(VietNamNet)- Tự cổ chí kim, lịch âm hay còn gọi là lịch mặt trăng luôn đóng vai trò quyết định trong đời sống người dân nhưng đâu là lịch âm chuẩn mang tính thống nhất trên toàn quốc? Trước thềm vụ lịch 2006, chúng tôi có buổi trao đổi với ông Trịnh Tiến Điều, Trưởng Ban lịch Nhà nước để làm rõ cách thức Việt hoá lịch âm gốc Trung Hoa.
Thưa ông, sự kiện “vênh” ngày của lịch tờ vừa qua đã gây nhiều thắc mắc cho người dân. Liệu lịch block năm 2007 có gì thay đổi không?
- Vẫn không có gì thay đổi, lịch block năm 2007 các NXB đều lấy số liệu tại Ban lịch Nhà nước.
Các tiết như: Đại Hàn, Đại Thử; Sương Giáng, Tiểu Tuyết, Đại Tuyết… đều xuất phát từ lịch Trung Quốc, để đưa các tiết đó sang lịch Việt Nam, có sự thay đổi hay giữ nguyên?
- Các tiết như Sương Giáng, Tiểu Tuyết, Đại Tuyết, Đại Hàn, Tiểu Hàn… đều được Việt hoá. Ví dụ như: Đại Thử nghĩa là nắng to, nhưng Việt hoá sang lịch ta là nắng nực; Đại Tuyết, Tiểu Tuyết được Việt hoá là hanh heo và khô úa (Vì thời gian này ở miền Bắc Việt Nam hãn hữu lắm với có tuyết, ở miền Nam thì hoàn toàn không có, mà thời điểm này tại Việt Nam đang là mùa lá rụng). Hoặc là tiết Tiểu Mãn là lúa kết hạt, nhưng Việt Nam không lấy từ Tiểu Mãn mà thời gian này rơi vào mùa lũ, nên chuyển là tiết lũ sớm. Thật ra, lịch âm tại Trung Quốc bây giờ chỉ giữ lại trong sinh hoạt văn hoá dân gian, còn ở Nhật Bản họ hầu như bỏ lịch âm rồi.
Lịch block của ta đã Việt hoá rất nhiều. Việt hoá trước tiên là thứ: Lịch Trung Quốc là thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, tinh kỷ nhật. Còn lịch Việt Nam là thứ 2 ngày đầu tuần, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bẩy và Chủ Nhật). Việt hoá về tháng: Tháng Nhất của Trung Quốc mình gọi là Tháng Giêng. Trung Quốc có Tháng cồng chiêng còn mình có Tháng Chạp. Tóm lại, suốt 20 năm qua, chúng tôi luôn yêu cầu các NXB tăng cường hơn nữa sự Việt hoá ngôn ngữ lịch từ miền Nam đến miền Bắc, để người dân sử dụng dễ hơn, nhưng bên cạnh đó vẫn để lại những từ Hán quen thuộc với dân ta, như là Đại Hàn (rét lớn) hay Tiểu Hàn (rét nhỏ).
Có sự chênh lệch về thời gian ở các tiết Trung Quốc và Việt Nam, vậy để hợp hoá thời gian sao cho đúng và chuẩn về các tiết trong năm?
- Chúng tôi tính tiết theo Việt Nam và Việt hoá từ nội dung đến hình thức, về cả thời điểm của tiết chênh nhau cũng tính lại theo múi giờ Việt Nam. Tất cả đều tính theo giờ chuẩn của Việt Nam và cũng kêu gọi tất cả các NXB có thêm sự sáng tạo để thích hợp với nhân dân.
Vậy những tiết do người Trung Hoa tính theo ngày giỗ của một nhân vật lịch sử như tiết Hàn thực (ngày 3/3 lịch âm Trung Hoa) thì Việt hóa bằng cách nào?
- Thật ra, chữ "Hàn" ở đây là ăn đồ lạnh. Ngày 3/3 của Trung Quốc cũng có tục ăn bánh trôi bánh chay, nhưng bản thân người Việt ta mỗi tháng cũng có một tết từ tiết khí mà ra. Ví dụ, như 1/1 là Nguyên đán, 3/3 là Ngày Bánh trôi bánh chay, ngày 4/4 là Cầu mưa (lễ Cầu mưa này không theo Trung Quốc), ngày 5/5 là lễ Lập hạ. Người Việt Nam mình không nhắc đến tích Giới Tử Thôi hay Khuất Nguyên nữa bởi lẽ bản thân dân tộc mình mỗi tháng cũng có một tết rồi.
Theo ông, lịch âm có còn cần thiết với đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam hay không?
- Nhiều nước đã bỏ lịch âm, nhưng Việt Nam cụ thể đến giờ là chưa bỏ. Ngay như Trung Quốc đông dân như vậy họ để lịch âm chỉ cho sinh hoạt văn hoá dân gian mà thôi. Nhưng cái được nhất của lịch âm là tính được thuỷ triều và có ánh trăng thơ mộng.
Xin cảm ơn ông.
-
Từ Nữ Triệu Vương (Thực hiện)
> Kỳ sau: Lịch bloc 2007: Tự do hay cá lớn nuốt cá bé?
Khi cần tra cứu lịch để tiến hành những công việc quan trọng như động thổ, mở cửa hàng, cất thượng lương, ma chay, cưới hỏi v.v., bạn dùng lịch nào? Tại sao? Quan điểm của bạn về việc Việt hoá tiết lịch theo guồng quay của đời sống người Việt?