(VietNamNet) - Ba phương án được đưa ra liệu có đến nỗi phải so bó đũa mới chọn được một cột cờ? Ưu nhược điểm của từng phương án? Liệu chúng ta có thể làm tốt hơn được không? Những người trong giới kiến trúc và bảo tàng chia sẻ cảm nhận riêng của họ với VietNamNet về các phương án này.
Bảo tàng Hà Nội, một đại diện tiêu biểu cho "bộ mặt" của nền văn hoá Hà Nội trước cả nước và thế giới, sau rất nhiều năm mang hàng nghìn hiện vật của mình lang thang đi "ở trọ", tới nay đã sắp được thay đổi vận mệnh với việc xây một trụ sở riêng. Không chỉ với vai trò của mình, lịch sử long đong của bảo tàng này càng khiến dư luận quan tâm khi các phương án kiến trúc cho trụ sở bảo tàng được đưa ra trưng bày chọn lựa bắt đầu từ 10/10.
GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc (Bộ Xây dựng): Đợt thi có 13 phương án tham gia, trong đó có 3 phương án bị phạm quy. Như vậy thực chất chỉ còn lại có 10 phương án, nếu so với đợt thi kiến trúc Trung tâm Hội nghị Quốc gia (khoảng 25 tác phẩm) thì về số lượng đã ít hơn mà về chất lượng lại không được hài lòng. Nhìn chung, trừ khoảng 4-5 tác phẩm có ý tưởng tốt, còn lại đều chưa cho thấy sự dồn tâm dồn sức của các tác giả, nhiều mẫu xem xong không để lại ấn tượng gì.
PA- 01 |
Theo tôi,
phương án PA-01 có các ưu điểm sau. Một là nó cho thấy tác giả tính toán về quy hoạch rất tốt, từ hình thức, sân vườn đến tổng quan thể hiện sự hài hoà ăn nhập rất cao với cảnh quan chung của cả khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia (tổng diện tích 60 ha). Hai là, công trình có tính hiện đại cao, tầng 1 để rất thoáng, không che lấp tầm nhìn cũng như không tạo cảm giác bức bối. Tạo được sự hài hoà giữa công trình với tự nhiên.Nhược điểm của PA-01 trước hết ở chỗ, mỗi tầng cao chỉ có 4m, nhưng rộng hàng mấy trăm mét (diện tích mỗi tầng lên tới khoảng 8.000 đến 10.000 m2), chắc chắn sẽ gây nên cảm giác là trần nhà quá thấp, bức bối. Điểm yếu thứ hai, toà nhà thiết kế các hình khối giật ngược chồng lên nhau, là kiến trúc phổ biến vào những thập kỉ 1970-1980. Lối thiết kế này tôi đi các nước thấy có rất nhiều, nên nhìn phương án này có cảm giác như lắp ghép, sao chép. Điểm thứ ba khó có thể tha thứ, đó là nhìn công trình không thấy có một tí gì gọi là gợi liên tưởng tới Thăng Long hay Hà Nội. Nó không có đặc trưng riêng của Hà Nội, trong khi tôi cho rằng đây là một trong những yêu cầu tối quan trọng. Nếu đưa ra một mẫu kiến trúc chung chung, dùng cho bảo tàng nào, ở nước nào cũng được, thì chưa nói đến lương tâm nghề nghiệp không chấp nhận nổi, mà sợ rằng người dân cũng sẽ phản ứng.
PA-09 là phương án có một ý tưởng thú vị, tức là đưa phần trưng bày ngoài trời xuống cốt âm, tạo thành khoảng ‘âm’, trưng bày những thứ của quá khứ, và có sự chuyển dần từ ‘âm’ sang ‘dương’, sự nối kết giữa quá khứ và hiện tại rất rõ nét mà những người nghiên cứu lịch sử nhìn vào có thể thấy ngay… Phần chìm xuống làm bớt đi cảm giác về các khối đồ sộ lấn át Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Rõ ràng thế nào đi nữa thì trong một quần thể công viên như vậy, Trung tâm Hội nghị cũng vẫn phải là công trình chủ đạo. Do vậy đây tạo thành một ưu điểm rõ nét của phương án 09. Ưu điểm thứ ba, cách bố trí bảo tàng ngoài trời đó là một xu hướng hiện đại của bảo tàng thế giới. Ưu điểm cuối và đáng kể nhất là thiết kể thể hiện được đặc trưng của văn hoá Hà Nội, khá đậm nét với những khu trưng bày về phố cổ, về Hoàng thành Thăng Long, tái hiện hình ảnh thành Cổ Loa.
Tuy nhiên, ý tưởng có phần thú vị song cảm giác chúng chưa được sắp xếp một cách thật là khúc chiết, nên xem ra có phần rối rắm, rườm rà, cần phải chau chuốt nhiều. Khó chịu nhất là cái khối nhà trưng bày chính bị kẹp giữa hai khối nhà trưng bày và lưu trữ, tạo cảm giác khó chịu như người bị đeo gông. Về mặt không gian nó phá hỏng cả cái thế mềm mại tự nhiên của hình ảnh Cổ Loa. Thêm vào đó, hình ảnh mô phỏng thành Cổ Loa có vẻ nệ thực quá, cần phải cách điệu hơn nữa.
PA - 09 |
Phương án PA-07 dung hoà được hai hướng, không đến nỗi để lại ít ấn tượng như PA-01 mà cũng không quá nặng về ý tưởng như PA-09. Phương án này có ý tưởng là tạo nên một quả đồi và đặt cả toà bảo tàng hai tầng nằm chìm một phần trong đó. Như vậy riêng cảnh quan đã tạo được sự phong phú sinh động, và bước đến phạm vi bảo tàng đã thấy có ấn tượng đặc biệt so với cả 64 ha toàn khu vực; thêm vào đó vì toà nhà chìm một phần trong quả đồi nên nhìn xa chỉ thấy như một đồi cỏ, không gây ra cảm giác nó lấn át toà nhà Hội nghị Quốc gia.
Ông Đặng Kim Ngọc, GĐ bảo tàng Hà Nội:
Tôi thích PA-09! "PA-09 hơi rối rắm và khó hiện thực, song tôi thích phương án này, nó có vẻ đặc trưng của Thăng Long Hà Nội". |
Tôi thích cái cách công trình tách thành hai khối riêng biệt, vì như vậy giảm bớt độ lớn tập trung vào thành một khối, và phần nào để nó không tranh chấp với công trình Hội nghị Quốc gia.
Nhược điểm của phương án này là trục chính bao gồm lối vào toà nhà không được xử lý tốt. Người ta dễ lầm tưởng trục chính là trục phụ, còn trục phụ - là trục chạy theo sảnh, chạy dọc công trình, mái trước có một cái cầu thang thoát hiểm gây cho người ta cảm giác lầm tưởng đấy mới là trục chính và chỗ cầu thang đó mới là lối vào. Nghĩa là chỗ cần phải thu hút sự chú ý thì lại không xử lý được để hấp dẫn được.
Thứ hai, kiến trúc của cái này nghĩ cho cùng cũng không chê mà cũng chẳng khen được, nó vô thưởng vô phạt không gây được ấn tượng gì lớn và nhất là nó không nói lên được dấu ấn gì của Thăng Long. Có thể nói, về cấu trúc, phương án này về chặt chẽ hợp lý tới mức có thể đem xây ngay được (tất nhiên sau một vài chỉnh sửa, chẳng hạn như xử lý làm sao để trục chính tạo thu hút sự chú ý hơn); nhưng mà xây để sử dụng làm bảo tàng chung chung thì được, chứ sử dụng làm bảo tàng Thăng Long Hà Nội thì tôi thấy cũng không thuận lắm.
Tóm lại, cá nhân tôi nghiêng về phương án PA-09 và cho rằng có thể chỉnh sửa phương án này để trở thành phương án dễ tiếp cận nhất với mong muốn của chúng ta. PA-09 không trùng lặp với bất cứ bảo tàng nào trên thế giới, nó lại có lợi thế về những đường tự nhiên mềm mại, bổ trợ và tôn thêm khối vuông vức của toà nhà Hội nghị Quốc gia
PA-07 |
PGS.TS Trần Xuân Đỉnh, Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc - Trường ĐH Kiến trúc: PA-01 đáp ứng được yêu cầu của một bảo tàng về nội dung sử dụng, công năng, hai nữa là phù hợp với quy hoạch tổng mặt bằng đã được duyệt; ba nữa là về kiến trúc, nó có hình khối, đường nét tương đối độc đáo, nhờ có hình dáng kết cấu của vật liệu là thép nên kiến trúc nhẹ nhàng, gây được cảm nhận khi khách tham quan đến đứng ở bên dưới là được che chở và gần gũi. Tầng trệt lại hầu như bỏ trống là nơi có khả năng bao quát tầm nhìn được cảnh quan xung quanh nhất là Trung tâm Hội nghị Quốc gia và khu sân vườn phía ngoài, điều này sẽ hấp dẫn khách hơn. Kiến trúc của nó không lấn át, không 'tranh chấp' với công trình chủ đạo trong khu vực này là Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Kiến trúc khá hiện đại. Nhược điểm của nó là sử dụng kính hơi nhiều, nhưng tôi cũng thấy là rất nhiều kiến trúc bảo tàng xây dựng từ khoảng những năm 1985 trở lại đây dùng nhiều kính. Tuy thế giả thử phương án này được chọn thì nó có khả năng hiện thực và khiếm khuyết của nó có thể khắc phục được trong chừng mực nào đó.
Phương án PA-07 đưa công trình 2 tầng vào ngầm, gần như giấu bảo tàng vào trong một quả đồi nhân tạo, chúng tôi đánh giá ý tưởng này là độc đáo ở chỗ tạo ra một môi trường nhân tạo nhưng hoà hợp với cảnh quan thiên nhiên. Ưu điểm đáng kể là phương án dễ hiện thực. Nhược điểm là kiến trúc của nó thông thường quá, kết cấu bê tông cốt thép, thậm chí có mặt hơi khô. Lại không có dấu ấn gì đặc biệt của Thăng Long Hà Nội. Chưa kể trục đối xứng của nó lại nằm ngang song song với đường vành đai 3 mà lại không đi qua sảnh nên người ta dễ bị cảm giác nhầm đấy là trục phụ.
Phương án PA-09 có một ý tưởng đầu não là phân khu ngoài trời hạ cốt xuống, trên đó mô phỏng các kiến trúc cũ truyền thống của HN gây một cảm nhận là độc đáo, tò mò. Còn khối chính là một hình xoáy trôn ốc, mô phỏng thành Cổ Loa, kẹp hai bên là khối nhà nghiệp vụ và lưu trữ. Về công năng sử dụng, thiết kế tỏ ra phù hợp. Tuy nhiên nhược điểm là khả năng hiện thực của nó khó, phức tạp và sa đà vào chi tiết nhiều quá nên kiến trúc nó bị vụn, kém tính hoành tráng, có ý nhưng mà chưa làm rõ được. Hai khối kẹp hai bên toà nhà trưng bày còn tạo cảm giác khó chịu, bức bối. Ý tưởng hạ cốt là độc đáo nhưng nhiều ý kiến cũng cho là thật ra cũng không khác gì khu khai quật của Hoàng thành Thăng Long cả nên cũng chưa phải là hay lắm. Hội đồng đánh giá nó chỉ được 8/15 phiếu là cũng có lý. Tức là tính hiện thực của nó chưa rõ. Cao phiếu nhất là phương án 01, 13/15 phiếu, và PA-07 chiếm 10/15 phiếu.
-
D.Huyền (ghi)
Ý kiến của bạn?