nhiều năm, cứ thay đổi xoành xoạch vị trí và hình dáng để hợp với trí tưởng tượng của các nhà vẽ bản đồ. Trong cuộc kiếm tìm con suối của tuổi xuân vĩnh cửu, Alvar Núñez Cabeza de Vaca huyền thoại đã thám hiểm vùng phía bắc Mexico trong suốt tám năm, trong một cuộc thám hiểm bị lừa dối mà các thành viên ngốn ngấu lẫn nhau và trong số sáu trăm người tham gia chỉ có năm người sống sót trở về.
Một trong nhiều bí ẩn chưa ai thấu được của thời đại đó là chuyện mười một ngàn con la, mỗi con thồ một trăm pound[i] vàng, rời Cuzco vào một hôm nọ để trả tiền chuộc Atahualpa nhưng đã chẳng bao giờ đến đích. Về sau, trong thời thuộc địa, người ta bán ở Cartagna de Indias những con gà mái được nuôi trên đất phù sa và mề chúng có chứa những cục vàng nhỏ xíu. Nỗi hám vàng của một nhà sáng lập vẫn còn quấy nhiễu chúng tôi cho mãi tới gần đây. Mãi tới thế kỷ vừa rồi, một phái đoàn của Đức được giao nhiệm vụ nghiên cứu công trình đường sắt xuyên đại dương ngang qua eo biển Panama đã kết luận rằng dự án là khả thi với một điều kiện: đường ray không được làm bằng sắt vì vùng đó vốn thiếu sắt mà phải làm bằng vàng.
Việc chúng tôi giành được độc lập, thoát khỏi ách thống trị Tây Ban Nha không đặt chúng tôi ra ngoài tầm với của sự điên rồ. Tướng Antonio López de Santana, ba lần là độc tài Mexico, làm một đám tang rầm rộ để đưa ma cái chân trái của y mà y bị mất trong cái gọi là Chiến tranh Bánh ngọt. Tướng Gabriel García Moreno cai trị Ecuador trong mười sáu năm như một vị vua có uy quyền tuyệt đối; khi ông ta chết, thi hài ông ta được đặt ngồi trên ghế tổng thống, diện đồng phục tinh tươm và đeo dày đặc huân chương, sau đó mới đem chôn. Tướng Maximiliano Hernández Martínez, kẻ chuyên quyền theo thuyết thần trí của xứ El Salvador đã hạ lệnh giết sạch ba mươi ngàn nông dân trong một cuộc thảm sát man rợ, phát minh ra một quả lắc để dò tìm thuốc độc trong thức ăn của ông ta, và cho phủ đèn đường bằng giấy đỏ để tránh dịch tinh hồng nhiệt. Tượng của tướng Francisco Morazón dựng trên quảng trường chính của Tegucigalpa thật ra là tượng của thống chế Ney mua ở một nhà kho tại Paris chứa những bức tượng mà người ta bán lại.
Mười một năm trước, Pablo Neruda, một trong những nhà thơ kiệt xuất nhất thời đại chúng ta, đã dùng lời khai sáng cho cử tọa này. Từ đó đến nay, những người châu Âu có thiện chí - đôi khi có cả ác ý nữa – đã bị sốc, sốc ngày càng mạnh bởi những cơn thủy triều đáng sợ của Mỹ la-tinh, cái cảnh giới vô biên của những người đàn ông bị ám và những người đàn bà ghi tên vào lịch sử mà sự ương bướng vô cùng tận của họ trở thành truyền thuyết.
Chúng tôi không hề có khoảnh khắc nào để nghỉ ngơi. Một vị tổng thống kiệt xuất, cố thủ trong tòa lâu đài đang bùng cháy của mình, chết trong khi một mình chiến đấu chống lại cả một đạo quân; và hai vụ tai nạn máy bay thật đáng ngờ mà đến nay vẫn chưa ai lý giải, đã cắt đứt cuộc đời của một vị tổng thống đầy hào hiệp và của một chiến sĩ dân chủ đã làm phẩm giá của dân tộc mình được hồi sinh. Đã có năm cuộc chiến tranh và mười bảy vụ đảo chính quân sự; đã nảy nòi một tên độc tài ma quỷ, kẻ đang tiến hành - nhân danh Chúa - cuộc diệt chủng Mỹ la-tinh đầu tiên trong thời đại chúng ta. Trong khi đó, hai mươi triệu trẻ em Mỹ la-tinh chết khi đầy một tuổi – đông hơn số trẻ em đã sinh ra ở châu Âu từ năm 1970 đến nay [năm 1982, ND].
Những người mất tích vì bị đàn áp lên tới con số gần một trăm hai mươi ngàn, cũng gần như thể không ai tính tới toàn bộ cư dân thành phố Uppsala vậy. Nhiều phụ nữ bị bắt trong khi đang mang thai đã sinh con trong các nhà tù Argentina, nhưng không ai biết con của họ nay ở đâu, tên tuổi thế nào, chúng đã bị người ta lén lút bắt làm con nuôi hoặc gửi đến viện mồ côi theo lệnh của chính quyền quân sự. Bởi cố gắng thay đổi tình trạng đó, gần hai trăm ngàn đàn ông và đàn bà đã chết trên khắp lục địa này, và trên một trăm ngàn người đã mất mạng ở ba đất nước nhỏ bé và bất hạnh ở Trung Mỹ: Nicaragua, El Salvador và Guatemala. Giá điều này xảy ra ở Hoa Kỳ thì con số tương ứng sẽ là một triệu sáu trăm ngàn cái chết thê thảm trong vòng bốn năm.
Một triệu người đã trốn khỏi Chile - nghĩa là một phần mười dân số nước này, một đất nước có truyền thống hiếu khách. Uruguay, một nước nhỏ xíu chỉ có hai triệu rưỡi dân vốn tự cho mình là nước văn minh nhất lục địa này, thì cứ năm người dân lại có một người sống lưu vong. Từ năm 1979, nội chiến ở El Salvador đã khiến hầu như cứ hai mươi phút lại sinh ra một người tị nạn. Nếu lấy tất cả những người lưu vong và bị di cư bắt buộc ở Mỹ la-tinh mà gộp lại thành một quốc gia thì dân số quốc gia đó sẽ đông hơn dân số Na Uy.
Tôi dám nghĩ rằng chính cái thực tại quá cỡ này, chứ không hẳn là cách biểu đạt nó bằng văn chương, mới xứng đáng được sự quan tâm của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Một thực tại không phải từ trang giấy mà sống động giữa chúng tôi và định đoạt từng trường hợp một trong vô số những cái chết hàng ngày của chúng tôi, cái thực tại nuôi dưỡng một nguồn sáng tạo không bao giờ thỏa, đầy nỗi buồn và cái đẹp, mà trong đó người xứ Colombia lang thang sầu xứ này chỉ là thêm một con số không mà số phận chọn riêng ra. Các nhà thơ và hành khất, nhạc công và nhà tiên tri, chiến binh và tên vô lại, tất cả các sinh thể của cái thực tại bất kham đó, chúng tôi chỉ cần có một ít trí tưởng tượng mà thôi, bởi vấn đề cốt tử của chúng tôi là thiếu những phương tiện thường tình để người ta có thể tin rằng cuộc sống của chúng tôi là có thật. Thưa các bạn, ấy là chiếc thập giá cô đơn của chúng tôi.
Và nếu những khó khăn đó, mà bản chất là của chung chúng ta, cản trở chúng tôi, thì thật dễ hiểu rằng các tài năng duy lý ở phía bên này của thế giới, những kẻ tự tán dương khi thưởng ngoạn nền văn hóa của chính mình, hẳn sẽ thấy mình chẳng có một phương tiện đúng đắn nào hầu diễn dịch chúng tôi. Điều thật tự nhiên là họ cứ khăng khăng đòi đo chúng tôi bằng cái thước đo họ dùng cho chính họ mà quên rằng những sự tàn hại đối với sự sống không phải ở người nào cũng như nhau, quên rằng sự tìm kiếm bản lai diện mục của chúng tôi cũng gian khổ và đẫm máu chẳng khác gì của họ.
Sự diễn dịch thực tại của chúng tôi bằng những hình mẫu không phải của chúng tôi chỉ khiến cho chúng tôi càng ít được biết hơn, càng ít tự do hơn, càng cô đơn hơn nữa. Châu Âu đáng kính hẳn sẽ sâu sắc hơn nếu nó cố gắng nhìn thấy chúng tôi trong quá khứ của chính nó. Giá như nó nhớ lại rằng London cũng đã mất ba trăm năm mới xây được bức tường thành đầu tiên của nó, lại thêm ba trăm năm nữa mới có được giám mục đầu tiên; rằng La Mã đã nhọc nhằn tiến lên trong cảnh âm u bất định trong suốt hai mươi thế kỷ, cho tới khi một vị vua Etrusque neo chặt nó vào lịch sử; và rằng xứ Thụy Sĩ bình an ngày nay, cái xứ sở thường khoản đãi chúng ta những món phó mát dịu và những chiếc đồng hồ vô cảm, chính nước Thụy Sĩ đó mới hồi thế kỷ mười sáu đã từng tắm máu châu Âu với tư cách lính đánh thuê. Ngay cả lúc cao trào thời Phục hưng, mười hai ngàn binh lính được các quân đội hoàng gia trả tiền thuê đã cướp bóc tàn phá thành Rome và chém chết tám ngàn cư dân thành phố.
Tôi không có ý làm hiện thân cho các ảo tưởng của Tonio Kröger, người mà giấc mơ của ông về việc hợp nhất một phương bắc tao nhã với một phương nam nồng nhiệt đã từng được ca ngợi nơi đây bởi Thomas Mann từ năm mươi ba măm trước. Nhưng tôi tin rằng những người châu Âu sáng suốt kia, những người mà cả ở đây nữa đang đấu tranh cho một xứ sở công chính hơn và nhân đạo hơn, có thể giúp chúng tôi tốt hơn nhiều nếu họ xem xét lại cách họ nhìn nhận chúng tôi. Sự đoàn kết với những giấc mơ của chúng tôi không làm chúng tôi thấy bớt cô đơn hơn chừng nào nó chưa được chuyển thành hành động cụ thể nhằm hỗ trợ một cách chính đáng cho tất cả những dân tộc đang mang ảo tưởng có một cuộc sống của riêng mình trong sự phân bổ thế giới.
Châu Mỹ la-tinh không muốn mà cũng chẳng có lý do gì để làm một con tốt hoàn toàn ngoài ý chí của chính mình; và cũng chẳng mơ tưởng hão rằng sự tìm kiếm độc lập của nó và cái độc đáo của nó nên trở thành một khát vọng kiểu phương Tây. Tuy nhiên, những tiến bộ hàng hải từng thu hẹp những khoảng cách lớn lao đến thế giữa châu Mỹ với châu Âu, ngược lại, dường như đã chỉ làm sâu sắc hơn sự xa cách về văn hóa giữa chúng ta. Tại sao tính độc đáo mà người ta sẵn sàng ban cho chúng tôi một cách dễ dàng đến thế trong văn chương thì lại bị khước từ khỏi chúng tôi một cách đầy ngờ vực đến thế trong những nỗ lực nhọc nhằn của chúng tôi nhằm thay đổi xã hội? Tại sao lại nghĩ rằng công bằng xã hội mà những người châu Âu tiến bộ từng mưu cầu cho đất nước họ lại không thể cũng là một mục đích cho châu Mỹ la-tinh, với những phương pháp khác cho [phù hợp với] những hoàn cảnh không giống vậy?
Không: bạo lực và nỗi đau vô hạn của lịch sử chúng tôi là kết quả của những sự bất công từ rất lâu đời và nỗi đắng cay chưa hề được kể, chứ không phải một âm mưu được bày ra cách quê hương chúng tôi ba ngàn hải lý. Nhưng nhiều nhà lãnh đạo và nhà tư tưởng châu Âu đã từng nghĩ như vậy, với sự ngây thơ của những người cổ lỗ đã quên mất sự quá đà đầy thành quả của tuổi trẻ mình như thể [người ta] không thể nào tìm được một số phận nào khác hơn là phải sống dưới quyền sinh sát của hai ông chủ lớn của thế giới. Điều này, thưa các bạn, chính là thước đo nỗi cô đơn của chúng tôi.
Dẫu vậy, trước sự áp bức, cướp bóc và ruồng bỏ, chúng tôi đáp lại bằng sự sống. Cả lụt lội lẫn bệnh dịch, nạn đói lẫn thảm họa, thậm chí cả những trận chiến tranh triền miên từ thế kỷ này sang thế kỷ kia, thảy đều không khuất phục nổi sự ưu thắng bền bỉ của sự sống trước cái chết. Một sự ưu thắng ngày càng lớn hơn và ngày một nhanh hơn: mỗi năm, số trẻ sinh ra cao hơn số người chết bảy mươi bốn triệu, một con số những cuộc đời mới mỗi năm, đông gấp bảy lần dân số New York. Hầu hết những trẻ đó sinh ra ở những nước kém tài nguyên nhất, trong đó dĩ nhiên có những nước Mỹ la-tinh. Ngược lại, những nước phồn thịnh nhất đã thành công trong việc tích lũy những sức mạnh phá hủy để hủy diệt một trăm lần không chỉ toàn bộ những con người còn tồn tại đến ngày nay mà còn toàn bộ các sinh thể từng hít thở trên hành tinh bất hạnh này.
Vào một ngày như hôm nay, bậc thầy William Faulkner của tôi đã nói: “Tôi khước từ chấp nhận chung cục của con người.” Tôi sẽ không xứng đáng đứng ở nơi vốn dĩ là chỗ của ông nếu như tôi không biết một cách trọn vẹn rằng tấn bi kịch khổng lồ mà ông từng khước từ thừa nhận từ ba mươi hai năm trước thì giờ đây, lần đầu tiên từ buổi đầu nhân loại, chỉ còn không gì hơn là một khả năng khoa học.
Đối mặt với cái thực tại đáng sợ này, cái thực tại mà ắt hẳn đã luôn luôn dường như chỉ là một thứ không tưởng trong suốt lịch sử nhân loại, chúng tôi, những kẻ phát minh ra chuyện kể, những kẻ sẽ tin mọi thứ, cảm thấy mình có quyền tin rằng vẫn còn chưa quá muộn để dấn mình sáng tạo một thứ không tưởng ngược lại. Một thứ không tưởng mới và toàn thắng của sự sống, nơi không ai còn có thể quyết định chuyện người khác chết ra sao, nơi mà tình yêu sẽ chứng tỏ là có thật và hạnh phúc là có thể, nơi mà những chủng tộc bị kết án trăm năm cô đơn rốt cuộc sẽ có và mãi mãi có một cơ hội thứ hai trên mặt đất này.
-
Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ tiếng Anh
[i] Khoảng 45 kg.