(VietNamNet) - Sau 3 tháng phát động thi, Sở VHTT và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã chọn được 3 phương án kiến trúc Bảo tàng Hà Nội (BTHN) để trưng bày lấy ý kiến các nhà chuyên môn và nhân dân. Phòng trưng bày khai mạc sáng nay, 10/10, và sẽ mở cửa đến hết ngày 15/10.
Bảo tàng Hà Nội được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 54.000m2, nằm trong khu vực xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, HN). Cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình BTHN được phát động ngày 20/6/2005, thời gian nhận tác phẩm khá gấp rút theo nhận xét của nhiều người trong cuộc, là 3 tháng. Tổng số phương án tham gia dự thi là 13, gồm 5 đơn vị nước ngoài. (Trong số 3 phương án được tuyển chọn trưng bày hôm nay thì đã có 2 là của nước ngoài).
Yêu cầu mà "đề bài" đưa ra về quy mô là công trình có diện tích xây dựng dự kiến khoảng 8000-8500m2, với tổng diện tích sàn là 30.000m2, khu trưng bày ngoài trời và sân vườn chiếm 25.000m2. Kiến trúc công trình hiện đại, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và đặc thù Thăng Long -HN; về cụ thể, công trình phải phù hợp với quy hoạch chung của khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia và phải đáp ứng công năng sử dụng là bảo tàng của văn hoá Hà Nội.
Theo phương án PA-01 (tác giả là nhóm KTS người Đức): Công trình chính là một toà nhà 4 tầng, được thiết kế theo dạng hình bậc thang (mỗi tầng trên vươn ra mặt ngoài khoảng 5m so với tầng kề dưới), tạo cảm giác bảo tàng như được treo lơ lửng. Một hồ nước hình vuông rộng lớn ở mặt trước, mà dụng ý của tác giả là tạo ra tấm gương phản chiếu, nhất là hiệu ứng ánh sáng về đêm.
Phương án PA-01: công trình nhìn từ phía trước |
Tầng 2&3 ưu tiên các triển lãm với 4 khu triển lãm theo chủ đề; phần còn lại là khu vực triển lãm theo định kỳ và các triển lãm nhỏ cho nhiều chủ đề khác nhau. Thông giữa 4 tầng nhà là một giếng trời ở vị trí trung tâm. Các không gian thông tầng khác không ở trung tâm được thiết kế chạy suốt các tầng dành để trưng bày những hiện vật có kích thước đồ sộ. Lầu 4 là nơi đặt nhà kho, phòng bảo quản, phòng nghiên cứu, thư viện...
Phần trưng bày ngoài trời của bảo tàng theo phương án 01 được bố trí nhiều mặt bằng khác nhau để trưng bày các hiện vật, những kỹ nghệ thủ công truyền thống của làng xã của người Hà Nội xưa. Tất cả các bố cục này được trang trí bởi công cụ là nước.
Phương án PA-07 (do KTS người Pháp thiết kế): Khơi nguồn của phương án này là ý tưởng "Hà Nội được hình thành là kết quả của sự cân bằng mỏng manh giữa đất và nước", và mối quan hệ giữa tự nhiên và con người là một trong những nền tảng cơ bản của văn hoá Việt nói chung và mảnh đất HN thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nói riêng... Điểm dễ nhận thấy của phương án thiết kế này là đặt công trình trên một cao độ, nhằm khẳng định bóng dáng đặc biệt của BTHN giữa một khu vực đầy những công trình lắp ghép về kiến trúc, đa dạng về phong cách thiết kế của một khu vực đang chuyển mình nhanh chóng là khu cửa ngõ phía Tây Nam HN.
PA-07 |
Công trình được chia thành 2 khối riêng biệt. Một bên dành hoàn toàn làm không gian trưng bày. Khối còn lại làm nơi quản lý, điều hành. Hai khối này nối với nhau bằng một không gian ngầm bao gồm đại sảnh, phòng trưng bày không thường xuyên, quầy lưu niệm và khu phục chế hiện vật.
Hiện vật được trưng bày theo trật tự thời gian tăng hoặc giảm dần, hoặc đi ngược dòng lịch sử hoặc theo đúng tiến trình tự nhiên. Công trình gồm 2 lối vào chính. Có một thác nước lớn đối diện công viên, dùng làm một phương tiện lọc sáng và phản chiếu khung cảnh thiên nhiên...
Phương án PA-09 (tác giả là KTS người Việt): Cảm hứng cho phương án này là ý tưởng về một công trình "tự nhiên như hoa, trổ ra từ đất và nước", diễn đạt một HN "tĩnh tại và sống động, thanh lịch và dũng cảm - Một HN vì hoà bình và trẻ em". Tác giả cố gắng đưa vào trong kiến trúc công trình bóng dáng của tất cả các thời kỳ Cổ Loa - Thăng Long - Đông Đô - HN. Nơi trưng bày chính (theo tiến trình lịch sử) gồm toà nhà ở giữa "gợi đường nét của thành Cổ Loa xưa, được hoá thân thành Cánh chim tự do - Hoà bình" và hai khối kế bên. Các khối bảo tàng đều được đặt trên nền nước với lý giải là nhằm giảm chi phí về điều hoà, tạo ra khung cảnh ánh sáng lộng lẫy về đêm, tạo ra môi trường thông gió tự nhiên cho bảo tàng.
PA-09 |
Đây là phương án nhấn mạnh nhất đến khu trưng bày ngoài trời. Toàn bộ khu ngoài trời được đặt chìm vài mét so với mặt đất, ở đó tái hiện khu khai quật Ba Đình (18 Hoàng Diệu), phố cổ Hà Nội,... Cây xanh rất dày. Nhóm tác giả giải thích, họ chủ ý để nếu nhìn từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia, hình ảnh bảo tàng sẽ rất khiêm tốn và như vậy nó làm thành "một phần không thể tách rời và làm sang trọng cho Trung tâm Hội nghị Quốc gia".
Người dân muốn bày tỏ ý kiến đánh giá về các mẫu kiến trúc có thể ghi vào phiếu hoặc sổ góp ý của BTC. Lãnh đạo TP sẽ xem xét và quyết định lựa chọn một phương án duy nhất.
-
D.Huyền
-
Ảnh: Phạm Hải
Theo bạn nên chọn phương án nào? Tại sao?