(VietNamNet) - Từ 15-17/2 tại Hà Nội, Cục Di sản văn hoá phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức hội thảo "Một số kinh nghiệm thực tiễn trong bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể (DSVHPVT) tại Việt Nam". Đây là động thái mở đường cho Công ước Bảo vệ DSVHPVT của UNESCO bắt đầu có hiệu lực đối với nước ta từ tháng 4 tới.
Thời gian qua, nhiều dự án về DSVHPVT đã gây được dấu ấn nhất định. Đáng chú ý là việc Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật TP.HCM thí điểm đưa Giáo dục âm nhạc truyền thống vào bậc tiểu học, với sự giảng dạy trực tiếp (theo phương thức truyền ngón nghề) của GS.TS Trần Văn Khê. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ năm 2003 đều đặn mở các lớp học hè dạy làm gốm Phù Lãng thông qua dự án Nghề thủ công truyền thống như một cánh cửa tạo cơ hội việc làm cho trẻ em nghèo.
Thông qua việc trình bày kết quả của một số dự án bước đầu, người ta hy vọng tìm ra hướng đi đúng nhất để lên kế hoạch cho các dự án tiếp theo.
Nhiều nghề thủ công truyền thống khác cũng được quan tâm: Nghiên cứu thí điểm về nghề gò đồng ở làng Đại Bái-Bắc Ninh; khôi phục nghề dệt truyền thống của dân tộc H'rê tại huyện Ba Tơ-Quảng Ngãi v.v..
Đặc biệt, Hát Dô đã được bảo tồn và phát huy tại xã Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Tây) sau khi tưởng như đã mất hết hy vọng kể từ lần biểu diễn cuối cùng năm 1926. Tại huyện An Nhơn - Bình Định, lễ hội Đổ Giàn bắt đầu được khôi phục kể từ mùa lễ năm 2005. Đây là một nét văn hoá bản địa có sự giao thoa giữa cộng đồng người Việt và người Hoa ở đây, thể hiện tinh thần thượng võ, cầu yên lành, phồn thịnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá thông tin), nhiều dự án điều tra, sưu tầm các DSVHPVT vẫn hạn chế. Cần có sự phối hợp liên ngành và trao đổi kinh nghiệm giữa những đơn vị thực hiện dự án. Đặc biệt, vai trò của cộng đồng cư dân địa phương với tư cách là chủ thể sáng tạo và giữ gìn di sản cần được coi trọng đúng mức.
Ngoài một số ít được quan tâm, còn lại rất nhiều DSVHPVT đang nhanh chóng bị mai một trong cơn lốc toàn cầu hoá. Rõ ràng, con đường phía trước của chúng ta còn dài và việc trở thành thành viên thứ 23 trên thế giới phê chuẩn Công ước Bảo vệ DSVHPVT của UNESCO là một động thái sáng suốt.
-
Đ.H